09:07 09/07/2008

“Xây nhà máy lọc dầu không chỉ vì kinh tế”

Từ Nguyên

Việc xây dựng các nhà máy lọc dầu và tính hiệu quả của nó đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau

Lễ ra mắt dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), ngày 10/5 vừa qua.
Lễ ra mắt dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), ngày 10/5 vừa qua.
Việc xây dựng các nhà máy lọc dầu và tính hiệu quả của nó đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Trao đổi xung quanh vấn đề này với VnEconomy, bà Trần Thị Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) nhìn nhận việc quyết định xây dựng các nhà máy lọc dầu không đơn thuần chỉ vì mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội.

Bà nói:

- Trong những năm gần đây, do nhu cầu về tiêu thụ năng lượng ngày một tăng cao, công suất các nhà máy hiện có không đáp ứng đủ nên hiện nay trên thế giới đã quay lại chu kỳ xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy lọc dầu hiện có.

Minh chứng cho hiện tượng này là các nhà máy sản xuất thiết bị lọc dầu luôn trong tình trạng bị quá tải về các đơn đặt hàng. Vì vậy, nhiều nước không có hoặc có rất ít dầu thô như Nhật Bản, Singapore, Philippines, Thái Lan đều có từ 5 nhà máy trở lên.

Việc Petro Vietnam xây dựng tiếp hai nhà máy lọc dầu là nằm trong chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt và được xếp vào những dự án trọng điểm của Nhà nước là nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của thị trường nội địa. Nhu cầu này vào khoảng 18 triệu tấn vào năm 2010; 25 triệu tấn vào năm 2015; 37 triệu tấn vào năm 2020 và 48 triệu tấn vào năm 2025.

Bên cạnh đó, việc Petro Vietnam quyết tâm xây dựng các nhà máy lọc dầu là thể hiện trách nhiệm đối với đất nước, đó là nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực, phòng tránh những bất lợi trong trường hợp bị bao vây, cô lập về năng lượng, kinh tế... cũng như tạo đà để phát triển kinh tế vùng miền, quốc gia.

Nói tóm lại, việc quyết định xây dựng các nhà máy lọc dầu không đơn thuần chỉ vì mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, việc các nước châu Á đua nhau xây dựng nhà máy lọc dầu là nhằm mục đích chiếm chỗ và gây ảnh hưởng trong khu vực, chứ thực chất lãi từ các dự án lọc dầu là không đáng kể. Ý kiến của bà về quan điểm này?


Đúng vậy, lợi nhuận của nhà máy lọc dầu được xác định từ xưa tới nay trên toàn cầu là không cao so với lãi suất của một số ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, sản phẩm của các tổ hợp lọc hóa dầu mà cụ thể là các loại nhiên liệu lại có sự ảnh hưởng to lớn và toàn diện đến nền kinh tế mỗi nước trong thời đại ngày nay.

Đối với Việt Nam, mục đích xây dựng các nhà máy lọc dầu như tôi đã nói ở trên, còn với mỗi nước khác nhau mục đích cũng có thể khác nhau, kể cả không loại trừ mục đích gây ảnh hưởng về các mặt khác.

Xây dựng phân tán sẽ tiết kiệm hơn


Các chuyên gia cho rằng, khi xây dựng nhà máy lọc dầu thì nên xây dựng tập trung vào một vùng nhất định nhằm tiết kiệm chi phí cho hạ tầng cơ sở và các chi phí dịch vụ khác. Vậy tại sao Petro Vietnam lại chọn phương án xây dựng ở nhiều địa phương cách xa nhau?


Điều kiện để xây dựng nhà máy lọc dầu không phải dễ. Điều kiện bắt buộc đầu tiên là phải có vị trí gần biển, có cảng nước sâu.

Mặc dù vị trí địa lý nước ta trải dài, kề sát biển nhưng rất ít nơi có cảng nước sâu để tàu có trọng tải lớn chở dầu thô có thể cập bến. Nhiều nơi có thể xây dựng cảng nước sâu lại có diện tích đất liền hẹp, không bằng phẳng, sình lầy… không thể xây dựng nhà máy lọc dầu.

Hơn nữa, trong tương lai, các vùng miền của nước ta sẽ phát triển tương đối đồng đều nên với chiều dài đất nước hơn 3000 km. Nếu xây dựng tập trung thì việc vận chuyển và phân phối sản phẩm từ nhà máy lọc dầu tới nơi tiêu thụ sẽ rất tốn kém.

Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn các vị trí tối ưu cho ba miền đất nước để xây dựng các nhà máy lọc dầu là nhằm tiết kiệm chi phí khi các nhà máy đi vào hoạt động.

Nhiều ý kiến cho rằng, các dự án lọc dầu của Việt Nam có quy mô, công suất quá nhỏ nên sẽ rất khó thu hút đầu tư nước ngoài vì không hiệu quả?


Trên thực tế, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có công suất tương đối nhỏ, chỉ khoảng 6,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đây là nhà máy đầu tiên với ý tưởng xây dựng từ hơn 10 năm trước. Vì vậy, nếu so với thời gian trước đây thì công suất này hoàn toàn phù hợp, ngang tầm với đa số các nhà máy lọc dầu trên thế giới.

Do đó, để khắc phục yếu điểm này nên các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Long Sơn đều được Petro Vietnam thiết kế với công suất 10 triệu tấn/năm và có qui hoạch để mở rộng lên 20 triệu tấn/năm khi cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay có một số địa phương đang phối hợp với các công ty nước ngoài nghiên cứu xây dựng các nhà máy lọc dầu có công suất nhỏ tại Cần Thơ, Phú Yên… nhưng những dự án này không thuộc Petro Vietnam quản lý mà là dự án của các địa phương, được Chính phủ cho phép nghiên cứu lập dự án đầu tư.

Theo tôi, nếu xây dựng theo kiểu công suất nhỏ sẽ rất khó cạnh tranh, nên Chính phủ cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng đảm bảo không xây dựng nhà máy lọc dầu một cách tràn lan, gây lãng phí nguồn lực.

Được biết, tỷ lệ thu hồi vốn nội địa của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ khoảng 6%. Trong khi các chuyên gia nước ngoài cho rằng, nếu dự án nào có tỷ lệ thu hồi vốn nội địa dưới 10% thì sẽ rất dễ bị phá sản?


Tỷ lệ thu hồi vốn nội tại của dự án Dung Quất (được tính vào năm 2005) có thể ở mức thấp, nhưng không phải là “bất ngờ”.

Chúng ta có thể hiểu rằng, lợi ích do các dự án dạng này đem lại không chỉ đơn thuần thể hiện ở chỉ số thu hồi vốn của bản thân dự án tách riêng ra, mà nó còn được thể hiện gián tiếp trong các dự án liên quan khác cũng như ở sự thay đổi bộ mặt kinh tế tại các địa phương được chọn làm địa điểm đầu tư.

Khác với các nhà đầu tư thương mại thuần tuý, Petro Vietnam là một doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm chia sẻ, thực hiện và gánh vác các nhiệm vụ trọng trách của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế và chúng tôi tự hào về điều đó.

Đặc biệt, khi xây dựng nhà máy lọc dầu, Petro Vietnam đã được Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo sát sao, đảm bảo thu xếp vốn với lãi suất ưu đãi nên Petro Vietnam đã tin tưởng vào tính khả thi, sự thành công của dự án.

Trong bối cảnh hiện nay, lãi gộp chế biến dầu đang và có xu thế ở mức cao nên với tổng mức đầu tư của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tôi tin rằng dự án sẽ đem lại cho Petro Vietnam lợi nhuận cao hơn dự kiến trước đây.

Nhập khẩu vì nguồn dầu thô trong nước không ổn định

Trước đây, ông Phạm Quang Dự - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro Vietnam - có nói, đến năm 2013, trữ lượng dầu thô Việt Nam vẫn thừa. Vậy tại sao Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn lại phải nhập khẩu dầu thô để hoạt động?


Khi xây dựng nhà máy lọc dầu đều tính đến thời gian hoạt động có thể lên tới 40-50 năm nên việc dựa trên nguồn nguyên liệu nào phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, trong đó nguồn cung cấp dầu thô ổn định và lâu dài là yếu tố quyết định.

Hiện nay chúng ta đang khai thác chủ yếu là dầu thô Bạch Hổ, tuy nhiên trữ lượng mỏ Bạch Hổ đã dần cạn kiệt sau 20 năm khai thác, sản lượng dầu đang giảm dần. Bên cạnh đó, việc dầu thô khai thác từ nhiều mỏ nhỏ khác nhau sẽ là nguồn cung cấp không ổn định và không mang tính dài hạn.

Với tầm nhìn xa về việc đảm bảo ổn định, chủ động nguồn nguyên liệu, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Long Sơn sẽ được thiết kế trên nguồn dầu nhập khẩu, do các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp lâu dài và ổn định.

Hơn nữa, theo thiết kế thì hai nhà máy này sẽ sử dụng nguyên liệu là dầu chua của vùng Trung Đông chứ không phải là dầu thô do chúng ta khai thác. Đặc biệt, giá thành dầu thô do chúng ta khai thác lại cao hơn dầu chua nhập khẩu nên việc xuất khầu dầu thô và nhập dầu chua để chế biến sẽ làm mang về cho chúng ta thêm một khoản lợi nhuận.