Xây dựng, bất động sản 2019: Tăng trưởng nhưng không nhiều đột biến
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản khó tiếp cận được nguồn vốn "tín dụng"
Cuối tuần qua, tại Tp.HCM, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức công bố Bảng xếp hạng top 10 công ty uy tín ngành xây dựng – bất động sản - vật liệu xây dựng. Tại buổi lễ, các chuyên gia của Vietnam Report nhận định, trong 2019, lĩnh vực này sẽ tiếp đà tăng trưởng nhưng không có nhiều đột biến như các năm trước.
Nhờ những nỗ lực cải cách để tăng trưởng và phát triển từ phía Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam năm 2018 đã có những dấu hiệu khởi sắc với mức GDP "kỷ lục" đạt 7,08%.
Góp phần vào bước tiến của thị trường
"Trong thành công này, không thể không nhắc đến bước tiến của thị trường xây dựng - bất động sản, đặc biệt là top 10 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giàu kinh nghiệm, có vị thế trong ngành. Ví như Delta Group - Tập đoàn xây dựng với gần 30 năm kinh nghiệm, luôn nằm trong top những thương hiệu uy tín và bền vững nhất của ngành này. Đây cũng là đơn vị tiên phong dẫn hướng công nghệ thi công tại Việt Nam bằng việc "chinh phục" hàng loạt các công trình cao và có tầng hầm sâu nhất Việt Nam như: Keangnam Hanoi Landmark, Lotte Center Hanoi, Bitexco Financial Tower...
Tương tự, Vinaconex qua 31 năm thành lập và phát triển cũng đã ghi dấu ấn ở khắp các công trình trên cả nước. Trong 2018, tổng công ty đã ký kết các hợp đồng xây lắp mới với giá trị trên 3.900 tỷ đồng, gồm: Sunrise Bay Đà Nẵng, gói thầu 14 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, các công trình Mapletree Bắc Ninh, Bình Dương, dự án Mikazuki Đà Nẵng, dự án 21 Lê Văn Lương, tòa nhà Viettel Quảng Ninh. Hiện tại tổng công ty đang tiếp tục thương thảo các hợp đồng mới có giá trị lớn..." – ông Phùng Hoàng Cơ, Phó Chủ tịch Vietnam Report cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ, năm 2018, thị trường xây dựng - bất động sản của Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố: Sự tăng trưởng GDP đầu người; gia tăng hoạt động sản xuất và bùng nổ du lịch; sự phát triển của chung cư giá tầm trung; gia tăng nhu cầu đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài; sự phát triển nhanh chóng của các thành phố ven biển...
Tuy nhiên, năm qua cũng chứng kiến nhiều sự kiện khiến giới đầu tư và kinh doanh bất động sản phải e dè. Đó là việc các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam và nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để đầu tư bất động sản làm gia tăng mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, thể hiện rõ nhất qua các cơn sốt đất nền và đất công nghiệp xảy ra tại Tp.HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng...
Song song với đó, chính quyền các địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác rà soát việc sử dụng các quỹ đất công và thanh tra việc giao đất tại các dự án lớn khiến vấn đề pháp lý dự án trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề phát sinh và thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi triển khai và vận hành dự án.
Ba nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường
Chính vì thế, Vietnam Report cho rằng, trong 2019 bên cạnh cơ hội thì các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể là: (1) Hiện tượng đầu cơ mạnh ở phân khúc đất nền tại nhiều khu vực khiến giá đất tăng "ảo"; (2) Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản khó tiếp cận được nguồn vốn "tín dụng"; (3) Rủi ro đến từ những biến động của kinh tế thế giới; (4) Một số chính sách cho các loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel còn rất hạn chế và chưa rõ ràng, minh bạch.
Cùng với 4 thách thức trên là 4 cơ hội song hành, bao gồm: (1) Nhu cầu về các dự án cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực đô thị được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 10 năm tới; (2) Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài; (3) Khung chính sách chặt chẽ và tăng tính an toàn hơn; (4) Các hiệp định thương mại tự do: EVFTA, CPTPP sẽ là động lực thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia tham gia nghiên cứu ngành của Vietnam Report cũng chỉ ra ba nhóm giải pháp chính đó để hỗ trợ tốt nhất cho thị trường bất động sản – xây dựng tăng trưởng bền vững, Nhà nước và các địa phương phải chủ động trong chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với chiến lược phát triển đô thị, coi chiến lược phát triển đô thị, phát triển bất động sản là một bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phải kiên định trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhất thể hóa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch sử dụng đất; phải có những chính sách đột phá trong các vấn đề như tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn, chỉnh trang và phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đô thị và có chính sách phù hợp phát triển các phân khúc nhà ở bình dân.
Với các doanh nghiệp, thay vì chỉ chú tâm đầu tư mở rộng thị phần thì cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu và uy tín của mình.