Xu thế dòng tiền: Sẵn sàng vượt đỉnh lịch sử
Mặc dù thị trường khép lại năm 2021 với một chút dư âm chưa trọn vẹn khi VN-Index vẫn chốt dưới đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Tuy nhiên các chuyên gia đều đồng thuận rằng đỉnh này “sinh ra là để phá” và điều đó có khả năng diễn ra ngay trong tuần đầu tiên của năm 2022...
Mặc dù thị trường khép lại năm 2021 với một chút dư âm chưa trọn vẹn khi VN-Index vẫn chốt dưới đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Tuy nhiên các chuyên gia đều đồng thuận rằng đỉnh này “sinh ra là để phá” và điều đó có khả năng diễn ra ngay trong tuần đầu tiên của năm 2022.
Cảm nhận chung của các chuyên gia về diễn biến thị trường trong ngắn hạn đều tích cực. Tháng 1/2022 thị trường sẽ “dồn dập” đón nhận các thông tin hỗ trợ, trong đó hai mạch thông tin quan trọng nhất là kết quả kinh doanh quý 4/2021 và quyết sách về gói kích thích kinh tế. Thậm chí quan điểm tích cực đánh giá nếu thị trường được đón nhận những thông tin như kỳ vọng, VN-Index có thể lên 1.600 điểm ngay trong quý 1/2022.
Đánh giá về vai trò của các nhóm cổ phiếu, các chuyên gia cũng khá đồng thuận khi cho rằng nhóm blue-chips sẽ có cơ hội tốt hơn, sau một thời gian khá dài tích lũy và tăng trưởng kém xa các cổ phiếu vừa và nhỏ. Dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển trở lại nhóm blue-chips do các nhóm khác đã tăng quá cao. Mặt khác, sự tăng trưởng xa hơn của thị trường luôn cần có vai trò của các cổ phiếu blue-chips, mà tín hiệu từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán trong tuần cuối 2021 là một ví dụ.
Các chuyên gia cũng gia tăng tỷ trọng danh mục, đặt cược vào cơ hội bùng nổ vượt đỉnh lịch sử của thị trường ngay trong ngắn hạn.
Đang có sự dịch chuyển dần dòng tiền thông minh từ nhóm đầu cơ tăng giá quá đà không có yếu tố cơ bản sang các cổ phiếu tốt có nội tại tốt (các cổ phiếu blue-chips cũng nằm trong số đó). Việc kỳ vọng blue-chips trở lại thời huy hoàng và giúp VN-Index chinh phục những đỉnh cao mới là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Việt Quang
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường có tuần cuối năm khá tích cực, nhưng VN-Index lại nhiều lần không thể công phá được đỉnh 1.500, để lại dư vị nuối tiếc cuối cùng cho năm 2021. Tuy vậy niềm tin thị trường vượt đỉnh lịch sử trong tuần đầu năm 2022 rất cao, anh chị thì sao?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tôi cũng cho rằng thị trường đang có điều kiện thuận lợi để vượt đỉnh lịch sử trong tuần đầu năm mới 2022 khi đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ mà nổi bật là 4 nội dung quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 4/1/2022 và các thông tin từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như năm 2020. Đây là thời điểm thị trường gặp ít rào cản nhất khi các lực cản từ các biến số vĩ mô năm 2021 hay biến chủng Omicron cũng đã được thị trường hấp thụ.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Với việc chỉ số VN-Index còn cách mức đỉnh 1.500 chỉ khoảng 2 điểm, trong khi xu hướng thị trường chung vẫn đang tích cực, các điều kiện thị trường là tương đối thuận lợi, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 đang đến gần với các con số về tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ duy trì, câu chuyện về gói kích thích kinh tế sẽ sớm là yếu tố thu hút sự chú ý trong tương lai gần, tôi không nghi ngờ việc chỉ số VN-Index tăng vượt đỉnh lịch sử và duy trì nền giá cao mới trong 1, 2 tuần tới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi đánh giá thị trường đầu năm 2022 khá tích cực tuy tuần cuối cùng của năm 2021 thị trường không vượt được 1500 điểm nhưng lại tạo tiền đề và là bước đệm cho năm 2022 vượt 1500 điểm. Nếu thị trường không có thông tin gì quá xấu thì 6 tháng đầu năm 2022 thị trường sẽ diễn biến khá tích cực.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Nhóm cổ phiếu lớn đã có tín hiệu hồi phục – đà tăng các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán ở 2 phiên cuối tuần tháng cuối năm 2021 đã cho thấy việc vượt đỉnh 1.500 điểm có thể diễn ở ngay tuần đầu tiên năm mới 2022.
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Tôi đánh giá thị trường có tuần giao dịch cuối năm khá tích cực dù bị tác động bởi thông tin về sự xuất hiện biến thể Omicron tại Việt Nam, cũng như tình trạng siết dòng tiền Margin tại các công ty chứng khoán vào kỳ chốt sổ cuối năm. Chỉ số VN-Index vượt lên trên mức cân bằng 1.480 điểm, dòng tiền tham gia thị trường duy trì bình quân trên 23 ngàn tỷ cho thấy lượng tiền “tươi” vẫn đang rất tốt và tâm lý nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng cho xu hướng tăng giá.
Dù mức tâm lý 1.500 đểm chưa thể công phá nhưng với những tín hiệu tích cực ở tuần giao dịch cuối năm cùng với sự cộng hưởng từ dòng tiền Margin, tôi cho rằng thị trường có thể chinh phục mức đỉnh lịch sử trong tuần đầu năm 2022.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Động lực những ngày cuối năm đến từ các blue-chips mà tiêu biểu là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo anh chị đó chỉ là một động thái làm đẹp NAV, hay thật sự đang có cơ hội để blue-chips trở lại “thời huy hoàng” ngày xưa?
VN-Index đang áp sát đỉnh lịch sử trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng còn cách xa mức đỉnh của năm 2021 cho thấy nhóm này đã trải qua 1 giai đoạn “upderperform” kéo dài. Nhóm này khởi sắc trong tuần qua thuần tuý đến từ sự luân chuyển của dòng tiền, tìm đến nhóm ngành chưa tăng, trong khi chốt lời ở nhiều cổ phiếu bất động sản vốn đã có nhịp tăng nóng.
Ông Trần Đức Anh
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thấy hành động làm đẹp NAV đã xảy ra nhưng không chỉ ở mỗi thế. Nhìn vào dấu hiệu dòng tiền thì đang có sự dịch chuyển dần dòng tiền thông minh từ nhóm đầu cơ tăng giá quá đà không có yếu tố cơ bản sang các cổ phiếu tốt có nội tại tốt (các cổ phiếu blue-chips cũng nằm trong số đó). Việc kỳ vọng blue-chips trở lại thời huy hoàng và giúp VN-Index chinh phục những đỉnh cao mới là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Trong tuần giao dịch cuối năm, mức tăng giá ở nhóm VN30 cao hơn so với VN-Index, VNMID và VNSML. Động thái này có thể đến từ việc chốt NAV cuối năm. Ngoài ra tín hiệu này cũng xuất phát từ kỳ vọng cho kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 sắp công bố. Đối với việc trở lại “thời huy hoàng” của nhóm blue-chips theo tôi cần có sự cải thiện mạnh mẽ hơn nữa từ dòng tiền tham gia.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Có nhiều lý do để chứng minh việc nhóm cổ phiếu lớn sẽ giao dịch sôi động ở tháng đầu tiên của năm sau, những quan điểm về việc rút ròng dòng tiền đang tham gia trên thị trường chứng khoán cũng như việc cơ cấu lại danh mục nhiều quỹ đầu tư cuối năm. Xét cho cùng thì tuần giao dịch cuối năm 2022 không thể tốt hơn khi phiên tăng điểm đã xác nhận việc VN-Index tiệm cận sát mốc kháng cự mạnh 1.500 điểm. Tôi cho rằng việc VN-Index vượt cứ điểm 1.500 chắc chắn sẽ có sự góp sức của các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu ngân hàng. Còn quá sớm để nói nhóm cổ phiếu này quay lại thời huy hoàng xưa cũ – giai đoạn 2020 và đầu năm 2021 - nhưng nhóm cổ phiếu blue-chips sẽ có diễn biến tốt đồng hành với VN-Index vượt 1.500 điểm và các mốc điểm cao hơn.
Nhóm cổ phiếu lớn đã có tín hiệu hồi phục – đà tăng các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán ở 2 phiên cuối tuần tháng cuối năm 2021 đã cho thấy việc vượt đỉnh 1.500 điểm có thể diễn ở ngay tuần đầu tiên năm mới 2022.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự chuyển biến tích cực ở tuần cuối năm ngoái, theo tôi đây cũng có thể đây là hiệu ứng làm đẹp NAV, dù vậy cũng chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa do hạn chế từ thanh khoản thị trường, do đó độ tin cậy chưa cao. Trong khi đó, nhóm blue-chips cũng đã trải qua thời gian tích lũy dài ngày, một số cổ phiếu như ngân hàng, thép... đã có dấu hiệu tạo đáy nhưng vẫn chưa tìm được sự đồng thuận của dòng tiền, do vậy nhà đầu tư cần quan sát thêm.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi không cho rằng diễn biến bứt phá ở nhóm cổ phiếu blue-chips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần cuối cùng của năm 2021 xuất phát từ hiện tượng làm đẹp NAV, mà đơn thuần là sự luân chuyển của dòng tiền.
Trên thực tế, nếu nhìn rộng ra trong vài tháng trở lại đây thì nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tương đối trồi sụt, và việc chỉ số VN-Index đang áp sát đỉnh lịch sử trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng còn cách xa mức đỉnh của năm 2021 cho thấy nhóm này đã trải qua 1 giai đoạn “upderperform” kéo dài so với thị trường chung. Như vậy, việc nhóm này khởi sắc trong tuần qua thuần tuý đến từ sự luân chuyển của dòng tiền, tìm đến nhóm ngành chưa tăng, trong khi chốt lời ở nhiều cổ phiếu bất động sản vốn đã có nhịp tăng nóng.
Nhóm cổ phiếu blue-chips nói chung và ngân hàng nói riêng hoàn toàn có cơ sở để tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong vài tuần tới. Tuy nhiên theo tôi, sẽ cần thêm các chuyển biến mạnh về mặt cơ bản trong mùa báo cáo lợi nhuận Q4 tới đây để trở lại “thời huy hoàng” ngày xưa.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tháng 1/2022 thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ mà nổi bật là những quyết sách kích thích tăng trưởng của Chính phủ và kết quả kinh doanh quý 4/2022. Theo anh chị thi trường có dư địa tăng trưởng như thế nào?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Trạng thái thị trường đi ngang, đặc biệt là ở nhóm blue-chips cũng cho thấy tâm lý chờ đợi thông tin hỗ trợ mới trong khi các lực cản như thông tin vĩ mô hay biến chủng Omicron đã được thị trường hấp thụ. Sau một năm “ăn bằng lần” với các cổ phiếu nhỏ (Smallcap tăng 102%) hay Midcap 76,4%, trong khi VN30 chỉ có mức tăng 43,4%, thậm chí một số cổ phiếu còn bị bỏ lại ở phía sau, dư địa để dòng tiền dịch chuyển dần trở lại nhóm blue-chips là khá cao, qua đó giúp thị trường vượt đỉnh lịch sử và hướng tới các mức cao mới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Hiện tại giai đoạn cuối năm khối ngoại có dấu hiệu mua ròng trở lại và đã mua ròng 6 phiên liên tiếp, tự doanh cũng thực hiện mua ròng với giá trị khá lớn; dòng tiền cá nhân vẫn duy trì khá tốt và chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Theo tôi việc nhiều thông tin hỗ trợ đầu năm 2022 sẽ giúp dòng tiền tham gia vào thị trường tốt hơn nữa, tạo đà tăng trưởng tốt cho thị trường; có thể thị trường sẽ tăng khoảng 10-15% so với điểm số hiện tại.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Theo tôi mùa báo cáo lợi nhuận Q4 và kỳ họp bàn về gói kích thích kinh tế của Chính phủ chắc chắn là 2 yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng bình quân trên dưới 20% so với cùng kỳ; gói kích thích kinh tế chính thức được thông qua với quy mô tương đương hoặc lớn hơn mức kỳ vọng (gần đây nhất theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia, giá trị gói kích thích kinh tế được khuyến nghị ở mức 843 nghìn tỷ giá trị công bố, tương đương 445 nghìn tỷ giá trị thực tế), chỉ số VN-Index hoàn toàn có cơ sở vươn lên vùng điểm 1.600 ngay trong quý 1 năm 2022.
Dư địa dòng tiền sẽ tăng lên đáng kể khi nút thắt Margin được mở ra trong tuần tới. Việc tăng tỷ trọng cổ phiếu theo tôi là hợp lý và có thể tiếp tục tăng tỷ lệ này lên khi có sự xác nhận về thanh khoản bùng nổ kèm theo mức tâm lý 1.500 điểm được gỡ bỏ.
Ông Huỳnh Hữu Phước
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Kết quả kinh doanh quý 4 được dự báo sẽ có nhiều cải thiện sau khi hết giãn cách xã hội. Đầu tháng 1 Quốc hội sẽ họp bất thường về các quyết sách phục hồi phát triển kinh tế, với các thông tin hỗ trợ về các gói kích thích sẽ tạo thêm động lực giúp thị trường có nhiều dư địa tăng giá trong đầu năm 2022.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng triển vọng phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ là khả quan sau 1 năm bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Các tổ chức, định chế tài chính quốc tế đều đánh giá cao sự hồi phục của Việt Nam trong năm 2022. Có lẽ đà phục hồi sẽ duy trì ấn tượng ít nhất là nửa đầu năm 2022. Tất nhiên, hệ lụy, điểm tiêu cực, những mặt tối mà đại dịch Covid-19 đang gây ra cho nền kinh tế là không thể bỏ qua, khi sự mất cân bằng cung cầu, lạm phát gia tăng, nợ xấu hệ thống ngân hàng...
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần cuối năm 2021 tuy khả năng sử dụng margin hạn chế nhưng thanh khoản cũng không quá thấp, nhà đầu tư đang sử dụng “tiền thịt” để tích lũy cổ phiếu. Anh chị đã nâng tỷ trọng cổ phiếu lên cao hay chưa, có kỳ vọng thanh khoản sẽ bùng nổ trở lại vào tuần tới?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Giai đoạn vừa rồi tôi theo dõi khá sát dòng ngân hàng cũng như các cổ phiếu blue-chips. Trong tuần khi có dấu hiệu dòng tiền tham gia khỏe tôi đã mua thêm cổ phiếu sẵn có để thực hiện gia tăng tỷ trọng cũng như dành 1 phần nhỏ để lướt khi cổ phiếu chạm vùng kháng cự. Tuần tới theo tôi khả năng sẽ là một tuần thanh khoản thị trường sẽ khá tốt.
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt
Tôi thấy lượng “tiền thịt” tham gia thị trường tương đối tốt trong tổng số lượng khớp lệnh, điều này cho thấy sự ổn định hơn về mặt tâm lý cũng như dư địa dòng tiền sẽ tăng lên đáng kể khi nút thắt Margin được mở ra trong tuần tới. Việc tăng tỷ trọng cổ phiếu theo tôi là hợp lý và có thể tiếp tục tăng tỷ lệ này lên khi có sự xác nhận về thanh khoản bùng nổ kèm theo mức tâm lý 1.500 điểm được gỡ bỏ.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cũng vẫn nghĩ nên nắm giữ tỷ trọng cao cổ phiếu trong danh mục và kỳ vọng vào giai đoạn vượt đỉnh của thị trường trong tháng 1. Tất nhiên việc lựa chọn cổ phiếu cũng không hoàn toàn dựa trên việc thị trường có vượt đỉnh 1,500 điểm hay không.
Sau một năm “ăn bằng lần” với các cổ phiếu nhỏ (Smallcap tăng 102%) hay Midcap 76,4%, trong khi VN30 chỉ có mức tăng 43,4%, thậm chí một số cổ phiếu còn bị bỏ lại ở phía sau, dư địa để dòng tiền dịch chuyển dần trở lại nhóm blue-chips là khá cao.
Ông Ngô Quốc Hưng
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi tiếp tục duy trì danh mục với tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao, tập trung ở nhóm cổ phiếu xây dựng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm, khi đó thanh khoản sẽ tăng, thậm chí bùng nổ và ngược lại. Về danh mục, tôi vẫn duy trì trạng thái 80% cổ phiếu trong danh mục, tăng tỷ trọng hoặc sử dụng thêm margin trong trường hợp thị trường vượt đỉnh lịch sử.