Những dấu ấn khó quên của thị trường chứng khoán năm 2021
Thị trường chứng khoán chính thức khép lại năm 2021 giao dịch sôi động và trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất, từ đó thu hút lượng nhà đầu tư mới khổng lồ...
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm (31/12), Vn-Index neo ở mức 1.498,2 điểm, tăng 12 điểm so với phiên hôm qua và tăng 34% so với phiên giao dịch đầu tiên của năm. Trong tháng 11, Vn-Index có phiên vượt đỉnh lịch sử 1.500. Với mức tăng này, tỷ suất sinh lời của VN-Index cao hơn so với các chỉ số và kênh đầu tư khác trong năm 2021 nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời của vàng 10%, Lãi suất tiết kiệm 6%; Nikkei 3%.
Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh mẽ, từ tỷ lệ giao dịch chiếm 74% năm 2017 lên 85% trong năm 2021. Trong khi đó, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ lại. Số tài khoản mở mới trong 11 tháng năm 2021 cao hơn 1,6 lần so với giai đoạn 2018-2020 là yếu tố thúc đẩy chính. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình hàng ngày là 19.000 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2021, lớn hơn gấp 3 lần so với năm 2020. Cá biệt có những phiên lên đến 52.000 tỷ đồng, những phiên giao dịch 30.000 tỷ đồng cũng không còn thuộc dạng xưa nay hiếm nữa.
Luân chuyển dòng tiền là xu hướng chủ đạo. Thị trường chứng khoán tăng trưởng sóng theo sóng ngành tăng theo ngành, có lớp có lang, phù hợp với mọi khẩu vị của nhà đầu tư. Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm 2021 trong khi cổ phiếu bất động sản khuấy động chỉ số trong ba tháng cuối năm 2021.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian đầu năm chủ yếu được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng thương mại như TCB, MBB và STB với mức tăng trưởng lợi nhuận trên 50%. Nhóm Tài nguyên cơ bản cũng tăng trưởng mạnh nhờ giá thép tăng như HPG, NKG, nhưng bắt đầu hạ nhiệt khi giá thép đảo chiều từ tháng 10.
Nửa cuối năm 2021, cổ phiếu bất động sản thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng tăng tốc giải ngân đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2022. Ngoài ra, phiên đấu giá kỷ lục tại khu vực Thủ Thiêm (Quận 2) trong tháng 12 giúp các cổ phiếu bất động sản lên đỉnh cao mới.
Trong nhóm VN30, SSI, PDR, NVL là những mã tăng mạnh nhất trong khi VNM, SAB, BVH là những cổ phiếu giảm mạnh nhất.
VNSmallCap tăng trưởng mạnh mẽ về tỷ trọng vốn hóa từ 3% lên 6% trong cuối năm 2021. Trong khi đó, trên sàn HOSE không còn một cổ phiếu giá trà đá nào từ 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu dưới mệnh giá chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chốt phiên giao dịch gần như cuối cùng của năm 2021, câu lạc bộ vốn hoá tỷ USD chính thức gọi tên 61 doanh nghiệp. Đây là mức kỷ lục về số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt vốn hoá tỷ USD trong 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán. Đứng đầu về vốn hoá là VCB 378.000 tỷ đồng; VinGroup 374.000 tỷ đồng; tiếp theo là Vinhomes 360.000 tỷ đồng. Top 10 vốn hoá lớn nhất còn gồm Hoà Phát, Masan, GAS, BID, VNM, ACV, TCB.
Bên cạnh những cái tên quen thuộc, nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh, câu lạc bộ vốn hoá tỷ đô năm nay ghi nhận nhiều tân binh như FPT gần 24.000 tỷ; Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG, vốn hoá 53.000 tỷ), FOX (24.000 tỷ), GELEX (32.000 tỷ), IDC (24.000 tỷ), KDH (31.800 tỷ), NLG (hơn 24.000 tỷ), Sunshine homes (37.000 tỷ), ThaiHoldings (85.000 tỷ), VGC (25.000 tỷ), KBC (23.000 tỷ)...
Tổn thất nặng nề nhất với chứng khoán Việt Nam có lẽ đến từ khối ngoại. Tại ngày giao dịch cuối cùng, khối ngoại mua ròng 117 tỷ đồng nhưng cả năm khối này vẫn xả ròng 62.590 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị bán ròng tại Việt Nam vẫn thấp hơn trung bình các nước Châu Á khác. Các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất năm vừa qua gồm VHM, STB, FUEVFVND, MWG... Ở chiều ngược lại, HPG, VPB, VNM, VIC, CTG bị xả ròng mạnh mẽ.
Dòng tiền ETF chứng kiến các diễn biến khác nhau, trong đó Fubon là bên mua chính. Fubon và Diamond hút ròng lần lượt ở mức 266 triệu USD và 54 triệu USD, trong khi đó KIM ETF ghi nhận giá trị rút ròng 127 triệu USD.
Với tự doanh, năm 2021, nhóm này bán ròng gần 3.000 tỷ đồng, tập trung xả FUEVFVND, VND, E1VFVN30, PAN, IJC, HPG, GVR.