10:03 02/01/2008

Xu hướng mở rộng của ngân hàng ngoại tại Việt Nam

Nguyễn Đức

Các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều có tên trong bảng xếp hạng 100 ngân hàng lớn nhất thế giới

Trên địa bàn Hà Nội, đến hết năm 2007 khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiếm 10,9% và khối ngân hàng liên doanh chiếm 1,2%.
Trên địa bàn Hà Nội, đến hết năm 2007 khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiếm 10,9% và khối ngân hàng liên doanh chiếm 1,2%.
Sau gần 20 năm đổi mới, tính đến hết năm 2007, ở nước ta có 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh với nước ngoài, 4 công ty liên doanh cho thuê tài chính và 2 công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài.

Các ngân hàng và công ty cho thuê tài chính đó đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó còn có 50 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam... đang hoạt động.

Những thành tựu của khối ngân hàng nước ngoài

Tính đến hết năm 2007, ước tính tổng số vốn điều lệ và vốn góp mua cổ phần của các tập đoàn ngân hàng, tài chính nói trên đã thực sự đưa vào Việt Nam hiện nay lên tới gần 1,5 tỷ USD. Đó là chưa kể số vốn các chi nhánh ngân hàng nước ngoài huy động ở nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam.

Tổng tài sản của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài lên tới trên 215.000 tỷ đồng, tăng khiêm tốn so với mức 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2006, chiếm khoảng gần 18% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng ở Việt Nam, nhưng tăng tới hơn 60% so với cùng kỳ năm 2005. Tốc độ tăng trưởng đó chứng tỏ trong hai năm qua, các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài chuyển số vốn rất lớn vào Việt Nam.

Về phân chia thị phần huy động vốn trên địa bàn Hà Nội, đến hết năm 2007 khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiếm 10,9% và khối ngân hàng liên doanh chiếm 1,2%. Về dư nợ cho vay, cũng tính đến hết năm 2007 khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng 32,3%, các ngân hàng liên doanh tăng 20%. Về phân chia thị phần dư nợ cho vay ở Hà Nội, khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiếm 14,3%; khối ngân hàng liên doanh chiếm 1,8%.

Thị phần dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Tp.HCM cũng tăng mạnh, từ tỷ lệ 12-14% các năm trước đây, đến hết năm 2007, tăng lên 19,02%. Các ngân hàng liên doanh chiếm tỷ trọng 2,90%. Về thị phần huy động vốn, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước đây thường chỉ chiếm 12 - 13% thì đến hết năm 2007 chiếm 15,85%. Các ngân hàng liên doanh chiếm 2,48%.

Còn nếu tính doanh số cho vay trong hơn 15 năm qua thì các ngân hàng và tập đoàn tài chính nước ngoài thực hiện số vốn đầu tư lên tới trên 11 tỷ USD vào nền kinh tế nước ta. Số vốn đó cho các dự án vốn đầu tư nước ngoài, công ty liên doanh... triển khai thực hiện dự án ở Việt Nam. Không chỉ đầu tư vốn thông qua cho vay các nhà đầu tư, các dự án thực hiện tại Việt Nam mà một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn mua trái phiếu chính phủ và một số loại trái phiếu khác.

Bên cạnh các hoạt động cho vay, đầu tư, thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thế mạnh mở rộng thị phần trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, chuyển tiền kiều hối và các dịch vụ ngân hàng tiện ích khác cho các nhà đầu tư nước ngoài, cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam. Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở rộng các nghiệp vụ chứng khoán, như: lưu ký chứng khoán, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Cũng tính đến hết năm 2007, tổng thu nhập trước thuế của khối ngân hàng và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 2.400 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.700 tỷ đồng và chiếm khoảng 18% tổng thu nhập trước thuế của hệ thống ngân hàng Việt Nam; trong đó riêng khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 1.900 tỷ đồng.

Xu hướng mở rộng quy mô hoạt động

Theo cam kết gia nhập WTO, các ngân hàng nước ngoài được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Kể từ ngày 1/4/2007, các ngân hàng Mỹ và các ngân hàng nước ngoài khác sẽ được phép thành lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cũng như các pháp nhân là ngân hàng Việt Nam, các chi nhánh ngân hàng và văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ được hưởng chế độ đối xử không phân biệt (đãi ngộ quốc gia) ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Các ngân hàng Mỹ sẽ được thành lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài, nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam không giới hạn từ các pháp nhân Việt Nam, đồng thời được phép phát hành thẻ tín dụng không giới hạn. Tuy nhiên, trong năm 2007, chưa có ngân hàng nước ngoài nào đưa thêm chi nhánh mới vào hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, tính đến cuối năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 19 hồ sơ xin cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5 bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Trong số 19 hồ sơ xin thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì có 3 hồ sơ đã được chấp thuận về nguyên tắc là Commonwealth Bank của Australia, IBK Hàn Quốc, Fubon của Đài Loan.

Tập đoàn ngân hàng ANZ có kế hoạch mở 10 - 15 chi nhánh ở Việt Nam vào cuối năm 2008, khi ANZ nhận được giấy phép hoạt động với tư cách 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. HSBC và Standard Chartered Bank cũng đang xúc tiến mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Một kênh mở rộng hoạt động khác tại Việt Nam cũng rất đáng quan tâm, đó đó là các công ty tài chính nước ngoài đang tìm hiểu và xúc tiến thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực tài trợ cho thuê vận hành, tài trợ cho vay tiêu dùng, cung ứng các dịch vụ thẻ...

Một kênh quan trọng tiếp theo, đó là các ngân hàng và tập đoàn tài chính nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam.

Tính đến hết năm 2007, các nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân nước ngoài đã mở 8.638 tài khoản tại các công ty chứng khoán, đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán cấp mã giao dịch; trong đó 516 nhà đầu tư tổ chức và 8.167 nhà đầu tư cá nhân, chiếm 2,4%, riêng cá nhân người Nhật Bản có khoảng 4.200 tài khoản. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 25-30% số lượng cổ phiếu của các công ty niêm yết. Trong số đó có các tổ chức tài chính, ngân hàng, tiền tệ hàng đầu thế giới, như: JP Morgan, Merrill Lynch, Citigroup, Normura Securities...

Tổng số có 23 quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô vốn gần 2,3 tỷ USD và gần 50 tổ chức đầu tư nước ngoài mở tài khoản hoặc uỷ thác đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Có 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động lưu ký chứng khoán.

Như vậy, tới đây mức độ cạnh tranh hoạt động ngân hàng Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Thậm chí còn có đánh giá sẽ có cuộc đổ bộ của các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam. Bởi vì tăng trưởng xuất khẩu, các luồng chu chuyển vốn quốc tế và thanh toán quốc tế, khách du lịch quốc tế... đang gia tăng nhanh chóng và Việt Nam được coi là con hổ mới của châu Á.

* Các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều có tên trong bảng xếp hạng 100 ngân hàng lớn nhất thế giới, như: Citi Bank, Chase Mahattant Bank, America Express... của Mỹ; Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Tokyo and Mishubishi Bank, Fuji Bank... của Nhật Bản; Deutshe Bank, Berlin Bank... của Đức; ABN - Amro Bank của Hà Lan; Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC), Standard Chartered Bank của Anh; UOB, Keppel Bank, OCBC của Singapore; Calyon, Société Général, Natexis Banques Populaires, BNP Paribas của Pháp; ANZ của Australia; Hanil Bank, Hana Korea Exchange Bank của Hàn Quốc; cùng nhiều tập đoàn ngân hàng khác của Thái Lan, Malaysia, vùng lãnh thổ Đài Loan...