11:49 05/02/2023

Xu thế dòng tiền: Rủi ro thị trường tạo 2 đỉnh

Nguyễn Hoàng

VN-Index quay đầu điều chỉnh trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ, đánh dấu bằng phiên giảm mạnh hôm 1/2, đẩy chỉ số xuống thấp hơn đỉnh tháng 12/2022. Đây là tín hiệu cho thấy về mặt kỹ thuật, thị trường có nguy cơ tạo 2 đỉnh và rơi vào nhịp điều chỉnh...

Nhiều tín hiệu kỹ thuật cho thấy VN-Index rủi ro đạt đỉnh ngắn hạn.
Nhiều tín hiệu kỹ thuật cho thấy VN-Index rủi ro đạt đỉnh ngắn hạn.

VN-Index quay đầu điều chỉnh trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ, đánh dấu bằng phiên giảm mạnh hôm 1/2, đẩy chỉ số xuống thấp hơn đỉnh tháng 12/2022. Đây là tín hiệu cho thấy về mặt kỹ thuật, thị trường có nguy cơ tạo 2 đỉnh và rơi vào nhịp điều chỉnh.

Các chuyên gia khá thống nhất về áp lực chốt lời xuất hiện tuần qua, nhưng vẫn chưa xác nhận chắc chắn về rủi ro thị trường tạo 2 đỉnh và điều chỉnh. Điểm tích cực là sau phiên lao dốc hôm 1/2 thị trường đã ổn định trở lại hai ngày cuối tuần. Do thị trường và cổ phiếu đã tăng khá tốt những tháng trước, nên nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận là bình thường. Áp lực do đó mang tính ngắn hạn và có thể được giải tỏa sau các đợt bán lớn.

Mặt khác, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua vào rất tích cực. Các chuyên gia nhấn mạnh sự thay đổi lớn của dòng vốn này khi quay lại đổ ròng mạnh mẽ vào thị trường nửa sau năm 2022, khi đà lao dốc dữ dội của chứng khoán Việt Nam khiến mức định giá trở nên rẻ.

Đánh giá về triển vọng trung hạn, các chuyên gia cũng không kỳ vọng thị trường tăng trưởng mạnh mẽ. Kết quả kinh doanh quý 4/2022 kém tích cực là phù hợp với chờ đợi của thị trường. Quý 1/2023, thậm chí là cả quý 2 dự kiến doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn. Do đó thị trường thiếu động lực cũng như dòng tiền mới.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Áp lực bán đã tăng mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. VN-Index chốt tuần đã xuống thấp hơn cả đỉnh tháng 12/2022. Đang có quan điểm lo ngại thị trường tại mô hình 2 đỉnh và điều chỉnh. Quan điểm của anh chị thế nào?

 
Xu thế dòng tiền: Rủi ro thị trường tạo 2 đỉnh - Ảnh 1

Dù VN-Index đã đóng cửa tuần giảm điểm và ở mức thấp hơn cả đỉnh của tháng 12/2022 thì cũng chưa phải là tín hiệu quá tiêu cực. Tuy rằng chỉ số có phiên giảm khá mạnh vào ngày 1/2 với khối lượng lớn nhưng chỉ số cũng đã có dấu hiệu cân bằng trở lại vào hai phiên cuối tuần với khối lượng thấp, hàm ý nguồn cung chốt lời sau kỳ nghỉ lễ cũng đã hạ nhiệt.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

VN-Index đã hồi từ đáy được 2,5 tháng, điểm số tăng 28.5 % từ đáy thấp nhất. Theo tôi đây là mức hồi rất tốt (thời gian và điểm số cũng đã đủ cho một nhịp hồi). Hiện thị trường đã xuất hiện 2-3 nến phân phối với 2 nến phân phối với thanh khoản rất lớn, MACD cũng cắt xuống đường tín hiệu cho thấy thị trường đã và đang ở vùng rủi ro lớn, chỉ cần thêm 1 phiên phân phối với thanh khoản lớn cũng như thị trường tạo mô hình đỉnh (2 đỉnh, 3 đỉnh, vai đầu vai,...) sẽ củng cố hơn dấu hiệu tạo đỉnh.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Tôi nghĩ áp lực chốt lời gia tăng là có thể hiểu được sau nhịp tăng kéo dài gần 3 tháng của thị trường chung với mức tăng hơn 20% của chỉ số VN-Index và mức tăng 30%-50% của không ít cổ phiếu trụ.

Dù nhịp điều chỉnh có thể kéo dài 2-3 tuần, tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật để giải tỏa áp lực chốt lời hơn là sự kết thúc của 1 sóng hồi trong bối cảnh nhiều yếu tố rủi ro cơ bản đã bắt đầu hạ nhiệt.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Thị trường đã có những tín hiệu khiến các nhà đầu tư cần phải thận trọng hơn kể từ 3 phiên giao dịch cuối tuần trước tính cả phiên giảm điểm mạnh 35 điểm của VN-Index. Chỉ số điều chỉnh từ vùng 1,120 +/- về sát khu vực hỗ trợ giao cắt đường tín hiệu MA20 khu vực 1,075 - 1,080 điểm.

Sau một pha hồi phục từ vùng đáy sâu nhất 880 - 900 điểm trong tháng 11/2022 thì VN-Index sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh và tích lũy để cả kiểm định dòng tiền tham gia vào thị trường phản ảnh phần nào thông qua tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư, thanh khoản trên các sàn. Theo tôi áp lực điều chỉnh trong tuần giao dịch tới cũng vẫn hiện hữu.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi thị trường đã có nhịp tăng khá tốt trước kỳ nghỉ Tết, và những nhà đầu tư mạnh dạn nắm giữ vị thế cổ phiếu qua kỳ nghỉ lễ đều có mức lợi nhuận xứng đáng. Bởi vậy, áp lực chốt lời xuất hiện khi thị trường mở cửa trở lại trong năm mới cũng là điều dễ hiểu.

Dù VN-Index đã đóng cửa tuần giảm điểm và ở mức thấp hơn cả đỉnh của tháng 12/2022 thì cũng chưa phải là tín hiệu quá tiêu cực. Tuy rằng chỉ số có phiên giảm khá mạnh vào ngày 1/2 với khối lượng lớn nhưng chỉ số cũng đã có dấu hiệu cân bằng trở lại vào hai phiên cuối tuần với khối lượng thấp, hàm ý nguồn cung chốt lời sau kỳ nghỉ lễ cũng đã hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, dòng tiền từ khối ngoại vẫn mua ròng trong tuần qua, với giá trị hơn 1,68 nghìn tỷ đồng trên HSX và nâng mức mua ròng trong hơn một tháng qua lên hơn 4,85 nghìn tỷ. Tôi cho rằng, đây là nguồn tiền rất cần thiết để kéo dài nhịp tăng của thị trường ở thời điểm hiện tại, và khi “hiệu ứng chốt lời sau kỳ nghỉ lễ” qua đi thì thị trường có thể xuất hiện cơ hội phục hồi trở lại.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Trong gần 3 tháng qua VN-Index tăng khá tốt và rất nhiều cổ phiếu tăng cực mạnh. Liệu thị trường có kỳ vọng quá mức vào kết quả kinh doanh quý 4/2022, hay do hiệu ứng của dòng tiền đầu cơ?

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Theo tôi diễn biến hồi phục mạnh mẽ của thị trường trong gần 3 tháng trở lại đây xuất phát từ 3 yếu tố hỗ trợ chính bao gồm: 1) dòng tiền mua ròng bền bỉ của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thị trường Việt Nam giảm sâu (chỉ số VN-Index là 1 trong những chỉ số giảm mạnh nhất thế giới), mở ra các cơ hội đầu tư dài hạn; 2) Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu khi mà lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh và các ngân hàng trung ương bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất; 3) Các yếu tố rủi ro vĩ mô trong nước liên quan áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang ổn định hơn so với cách đây 3-6 tháng.

Kỳ báo cáo lợi nhuận quý 4/2023 cho thấy các con số tăng trưởng chung là không quá tích cực so với các quý trước, tuy nhiên cũng khớp với kỳ vọng không cao từ thị trường khi mà nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thử thách liên quan đến mặt bằng lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu suy yếu...

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta nên quay lại bối cảnh của thị trường trong năm 2022. Trước khi thị trường có đợt phục hồi mạnh trong gần 3 tháng trở lại đây, thì thị trường cũng đã trải qua những giai đoạn giảm mạnh trước đó với nguyên nhân chính tới từ việc thay đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt, cùng với căng thẳng thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và giới hạn của Room tín dụng.

Và nếu chúng ta nhìn nhận dưới góc độ dòng tiền trên thị trường chứng khoán, chúng ta sẽ nhận thấy sự khan hiếm thanh khoản chỉ dần được giải quyết khi giá cổ phiếu bị “giải chấp chéo” về vùng định giá hấp dẫn (P/E của VN-Index có lúc về dưới 10), và sự xuất hiện của dòng vốn ngoại quay trở lại mua ròng vào đầu tháng 11/2022.

Để thấy được mức độ ảnh hưởng của dòng vốn này, chúng ta có thể nhìn qua con số thống kê trên HSX, với chỉ hai tháng ngắn ngủi là 11 và 12 của năm 2022, khối ngoại đã mua ròng hơn 28,8 nghìn tỷ đồng, trong khi 10 tháng trước đó giữ trạng thái bán ròng hơn 2 nghìn tỷ và bán ròng hơn 56 nghìn tỷ trong năm 2021. Tôi cho rằng đây là dòng tiền thông minh có yếu tố đầu cơ khi giá cổ phiếu ở vùng quá thấp.

Dưới góc nhìn như vậy, tôi cho rằng đợt tăng điểm kéo dài gần 3 tháng qua của VN-Index chủ yếu dựa trên dòng tiền đầu cơ giá thấp là chính. Bên cạnh đó là sự giải tỏa được cơn khát thanh khoản nhờ Room tín dụng được mở lại cho năm tài chính mới.

 
Xu thế dòng tiền: Rủi ro thị trường tạo 2 đỉnh - Ảnh 3

Kỳ báo cáo lợi nhuận quý 4/2023 cho thấy các con số tăng trưởng chung là không quá tích cực so với các quý trước, tuy nhiên cũng khớp với kỳ vọng không cao từ thị trường khi mà nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thử thách liên quan đến mặt bằng lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu suy yếu...

Ông Trần Đức Anh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi nghĩ nhịp hồi mạnh này của thị trường có 2 nguyên nhân chủ yếu: 1) Thị trường nhịp trước có nhịp giảm rất mạnh cũng như nhiều cổ phiếu giảm sốc dưới giá thị doanh nghiệp từ đó kích thích lực cầu tham gia mạnh vào cổ phiếu; 2)     Dòng tiền khối ngoại tham gia mua ròng liên tục tạo động lực thúc đẩy thị trường tăng mạnh.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Năm nay biến động chỉ số cũng sẽ không nhiều. Câu chuyện nhóm ngành sẽ quan trọng hơn biến động của chỉ số, các cổ phiếu riêng lẻ cũng được lưu tâm hơn là việc dự bán diễn biến thị trường trong bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều thách thức, dòng tiền tham gia vào thị trường vẫn còn hạn chế.

Theo tôi những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 4/2022 tích cực cũng có diễn biến tăng giá tốt ví dụ như STB, VCB, HAH, GMD, VSH, PLX... Thị trường sẽ không được kỳ vọng nhiều bởi việc tích lũy biến động biên độ hẹp có thể tiếp tục diễn ra. Năm 2023 là năm của một số cổ phiếu riêng lẻ có “câu chuyện riêng”.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Quý 4/2022 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm đáng kể so với các quý đầu năm. Theo anh chị, khó khăn còn đeo bám và ảnh hưởng tới lợi nhuận quý 1/2023?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Nếu chỉ nhìn vào bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 1/2023, tôi thấy gam màu xám vẫn là chủ đạo. Chưa nói tới các ảnh hưởng từ vĩ mô thế giới cũng như trong nước do chính sách chính vẫn là thắt chặt và mặt bằng lãi suất neo ở mức cao.

Chúng ta chỉ cần nhìn trên góc độ những con số từ chỉ số PMI, với mức 47.4 trong tháng 1/2023 tuy có tăng so với mức 46.4 của tháng 12/2022 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 và thấp xa so với mức bình quân của năm 2022. Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất đang ở trạng thái thu hẹp.

Trong bối cảnh, mặt bằng lãi suất cao khiến chi phí tài chính tăng lên, cùng với sự sụt giảm của đơn hàng sẽ khiến cho bức tranh lợi nhuận của quý 1/2023 khó lòng khả quan được.

 
Xu thế dòng tiền: Rủi ro thị trường tạo 2 đỉnh - Ảnh 4

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý 4/2022 và điều này sẽ vẫn còn kéo dài trong quý 1/2023. Hiện mặt bằng lãi suất vẫn ở ngưỡng cao, dòng tiền vẫn chưa được khai thông tốt.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Nói ngắn gọn thì lạm phát gia tăng, lãi suất cho vay ở mặt bằng cao phần nào bào mòn doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung và nhiều doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Tôi cho rằng khó khăn có thể vẫn đeo bám nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong quý 1/2023 và kể cả năm 2023.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Bối cảnh vĩ mô thay đổi nhanh trong 2, 3 năm gần đây và trong các quý tiếp theo sẽ khiến bức tranh kết quả kinh doanh các doanh nghiêp sẽ có sự thay đổi, phân hóa mạnh giữa các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Tôi cho rằng nhiều khả năng các lĩnh vực đã cho thấy dấu hiệu suy yếu từ quý 4/2022 sẽ tiếp tục có diễn biến kém khả quan trong 1 hay 2 quý đầu năm 2023. Các yếu tố gây suy yếu ở mỗi lĩnh vực ngay cả khi có dấu hiệu hạ nhiệt cũng sẽ cần có độ trễ nhất định để phản ánh vào tình hình hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý 4/2022 và điều này sẽ vẫn còn kéo dài trong quý 1/2023. Hiện mặt bằng lãi suất vẫn ở ngưỡng cao, dòng tiền vẫn chưa được khai thông tốt, khó tạo thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Phiên giao dịch ngày 1/2 đánh dấu đợt xả hàng lớn. Anh chị có chốt lời hay không, dự kiến quay lại thời điểm nào?

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Tôi giảm tỷ trọng ở các phiên sau tết, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức trên trung bình và dự định sẽ sớm vào lại nếu áp lực chốt lời có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét.

 
Xu thế dòng tiền: Rủi ro thị trường tạo 2 đỉnh - Ảnh 5

Năm nay biến động chỉ số cũng sẽ không nhiều. Câu chuyện nhóm ngành sẽ quan trọng hơn biến động của chỉ số, các cổ phiếu riêng lẻ cũng được lưu tâm hơn là việc dự bán diễn biến thị trường trong bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều thách thức, dòng tiền tham gia vào thị trường vẫn còn hạn chế.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dự báo thị trường có thể chưa thể quay lại xu hướng tăng dài hạn trong năm 2023 bởi chính sách tiền tệ đang ở giai đoạn thắt chặt và nền kinh tế nằm trong giai đoạn khó khăn. Do đó, tôi chỉ nắm giữ cổ phiếu ở vị thế ngắn hạn.

Tôi ưu tiên công cụ phân tích kỹ thuật trong hoạt động giao dịch ngắn hạn, và diễn biến tiêu cực của phiên ngày 1/2 với tín hiệu VN-Index cắt xuống dưới MA5 đã thúc đẩy tôi thoát khỏi một phần vị thế của mình.

Tuy nhiên, với chỉ một phiên biến động vẫn chưa đủ để kết luận được xu hướng ngắn hạn của VN-Index đã trở nên tiêu cực, và tôi cho rằng thị trường có thể vẫn còn đợt tăng nữa sau khi nhịp rung lắc hiện tại kết thúc. Tôi cho rằng nếu VN-Index có thể hình thành được vùng cân bằng quanh khu vực 1.050 – 1.070 điểm thì cơ hội tham gia trở lại sẽ mở ra.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi có giảm tỷ trong trong nhịp hồi phục thứ 2 này và sẽ tiếp tục giảm bớt tỷ trọng khi có dấu hiệu xấu diễn ra. Thời điểm tôi tham gia mua lại sẽ là thời điểm khi thị trường có các dấu hiệu tạo đáy.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi cho rằng nhà đầu tư nên giao dịch hạn chế có kiểm soát tỷ trọng từ 2 - 3 mã cổ phiếu đổ lại. Thị trường hồi phục giai đoạn vừa qua đặc biệt là giai đoạn giáp Tết và các phiên sau Tết nguyên đán cũng giúp nhà đầu tư có những lợi nhuận “đáng khích lệ” và việc cơ cấu giảm tỷ trọng hoặc chốt lãi cổ phiếu giao dịch ngắn hạn cũng là cần thiết.

Năm 2022 và 2023 có lẽ bên cạnh việc nắm giữ một số cổ phiếu đầu tư dài thì nhà đầu tư vẫn cần tập trung hơn đối với các giao dịch ngắn hạn. Đôi khi lợi nhuận 3 - 5 - 8 - 10% cũng là hợp lý để kiểm soát việc quản trị danh mục. Trong mỗi thời điểm, môi trường đầu tư khác nhau nên việc linh hoạt điều chỉnh chiến lược giao dịch là cần thiết.