14:08 17/02/2007

Xu hướng giảm giá hàng điện tử sau WTO?

Công Bình

Có đúng là vì “vào WTO” nên hàng điện tử giảm giá hay không, và xu hướng này trong năm 2007 sẽ như thế nào?

Có lẽ chưa có khi nào người tiêu dùng lại được chứng kiến sự ra mắt ồ ạt của hàng loạt sản phẩm cao cấp LCD và plasma trên thị trường Việt Nam như năm mới này.
Có lẽ chưa có khi nào người tiêu dùng lại được chứng kiến sự ra mắt ồ ạt của hàng loạt sản phẩm cao cấp LCD và plasma trên thị trường Việt Nam như năm mới này.
Cuối năm 2006, sau khi các thông tin về việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO được công bố, thị trường điện tử trong nước có lúc dường như ngừng trệ bởi tâm lý người tiêu dùng chờ đợi một đợt giảm giá với mặt hàng này.

Và trên thực tế, vào những ngày cuối năm 2006 - đầu năm 2007, giá nhiều mặt hàng điện máy, nhất là đồ nghe nhìn, cũng đã giảm khá mạnh trong hàng loạt các đợt khuyến mại do nhiều hãng điện tử và trung tâm kinh doanh điện máy lớn tung ra.

Vậy có đúng là vì “vào WTO” nên hàng điện tử giảm giá hay không, và xu hướng này trong năm 2007 sẽ như thế nào?

Ngay khi Việt Nam vừa đàm phán thành công vòng cuối cùng vào WTO, khá nhiều tờ báo lúc đó đã thông tin rằng: trong cam kết về thuế quan, mặt hàng điện tử sẽ có thuế suất bằng 0% ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Thậm chí đã có tờ báo vội vàng loan tin: “Với 3 nhóm hàng mà người tiêu dùng đang quan tâm là tivi, điều hòa, máy giặt sẽ phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 50% và 40% hiện hành xuống 40% và 38% ngay khi vào WTO và xuống còn 25% sau 3-5 năm. Như vậy, tivi, điều hòa, máy giặt nhập khẩu trong vài tháng tới sẽ rẻ đi đáng kể và rẻ đi nhiều sau 3 năm tới...”.

“WTO không ảnh hưởng tới giá hàng điện máy”

Những thông tin vội vàng này tuy đã làm khá nhiều khách hàng “kìm nén” ý định mua sắm đồ điện tử của mình để chờ đợi đợt giảm giá mới, nhưng cũng “khiến” các chuyên gia của một số hãng điện tử lớn trong nước phải lên tiếng.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng đối ngoại của Công ty Sony Việt Nam, cho rằng thật ngây thơ khi mong đợi trong thời gian tới sẽ có một cuộc giảm giá ngoạn mục hàng điện tử. Ông dẫn chứng: lý do là tháng 7/2006, Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng, trong đó, thuế nhập khẩu tivi giảm từ 50% xuống 40%, đầu DVD từ 50% xuống 40%, dàn hi-fi từ 40% xuống 30%, máy chụp hình và máy quay kỹ thuật số từ 20% xuống 10%, MP3 từ 50% xuống 40%...

Như vậy, Bộ Tài chính đã đi trước một bước khi đưa ra một biểu thuế cho hội nhập WTO đối với các doanh nghiệp ngành điện tử.

Còn Trưởng phòng Marketing của hãng điện tử LG tại Việt Nam, ông Đặng Ngọc Long, nhận định: “Việc vào WTO sẽ không ảnh hưởng đến giá hàng điện máy”. Theo ông Long, lý do là các nhà sản xuất đã khai thác biểu thuế AFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN) với mức thuế rất thấp, do vậy hàng ngoài khu vực AFTA sẽ khó cạnh tranh được, kể cả trong trường hợp đã cắt giảm thuế theo cam kết WTO. Như nhóm máy điều hòa, máy giặt, thuế nhập khẩu nguyên chiếc đối với hàng nằm ngoài khu vực ASEAN hiện là 50% và 40%, trong khi thuế thỏa thuận với WTO giảm còn 40% và 38%.

Trong khi đó, hiện hầu hết các nhà sản xuất máy giặt, máy điều hòa đều nhập linh kiện hoặc cụm linh kiện trong khu vực ASEAN với thuế suất chỉ xoay quanh 5% về lắp ráp. Ông Long cho rằng Việt Nam đã vượt qua cuộc cạnh tranh khốc liệt về thuế đối với các mặt hàng điện tử điện lạnh từ 2 năm trước đây, khi bắt đầu thực hiện các cam kết AFTA. Theo đó, thuế nhập khẩu nguyên chiếc đang được áp dụng cho các mặt hàng điện tử, điện lạnh là 5,2%.

Nghĩa là hiện nay, nếu 1 chiếc điều hoà giá 100 USD thì khi nhập từ Thái Lan (một nước ASEAN có cam kết AFTA) về Việt Nam sẽ có giá 105,2 USD, trong khi nếu nhập từ một nước châu Âu hoặc châu Mỹ về sẽ có giá 140 USD. Như vậy, theo ông Long, một nhà nhập khẩu trong nước với tư duy lành mạnh chắc chắn sẽ chọn nhập hàng từ nước châu Á về để bán tại thị trường Việt Nam.

Thực tế của thị trường điện tử năm qua cũng đã minh chứng cho nhận định này. Người tiêu dùng có thể thấy hầu hết các sản phẩm nhập nguyên chiếc về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Trung Quốc, và tất cả đều đã có chỗ đứng trên thị trường.

Một yếu tố khác, đó là Trung Quốc và toàn khối ASEAN đã có Hiệp định thương mại riêng với mức thuế suất áp vào hàng điện tử điện lạnh, và mức thuế này hiện nay thấp hơn nhiều so với mức thuế được áp dụng cho các thành viên WTO. Như vậy, hàng điện tử, điện lạnh hiện có trên thị trường Việt Nam trước mắt cũng như trong vài năm tới có thể gọi là “miễn dịch” với cơn lốc giảm thuế thời kì “hậu WTO”.

Nhiều chuyên gia nhận định: với lộ trình cam kết giảm thuế của Việt Nam với WTO, giá hàng điện máy sẽ không có biến động lớn trong năm 2007, thậm chí cả trong 1-2 năm tới.

Vậy giảm giá do đâu?

Đúng là có một thực tế không thể phủ nhận, đó là giá của mặt hàng điện tử đã giảm khá mạnh, nhất là trong dịp cuối năm cũ và đầu năm mới vừa qua. Trên thị trường tivi cao cấp, có những model giảm 30%, 40%, thậm chí là 50%, những mức giảm mà theo các chuyên gia là “không thể hơn được nữa”.

Có những cửa hàng điện tử đã khuyến mại tivi plasma 42 inch hiệu Panasonic, hàng nhập khẩu xịn từ Nhật, sản xuất cuối năm 2006, chỉ với giắ 28 triệu đồng, tức giảm hơn 40% so với giá gốc 48 triệu đồng; hay tivi Panasonic LCD 32 inch giảm từ 28 triệu xuống còn 18 triệu đồng (giảm 36%)...

Quả là chưa bao giờ người tiêu dùng trong nước lại có cơ hội dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm điện tử cao cấp như bây giờ.

Tuy nhiên, theo các trung tâm kinh doanh hàng kim khí điện máy, việc giá hàng điện máy giảm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ các chương trình kích cầu thị trường và mở rộng kinh doanh của các nhà sản xuất cũng như của các trung tâm điện máy.

Một chuyên gia trong ngành điện máy cho biết: các trung tâm kinh doanh hàng điện máy giảm giá bán là do họ tự nguyện giảm bớt lợi nhuận. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng có những đợt giảm giá dành cho các model cũ, hoặc tiêu thụ các model cũ để chuẩn bị tung ra các đợt hàng mới.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng xu hướng hàng điện tử ở Việt Nam giảm giá là tất yếu, nhất là đối với các đồ điện tử thông dụng, công nghệ thấp (lowtech). Đó là các mặt hàng tivi màu bóng đèn hình, đầu VCD, DVD... vốn đã được chuyển giao công nghệ cho các nước đến sau như Trung Quốc, hay các nước Đông Nam Á để sản xuất hàng loạt.

Giá thành của các sản phẩm này đã tuột đến mức gần bằng giá bộ linh kiện do chi phí khấu hao cho công nghệ đã không còn. Giá bán ở Việt Nam cũng đã sát với giá thành. Theo giá sỉ, tivi màu 21 inch chỉ khoảng 1,5 triệu đồng, đầu DVD khoảng 400.000 đồng... Các nhà lắp ráp và phân phối không còn “cửa nào” để giảm giá thêm.

Một số thương hiệu lâu nay cố gắng giữ giá bán cao để thu lợi nhuận thì nhân dịp này cũng chấp nhận bán “huề” vốn vì những sản phẩm này sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi các sản phẩm công nghệ mới hơn, có tỉ suất lợi nhuận cao hơn.

Người tiêu dùng tiếp tục được hưởng lợi

Có lẽ chưa có khi nào người tiêu dùng lại được chứng kiến sự ra mắt ồ ạt của hàng loạt sản phẩm cao cấp LCD và plasma trên thị trường Việt Nam như năm mới này. Chỉ riêng trong quý III và IV năm 2006, LG đã cho ra mắt thị trường Việt Nam hơn 10 sản phẩm LCD và plasma với đầy đủ các cỡ: 23, 26, 32, 37, 42, 47, 50, 60... inch, trong đó có chiếc plasma 71 inch lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến chiếc “Time Machine” (Cỗ máy thời gian) của LG - chiếc tivi cỡ lớn nổi đình nổi đám ở châu Âu mùa World Cup 2006 năm qua, với khả năng cung cấp hình ảnh mượt mà cùng với ổ cứng có dung lượng tới 80 GB, cho phép thoải mái lưu lại đến 33 giờ đồng hồ phim với chất lượng hình thông thường và 20 giờ với hình ảnh có độ nét cao ngay khi đang xem tivi. Trước kia, để tiếp cận được với những sản phẩm công nghệ mới như vậy, hầu hết người tiêu dùng đều phải trông chờ từ nguồn hàng “xách tay” hoặc đặt mua từ chính hãng.

Còn nay, ranh giới này dường như không còn nữa. “Cỗ máy thời gian” có mặt tại thị trường Việt Nam hầu như đồng thời với các thị trường lớn khác trong khu vực và thế giới và đã có màn ra mắt hết sức ấn tượng với người tiêu dùng Việt Nam từ cuối tháng 9/2006.

Với bất cứ mặt hàng nào, càng có sự cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ càng được lợi. Chứng kiến cuộc đua của các nhà sản xuất điện tử điện lạnh, những ai quan tâm đến thị trường này đều nhận thấy rõ: thị trường Việt Nam không hề thiếu vắng những sản phẩm “tên tuổi”: Vierra của Panasonic, rồi Bravia của Sony, Bordeaux của Samsung, Time Machine của LG - những cái tên vô cùng quen thuộc đối với dòng sản phẩm tivi cao cấp trên thị trường thế giới nay cũng không còn là những mới lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Có thể nói, bức tranh toàn cảnh của thị trường điện tử, điện lạnh Việt Nam trong năm 2007 vẫn phụ thuộc vào cuộc chiến chưa có điểm dừng giữa các “đại gia” trên thị trường và dường như sẽ tập trung vào công nghệ và kiểu dáng sản phẩm chứ không phải giá cả. Các sản phẩm tivi LCD, plasma và dòng tivi mỏng (slimfit) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì sức tăng trưởng cao.

Và chắc chắn với sự cạnh tranh nở rộ, người tiêu dùng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất trong năm đầu tiên của thời “hậu WTO” này.