Xu thế dòng tiền: Áp lực vốn ngoại sẽ giảm
Giao dịch tuần này chứng kiến nhiều biến động lớn mà nổi bật là quy mô giao dịch mua bán lớn chưa từng có của nhà đầu tư ngoại
Giao dịch tuần này chứng kiến nhiều biến động lớn mà nổi bật là quy mô giao dịch mua bán lớn chưa từng có của nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đều đánh giá rất cao sự chủ động của dòng vốn mua vào tại phiên cuối cùng của tuần, khi áp lực tái cân bằng danh mục của quỹ V.N.M kết thúc.
Quan điểm khá thống nhất liên quan đến dòng vốn này là niềm tin đang ở mức cao, giao dịch chủ động, dòng tiền luân chuyển nhịp nhàng và hiện tượng các cổ phiếu liên tục được trao tay là yếu tố quan trọng để thị trường có thể tăng điểm bền vững.
Hoạt động giao dịch đã được thực hiện theo hướng tăng tỉ trọng mua vào blue-chips hoặc tái phân bổ lại vốn theo hướng vào blue-chips, hoặc giảm dần tỷ trọng tại các mã đầu cơ nhỏ. Thậm chí đã có danh mục sở hữu cổ phiếu tối đa và sử dụng thêm đòn bẩy.
Với việc kết thúc hoạt động tái cân bằng danh mục của quỹ V.N.M, các chuyên gia tin rằng áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm xuống đáng kể trong thời gian tới.
Dòng vốn mua quá chủ động!
Những kịch tính của tuần này dồn cả vào phiên giao dịch cuối cùng, khi mà hoạt động tái cân bằng danh mục của quỹ V.N.M lên đến đỉnh điểm. Ấn tượng lớn nhất có lẽ là dòng vốn đối ứng của nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả khi loại trừ những cổ phiếu được quỹ V.N.M mua như MSN, PVT, HAG, VCG thì vẫn có hàng trăm tỷ đồng được mua vào. Anh chị đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của dòng vốn mua vào đó?
Quá chủ động! Với kinh nghiệm quan sát ETF 3 năm gần nhất, chưa bao giờ tôi thấy lực mua đón đầu từ khối nhà đầu tư trong nước lại được đẩy vào hệ thống vào phiên khớp lệnh ATC trước cả lệnh bán của khối ngoại.
Những kỳ cơ cấu danh mục gần đây của các quỹ ETF, các dự báo cơ cấu danh mục mới luôn có độ chính xác cao nhờ vậy nhiều nhà đầu tư trong nước đã có hành động trước và chuẩn bị được nguồn lực cần thiết để mua vào những cổ phiếu có giá trị.
Tôi cho rằng, các dự báo này đã giúp thị trường biến động ổn định hơn ở các kỳ review danh mục quỹ ETF.
Giống các lần cơ cấu danh mục trước của các quỹ ETFs thì phiên ATC của ngày cuối cùng mang lại nhiều cảm xúc cho mọi nhà đầu tư khi họ theo dõi bảng điện tử. Việc lệnh bán và các lệnh mua đối ứng cũng đã được dự báo trước và điều này khá bình thường.
Điều dễ nhận thấy là một số cổ phiếu khi quỹ bán mạnh sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, nhất là khi cổ phiếu đó vẫn còn triển vọng tăng giá. Ngoài các lệnh mua bán đối ứng của khối ngoại, nhà đầu tư nội cũng tiện thể tham gia luôn khi niềm tin tăng điểm trong tuần tới dường như được dự báo trước.
Tôi cho rằng các phiên giao dịch cơ cấu danh mục của các quỹ ETF sẽ không có nhiều bất ngờ, đặc biệt khi thị trường đã đón nhiều tin tức vĩ mô hỗ trợ tốt như hiện nay.
ETF đã công bố danh mục cơ cấu trước đây khoảng 1 tuần và các lệnh mua bán ATC của nhóm này trong phiên 21/3 đã hầu như được mua vào một cách rất chủ động của các nhà đầu tư nội và một số nhà đầu tư ngoại khác.
Ngoại trừ các mã bị bán rất mạnh đã đóng cửa ở dưới tham chiếu như PVS, OGC thì ngược lại các cổ phiếu được mua ròng mạnh như PVT, MSN, VCG cũng không thay đổi nhiều so với mức giá mở cửa. Vì vậy, tác động cơ cấu danh mục này đã không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường ngoại trừ thanh khoản như nhiều người đã nghĩ.
Rõ ràng trong lần cơ cấu này, dòng tiền nội có dấu hiệu chủ động hơn rất nhiều. Câu chuyện ETF không còn chi phối thị trường như trước. Các cổ phiếu khác vẫn gối nhau tăng điểm, bất chấp lo ngại có một lượng lớn cổ phiếu sẽ bị EFT bán ra, thậm chí còn xuất hiện những ý định canh mua các cổ phiếu ETF bán ra.
Dòng tiền vẫn đang luân chuyển rất nhịp nhàng và hiện tượng các cổ phiếu liên tục được trao tay là yếu tố quan trọng để thị trường có thể tăng điểm bền vững.
Xu thế bán ròng sẽ giảm
Ngay trong tuần thực hiện tái cân bằng danh mục, quỹ V.N.M vẫn huy động thêm được 8,72 triệu USD nữa, bất chấp mức premium đến ngày 20/3 chỉ còn 0,13%. Liệu có thể trông đợi xu thế bán ròng trong 3 tuần qua của nhà đầu tư nước ngoài sẽ kết thúc?
Theo tôi xu thế bán ròng sẽ hầu như sẽ giảm dần mặc dù một số cổ phiếu vẫn sẽ bị bán tiếp trong thời gian tới. Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng về lượng cũng như về chất sẽ giảm và sẽ không tác động gì nhiều đến thị trường thời gian tới - dòng vốn ngoại sẽ mua ròng là chủ yếu.
Với các dữ liệu mới nhất trong ngắn hạn, có thể kỳ vọng xu thế bán ròng của khối ngoại trong 3 tuần qua sẽ kết thúc, khi mà tỷ lệ Premium của các ETF vẫn lớn hơn 0, những ảnh hưởng từ kỳ cơ cấu cũng không còn.
Tuy nhiên, tôi lưu ý động thái cắt giảm QE và nâng lãi suất gần đây nhất của FED. Điều này có thể khiến dòng vốn đầu tư sẽ bị rút khỏi các kênh đầu tư. Nếu điều này diễn ra, thị trường Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường Việt Nam có tính hấp dẫn riêng, nhưng nếu quan sát lại các đợt rút vốn ngắn hạn trong năm 2013 ở các thị trường khu vực, thị trường Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất mạnh từ hoạt động bán ròng của khối ngoại, điển hình là giai đoạn tháng 6, tháng 8/2013.
Tôi cho rằng hiện tượng bán ròng vẫn còn, nhưng mức độ giảm dần và chỉ tập trung ở một số cổ phiếu, vẫn có những cổ phiếu khác được mua ròng.
Mức premium của quỹ ETF chỉ là yếu tố mang tính chất ngắn hạn so sánh đối chiếu để hỗ trợ cho hành động huy động được thêm vốn của quỹ này. Tuy nhiên, việc huy động thêm một lượng tiền khá lớn như vậy trong bối cảnh premium chỉ còn 0,13% cho thấy sự kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế việt nam nói chung và thị trường chứng khoán việt nam nói riêng trong mắt nhà đầu tư ngoại đang lớn dần lên.
Đặc biệt khi Việt Nam gia nhập hiệp định TPP, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước ngày càng rõ nét hơn. Vì vậy, tôi cho rằng xu thế mua ròng của khối ngoại có thể trở lại sau kỳ cơ cấu ETF đợt này.
Tuần tới, giao dịch của khối ngoại có thể cân bằng hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mức premium của quỹ Market Vectors Vietnam ETF ở mức thấp, còn NAV của quỹ DB x-trackers FTSE Vietnam hiện đã thấp hơn giá thị trường. Điều này sẽ khiến việc huy động thêm vốn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc FED tiếp tục thu gọn gói QE3 và khả năng sớm tăng lãi suất trở lại sẽ khiến dòng vốn giá rẻ chững lại, điều này có thể gây bất lợi cho việc thu hút dòng vốn ngoại ngắn hạn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phân bổ vốn: Tăng tỉ lệ cổ
Những biến động từ các giao dịch lớn hẳn tạo ra cơ hội tốt cho hoạt động đầu tư. Anh chị đã thực hiện cơ cấu danh mục như thế nào? Tỉ lệ phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?
Như quan điểm tuần trước, tôi vẫn tiếp tục hướng vào các mã cổ phiếu thị giá thấp như MCG, DLG…
Tuy nhiên, tôi cũng thực hiện chốt lời, và giảm dần tỷ trọng danh mục ở nhóm cổ phiếu này, tỷ trọng hiện tại khoảng dưới 30%.
Tôi sẽ giành nhiều sự quan tâm đến các cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu dự báo kết quả kinh doanh quý I thuận lợi. Tỷ trọng cổ phiếu đầu tư ngắn hạn dự kiến ở mức 50%.
Tôi chủ yếu duy trì trạng thái nắm giữ trong 4 tuần qua, với lượng cổ phiếu 80%. Việc cơ cấu một phần sang nhóm bluechip có thể sẽ được tôi cân nhắc vào đầu tuần tới.
Các cổ phiếu lớn đã có mức giá khá cao tuy nhiên triển vọng chia thưởng cổ tức vẫn còn rất cao nên tôi vẫn khuyến nghị duy trì mức phân bổ 60% danh mục. 20% tiếp theo nên phân bổ vào các cổ phiếu midcap dòng sông đà, dầu khí, thủy sản, vận tải. 20% còn lại nên giữ lại cho lượng tiền mặt giúp duy trì trạng thái linh hoạt của tài khoản.
Tôi vẫn tiếp tục gia tăng tỷ trọng nắm giữ vào 2 mã blue-chips chất lượng nhất – 2 mã mid-cap tốt nhất trên 2 sàn và một cổ phiếu penny mang yếu tố cơ bản lai đầu cơ.
Việc đầu tư tập trung và kéo dài thời gian nắm giữ sẽ là sự khác biệt mang lại hiệu suất sinh lời cao nhất. Phân bổ vốn của tôi là 100% cổ phiếu + 50% sử dụng margin.
Xu thế tăng tiếp diễn
VN-Index đã có một tuần tăng nhẹ, đúng như dự đoán. Tuy nhiên một phần nguyên nhân là do các giao dịch lớn nhằm vào các cổ phiếu lớn. Hiệu ứng của đợt tái cân bằng với các giao dịch đột biến của khối ngoại đã kết thúc. Anh chị đánh giá thế nào về triển vọng và diễn biến của thị trường tuần tới?
Tôi kỳ vọng thị trường có điều chỉnh cũng ở mức độ không lớn, xu hướng tăng điểm vẫn tiếp diễn. Trong nhịp tăng tới, có thể sẽ có cả sự tham gia của bluechip lẫn penny.
Tôi cho rằng thị trường tuần tới vẫn sẽ là sân chơi của một vài mã nóng mà thôi, FLC, SHN…có thể lại tiếp tục nổi lên như những điểm nóng. Một vài mã cổ phiếu lớn sau khi thoát khỏi cung ngoại (từ đợt cơ cấu của ETF) có thể sẽ có những cú bật nhẹ, nhưng tôi không đánh giá cao cơ hội ở nhóm này.
Nếu phải chọn một nhóm cổ phiếu lớn nào đó cho các tài khoản có quy mô vốn lớn, nhóm ngân hàng sẽ là nhóm cổ phiếu mà tôi lựa chọn.
Hiện tại động lực tăng giá tại các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, bất động sản. Do vậy tôi cho rằng các chỉ số có thể tăng điểm nhẹ.
Tôi vẫn cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên vào tuần tới và chỉ số VN-Index có thể chạm hoặc thậm chí vượt ngưỡng 610 điểm. Tôi lạc quan vào xu hướng thị trường hiện tại.
Tôi lựa chọn xu hướng tăng điểm cho tuần tới và các cổ phiếu lớn của bất động sản, chứng khoán và có thể là ngân hàng sẽ dẫn dắt hai sàn trong tuần tới.
Nhằm giúp bạn đọc/nhà đầu tư chứng khoán có thêm những góc nhìn tham khảo uy tín, đến từ các chuyên gia hàng đầu trên thị trường, bắt đầu từ tháng 1/2014, VnEconomy mở thêm chuyên mục tọa đàm định kỳ hàng tuần mang tên “Xu thế dòng tiền”. “Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư. Ở vị trí điều phối cuộc tọa đàm là nhà báo Nguyễn Hoàng, người phụ trách Ban Chứng khoán của VnEconomy. VnEconomy và các chuyên gia không chịu trách nhiệm trước những thiệt hại nếu có trong hoạt động đầu tư dựa trên những nhận định được đăng tải. Các chuyên gia là những thành viên tham gia thị trường, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các hoạt động đầu tư thực tế, do vậy, các quan điểm nhận định cũng như phương pháp đầu tư có thể dẫn đến những xung đột lợi ích. |