11:24 28/06/2023

Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển

Đỗ Mến

Theo Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam...

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN.

Trong các ngày 27-29/6, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tiến hành xét xử vụ án rút ruột ngân sách nhà nước số tiền 50 tỷ đồng tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển .

7 bị cáo hầu tòa về tội Tham ô tài sản gồm: Nguyễn Văn Sơn (SN 1964, cựu Trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển); Hoàng Văn Đồng (SN 1960 tuổi) - cựu trung tướng, cựu Chính ủy; Doãn Bảo Quyết (SN 1962 tuổi) - cựu thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy;

Phạm Kim Hậu (SN 1964) - cựu thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng; Bùi Trung Dũng (SN 1960) - cựu thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh; Nguyễn Văn Hưng (SN 1966) - cựu đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật và Bùi Văn Hòe (SN 1969) - cựu thượng tá, cựu Phó Phòng Tài chính).

Sáng 28/6, trước khi bước vào phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong đơn vị quân đội, một số cán bộ chủ chốt của lực lượng cảnh sát biển đã thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, vụ việc này đã được tiến hành điều tra, giải quyết khách quan, công bằng, phân hóa rõ tội phạm.

 

Vụ án này bị phát hiện vào ngày 19/6/2020 khi ông Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm.

Theo cáo trạng, năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân bổ 150 tỷ đồng ngân sách Nhà nước cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Ông Nguyễn Văn Sơn đã gặp, yêu cầu đại tá Hưng, Cục trưởng Kỹ thuật “phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng”.

Ông Hưng đáp lại, Cục Kỹ thuật chưa bao giờ làm việc này, muốn rút tiền cần có sự thống nhất trong Thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Ông Sơn tạo điều kiện cho Cục kỹ thuật bằng cách chỉ đạo phân bổ thêm 29 tỷ đồng, khiến ngân sách cho đơn vị này tăng lên 179 tỷ đồng.

Tháng 4/2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn cùng Trung tướng Hoàng Văn Đồng và 3 thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng nói về việc “rút” 50 tỷ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật. Tất cả đồng ý nên ông Sơn sau đó chỉ đạo Hưng thực hiện.

Ông Hưng lại yêu cầu 6 Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỷ đồng và cho rằng “phải xác định việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ Thủ trưởng giao và phải hoàn thành”.

Để rút tiền, các trưởng phòng phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói giá trị dưới 10 tỷ đồng để Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, họ “đặt vấn đề” với các nhà thầu để nâng giá, nhằm “hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi”. Sau đó, 24 hợp đồng được Bộ tư lệnh Cảnh sát biển ký với 16 doanh nghiệp, giúp "rút ruột" ngân sách 50 tỷ đồng. 

Từ đầu tháng 12/2019 đến đầu tháng 1/2020, các nhà thầu đã chuyển lại trực tiếp bằng tiền mặt cho 6 trưởng phòng. Những người nộp lại toàn bộ tiền cho ông Hưng để chuyển cho ông Sơn.

Việc giao nhận tiền đều được thực hiện tại phòng làm việc của ông Hưng và ông Sơn. Sau khi nhận 50 tỷ đồng, ông Sơn chia cho mình và 4 ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Văn Sơn đã thừa nhận sai phạm, thừa nhận việc bàn bạc với 5 người khác để có kinh phí phục vụ “chi tiêu công tác”. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản”.

Theo Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Tuy nhiên, các bị cáo đều là những người có nhân thân tốt, có nhiều thời gian cống hiến, được đào tạo cơ bản, có nhận thức cao. Có 5 bị cáo mang quân hàm cấp tướng, là lực lượng chủ chốt của lực lượng vì lợi ích, cám dỗ mà các bị cáo đã tự đánh mất mình, chiếm đoạt tiền của nhà nước, trở thành người phạm tội và phải bị đưa ra xét xử.

Quá trình xét xử, các bị cáo thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả… là các tình tiết giảm nhẹ.

Do đó, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Sơn từ 16 – 16 năm 6 tháng tù; Đồng từ 15 năm 6 tháng tù – 16 năm. Các bị cáo Quyết, Hậu, Dũng cùng bị đề nghị từ 15 năm – 15 năm 6 tháng tù. Bị cáo Hưng từ 10 – 10 năm 6 tháng tù; Hòe từ 12 – 12 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, các bị cáo cũng bị đề nghị cấm đảm nhiệm chức vụ trong vòng 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Về trách nhiệm dân sự, đề nghị tịch thu số tiền các bị cáo đã tham ô.

Trước đó, trả lời thẩm vấn, cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn khai nhận mục đích tham ô là do thấy các thủ trưởng Bộ tư lệnh đi công tác rất nhiều, công tác đối ngoại rất nhiều, rất vất vả, quỹ đơn vị không có, đơn vị làm kinh tế doanh nghiệp không có.

Chủ tọa có chất vất, vì sao có kinh phí đi công tác nhưng vẫn chỉ đạo rút tiền, ông Sơn thừa nhận: "Bị cáo sai''.

Bị cáo Hoàng Văn Đồng, cựu Trung tướng, Chính ủy Bộ Tư Lệnh thừa nhận: ''Chúng tôi vô tư, đơn giản quá. Anh Sơn nói là để tôi chỉ đạo thì lúc đó chúng tôi không ai nói gì. Như thế là sai, quá sai''.

Còn bị cáo Bùi Trung Dũng (cựu Phó tư lệnh) thừa nhận bị cáo có đồng ý với Sơn. Mục đích rút 50 tỷ đồng là để tạo điều kiện cho các Thủ trưởng đi công tác, thật ra công tư cũng lẫn lộn. Bản thân bị cáo chưa sử dụng số tiền này để đi công tác mà vẫn để trong vali mang về nhà. Đến khi bị kiểm tra thì bị cáo mang nộp, vợ bị cáo đến phút cuối cũng không biết.