11:26 29/08/2008

Xếp hạng tín dụng: “Việc “làm đẹp” con số là nằm ngoài kiểm soát!”

Anh Quân

Đại diện Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước nói về kết quả xếp hạng tín dụng doanh nghiệp niêm yết năm nay

Nếu như xếp hạng năm 2006 chỉ có 37,37% doanh nghiệp được xếp hạng tối ưu AAA thì lần này, con số đã tăng lên 39,93%.
Nếu như xếp hạng năm 2006 chỉ có 37,37% doanh nghiệp được xếp hạng tối ưu AAA thì lần này, con số đã tăng lên 39,93%.
Kết quả xếp hạng tín dụng doanh nghiệp niêm yết của Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (CIC) sắp được công bố.

Với tình hình kinh tế trong vài tháng gần đây cùng báo cáo lỗ trong 6 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp niêm yết, đã có nhiều lo ngại về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên hai sàn...

Trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, Phó giám đốc CIC, ông Đào Quang Thông khẳng định những số liệu thu thập đưa vào phân tích là "hoàn toàn hợp lý và đáng tin cậy".

Ông nói:

- Việc xếp hạng tín dụng các doanh nghiệp niêm yết là nhằm cung cấp cho cho thị trường chứng khoán những thông tin về các doanh nghiệp niêm yết.

Chúng tôi xác định chất lượng của báo cáo xếp hạng và tính chính xác của bảng xếp hạng là đặc biệt quan trọng đối với không chỉ các doanh nghiệp mà cả các nhà đầu tư.

Nếu giả sử kết quả sai lệch được công bố, việc này rất có thể sẽ gây thiệt hại cho một bên liên quan, hoặc doanh nghiệp bị thiệt, hoặc nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư sai. Chính vì thế, đảm bảo độ chính xác của thông tin đưa ra là mục tiêu hàng đầu.

Với kinh nghiệm về phân tích báo cáo của đối tác nước ngoài, cùng với trình độ nhạy bén của CIC sau nhiều năm theo dõi, đánh giá báo cáo của các doanh nghiệp, chúng tôi có thể khẳng định, những số liệu thu thập đưa vào phân tích là hoàn toàn hợp lý và đáng tin cậy.

Việc “làm đẹp” là nằm ngoài kiểm soát

Nhưng liệu có chuyện con số bị “làm đẹp” từ các doanh nghiệp, như chuyện từng xảy ra với Bông Bạch Tuyết?

Thực chất, việc “làm đẹp” các con số trước khi doanh nghiệp công bố ra các phương tiện thông tin đại chúng hay báo cáo với các cơ quan chức năng là nằm ngoài kiểm soát của chúng tôi.

CIC khẳng định rằng, thông tin về các doanh nghiệp được đưa vào phân tích, xếp hạng là những thông tin đúng như doanh nghiệp đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc báo cáo với các cơ quan kiểm toán Nhà nước được Ủy ban Chứng khoán chỉ định.

Chúng tôi chỉ có thể phát hiện gian dối trong báo cáo, nếu các con số thể hiện sự không hợp lý, nhất là đối với các chỉ tiêu tài chính hoặc có dấu hiệu bất thường, hay khác quá xa so với thực tế.

Đứng về phía doanh nghiệp, việc báo cáo sai sự thật là hoàn toàn không có lợi, vì nếu bị phát hiện doanh nghiệp đó sẽ mất uy tín nghiêm trọng. Những khó khăn ở một thời điểm nào đó thì rồi doanh nghiệp cũng sẽ vượt qua, nhưng uy tín đã mất là mất vĩnh viễn, không gì có thể mua được.

Vì vậy mới có chuyện vừa rồi một số doanh nghiệp công bố kinh doanh thua lỗ, chứ không “làm đẹp” báo cáo.

Về kết quả xếp hạng, trái với tình hình khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp có vẻ kinh doanh tốt hơn năm ngoái?

Mặc dù trong năm 2007, thị trường chứng khoán chịu những tác động ảnh hưởng của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế thế giới, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp niêm yết đã có những giải pháp hữu hiệu để vượt qua khó khăn và tăng trưởng ở mức tốt.

Kết quả phân tích, xếp hạng đã phản ánh khách quan, trung thực và tương đối chính xác năng lực hoạt động của từng doanh nghiệp. Tại bảng xếp hạng lần này, số lượng các doanh nghiệp hạng tối ưu tăng mạnh, phần lớn các doanh nghiệp đều tăng hạng so với năm 2006.

Nếu như xếp hạng năm 2006 chỉ có 37,37% doanh nghiệp được xếp hạng tối ưu AAA thì lần này, con số đã tăng lên 39,93%.

Lượng doanh nghiệp xếp hạng tối ưu tăng đều ở cả hai sàn. Nếu như năm 2006, tại HOSE có tới 55/111 doanh nghiệp xếp hạng AAA, chiếm 49,55%, trong khi đó tại HASTC có 19/87 doanh nghiệp xếp hạng AAA, chiếm 21,84%. Nhưng năm nay, con số tương ứng là 52,63% và 26,24%.

Các doanh nghiệp xếp hạng khá, tốt từ AA đến BB trong báo cáo lần này là 58,02% so với năm 2006 là 55,05%. Tỷ trọng các doanh nghiệp xếp hạng trung bình đã giảm đi đáng kể từ 25 doanh nghiệp năm 2006 xuống còn 2 doanh nghiệp năm nay.

Số lượng các doanh nghiệp tăng hạng so với năm 2006 là 135 doanh nghiệp, trong đó sàn HOSE là 62 doanh nghiệp, HASTC là 73 doanh nghiệp. Nhưng, số doanh nghiệp giảm hạng so với năm 2006 chỉ có 36 doanh nghiệp, trong đó sàn HOSE là 20 doanh nghiệp, HASTC là 16 doanh nghiệp.

Đánh giá cũng cho biết các doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp có quy mô trung bình và nhỏ.

Ngoài đánh giá xếp hạng, CIC còn công bố các chỉ tiêu và chỉ số tài chính. Ông có đánh giá gì về các số liệu này?

Dưới góc độ ngân hàng, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp nhìn chung rất khả quan, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh.

Các chỉ số thanh khoản khá cao cho thấy khả  năng thanh toán được cải thiện, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn, khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt cũng khá nhanh chóng.

Nhóm chỉ tiêu hoạt động cũng đạt điểm cao, chính sách xúc tiến thương mại của doanh nghiệp đạt hiệu quả, chu kỳ luân chuyển vốn của doanh nghiệp nhanh, năng lực quản trị tài sản được phát huy khá tốt.

Nhóm các chỉ tiêu cân nợ phản ánh cơ cấu vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khá hợp lý, khả năng tự chủ tài chính tốt, mức độ đảm bảo cho các khoản nợ bằng vốn riêng của doanh nghiệp cao.

Hệ số sinh lời của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều đạt điểm tối đa, lợi nhuận tăng do công tác quản lý chi phí hiệu quả, giá vốn bán hàng ở mức hợp lý, khả năng sử dụng tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu rất tốt, tăng mức sinh lời của doanh nghiệp.

Tóm lại, dựa trên các chỉ tiêu tài chính được phân tích, công việc kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được thực hiện khá tốt.

Hầu hết doanh nghiệp có lịch sử vay trả nợ ngân hàng rất tốt

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về trả nợ vốn vay. Như ông vừa nói thì điều này có vẻ không đúng?

Đánh giá về khả năng trả nợ vốn vay của các doanh nghiệp, CIC dựa trên nhóm chỉ tiêu cân nợ như nợ phải trả trên tổng tài sản, nợ phải trả trên nguồn vốn chủ sở hữu, nợ không đủ tiêu chuẩn trong tổng dư nợ ngân hàng cũng như nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp như khả năng thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu khả năng thanh toán lãi vay và tổng dư nợ ngân hàng  trên nguồn vốn chủ sở hữu cũng như tình hình nợ không đủ tiêu chuẩn của doanh nghiệp đối với các khoản vay ngân hàng đến thời điểm kết thúc năm tài chính cũng được CIC sử dụng để đánh giá tình hình vay trả nợ của doanh nghiệp.

Nhìn chung, chỉ tiêu khả năng thanh toán lãi vay và dư nợ trên nguồn vốn chủ sở hữu đều đạt điểm cao, phản ánh khả năng thanh toán các khoản vốn vay của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết rất tốt.

Nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng rất khả quan trong việc thanh toán các khoản vay nợ. Hầu hết doanh nghiệp có lịch sử vay trả nợ ngân hàng rất tốt, mức độ rủi ro thấp, không phát sinh nợ không đủ tiêu chuẩn trong tổng dư nợ ngân hàng.
   
Nhưng vừa rồi, có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch báo cáo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2008…

Theo chúng tôi được biết, tính đến hết ngày 01/08/2008, đã có hơn 90% trong 302 công ty niêm yết cổ phiếu trên HOSE và HASTC báo cáo tài chính quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2008. Theo ước tính sơ bộ, có 9 công ty lớn báo cáo lỗ với tổng lỗ lũy kế hơn 736 tỷ đồng.

Tuy nhiên việc một số doanh nghiệp niêm yết có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ở 6 tháng đầu năm 2008 lỗ là có lý do. Đó là, các công ty trích một khoản lớn dự phòng giảm giá chứng khoán điều này làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trường hợp thứ hai là, ảnh hưởng bởi lãi vay và tỷ giá. Khác với vài năm gần đây khi lãi suất ngân hàng luôn ổn định, 6 tháng đầu năm hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn trước tình hình lãi suất ngân hàng tăng, tỷ giá ngoại tệ bất ổn…

Theo tôi, khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các nhóm giải pháp của Chính phủ điều hành kiên quyết, lạm phát được kiềm chế và giảm, chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ dần dần ổn định, tăng trưởng thì có thể không còn chuyện các doanh nghiệp báo cáo lỗ ở cả năm 2008.

Không ai có thể tác động đến kết quả đánh giá

Nếu kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tốt thì vì sao VN-Index lại giảm điểm liên tục trong những tháng đầu năm 2008?

VN-Index giảm điểm liên tục trong những tháng đầu năm 2008 không phải do kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.

Theo tôi, có một số nguyên nhân khiến VN-Index giảm điểm liên tục trong những tháng đầu năm 2008 như sau:

Một là, trước giai đoạn điều chỉnh, giá các cổ phiếu đang quá cao so với giá trị thật của nó. Nếu xét theo chỉ số P/E trung bình của 20 công ty có vốn hóa lớn nhất vào ngày 12/3/2007 – ngày mà VN-Index đạt mức cao nhất - tại cả 2 thị trường Hà Nội và Tp.HCM, kết quả  là 54,98 lần.

Hơn 2 tuần sau đó, quan sát tại các thị trường châu Á khác cho thấy chỉ số P/E chỉ ở mức dưới 20. Sự chênh lệch lớn về P/E này là một trong những căn cứ để các nhà đầu tư đưa ra quyết định bán.

Hai là sự tăng mạnh lượng cung từ các IPO trong đầu năm 2007. Theo thống kê, lượng cổ phiếu đưa ra trong 4 tháng đầu năm đã tương đương với lượng được đưa ra trong cả năm 2006.

Xét về giá trị, nếu thống kê tất cả những IPO lớn trong đầu năm 2007, các nhà đầu tư cần chi ra 21 nghìn tỷ đồng (1,3 tỷ USD), gấp 4 lần mức họ bỏ ra trong các đợt IPO trong 2006. Lượng 1,3 tỷ USD này tương đương với lượng tiền giao dịch trong gần 2 tháng tại HOSE với lượng giao dịch trung bình mỗi ngày 45 triệu USD như trong tháng 3/2007.

Nhu cầu đối với các cổ phiếu niêm yết do đó tất yếu sẽ bị giảm đi, đặc biệt sau khi những ảnh hưởng của thông tin về kết quả ấn tượng cuối năm 2006 cũng như những quyết định tách và thưởng cổ phiếu công bố đầu năm 2007 đã mờ nhạt.

Ba là, bên cạnh hai nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giai đoạn điều chỉnh trên, tình hình kinh tế vĩ mô của nền kinh tế cũng đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn.

Quay trở lại bản xếp hạng doanh nghiệp niêm yết, liệu có chuyện doanh nghiệp tác động đến kết quả xếp hạng không, thưa ông?

Tôi có thể khẳng định rằng không ai, không đơn vị nào có thể tác động đến kết quả đánh giá của chúng tôi. Các phép tính toán, cho kết quả đều thực hiện bằng chương trình phần mềm tin học.

Kết quả xếp hạng của các doanh nghiệp niêm yết chỉ khi chúng tôi phát hành ấn phẩm thì doanh nghiệp mới biết mình được xếp hạng nào.

Có thể nói, kết quả phân tích, xếp hạng đã phản ánh khách quan, trung thực và tương đối chính xác, phù hợp với năng lực hoạt động của từng doanh nghiệp cũng như quy mô giao dịch của hai sàn.