13:52 11/02/2025

Người dân cần có cái nhìn đúng về Tamiflu

Hoài Phương

Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm tại Việt Nam đã có sự gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024, nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Trong đó, các chủng virus cúm phổ biến là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước sự gia tăng của ca mắc cúm, nhiều người dân gần đây có tâm lý mua thuốc Tamiflu (thuốc kháng virus điều trị cúm). Trên các trang mạng xã hội, nhiều người cũng rao bán thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir là hàng nhập, hàng xách tay... với nhiều mức giá khác nhau. Điều này gây ra tâm lý hoang mang cho người dân, dẫn tới khả năng tích trữ không cần thiết, gây ra khan hiếm thị trường cung ứng cho người bệnh thật sự có nhu cầu.

Đại diện hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu cho biết, trước tình hình dịch bệnh cúm diễn biến phức tạp, số lượng khách hàng liên hệ tìm hiểu thông tin về thuốc Tamiflu tăng gấp 7 lần so với ngày thường. Song song đó, lượng người mua thuốc cũng tăng mạnh. Tương tự, đại diện Pharmacity chia sẻ, thời gian gần đây, số lượng khách hàng đến hệ thống nhà thuốc này mua thuốc điều trị cảm cúm tăng hơn 50%, trong đó có thuốc Tamiflu.

Dù nhu cầu tăng cao, các chuỗi nhà thuốc đều khẳng định không điều chỉnh giá các loại thuốc đặc trị cúm, nhằm đảm bảo người dân đều có thể mua được thuốc.

Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua Tamiflu, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đây là loại thuốc bán theo đơn và khẳng định các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir điều trị cúm hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung. Tuy nhiên, khuyến cáo người dân không tự ý mua và sử dụng loại thuốc này, tránh nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Tamiflu là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp.
Tamiflu là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp.

"Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 hộp. Sắp tới công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp cho nhu cầu sử dụng. Hiện nay trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên", đại diện Cục Quản lý dược cho hay.

Hiện nay Cục Quản lý dược công khai trên website giá bán buôn dự kiến thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Đại diện phòng quản lý kinh doanh dược nhấn mạnh các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo quy định với số tiền phạt từ 50 - 80 triệu đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Thực tế, nhiều người dân thời gian qua đã tự “truyền miệng” nhau rằng khi có triệu chứng, hãy ra hiệu thuốc mua que test cúm, nếu bị mắc cúm A thì chỉ cần mua ngay thuốc Tamiflu về uống, sau 1 hôm sẽ cắt sốt...

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý điều trị vì đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.

Một số tác dụng phụ đã được ghi nhận của thuốc Tamiflu.
Một số tác dụng phụ đã được ghi nhận của thuốc Tamiflu.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Tamiflu là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc kháng virus. Thuốc điều trị nào cũng có tác dụng phụ nên chỉ dùng Tamiflu trong những trường hợp cúm A và cúm A trên những cơ địa đặc biệt như bệnh nhân có nguy cơ tiến triển bệnh nặng (mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc suy giảm miễn dịch…).

Cùng chung nhận định, dược sĩ Dương Thị Ngọc Huyền, thành viên Hội đồng chuyên môn hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, cho biết chỉ nên sử dụng Tamiflu khi có sự chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

“Nếu bệnh nhân không mắc bệnh cúm mùa mà mắc bệnh khác tương tự cúm nhưng lại dùng Tamiflu thì có thể làm trì hoãn việc chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, khiến bệnh tình diễn biến xấu hơn,” dược sỹ Huyền nói.

“Đặc biệt ở trẻ em, thuốc Tamiflu thường dùng ở dạng bột pha hỗn dịch, tuy nhiên dạng bào chế này khá khan hiếm nên có tình trạng sử dụng thuốc viên (phổ biến trên thị trường) để thay thế, song việc này lại dẫn tới phân chia liều không chính xác theo cân nặng của trẻ.

Dù thuốc viên dễ tìm hơn nhưng nếu mua cũng rất khó sử dụng cho trẻ em vì liên quan đến một số bệnh nền và liều lượng tính theo cân nặng, cần phải được bác sĩ kê đơn, chỉnh liều và đồng thời hướng dẫn cách pha phân chia thuốc cho phù hợp.

Sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ dễ gây quá liều hoặc thiếu liều, từ đó dễ gây kháng thuốc, làm mất khả năng điều trị bệnh cúm mùa khi bệnh nhân tiến triển nặng,” dược sĩ Huyền nhấn mạnh. Ngoài ra, việc tích trữ thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng thuốc do không được bảo quản đúng cách. Do đó, các cơ sở y tế và nhà thuốc cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tư vấn và kiểm soát việc bán thuốc Tamiflu, tránh tình trạng lạm dụng thuốc.

Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.

Còn theo BS. Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều người bệnh có tâm lý dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc, nghĩ rằng các triệu chứng sẽ được đẩy lui nhanh chóng. Tuy nhiên, khi kết hợp nhiều loại thuốc như thuốc kháng virus, thuốc giảm đau, hạ sốt không theo chỉ định của bác sĩ vô tình có thể làm quá liều thuốc và gây ra một số tác dụng phụ cho cơ thể.

Tóm lại, Tamiflu (oseltamivir) là thuốc kháng virus chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A nặng hoặc có nguy cơ biến chứng. Đây là thuốc cần có đơn thuốc của bác sĩ, chỉ định trên các đối tượng người bệnh phù hợp, có triệu chứng nặng, đối với trẻ em cần điều chỉnh liều theo cân nặng. Việc tự ý dùng thuốc khi không cần thiết có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc, lãng phí thuốc hoặc lãng phí tiền bạc.

Đồng thời, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7 - 9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

 

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc cúm mùa, chưa có trường hợp tử vong. Tỉ lệ mắc cúm tăng cao sau Tết có thể do thời tiết mùa đông xuân thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong khi các bệnh này dễ lây lan ở nơi đông người trong đó có các điểm vui chơi, trường học, bệnh viện…