Xu thế dòng tiền: Bắt đáy cổ phiếu ngân hàng, điều chỉnh đã xong?
Những biến động cực mạnh trong tuần qua đã tạo sự phân hóa rõ rệt trong đánh giá thị trường. Đối với các nhóm dẫn dắt như cổ phiếu ngân hàng, quan điểm mua bán cũng có sự trái ngược...
VN-Index sụt giảm mạnh hơn 54 điểm chỉ trong hai phiên đầu tuần và phục hồi gần 32 điểm trong 3 phiên cuối tuần, nên chung cuộc tuần quan vẫn giảm hơn 22 điểm. Việc VN-Index biến động mạnh và quay đầu tại đỉnh rất cao khiến các chuyên gia cũng có những cái nhìn thận trọng. Dù vậy có hai quan điểm trái ngược, rằng các phiên bật lại nhanh chóng cho thấy nhịp điều chỉnh này là để vượt đỉnh lên cao hơn; và thị trường có thể vẫn chưa kết thúc điều chỉnh mà các phiên cuối tuần chỉ là biến động mang tính kỹ thuật thông thường.
Quan điểm tích cực nhìn nhận sóng tăng từ tháng 3/2020 đến nay vẫn chưa kết thúc và những nhịp điều chỉnh không quá 5% sau đó đều đưa VN-Index vượt đỉnh. Mức điều chỉnh tuần qua chỉ 4,5% là đã phục hồi.
Ngược lại, quan điểm thận trọng đánh giá cường độ điều chỉnh tuần qua vẫn còn ít và sóng điều chỉnh chưa kết thúc. Về mặt kỹ thuật, sau 1-2 phiên giảm mạnh thị trường bật trở lại là bình thường, nhưng các tín hiệu kỹ thuật sẽ yếu dần đi, cùng với thanh khoản.
Biến động thị trường tuần qua cũng gắn liền nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các chuyên gia cũng không thống nhất trong việc có nên bắt đáy các cổ phiếu này hay không. Ngân hàng phục hồi mạnh những ngày cuối tuần là nguyên nhân dẫn đến VN-Index phục hồi. Do đó quan điểm thận trọng cho rằng chưa nên bắt đáy vì mức điều chỉnh chưa đủ hấp dẫn. Ngược lại, quan điểm tích cực đánh giá cơ hội tăng ở nhóm này vẫn còn.
Tôi thiên về quan điểm nhịp này chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật thông thường, có khả năng nhịp này thị trường tạo mô hình 2 đỉnh thậm chí 3 đỉnh sau đó sẽ có một nhịp điều chỉnh tương đối, nhiều cổ phiếu sẽ được chiết khấu về vùng giá tốt.
Ông Nguyễn Việt Quang
Mặc dù có những khác biệt về quan điểm, nhưng hành động của các chuyên gia tuần qua lại khá thống nhất. Ngay cả các quan điểm tích cực cũng thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu hoặc đưa về ngưỡng cần bằng. Các chuyên gia thận trọng dĩ nhiên hạ tỷ trọng. Thậm chí các nhịp phục hồi ở cổ phiếu vẫn được khuyến khích để chốt lời.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường xuất hiện những biến động rất mạnh trong tuần, mà nguyên nhân được cho là do nhà đầu tư dùng lệnh MP để “chống nghẽn”. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng thị trường quay đầu giảm mạnh do lo ngại sóng 5 đã đạt đỉnh. Quan điểm anh chị thế nào?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng cả 2 nguyên nhân kể trên là nguyên nhân dẫn đến việc thị trường biến động mạnh và điều chỉnh 1,6% (-22,3 điểm) trong tuần vừa qua, chấm dứt chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp của chỉ số VN-Index và 10 tuần đi lên không nghỉ của chỉ số VN30.
Sau chuỗi tăng 4 tháng liên tiếp, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng thêm gần 2% kể từ đầu tháng 6 cho tới nay và bỏ xa các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, do vậy nhịp điều chỉnh hơn 4,5% ở 2,5 phiên đầu tuần vừa qua là hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân giảm không xuất phát từ các yếu tố cơ bản hoặc các thông tin tiêu cực mà đến từ yếu tố kỹ thuật của hệ thống nên chỉ mang tính chất thời điểm và nhịp điều chỉnh cũng sẽ sớm qua nhanh.
Theo thống kê, kể từ nhịp giảm cuối tháng 3/2020, các nhịp điều chỉnh không quá 5% thì sau đó thị trường đều vượt đỉnh cũ.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng sóng điều chỉnh có lẽ vẫn chưa kết thúc. Phiên tăng điểm mạnh ngày thứ 6 vẫn có thể chưa đủ bởi pha điều chỉnh lớn của thị trường thường sẽ kéo dài hơn. Dù sao thị trường cũng có giai đoạn tăng nhiều và cần các nhịp điều chỉnh tích lũy. Điều quan trọng hiện tại vẫn là câu chuyện quản trị danh mục đầu tư thận trọng.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Thị trường tuần qua trải qua biến động mạnh khi sụt giảm mạnh trong 2 phiên đầu tuần và hồi phục mạnh phiên cuối tuần. Theo tôi nguyên nhân chính đến từ các vấn đề về mặt kỹ thuật như bảng điện hiện thị không chính xác giữ liệu giao dịch, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn xảy ra ở 1 vài thời điểm và đặc biệt là việc nhà đầu tư bị hạn chế sửa, huỷ lệnh giao dịch.
Các vấn đề trên là nguyên nhân thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện lệnh MP ở các thời điểm thị trường biến động mạnh, và khiến biến động thị trường lại càng nhanh và có xu hướng 1 chiều thay vì giằng co trong phiên.
Tôi không nghĩ rằng bắt đáy nhóm cổ phiếu ngân hàng là ý tưởng hay, mà cho rằng nên thận trọng hơn hoặc thậm chí không mua bởi nhóm này theo tôi mức giá đã không còn hấp dẫn.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Theo tôi nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ thiếu thông suốt của hệ thống giao dịch. Vào đầu tuần, tâm lý lo ngại thị trường đã đạt đỉnh ngắn hạn nhưng hệ thống giao dịch không cho phép tiến hành hủy, sửa lệnh đã kích hoạt hàng loạt lệnh bán MP khiến thị trường giảm mạnh gần 40 điểm. Khi hệ thống mới được triển khai thì mức độ biến động trong phiên sẽ ít hơn so với tuần vừa qua.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Quan điểm của tôi là kết hợp cả 2 yếu tố trên: Thị trường đã vào đoạn cuối sóng 5 cũng như nhà đầu tư giao dịch như người “mù” trên thị trường khi lệnh vào chậm và bảng giá hiển thị dư mua dư bán sai thậm chí điểm số thị trường, khối lượng thanh khoản thị trường cũng có lúc hiển thị không đúng. Các yếu tố này làm thị trường tuần qua biến động rất mạnh.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm biến động mạnh nhất trong tuần. Tuy nhiên đến cuối tuần các giao dịch bắt đáy đã ồ ạt xuất hiện, đẩy giá phục hồi mạnh. Theo anh chị liệu cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh như vậy đã đủ chưa, có nên bắt đáy nhóm cổ phiếu này?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đang đến gần và các con số ước tính lợi nhuận ngành ngân hàng đều mang lại bức tranh hết sức khả quan, tôi cho rằng nhóm này sẽ quay trở lại giao dịch tích cực trong 1 vài tuần tới, nhất là trong bối cảnh áp lực chốt lời vùng giá cao đã được giảm tải đáng kể sau 2 phiên điều chỉnh đầu tuần qua.
Tôi thường không khuyến khích nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu, tuy nhiên nhịp điều chỉnh vừa qua chỉ thuần tuý mang tính kỹ thuật trong 1 xu hướng tăng giá dài hạn của cổ phiếu ngành ngân hàng, song song với sự cải thiện trong nên tảng cơ bản của các doanh nghiệp trong ngành.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Trong tháng 5, nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi điều chỉnh đều bật lên rất mạnh và vượt qua đỉnh cũ. Hành động bắt đáy nhóm cổ phiếu này trong phiên cuối tuần xuất phát từ kỳ vọng diễn biến tương tự sẽ lặp lại.
Tuy vậy, so với diễn biến tăng giá của cổ phiếu thì mức điều chỉnh khoảng 10% vẫn khá thấp và chưa đủ hấp dẫn. Theo tôi việc bắt đáy là hành động khá mạo hiểm và chỉ thật sự phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi việc điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng như vậy là còn quá ít khi mà nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng mấy lần từ đáy và tuần trước là giai đoạn nhiều cổ phiếu ngân hàng chạy nước rút kéo tăng trên 30% chỉ trong vài phiên thậm chí có cổ còn tăng trên 50%. Nhịp điều chỉnh vừa rồi là chưa đủ và không nên bắt đáy cổ phiếu ngân hàng.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thanh khoản tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khá lớn (chiếm 43%) và chỉ giảm nhẹ so với tuần trước đó khi nhà đầu tư cá nhân thận trọng hơn. Một số cổ phiếu cũng đã phục hồi về gần mức đỉnh gần nhất khi lực cầu bắt đáy ồ ạt xuất hiện ở các phiên cuối tuần, đặc biệt là ở các cổ phiếu gắn với câu chuyện tăng vốn.
Nguyên nhân giảm không xuất phát từ các yếu tố cơ bản hoặc các thông tin tiêu cực mà đến từ yếu tố kỹ thuật của hệ thống nên chỉ mang tính chất thời điểm và nhịp điều chỉnh cũng sẽ sớm qua nhanh. Theo thống kê, kể từ nhịp giảm cuối tháng 3/2020, các nhịp điều chỉnh không quá 5% thì sau đó thị trường đều vượt đỉnh cũ.
Ông Ngô Quốc Hưng
Nhịp điều chỉnh vừa qua đến chủ yếu từ nhóm nhà đầu tư cá nhân chốt lời trong khi nhóm nhà đâu tư tổ chức giải ngân ròng cao nhất 6 tuần. Do vậy, tôi cho rằng đây vẫn là thời điểm giải ngân đối với nhóm cổ phiếu này cho danh mục quý 2 đối với những cổ phiếu có câu chuyện và khỏe hơn so với thị trường chung.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ vẫn đang trong nhịp điều chỉnh cho dù một vài cổ phiếu như CTG chẳng hạn mạnh hơn các cổ phiếu khác. Tôi không nghĩ rằng bắt đáy nhóm cổ phiếu ngân hàng là ý tưởng hay mà cho rằng nên thận trọng hơn hoặc thậm chí không mua bởi nhóm này theo tôi mức giá đã không còn hấp dẫn.
Tôi cũng không phải là người thích giao dịch ngắn hạn mà nghiêng hẳn về việc tích lũy các cổ phiếu bị định giá thấp hơn. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì tiêu chí “giàu chậm” sẽ phù hợp hơn với tiêu chí “giàu nhanh” trên thị trường chứng khoán. Cứ đánh giá, sàng lọc kỹ lưỡng các cổ phiếu. Cơ hội mua lại đến từ nhiều nhóm ngành khác chứ đâu cũng phải nhất thiết là các cổ phiếu ngân hàng.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Phiên phục hồi mạnh cuối tuần cũng giúp VN-Index lấy lại khá nhiều điểm số đã mất, nhưng thị trường vẫn đang xuất hiện những quan điểm trái chiều trên góc độ kỹ thuật: Quan điểm tích cực nhìn nhận thị trường điều chỉnh bình thường để tăng tiếp trong ngắn hạn. Quan điểm thận trọng hơn coi phiên cuối tuần như nhịp phục hồi kỹ thuật thông thường rồi giảm tiếp. Quan điểm anh chị thì sao?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi thiên về quan điểm nhịp này chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật thông thường, có khả năng nhịp này thị trường tạo mô hình 2 đỉnh thậm chí 3 đỉnh sau đó sẽ có một nhịp điều chỉnh tương đối, nhiều cổ phiếu sẽ được chiết khấu về vùng giá tốt.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Về mặt kỹ thuật, nhịp hồi lên của chỉ số sau một phiên giảm mạnh là hết sức bình thường. Nhịp hồi này lại không đi kèm thanh khoản đủ lớn để xác nhận dòng tiền thật sự đã quay trở lại. Các chỉ báo kỹ thuật khác như Parabolic SAR, MACD, RSI cũng đang phát tín hiệu rủi ro điều chỉnh đang tăng cao.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi không bi quan quá về thị trường nhưng nghiêng về kịch bản có khả năng giảm tiếp 1 nhịp. Quan điểm thận trọng trong mua mới là quan điểm tư vấn xuyên suốt tuần vừa qua của tôi.
Nhà đầu tư có khả năng nhận định thị trường tốt hoàn toàn có thể trading theo phiên để tối ưu hoá lợi nhuận, tuy nhiên điều này cũng đi kèm rủi ro nếu việc ra/vào lệch pha với diễn biến chỉ số.
Ông Trần Đức Anh
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường vẫn đang trong nhịp “pullback” trong kênh tăng giá kể từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua. Tôi cho rằng chừng nào vùng hỗ trợ 1.300 – 1.310 điểm chưa bị xuyên thủng thì xu hướng tăng vẫn còn tiếp diễn. Cho tới khi điều này vẫn chưa diễn ra thì nhịp điều chỉnh là bình thường để tăng tiếp trong ngắn hạn và ngược lại.
Bên cạnh đó, như đã phân tích ở trên, nhịp điều chỉnh vừa qua không xuất phát từ yếu tố cơ bản hoặc các thông tin tiêu cực mà đến từ yếu tố kỹ thuật của hệ thống nên chỉ mang tính chất thời điểm và nhịp điều chỉnh cũng sẽ sớm qua nhanh.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi thiên về kịch bản thị trường vẫn đang trong chu kỳ tăng giá trong trung hạn và bất kỳ nhịp điều chỉnh nào chỉ mang tính kỹ thuật. Điều kiện thị trường vẫn đang ở trạng thái thuận lợi, các rủi ro (lạm phát, tỷ giá, nội tại doanh nghiệp, chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, rủi ro địa chính trị, các rủi ro ngoại biên…) đều chưa đáng lo ngại.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Anh chị tuần qua có bán bớt cổ phiếu không? Rất nhiều mã đã đạt một đỉnh giá cao đầu tuần và dù phục hồi mạnh hôm thứ Sáu vẫn chưa để quay lại đỉnh cũ. Nhà đầu tư cầm cổ có nên tranh thủ thị trường hồi để bán?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi đang giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức thấp. Cơ hội sẽ vẫn còn nhiều. Điều quan trọng đó là xem thị trường sẽ điều chỉnh như thế nào rồi việc mua vào mới sẽ được tính đến trong giai đoạn tới.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tuần qua tôi có hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và chờ thêm diễn biến của thị trường khi vùng trading hiện tại là khá hẹp và dao động của thị trường cũng đã tăng đáng kể. Nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược mua ở các ngưỡng hỗ trợ và canh các nhịp hồi để bán hạ tỷ trọng.
Về mặt kỹ thuật, nhịp hồi lên của chỉ số sau một phiên giảm mạnh là hết sức bình thường. Nhịp hồi này lại không đi kèm thanh khoản đủ lớn để xác nhận dòng tiền thật sự đã quay trở lại. Các chỉ báo kỹ thuật khác như Parabolic SAR, MACD, RSI cũng đang phát tín hiệu rủi ro điều chỉnh đang tăng cao.
Ông Đào Tuấn Trung
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Cá nhân tôi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao dù thị trường biến động mạnh trong tuần qua. Nhà đầu tư có khả năng nhận định thị trường tốt hoàn toàn có thể trading theo phiên để tối ưu hoá lợi nhuận, tuy nhiên điều này cũng đi kèm rủi ro nếu việc ra/vào lệch pha với diễn biến chỉ số.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Với mức lợi nhuận khá lớn từ mức tăng mạnh của thị trường, nhà đầu tư cầm cổ phiếu có thể canh chốt lời một phần trong các nhịp hồi phục để hiện thực hóa lợi nhuận. Tuần qua tôi có tiến hành chốt lãi một số cổ phiếu đã đạt kỳ vọng ngắn hạn và đưa tỷ lệ cổ phiếu/tiền về 50/50.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tuần vừa rồi nhiều cổ phiếu trong danh mục của tôi đã có quá trình chạy nước rút và đạt “target”, tôi đã chốt một phần cổ phiếu để thực hiện hóa lợi nhuận và tuần tới tôi sẽ tiếp tục chốt lời 1 phần nữa, phần còn lại sẽ để theo dõi thêm thị trường cũng như cổ phiếu nắm giữ.
Với các nhà đầu tư đang sử dụng margin theo tôi giai đoạn này cần bán chốt phần margin thậm chí có thể chốt một phần ở tiền thật với các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng cũng như đưa ra các mức giá để thực hiện chốt toàn bộ danh mục khi cổ phiếu không đi đúng hướng kỳ vọng.