13:48 05/12/2021

Xu thế dòng tiền: Thị trường có “thất vọng” với gói kích thích?

Nguyễn Hoàng

Phiên lao dốc đột ngột mạnh cuối tuần qua được cho là chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả mức độ lan rộng hơn của biến chủng Covid mới cũng như đề xuất mới về gói kích thích kinh tế chỉ tương đương một nửa dự kiến ban đầu...

Chỉ số VN-Index có mức giảm sốc nhất trong 3 tháng phiên cuối tuần qua.
Chỉ số VN-Index có mức giảm sốc nhất trong 3 tháng phiên cuối tuần qua.

Phiên lao dốc đột ngột mạnh cuối tuần qua được cho là chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả mức độ lan rộng hơn của biến chủng Covid mới cũng như đề xuất mới về gói kích thích kinh tế chỉ tương đương một nửa dự kiến ban đầu.

Các chuyên gia đều cho rằng phản ứng của thị trường tuần qua dù có yếu tố mạnh nhưng cũng không phải là bất ngờ. Các yếu tố cả trong nước lẫn quốc tế đều xuất hiện ở thời điểm thị trường đã tăng trưởng tốt trước đó và động lực không còn nhiều. Thị trường chỉ cần một lý do để điều chỉnh hạ nhiệt.

Theo thông tin mới nhất, đề xuất gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong 2022-2023 thực tế chỉ ở mức hơn 445.000 tỷ đồng tương đương 5,48% GDP, thay vì quy mô 800 ngàn tỷ đồng tương đương 10% GDP như ban đầu. Các chuyên gia có những đánh giá khác nhau về phản ứng của thị trường.

Quan điểm thận trọng cho rằng thị trường có thể “thất vọng” khi quy mô gói kích thích không nhiều như dự kiến ban đầu, đặc biệt là quy mô gói hỗ trợ hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên quan điểm lạc quan hơn cho rằng dù quy mô bị giảm đi nhưng việc có gói kích thích vẫn là thông tin tốt. Ngoài ra mặt bằng lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức thấp là nền tảng cho dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Do đó sự “thất vọng” nếu có cũng chỉ mang tính thời điểm.

Đánh giá ngắn hạn về nhịp điều chỉnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng thị trường có thể giảm thêm để về ngưỡng cân bằng quanh khu vực 1400 điểm -1.420 điểm. Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy mạnh thời điểm này.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Những diễn biến mới về dịch bệnh bất ngờ làm xáo trộn chứng khoán toàn cầu và rất nhiều thị trường đạt đỉnh rồi giảm mạnh tuần qua. Thị trường Việt Nam cũng chao đảo, VN-Index có 4/5 phiên giảm điểm khá mạnh. Theo anh chị thị trường trong nước chỉ bị ảnh hưởng tâm lý từ bên ngoài, hay thực sự phản ứng xấu trước rủi ro dịch bệnh dù đây cũng không phải là lần đầu tiên biến chủng Covid xuất hiện?

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường có “thất vọng” với gói kích thích? - Ảnh 1

Thị trường đang kỳ vọng vào con số 800 nghìn tỷ, bao gồm 1 tỷ USD trong chương trình cấp bù lãi suất. Nếu 2 con số này không đáp ứng được kỳ vọng chắc chắn sẽ khiến áp lực bán giá tăng.

Ông Trần Đức Anh

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Theo tôi, thị trường trong nước tuần vừa qua chịu tác động bởi cả 2 yếu tố cả bên trong và bên ngoài, trong đó các yếu tố bên trong mang tính chi phối chủ đạo hơn.

Yếu tố tác động bên ngoài đến từ sự xuất hiện của biến chủng Omicron và sự dịch chuyển lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến chứng khoán toàn cầu biến động mạnh và rất nhiều thị trường có dấu hiệu đạt đỉnh.

Trong khi đó, lực cản từ bên trong đến từ: 1) Thanh khoản khựng lại, 2) Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng như các cổ phiếu mang tính đầu cơ đang trong giai đoạn phân phối đỉnh trong 3 tuần vừa qua. Nhìn chung, các yếu tố nội tại chi phối phần lớn nguyên nhân giảm của thị trường trong nước so với các tác động bên ngoài.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thị trường cuối tuần có nhịp giảm mạnh chủ yếu từ các yếu tố sau:

1) Thông tin biến chủng covid Omicron đã lan tới khu vực Đông Nam Á;

2) Thị trường đã có 2 phiên dòng tiền yếu và cuối tuần luôn là thời điểm tâm lý của nhà đầu tư rất yếu khi lo ngại thông tin xấu xuất hiện 2 ngày nghỉ cuối tuần nên khi xuất hiện lực bán nhiều nhà đầu tư sẽ bán theo;

3) Nhiều cổ phiếu tăng nóng quay đầu dẫn đến tình trạng call margin và force sell ở nhiều tài khoản; trong khi cổ phiếu giảm sàn không bán được thì tình trạng bán các cổ phiếu khác trong tài khoản sẽ xảy ra dẫn đến nhiều cổ phiếu có lực bán mạnh.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi cho rằng diễn biến điều chỉnh của thị trường Việt Nam tuần qua là tổng hoà của nhiều yếu tố, bao gồm cả việc xuất hiện chủng Covid 19 mới Omicron. Trên thực tế, thị trường đã trải qua nhịp tăng kéo dài từ giữa tháng 7 cho đến nay và các chỉ số đều đã vượt mức đỉnh cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh sức khoẻ nền kinh tế chưa thực sự hồi phục. Sự lệch pha này khiến áp lực chốt lời ở vùng đỉnh gia tăng là điều có thể hiểu được.

Ngoài ra, việc số ca nhiếm mới Covid-19 và số ca nhập viện trong nước liên tục gia tăng, kết hợp rủi ro lạm phát, FED đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ cũng là những yếu tố gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư.

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Tuy đây không phải là lần đầu tiên biến chủng Covid xuất hiện nhưng quan sát giao dịch của phiên cuối tuần có thể thấy thị trường đang trong giai đoạn tìm kiếm động lực. Phiên giao dịch ngày 3/12 có thể phản ánh khá rõ tình hình giao dịch của cả tuần nay khi mở phiên khá khả quan. Dù vậy tâm lý giao dịch khá thận trọng, thanh khoản yếu.

Có thể thấy thị trường đang tìm kiếm một cái cớ nào đó, thì tin về ca nhiễm Omicron xuất hiện tại Đông Nam Á khiến thị trường lao dốc rất nhanh. Khi mà động lực đi lên chưa có nhiều, thị trường đã có lý do để nhà đầu tư bán ra và điều chỉnh xuống sau một giai đoạn tăng khá tích cực và nhanh.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tâm lý thị trường cũng đã suy yếu trong 3 tuần trở lại đây khi áp lực bán gia ở tăng ở nhiều cổ phiếu lớn và các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Điểm nhấn của giai đoạn gần đây đó là một vài nhóm cổ phiếu tăng điểm đã khiến các nhà đầu tư “mất cảnh giác” về khả năng điều chỉnh tiềm tàng của thị trường trong khi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu lớn trong danh mục.

Biến chủng Covid-19 Omicron, nỗi sợ về giai đoạn điều chỉnh lớn của chứng khoán thế giới, khả năng lạm phát, số liệu nợ xấu ngân hàng... cũng đã khiến thị trường giảm điểm mạnh. Tôi cho rằng sự bán tháo diễn ra ở cuối phiên chiều tuần trước cũng đã phát đi tín hiệu thị trường có thể điều chỉnh thêm. 

Nguyễn HoàngVnEconomy

Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã không duy trì được đà phục hồi tốt tuần qua và nếu không có một vài mã siêu lớn như VIC thì VN-Index đã giảm sâu hơn nhiều. Anh chị đánh giá dòng tiền bắt đáy như thế nào, liệu mua vào lúc này có quá sớm hay không?

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường có “thất vọng” với gói kích thích? - Ảnh 4

Theo tôi giai đoạn này nếu nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều tiền mặt có thể cân nhắc giải ngân mua “test” các cổ phiếu tốt đã về vùng hỗ trợ mạnh. Nhà đầu tư đang dùng margin thì không nên mua thêm.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE tuần trước đó đang ở mức 30.780 tỷ đồng đã giảm về mức 22.000 tỷ đồng và 24.000 tỷ đồng, kéo thanh khoản thị trường giảm về còn 28.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tương đương giảm 9%.

Thanh khoản nhóm VN30 thậm chí giảm mạnh gần 15%, có những phiên chỉ còn 7.000 đến 8.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là dòng tiền đang có dấu hiệu rút khỏi nhóm cổ phiếu midcap và smallcap. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp, thanh khoản khớp lệnh giảm ở cả 2 nhóm này.

Do vậy, tôi cho rằng dòng tiền bắt đáy sẽ thận trọng khi các yếu tố ngắn hạn cả trong và ngoài nước lúc này đều bất lợi.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Phiên thứ 6 đã xuất hiện dòng tiền bắt đáy khá mạnh. Đó là lý do thanh khoản đột biến tăng mạnh khi cổ phiếu được chiết khấu về vùng giá rẻ. Theo tôi giai đoạn này nếu nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều tiền mặt có thể cân nhắc giải ngân mua “test” các cổ phiếu tốt đã về vùng hỗ trợ mạnh. Nhà đầu tư đang dùng margin thì không nên mua thêm. Việc mua thêm giai đoạn này phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng tài khoản và cổ phiếu muốn mua.

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi đánh giá dòng tiền hiện nay khá dè dặt vào thị trường khi đã tăng quá nhanh trong giai đoạn qua. Tuy nhiên dòng tiền vẫn chực chờ cơ hội để tham gia vì kỳ vọng những cái tốt vẫn còn ở tương lai. Nên cẩn trọng mua mới vào lúc này vì nhiều cổ phiếu đã tăng quá nhanh và mạnh trong thời gian ngắn, nên khi các cổ phiếu này điều chỉnh sẽ tác động không nhỏ đến thị trường chung.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi nếu thực sự có những phiên giảm mạnh 1, 2 phiên đầu tuần tới diễn ra thì cơ hội mua bắt đấy ở một số cổ phiếu với điều kiện điểm mua tốt là ý tưởng không tồi. Đương nhiên nếu không có VIC hay nhóm ngân hàng tăng điểm ở 1 - 2 tuần trước thì cũng có nhóm cổ phiếu hay cổ phiếu lớn đặc biệt nào đó cũng sẽ đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường. Ngoài việc mua cổ phiếu gì với tỷ trọng thế nào thì việc lựa chọn mua mới cũng cần thận trọng, cơ hội mua vào cũng không phải là quá ít.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Dòng tiền bắt đáy phiên cuối tuần dù khá dồi dào nhưng vẫn bị áp đảo bởi áp lực bán khi nhà đầu tư hiện thực hoá lợi nhuận sau giai đoạn thị trường tăng kéo dài. Theo tôi phiên điều chỉnh cuối tuần dù tương đối mạnh nhưng nếu nhìn trong xu hướng tăng của thị trường trong vài tháng gần đây thì chưa đáng kể. Trong bối cảnh các yếu tố rủi ro đang gia tăng, tôi cho rằng hoạt động mua bắt đáy ngay ở thời điểm hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cơ hội.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Gói kích thích kinh tế 2022 đang được xem xét và có khả năng sẽ không ở quy mô 800 ngàn tỷ đồng như thông tin ban đầu, mà có thể chỉ khoảng 500 ngàn tỷ đồng. Mặt khác cũng có những ý kiến nên thận trọng trong việc thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất để tránh “vết xe đổ 2009”. Theo anh chị thị trường có thất vọng hay không?

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường có “thất vọng” với gói kích thích? - Ảnh 5

Theo tôi, gói kích thích kinh tế 2022 ở quy mô lớn hay bé đều tốt cho thị trường vì sẽ có một lượng tiền được đưa vào nền kinh tế. Bối cảnh nền lãi suất đang ở mức thấp như hiện nay sẽ tiếp tục là môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Việc thị trường có thất vọng nếu không như thông tin ban đầu cũng chỉ mang tính thời điểm.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Hiện tại chưa có thông tin chính thức về quy mô và cấu phần gói kích thích kinh tế nên rất khó đánh giá. Dù vậy, thị trường đang kỳ vọng vào con số 800 nghìn tỷ, bao gồm 1 tỷ USD trong chương trình cấp bù lãi suất. Nếu 2 con số này không đáp ứng được kỳ vọng chắc chắn sẽ khiến áp lực bán giá tăng.

Đối với gói cấp bù lãi suất, tôi có cái nhìn thận trọng trong bối cảnh chúng ta đã có bài học nhãn tiền về sự bất cập của gói này trong giai đoạn khủng hoảng 2009. Dù về ý tưởng là rất tốt, tuy nhiên triển khai thực tế chắc chắn sẽ phát sinh nhiều bất cập về rủi ro lạm phát, tạo cơ chế xin cho, làm méo mó thị trường lãi suất, gây bong bóng ở các thị trường chứng khoán, bất động sản... 

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Việc giảm quy mô gói kích thích kinh tế 2022 so với thông tin ban đầu chắc chắn sẽ làm thị trường “hơi” thất vọng. Tuy nhiên, với bài học từ năm 2009, gói kích thích kinh tế khi đó đã mang lại kết quả tích cực giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, nhưng sau đó hậu quả là lạm phát tăng rất mạnh trong những năm tiếp theo. Việc quy mô gói kích thích kinh tế như thế nào tôi nghĩ Chính phủ sẽ có lựa chọn phù hợp và tốt nhất cho nền kinh tế của chúng ta, và thị trường sau khi “hơi” thất vọng sẽ phát triển bền vững hơn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi những thông tin chưa chính thức chỉ có tác động nhất thời. Giai đoạn hiện tại thị trường yếu là do đang chưa xuất hiện dòng dẫn dắt. Dòng tiền vẫn đang trực chờ ngoài thị trường và đợi tín hiệu xem dòng tiền lớn sẽ chảy vào đâu.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Theo tôi, gói kích thích kinh tế 2022 ở quy mô lớn hay bé đều tốt cho thị trường vì sẽ có một lượng tiền được đưa vào nền kinh tế. Bối cảnh nền lãi suất đang ở mức thấp như hiện nay sẽ tiếp tục là môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Việc thị trường có thất vọng nếu không như thông tin ban đầu cũng chỉ mang tính thời điểm.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ quy mô gói hỗ trợ kinh tế là 800 nghìn tỷ hay 500 nghìn tỷ đều là thông tin tích cực hỗ trợ nền kinh tế, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường có lẽ tốt hơn. Môi trường kinh tế đã thay đổi, thị trường chứng khoán cũng đã bắt đầu có những chuyển biến lớn mạnh hơn. Hy vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi để bắt kịp đà tăng trưởng cùng thị trường chứng khoán.

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường có “thất vọng” với gói kích thích? - Ảnh 6

Thông thường diễn biến điều chỉnh giai đoạn này có thể kéo dài 1 – 2 tuần tính từ tuần trước, quá trình này diễn biến ngắn hơn với điều kiện dòng tiền bắt đáy sớm gia tăng đi kèm với việc một vài nhóm cổ phiếu lớn chủ chốt tăng điểm hỗ trợ chỉ số VN30.

Ông Lê Đức Khánh

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần này trừ số ít cổ phiếu thanh khoản thấp trên sàn UpCOM tăng giá, đa số cổ phiếu trên hai sàn niêm yết thiệt hại, bất kể là blue-chips hay penny. Đây là diễn biến chưa từng xảy ra ở các nhịp điều chỉnh gần đây. Thị trường có thể điều chỉnh đến mức nào và kéo dài hay không?

Ông Lê Minh Nguyên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Với việc giảm mạnh phiên cuối tuần vì thông tin ca nhiễm biến chủng Omicron, sắp tới thị trường sẽ biến động phụ thuộc vào những công bố tiếp theo về khả năng lây nhiễm cũng như độc lực của biến chủng này.

Theo tôi VN-Index nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.430-1.435 điểm và có khả năng hồi phục kỹ thuật lại vùng cản 1.465. Chỉ số sẽ tiếp tục tích luỹ tại vùng này trong tháng 12 và tiến tới chinh phục mốc 1.500 trong năm sau với nhiều thông tin tích cực hơn trong quý 1/2022.

 
Xu thế dòng tiền: Thị trường có “thất vọng” với gói kích thích? - Ảnh 7

VN-Index nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.430-1.435 điểm và có khả năng hồi phục kỹ thuật lại vùng cản 1.465. Chỉ số sẽ tiếp tục tích luỹ tại vùng này trong tháng 12 và tiến tới chinh phục mốc 1.500.

Ông Lê Minh Nguyên

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Nhịp điều chỉnh có thể khiến chỉ số VN-Index kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ở đỉnh tháng 7 và MA50 tương ứng ở 1.420 – 1.423 điểm. Tôi cho rằng thị trường đang điều chỉnh trong một xu hướng tăng kể từ đầu năm chừng nào vùng hỗ trợ như trên chưa bị xuyên thủng.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi cho rằng thị trường khả năng cao sẽ dừng chân tại ngưỡng 1.423 điểm, nếu xấu hơn có thể là mốc 1.400. Do nhịp này giảm khá mạnh nên thời gian diễn ra sẽ khá nhanh và sẽ có nhịp nảy hồi.

Việc đây chỉ là điều chỉnh ngắn hạn để thị trường lên tiếp hay điều chỉnh mạnh thì còn phụ thuộc lớn vào dòng tiền. Tôi thì thiên về kịch bản thị trường giảm về vùng 1.423 hoặc 1.400 sẽ có nhịp bật nảy lại.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 31% tính từ đầu năm đến nay và là một trong những thị trường có mức tăng cao nhất toàn cầu. Tôi cho rằng thị trường cần bước vào một nhịp điều chỉnh đủ sâu, phản ánh đầy đủ các rủi ro nội tại mới có thể kích thích lực cầu quay trở lại, đặc biệt từ các quỹ và nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Vùng hỗ trợ của VN-Index hiện tại có lẽ ở quanh 1.400 – 1.420 điểm, từ 1 – 1,5 phiên giao dịch đầu tuần tới VN-Index có thể điều chỉnh về mốc này. Thông thường diễn biến điều chỉnh giai đoạn này có thể kéo dài 1 – 2 tuần tính từ tuần trước, quá trình này diễn biến ngắn hơn với điều kiện dòng tiền bắt đáy sớm gia tăng đi kèm với việc một vài nhóm cổ phiếu lớn chủ chốt tăng điểm hỗ trợ chỉ số VN30.