10:11 14/12/2022

Xây dựng thương hiệu riêng cho da giày trên thị trường Canada

Vũ Khuê

Để mở rộng thị phần, tăng tốc độ tăng trưởng kim ngạch vào Canada bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng...

Giày thể thao được tiêu thụ nhiều tại Canada.
Giày thể thao được tiêu thụ nhiều tại Canada.

Bộ Công Thương cho biết Canada là một thị trường lớn cả về sản xuất và tiêu thụ da giày. Hàng năm, nước này nhập khẩu trung bình từ 2-2,5 tỷ USD. Thị trường tiêu dùng da giày của Canada có quy mô khoảng 6 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đến 7-8 tỷ trong những năm tới.

TIỀM NĂNG NHƯNG CẠNH TRANH LỚN

Canada là nước được xếp hạng top 5 thị trường tiêu dùng nhiều sản phẩm giày dép nhất thế giới và top 13 thế giới về quy mô thị trường. Đến năm 2030, nhu cầu nhập khẩu giày dép của Canada ước tính có thể lên đến 2,7 tỷ USD/năm.

Canada tiêu dùng nhiều nhất là các loại giày dép có đế cao su, nhựa, da hoặc tổng hợp với phần trên làm bằng da, các loại giày dép có đế cao su, nhựa và phần trên làm bằng vật liệu tổng hợp, hoặc vải dệt và giày thể thao.

Tuy nhiên, theo tính toán Canada sẽ chỉ có thể tự cung cấp khoảng 10% cho nhu cầu nội địa và phải nhập khẩu đến 90%.

Năm 2021, Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều nhất vào Canada, với 734 triệu USD. Việt Nam đứng thứ hai với 543 triệu USD, Italia 247 triệu USD, Campuchia 133 triệu USD và Indonesia 89 triệu USD.

Dự kiến năm 2022, xuất khẩu da giày của Việt Nam vào thị trường Canada lần đầu tiên sẽ vượt mức 700 triệu USD, nghĩa là tăng gấp 3,5 lần so với cách đây 10 năm và gần 1,5 lần so với trước khi có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mặc dù vậy, mức độ cạnh tranh trên thị trường này cũng khá lớn. Theo TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, trong 10 nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Canada, đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam là Campuchia (được hưởng GST) và Indonesia (sắp ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện CEPA với Canada).

Ngoài ra, những đối thủ cạnh tranh trên thị trường Canada cùng phân khúc như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh cũng cho thấy Việt Nam khá yếu về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành.

Cụ thể, Ấn Độ và Bangladesh có thế mạnh về da thuộc và vật liệu tổng hợp. Indonesia, ngoài da giày còn có cao su, gỗ, sợi tổng hợp. Các nước này còn có công nghệ nhuộm, làm da giả và da thuộc trình độ cao. Các phụ liệu bằng sắt dùng trong giày dép cũng sẵn có, giúp kiến tạo năng lực thiết kế và tạo kiểu dáng mới.

Nói cách khác, chiến lược gia tăng kim ngạch dựa vào các đơn hàng gia công và dựa vào phân khúc thị trường trung cấp là khó khả thi vì Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Ở phân khúc cao cấp, các nhà sản xuất nội địa Canada tiếp tục chiếm giữ thị phần ổn định do nắm giữ kinh nghiệm thị trường cho các mặt hàng đặc chủng (giày đi tuyết, giày chơi thể thao mùa đông…) và nhờ ý thức ủng hộ các thương hiệu nội địa của người dân Canada.

Cũng trong phân khúc cao cấp, Việt Nam khó có năng lực vượt qua các đối thủ cạnh tranh như Italia, Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha, Đức… vì đây là những nước có truyền thống thuộc da và có công nghiệp phụ trợ để thực hiện các mặt hàng cao cấp (khoá móc, zip, lông thú…).

KHAI THÁC CÁC THỊ TRƯỜNG NGÁCH NHIỀU TIỀM NĂNG

TS. Trần Thu Quỳnh nhận định, tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần da giày của Việt Nam tại Canada cho thấy hiệu ứng tích cực của hiệp định mang lại. Tuy nhiên, để tốc độ tăng trưởng kim ngạch vào Canada bền vững và để mở rộng thị phần, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng.

Trung Quốc là ví dụ chuyển đổi thành công từ gia công cho các thương hiệu đa quốc gia sang chuyên môn hoá sản xuất giày dép giá rẻ, thời trang cho thế giới. Vì vậy, sau một giai đoạn sụt giảm tăng trưởng kim ngạch và thị phần, 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch cao tới 47% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số liệu của Việt Nam chỉ là 28,5%. So các nước cùng phân khúc, Việt Nam cũng là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch 9 tháng thấp nhất (mức trung bình là 39,7%).

Bên cạnh đó, sản xuất thương hiệu riêng của Việt Nam cần hướng vào phân khúc thu nhập trung bình thấp của giới trẻ, chịu khó thay đổi và sẵn sàng tiêu dùng vì đây vẫn còn là các thị trường ngách nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế vì đây vừa là cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà mua buôn để tìm kiếm các đơn hàng gia công, vừa là  cơ hội để mở rộng khả năng tham gia vào các phân khúc giày dép thời trang, giày dép đi biển, giày dép trẻ em và giày dép trong nhà…

Mặt khác, cũng có thể tính đến chuyên môn hoá vào các loại giày dép đặc chủng, giày dép bảo hộ, giày đồng phục công nghiệp (giày làm hầm lò, giày phòng cháy, giày làm nghề gỗ…) để có thị trường và thương hiệu riêng uy tín. Tránh phụ thuộc vào các đơn hàng gia công và các điều kiện của đối tác vì Việt Nam sẽ sớm không còn ưu thế về giá nhân công.

Người tiêu dùng Canada cũng rất quan tâm đến sản phẩm dán nhãn Eco, chứng nhận vật liệu (GOLS, FSC, Oeko-Tex 100, GOTS…) và khả năng tái chế của sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp da giày Việt Nam phải tích cực chuẩn hoá, đổi mới quy trình sản xuất, đồng thời cần chuẩn bị cả theo hướng tự động hoá, giảm hàm lượng nhân công trong sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.