Xử lý người chưa thành niên: Không nên quy định "cứng"
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã thảo luật về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
TÁCH VỤ ÁN NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN: NÊN TÙY NGHI
Liên quan đến vấn đề tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội (Điều 140), đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu, Vĩnh Phúc, tại Điều 140 cho rằng thực tiễn tội phạm có người chưa thành niên đang tiếp tục tăng lên, rất nhiều vụ án người chưa thành niên giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, khi xét xử cần phải có đầy đủ lời khai, đối chất trực tiếp của tất cả các bị cáo tại phiên tòa thì mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án.
“Nếu tách ra thì cả những bị cáo là người chưa thành niên và bị cáo đã thành viên đều phải có mặt tham dự cả 2 phiên tòa. Đặc biệt hơn nữa, khi vụ án phải giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, ví dụ việc tranh chấp về bồi thường thiệt hại thì sẽ giải quyết ở phiên toà nào, phiên tòa người chưa thành niên hay phiên tòa người đã thành niên.
Về nguyên tắc trong tố tụng, các bị cáo, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều phải có mặt tại phiên tòa, bởi vì các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung liên quan đến việc chia thị phần và quyết định kháng cáo của các bị cáo liên quan đến bản án nào, những vấn đề này Ban soạn thảo cần phải đặt ra để giải quyết.
Do vậy, nên quy định tùy nghi, nếu có đủ điều kiện tách thì sẽ buộc phải tách, nếu trong trường hợp đặc biệt không tách được thì cho phép tùy nghi và sẽ không tách vụ án”, ông Hiếu cho hay.
Cho rằng việc tách vụ án và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hưởng sẽ không giải quyết triệt để vấn đề dân sự…, đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh), đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định này theo hướng đối với các vụ án khi có tranh chấp về bồi thường thiệt hại, thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát không xử lý chuyển hướng mà chuyển hồ sơ đến tòa án để xem xét, quyết định, vừa phù hợp với các quy định của Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án dân sự, hình sự và các quy định luật liên quan khác và không làm phát sinh thêm một vụ án dân sự khác.
Thống nhất với báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) đề nghị không có quy định “cứng” phải tách mà tùy vào từng vụ án, tùy từng trường hợp bị can, bị cáo nhiều, ít, đông hay tình tiết vụ án và giao trách nhiệm đó cho cơ quan điều tra, cho Viện kiểm sát và cho tòa án tách vụ án ra nếu như điều kiện thuận lợi...
ĐỀ XUẤT BỔ SUNG THÊM CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG
Đề cập đến Điều 39 về các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hưởng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng tại khoản 1 khoản 2 quy định cụ thể các tội phạm không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đó là tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi, sản xuất trái phép, tàng trữ trái phép, mua bán trái phép, vận chuyển trái phép và chiếm đoạt chất ma túy.
“Phải nói rằng thực tiễn trong thời gian 10 năm vừa qua cho thấy tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng người chưa thành niên phạm tội tập trung chủ yếu độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, tập hợp lại các nhóm đối tượng rất nhanh, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng mang tính chất hỗn chiến, phạm tội rất manh động.
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ.
Trong khi đó, dự thảo luật chỉ đưa được một số tội tại khoản 1, khoản 2 là thực sự chưa đầy đủ và thuyết phục.
Nếu các loại tội này không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, thì dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới do người dưới 18 tuổi gây ra sẽ tiếp tục lại gia tăng, có thể xuất hiện những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản.., sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội”, ông Tạo cho hay và đề nghị bổ sung thêm các tội danh khác như tội Mua bán người, tội Cưỡng dâm, Cưỡng đoạt tài sản, Tổ chức đua xe…
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam), đề nghị bổ sung thêm các trường hợp người chưa thành niên phạm tội khi thuộc các trường hợp sau thì không được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, đó là: người chưa thành niên là chủ mưu, tổ chức cầm đầu, chỉ huy; người phạm tội có tính chất côn đồ, chuyên nghiệp; hai là người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người; sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để phạm tội.