Dịch cúm A diễn biến phức tạp trên toàn cầu
Cảnh tượng các trường học đóng cửa hàng loạt đã quay lại ở Mỹ, lần này không phải do Covid-19 mà là dịch cúm đang diễn tiến nghiêm trọng. Mùa cúm 2024–2025 tại nước này chứng kiến số người mắc bệnh gia tăng và đến nay vẫn chưa thấy đỉnh dịch…
![Ảnh minh họa.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/10/cum-a.jpg)
Trong tuần qua, không ít trường học và thậm chí cả học khu thông báo đóng cửa ở ít nhất 10 tiểu bang, bao gồm Texas, Ohio, Oklahoma, Georgia, Virginia, Tennessee… Theo ước tính của CDC, Mỹ đã ghi nhận ít nhất 24 triệu người bị cúm, 310.000 ca nhập viện và 13.000 người chết trong mùa dịch lần này.
Theo NBC News, trên nước Mỹ, tỷ lệ phát hiện cúm hiện tăng lên 31% từ mức 18% trong giữa tháng 1. CDC cho biết ít nhất 43 tiểu bang và vùng thủ đô Washington hiện ghi nhận hoạt động cúm "rất cao" hoặc "cao". "Điều chúng tôi lo lắng nhất là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn đến từ bệnh cúm và khiến bệnh rất nặng", TODAY.com dẫn lời bác sĩ Jason Newland, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng toàn quốc ở thành phố Columbus (bang Ohio).
VIRUS CÚM CÓ VẺ NGUY HIỂM HƠN
Cùng lúc, Mỹ cũng chứng kiến sự quay lại của các đợt nhiễm norovirus, Covid-19 và RSV (virus hợp bào hô hấp), với một số chuyên gia y tế gọi đây là "bộ tứ dịch bệnh". "Chúng ta đang chứng kiến các đợt sóng dịch đầy thách thức", theo cảnh báo của bác sĩ Torey Mack, Giám đốc Y tế của Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng Mỹ đại diện cho hơn 200 bệnh viện trên toàn quốc.
Còn bác sĩ William Schaffner, giáo sư bệnh truyền nhiễm của Trường Y Đại học Vanderbilt tại Nashville (bang Tennessee), cho biết nước Mỹ đang trải qua mùa cúm nghiêm trọng, kéo dài và chứng kiến nhiều trường hợp nhập viện. Số ca cúm vẫn chưa giảm, nên dịch cúm vẫn trong giai đoạn hoành hành và chưa đến đỉnh dịch. CDC khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa cho lứa tuổi từ 6 tháng trở lên, và vaccine cung cấp phòng vệ đối với cúm A và cúm B.
![Những trường hợp nhập viện và cấp cứu liên quan đến cúm ở Mỹ đang tăng vọt.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/10/my.png)
Tại châu Âu, số ca mắc bệnh cúm gia tăng đang khiến hệ thống y tế Bỉ rơi vào tình trạng báo động. Số lượt khám vì các triệu chứng giống cúm trong tuần này đã tăng gấp đôi so với đỉnh điểm của mùa cúm trước. Các chuyên gia y tế gọi đây là đại dịch cúm tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19. Các bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng quá tải. Tỷ lệ nhập viện do cúm là 6,6/100.000 dân. Đáng lo ngại, virus cúm năm nay có vẻ nguy hiểm hơn. Theo một bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Đại học Saint-Luc ở Brussels, bệnh nhân thường cần phải điều trị từ 5 đến 6 ngày.
Tại Anh, chính phủ vừa ban hành lệnh cấm "tập trung gia cầm" trên cả nước, nhằm ứng phó tình trạng lây lan dịch cúm tại "nhiều khu vực". Lệnh cấm có hiệu lực từ trưa 10/2 (giờ địa phương), theo tờ Daily Mail. Trước đó, giới chức Anh ghi nhận một bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm tại khu vực West Midlands, được cho là lây nhiễm từ một trang trại nơi người này tiếp xúc với nhiều gia cầm nhiễm bệnh.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, theo Đài Nippon, dịch cúm gia cầm lây lan nhanh kể từ đầu năm với 5,4 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong tháng 1. Về bệnh cúm nói chung, Nhật đang đối phó đợt dịch tồi tệ nhất trong 25 năm, với 317.812 ca được ghi nhận tại 5.000 cơ sở y tế trong tuần cuối năm 2024. Cũng tại Đông Bắc Á, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KDCA) cho hay tình hình cúm ở nước này vẫn xếp ở ngưỡng dịch bệnh, dù số ca bệnh giảm 4 tuần liên tiếp. Cụ thể, theo tờ The Korea Herald, tỷ lệ mắc cúm trong tuần cuối tháng 1 là 30,4 ca/1.000 bệnh nhân ngoại trú.
![Tình hình cúm ở Hàn Quốc vẫn xếp ở ngưỡng dịch bệnh.](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/02/10/han-2.png)
Theo CDC tại Đài Loan (Trung Quốc), trong tuần cuối tháng 1, số người tìm đến cơ sở y tế vì các triệu chứng giống cúm đã vượt mốc cao nhất trong vòng 10 mùa dịch gần đây. Nỗi lo dịch bệnh đã kích hoạt làn sóng người dân đổ xô đi tiêm ngừa. Trung tâm CDC Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, dịch cúm hiện đã bước vào giai đoạn bùng phát, và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong 1 - 2 tuần tới trước khi giảm dần.
KHÔNG HOANG MANG NHƯNG CẦN CẢNH GIÁC
Phát biểu tại cuộc họp báo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Trong những tuần gần đây, ngày càng có nhiều báo cáo về tình trạng nhập viện và áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là ở các vùng ôn đới của bán cầu bắc, nơi các bệnh về đường hô hấp bao gồm cả cúm cũng đang lưu hành. Chúng tôi xin nhắc lại tầm quan trọng của việc tiêm chủng, bao gồm cả liều tăng cường, để bảo vệ chống lại tình trạng nhập viện, bệnh nặng và tử vong. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi, những người mắc các bệnh lý nền và những người khác có nguy cơ cao”.
Ngày 9/2, Sở Y tế TP.HCM cho hay thành phố đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm. Hiện nay TP.HCM có 20 trường hợp cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện và chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.
![TP.HCM yêu cầu đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/10/cum2.jpg)
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm A, một trong số đó đang phải đặt ECMO. Nhiều trường hợp có bệnh nền nên bệnh tiến triển nhanh, biến chứng nặng. Theo bác sĩ Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính.
Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Có bệnh nhân tình trạng suy hô hấp tăng rất nhanh chỉ trong 2 - 3 ngày, khiến bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản trong thời gian ngắn.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng tiêm chủng ngừa cúm. Vaccine cần tiêm nhắc lại hàng năm.
![Who đã đưa ra khuyến cáo về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, bao gồm cả liều tăng cường, để bảo vệ chống lại tình trạng nhập viện, bệnh nặng và tử vong. ](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/10/cum.jpg)
Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình cúm mùa trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan; đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.