13:38 15/05/2021

Xoá bao cấp chờ ngân sách, Vành đai 3 Tp.HCM phải xong trước năm 2025

Anh Tú

Để đến năm 2025 phải xong vành đai 3, vành đai 4 không kéo dài đến 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương phải vào cuộc, phải chủ động, không trông chờ ngân sách Trung ương...

Ngày 14/5, tại Tp.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với các bộ ngành, địa phương về dự án đường vành đai 3, 4 - Tp.HCM...

CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẢI VÀO CUỘC, CẤP BÁCH ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Theo đánh giá, mặc dù được quy hoạch từ lâu và các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư khép kín dự án vành đai 3 và triển khai đường vành đai 4, nhưng hiện tiến độ thực hiện các tuyến đường là quá chậm. Điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Cụ thể, vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011. Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, cách đây gần 10 năm. Nhưng tính đến nay, Vành đai 3 chỉ mới có tỉnh Bình Dương làm được 16km, đường Vành đai 4 chỉ có 11 km do tỉnh Đồng Nai xây dựng. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh “đây là khu vực có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nhưng giao thông luôn tắc nghẽn. Do đó, nếu các dự án này sớm hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển mới và cùng với đó tái cấu trúc lại đô thị, dân cư của vùng”.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh dự án vành đai 3, 4 - Tp.HCM
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh
dự án vành đai 3, 4 - Tp.HCM

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc chậm triển khai các dự án giao thông tại khu vực, trong đó có các dự án đường vành đai 3, 4 thời gian qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TPHCM và các địa phương trong vùng.

Theo Phó Thủ tướng, quan điểm giao thẩm quyền quyết định đầu tư về cho các địa phương, cùng với việc sớm có một Nghị quyết và nếu được Quốc hội thông qua để gỡ những vướng mắc, tạo cơ chế thực hiện là rất quan trọng để triển khai hai dự án này.

Với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần hết sức chủ động lựa chọn hình thức triển khai cũng như dự án nào sử dụng ngân sách mà không cần sự điều chỉnh quy định pháp luật hiện hành để có thể triển khai sớm. Cụ thể, đối với những đoạn ngắn nhưng quỹ đất hai bên đường còn nhiều, có thể huy động ngân sách địa phương để triển khai, sau đó đấu giá thu hồi vốn từ quỹ đất hai bên đường với giá cao mà không cần lựa chọn các hình thức BOT hay PPP. Đây là mô hình rất thành công từ một số địa phương trong nước thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, theo tinh thần của Chính phủ, dự án qua địa phương nào, địa phương đó được giao là cơ quan thẩm quyền thực hiện dự án, từ giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai. 

Để bảo đảm tiến độ, ngay từ bây giờ, các địa phương phải bắt tay tìm nguồn để triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; tương tự, để khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường, các địa phương cũng phải triển khai điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất…

HẠN CHẾ SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH

Về cơ chế thực hiện, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, các dự án sẽ được đầu tư theo hình thức chủ yếu là PPP.  Các địa phương rà soát các dự án trong phạm vi vành đai 3, vành đai 4, nếu dự án nào vi phạm, chậm triển khai thì quyết liệt thu hồi, để đấu giá đất phục vụ xây lắp.

Đồng thời, “tổ chức trước giải phóng mặt bằng, tái định cư bằng nguồn ngân sách địa phương. Trung ương có hỗ trợ nhưng trên tinh thần không nhiều, địa phương vẫn phải chủ động huy động các nguồn lực”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, triển khai dự án vành đai 3, vành đai 4 cần tính toán đến việc không sử dụng đất rừng, hạn chế qua đất đô thị để đỡ tốn kém chi phí giải phóng mặt bằng. Cũng như tính toán số làn đường, làm đường song hành, quy hoạch và khai thác quỹ đất 2 bên đường để đấu giá thu tiền phục vụ lại dự án.

 

Cần nghiên cứu các quỹ nhàn rỗi, quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm xã hội đang dư cũng như ban hành trái phiếu Chính phủ, địa phương, vay ODA… cho địa phương vay để giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho người dân. Đến năm 2025 phải xong Vành đai 3, còn Vành đai 4 đầu tư theo phương thức PPP cần phải làm sớm.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn kiến nghị Văn phòng Chính phủ đưa vào thông báo kết luận cuộc họp hôm nay về việc giao cho Bộ phối hợp với các bộ, địa phương liên quan chuẩn bị Nghị quyết về dự án trình Quốc hội. Trong đó, nghị quyết cần quy định rõ cơ chế để có thể huy động vốn cả Trung ương, địa phương và các thành phần kinh tế cho triển khai dự án.

Theo ông Tuấn, về cơ bản, toàn tuyến sẽ triển khai theo phương thức PPP. Tuy nhiên, với tình huống địa phương không thể triển khai theo hướng PPP mà phải triển khai bằng vốn ngân sách, nhưng do khó khăn không tự cân đối được, thì Nghị quyết cần ghi rõ Trung ương sẽ hỗ trợ. Liên quan đến bảo trì, vận hành và thu phí dự án, đối với đầu tư PPP, giao cho nhà đầu tư thực hiện. Với phần đầu tư bằng ngân sách, giao cho địa phương thực hiện.

Ngoài ra, các bộ có liên quan cần đưa vào những nội dung liên quan tới các dự án này khi xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về xây dựng dự toán ngân sách kinh tế-xã hội năm 2022 và trong xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cần rà soát để cập nhật trước khi trình Quốc hội tháng 7 tới đây.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi đầu tư hoàn thành dự án vành đai 3, vành đai 4 sẽ tổ chức thu phí kín, không đặt trạm. Đường vành đai 3, 4 chia ra nhiều dự án, mỗi dự án dưới 10.000 tỷ đồng, nhiều địa phương thực hiện thì dự án sẽ hoàn thành nhanh hơn.

Trong đó, dự án vành đai 3 quyết tâm hoàn thành trong năm 2025. Để đạt được kế hoạch này, ngay từ lúc này các địa phương phải chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và chia ra nhiều dự án dễ thực hiện.

 

Tuyến vành đai 3 Tp.HCM dài 89,3km, đi qua Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án được chia thành dự án thành phần 1A, 1B, 2, 3 và 4 để phù hợp với quản lý, huy động nguồn vốn. Hiện nay toàn tuyến chỉ mới đầu tư được 16,3km.

Dự án vành đai 4 dài 197,6km đi qua Tp.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Hiện nay, chỉ mới có 11km được đầu tư và đưa vào khai thác đoạn qua Đồng Nai. Các phân đoạn khác chưa triển khai, hoặc chỉ mới duyệt chủ trương đầu tư.