23:32 26/06/2016

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất

Nguyễn Hoàng

Mối lo ngại chính đối với Brexit được cho là sự khó đoán định các ảnh hưởng một cách cụ thể

Brexit đã có những tác động đáng kể tới giá trị của một số đồng tiền chủ chốt.
Brexit đã có những tác động đáng kể tới giá trị của một số đồng tiền chủ chốt.
Trước những phản ứng dữ dội của thị trường tài chính toàn cầu với sự kiện Brexit (cử tri Anh chọn rời Liên minh Châu Âu), các chuyên gia cũng chuyển sang bi quan hơn đáng kể.

Mặc dù từ tuần trước, các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn vẫn dự trù kịch bản sự kiện Brexit xảy ra, nhưng sự bi quan dường như đã tăng lên, khi đồng loạt cắt giảm cổ phiếu xuống mức rất thấp hoặc hoàn toàn đứng ngoài thị trường.

Mối lo ngại chính đối với Brexit được cho là sự khó đoán định các ảnh hưởng một cách cụ thể. Do thời gian quá ngắn và hầu như toàn bộ thế giới chưa chuẩn bị cho một vấn đề như vậy, nên việc lượng hóa tác động là khó khăn.

Theo các chuyên gia, dòng vốn chảy vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng khi giá trị tài sản rủi ro trên toàn cầu sụt giảm. Tỷ giá có thể chịu thêm những tác động mới và giá dầu sụt giảm.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng sự kiện Brexit xảy ra ở thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh và mức định giá cổ phiếu không còn quá hấp dẫn như trước. Rủi ro chung tăng lên với Brexit sẽ đẩy thị trường điều chỉnh nhanh hơn.

Đáng nể bắt đáy

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 1Nguyễn Hoàng
VnEconomy

Sự kiện Brexit đã khép lại tuần giao dịch đầy biến động. Những cú sốc là điều hiển nhiên, nhưng rõ ràng là thị trường đã có những phản ứng khá bất ngờ, nhất là lực bắt đáy cuối phiên với quy mô giao dịch khổng lồ, kể cả những cổ phiếu bị xem là bị tác động mạnh như PPC và một số mã khác. Theo anh chị hành động bắt đáy đó có quá rủi ro hay không?

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 2Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Cá nhân tôi luôn cho việc bắt đáy là bắt dao rơi. Tuy nhiên, lượng bắt đáy với quy mô khổng lồ như phiên thứ Sáu thật đáng nể.

Giống như sự kiện Brexit, ngay ngày hôm trước cả thế giới còn nhìn nhận một đằng, kết cục của ngày hôm sau lại theo một nẻo, chúng ta cũng không thể biết trước thị trường như thế nào. Vì vậy, tại thời điểm này tôi không có ý kiến gì về hành động này.

Ngày mai nếu thị trường đảo chiều mạnh, phần thưởng này thật xứng đáng cho những người dũng cảm bắt đáy. Ngược lại, nếu thị trường không như ý, những nhà đầu tư đã bắt đáy cũng cần chuẩn bị tinh thần ứng phó lại với kịch bản này.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 3Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi nghĩ rằng luôn có quan điểm khác nhau ở mọi thời điểm. Tuy nhiên có một thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy: 

- Sự kiện Brexit đã làm gia tăng các yếu tố bất định đối với thị trường tài chính toàn cầu và cả đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (đồng nghĩa với rủi ro trong thời gian tới tăng lên).

- Thị trường Việt Nam đã trải qua giai đoạn uptrend khá dài mới mức tăng của VN-Index khoảng hơn 23% tính từ đáy, trong đó nhiều cổ phiếu chúng tôi theo dõi đã tăng đến 50%, thậm chí 100%, nghĩa là định giá nhiều cổ phiếu đã không còn hấp dẫn.

- Mức độ margin trên thị trường đã vượt đỉnh khá nhiều (mặc dù chỉ báo rủi ro margin năm nay không còn chính xác như các năm trước).

Như vậy “downside risk” (rủi ro giảm giá) là khá lớn ở thời điểm này, mà Brexit chỉ như một chất xúc tác thêm vào rủi ro vốn có mà thôi.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 4Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Một phiên giảm điểm mạnh kèm thanh khoản lớn nhất là diễn biến bất ngờ từ việc phản ứng thái quá từ phía các nhà đầu tư đã cho thấy thị trường trong ngắn hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, không chỉ ở góc độ dự báo xu thế mà cả chiến lược giao dịch ngắn hạn của các nhà đâu cơ cổ phiếu Việt Nam.

Cho dù thanh khoản trên cả hai sàn giao dịch vượt con số 5.000 tỷ đồng cũng phản ánh việc dòng tiền lớn cũng bắt đầu tham gia thị trường, khẳng định xu thế tăng trung hạn nhưng không có nghĩa thị trường không có điều chỉnh trong ngắn hạn.

Thị trường khả năng vẫn chịu tắc động của dư địa sự kiện Brexit cũng như tâm lý yếu của đại bộ phận nhà đâu tư và việc lựa chọn cẩn thận một số mã cổ phiếu tốt giảm giá bất ngờ để mua vào được coi là chiến lược hợp lý.

Hành động giải ngân cẩn trọng với việc sử dụng dòng tiền có kiểm soát khác với chiến lược mua bắt đáy lạm dụng đòn bẩy tài chính. Quan điểm của tôi sẽ là quan sát diễn biến thị trường tuần tới để có chiến lược phù hợp. Nếu có giải ngân nên chọn một số mã triển vọng chứ không phải tất cả.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 5Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Theo quan điểm phân tích kĩ thuật chúng tôi đánh giá thị trường đã có điểm tiêu cực là các chỉ báo xung lượng ngắn hạn xuất hiện mô hình phân kỳ giảm giá từ vùng quá mua cho thấy rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng và chúng tôi không khuyến khích tham gia bắt đáy trong giai đoạn này.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng mua và hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 20% danh mục ở các nhịp hồi phục trong các phiên giao dịch đầu tuần.

Ở khía cạch các mã được hưởng lợi chúng ta thấy có NT2 và HT1, BCC là những mã có lượng nợ bằng Euro lớn sẽ được hưởng lợi khi Euro có dấu hiệu giảm giá mạnh trong dài hạn bởi vì EU tiếp tục gia tăng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn ở khía cạnh tiêu cực những mã có dư nợ bằng đồng Yên như PPC sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi đồng Yên tăng giá.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 6Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Trong những phiên thị trường biến động đột biến do tác động tiêu cực từ những sự kiện chưa từng có tiền lệ xảy ra trong quá khứ, cụ thể trong trường hợp này là sự kiện Brexit, thì việc tham gia bắt đáy sẽ phải đối mặt với rủi ro không nhỏ từ những tác động khó lường có thể xảy ra đến nền kinh tế thế giới cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam trong giai đoạn “hậu Brexit”.

Mặc dù vậy, nếu xét dưới góc độ kỹ thuật, việc lực cầu bắt đáy tham gia nâng đỡ tích cực về cuối phiên đã giúp VN-Index và các cổ phiếu blue-chips đóng cửa trên những ngưỡng hỗ trợ quan trọng, qua đó phần nào làm giảm đi nguy cơ sụt giảm mạnh của chỉ số trong ngắn hạn.

Trong kịch bản tích cực, chỉ số hoàn toàn có thể xuất hiện sự hồi phục tăng điểm trong những phiên đầu tuần tới. Tuy nhiên, kịch bản chỉ số quay lại vùng 590-600 điểm sau đó sẽ cần được tính đến.

Đừng vội chủ quan

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 7Nguyễn Hoàng
VnEconomy

Mức điều chỉnh cũng như khối lượng trao tay cực lớn ngày cuối tuần liệu đã phản ánh hết những tác động của sự kiện Brexit hay chưa? Chiến lược hành động tiếp theo của anh chị là gì, và anh chị có mối quan ngại nào lớn nhất lúc này?

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 8Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Theo tôi, quan điểm cho rằng tác động từ sự kiện Brexit không đáng kể do quy mô kinh tế của Anh chỉ chiếm khoảng 4% GDP thế giới là lập luận quá đơn giản, và bỏ qua nhiều vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Kinh tế thế giới và thị trường tài chính sẽ còn đối mặt với nhiều hệ lụy khác trong thời gian tới: 

- Tác động có thể ảnh hưởng lan đến các quốc gia thành viên khác thông qua mối liên hệ tài chính và đầu tư với Anh, vốn là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới, với quy mô gấp 8 lần GDP của nước Anh.

- Brexit có thể dẫn đến tâm lý muốn rời bỏ EU của các quốc gia thành viên khác, trước mắt một số quốc gia thành viên EU mà chưa sử dụng đồng tiền chung Euro (tương tự như trường hợp của Anh) như Thụy Điển, Đan Mạch,… có thể sẽ thực hiện trưng cầu dân ý tương tự. Nếu kịch bản này xảy ra, tương lai của kinh tế EU, vốn đã có quá nhiều vấn đề, sẽ càng u ám, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

- Brexit làm gia tăng các yếu tố bất định trên thị trường tài chính toàn cầu, có thể dẫn đến hành động thu hẹp kênh đầu tư rủi ro và tìm kiếm tài sản an toàn hơn.

Về chiến lược hành động, trong bối cảnh lãi suất thấp, chắc chắn tôi vẫn sẽ lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, với bối cảnh các yếu tố bất định tăng lên, tôi sẽ tăng mức độ thận trọng và chiết khấu nhiều hơn đối với giá cổ phiếu trước khi lựa chọn mua vào trong thời gian tới. 

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 9Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi cho rằng thị trường khả năng theo quán tính có thể điều chỉnh tiếp một tuần giao dịch nữa và chúng ta vẫn chưa chứng kiến quá trình điều chỉnh thực sự kể từ tháng Ba trở lại đây.

Tác động của sự kiện Brexit sẽ tiếp tục diễn ra, khối ngoại khả năng cũng sẽ bán ra, khi mà tình hình các thị trường chứng khoán quốc tế đang có những biến động lớn.

Nhà đầu tư vẫn rất phải cẩn trọng và giữ một tỷ lệ cổ phiếu ở mức an toàn. Tác động của sự kiện này tôi không đánh giá là nguy hiểm, nhưng tâm lý nhà đâu tư thì chúng ta khó có thể đo lường. 

Sự hoảng loạn được kích động từ các tin tức vĩ mô cũng sẽ gây bất ngờ, nên rõ ràng lo ngại lớn nhất của tôi là tâm lý nhà đầu tư. Việc nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu gì với thời gian thế nào với thái độ ra sao mới là điều quan trọng hơn cả.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 10Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) của cử tri Anh đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư và kích hoạt làn sóng bán mạnh trên toàn cầu. Đồng Bảng Anh, đồng Euro và giá dầu thô cùng giảm mạnh. Ngược lại đồng Yên Nhật và giá vàng tiếp tục tăng mạnh vì là “hầm trú ẩn” an toàn cho các nhà đầu tư.

Các thị trường tại châu Á đều bị ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là tại Nhật Bản khi chỉ số thị trường chứng khoán nước này giảm 8%. Chỉ số VN-Index cũng theo  xu hướng chung, giảm còn 610 điểm trước giờ nghỉ trưa và lao dốc chạm 597 điểm, tương ứng -5,4% vào đầu phiên chiều với khối lượng giao dịch lớn.

Đây rõ ràng là một phản ứng thái quá và thị trường đã nhanh chóng nhận ra điều này. Chỉ số đã nhanh chóng phục hồi vào thời điểm cuối phiên và đóng cửa với mức giảm “chỉ” 11,65 điểm, tương ứng 1,8% đạt 620,62 điểm.

Tôi cho rằng mức điều chỉnh và khối lượng giao dịch là chưa lường trước và chưa phản ánh hết tác động của sự kiện Brexit. Chúng tôi lựa chọn giải pháp thận trọng cắt lỗ và đứng ngoài thị trường lúc này.

Quan ngại lớn nhất của chúng tôi lúc này là có thể xảy ra ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là việc sẽ chậm tăng trưởng GDP ở các nước EU.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 11Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Việc bắt đáy luôn xảy ra trong chiều xuống của thị trường, vấn đề duy trì được bao lâu thì rất khó đoán. Thị trường xuống hay lên thường đều quá đà hơn so với chúng ta nghĩ, vì vậy tôi không vội hành động ngay mà quan sát thêm.

Thế giới đang phản ứng rất tiêu cực với Brexit, mà chúng ta đã đề cập nhiều lần rằng Việt Nam rất khó đi ngược dòng. Nếu đợt cổ phiếu bắt đáy hôm thứ 6 về tài khoản mà lỗ, hoặc dùng dằng đi ngang, tôi lo sợ áp lực bán giải chấp sau đó còn lớn hơn.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 12Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Chưa thể nói rằng mức điều chỉnh trong phiên cuối tuần qua đã đủ để phản ánh hết những tác động của việc Anh rời khỏi EU. Thị trường tiền tệ và chứng khoán toàn cầu vẫn có thể sẽ còn phải đối mặt với những biến động mạnh trong ngắn hạn.

Chứng khoán Việt Nam theo tôi cũng sẽ không tránh khỏi sự ảnh hưởng này. Do vậy, chiến lược hành động trong giai đoạn này tôi sẽ là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp hoặc đứng ngoài thị trường để chờ đợi một diễn biến ổn định hơn.

Mối quan ngại của tôi lúc này là những hệ lụy của sự kiện Brexit. Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất trong ngắn hạn sẽ đến từ đà giảm của giá dầu (do đồng USD tăng và nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng ở khu vực EU và Anh), cùng với biến động của các đồng tiền chủ chốt khác.

Hệ luỵ bao lâu?

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 13Nguyễn Hoàng
VnEconomy

Những tác động kinh tế của sự kiện Brexit đối với Việt Nam cũng đã được đề cập khá nhiều, nhưng còn tác động của dòng vốn thì sao? Liệu có sự dịch chuyển hay thay đổi tiêu cực đối với dòng vốn gián tiếp vào thị trường hay không?

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 14Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Brexit không chỉ tác động tới thị trường tài chính toàn cầu mà còn cả nền kinh tế của Việt Nam, do EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam cùng với Mỹ và Trung Quốc. 

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh vào khoảng 4,65 tỷ USD năm 2015, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Ngoài ra, như chúng tôi đã đề cập từ đầu năm 2016, bất kỳ biến động nào tại Trung Quốc dẫn đến phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ khiến đồng VND giảm tương ứng. Quy mô xuất khẩu của Trung Quốc sang EU và Anh lớn hơn nhiều so với với Việt Nam. 

Nếu có những diễn biến tiêu cực với Nhân dân tệ thì những tác động tiêu cực lên VND hoàn toàn có thể xẩy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả dòng vốn trực tiếp và gián tiếp tới Việt Nam.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 15Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi chưa có con số phân tích việc dòng vốn thay đổi thế nào, quy mô ra sao nhưng chắc chắn các dự án đầu tư cũng có những ảnh hưởng, dòng tiền FDI, rồi câu chuyện động thái bán ròng của khối ngoại…

Theo tôi trong ngắn hạn thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng nhất định gây ra tâm lý bán tháo trên thị trường. Nhìn xa hơn thì thị trường dù gặp bất lợi ngắn hạn nhưng sẽ lại hồi phục trở lại.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 16Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra! Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hưởng lợi từ dòng tiền nước ngoài mua ròng trong một thời gian khá dài tính từ đầu năm đến nay. Brexit có khả năng khiến dòng vốn của khối ngoại trở nên thận trọng hơn với các khu vực được xếp vào nhóm có rủi ro cao như thị trường Việt Nam (thị trường biên).

Đánh giá gần đây về sự kiện này, Bloomberg đã chỉ ra Việt Nam nằm trong số các nước ở châu Á có thể bị tác động mạnh nhất đối với Brexit, trên phương diện tổng hợp các yếu tố rủi ro về dòng vốn và quan hệ thương mại.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 17Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong hai phiên cuối tuần qua ít nhiều cho thấy sự ảnh hưởng của sự kiện Brexit đến hoạt động của dòng vốn ngoại.

Dù xu hướng bán ròng vẫn chưa rõ nét, nhưng nếu thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục chuỗi giảm điểm kéo dài cùng sự tăng giá của vàng và USD, có thể sẽ khiến nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên và có thể khiến một phần dòng vốn ngoại chảy khỏi thị trường trong thời gian tới.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 18Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi cho rằng trong trường hợp thị trường tiếp tục phản ứng tiêu cực, thì sự tiêu cực có thể sẽ kéo dài bằng tháng. Tuy nhiên trong dài hạn, tôi cho rằng dòng vốn ngoại vẫn quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thận trọng quan sát

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 19Nguyễn Hoàng
VnEconomy

Tuần trước anh chị tỏ ra khá thận trọng trước sự kiện Brexit. Anh chị có hành động như thế nào trong ngày cuối tuần, mua vào hay bán ra? Mức duy trì danh mục hiện tại như thế nào?

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 20Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tuần qua tôi cũng đã có thực hiện tiếp cơ cấu danh mục. Có những cổ phiếu tăng tốt tôi cũng đã bán ra giảm tỷ trọng và thực hiện mua vào một số cổ phiếu tiềm năng.

Tuy nhiên tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt của tôi cũng đã giảm xuống chỉ còn là 40%/60%. 

Có lẽ tôi sẽ giải ngân thêm cổ phiếu trong tuần tới nhưng chỉ vào một cổ phiếu tôi đánh giá triển vọng nhất hiện nay mà thôi.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 21Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi vốn đã đứng ngoài thị trường hai tuần nay. Theo tôi, Brexit sẽ tạo ra cơ hội khi thị trường giảm điểm đưa mặt bằng giá cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn và mức độ margin giảm bớt so với mức quá cao như hiện tại (để giảm rủi ro).

Tuy nhiên mức độ giảm trong phiên thứ 6 chưa đủ hấp dẫn để tôi quay lại thị trường. Tôi sẽ tiếp tục quan sát và chờ đợi cơ hội trong giai đoạn này.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 22Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi giữ nguyên trạng thái 0% cổ phiếu. 

Nếu tuần tới thị trường đảo chiều, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu khỏe nhất trong phiên thứ 6 sẽ đáng quan tâm hơn cả.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 23Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi có thực hiện một vài hoạt động trading trong ngày cuối tuần sau khi đã thực hiện chốt lời 2/3 danh mục ngắn hạn trong những phiên giữa tuần. 

Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện đang ở mức 40% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn chiếm 20%).

Tôi dự định sẽ bán giảm tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn trong những phiên tăng điểm của thị trường vào tuần tới.

Xu thế dòng tiền: Brexit và rủi ro lớn nhất 24Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi canh những phiên tăng nhẹ đầu tuần thì bán ròng và giảm giảm tỷ trọng cổ phiếu. 

Chúng tôi duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 20% danh mục trước những diễn biến khó khăn sắp tới.

* Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.

Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS: quang.phamthien@mbs.com.vn

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): leduckhanh@gmail.com

Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS: huyen.ho@vndirect.com.vn

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tranxuanbach@baoviet.com.vn