Xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục 5,48 tỷ USD năm 2024
Năm 2024 đã ghi nhận cuộc “đại nhảy vọt” trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam, lần đầu tiên vượt trên mốc 5 tỷ USD. Với kết quả này, ngành cà phê Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil…
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về khối lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2024 ước đạt 4.151 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lần lượt đạt: 2,66 tỷ USD năm 2020; 3 tỷ USD năm 2021; 4,06 tỷ USD năm 2022 và 4,18 tỷ USD năm 2023.
KHI ROBUSTA DẪN DẮT THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ TOÀN CẦU
Trong năm 2024, xuất khẩu cà phê tăng trưởng ở tất cả nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó tăng mạnh nhất là Malaysia, tăng 2,2 lần; Philippines tăng 2,1 lần… EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, trong đó Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 11%, 8,1%, và 8%.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê với giá trị 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD.
Trước đây, thị trường cà phê thế giới thường được dẫn dắt bởi cà phê Arabica, với giá luôn cao gấp 2-3 lần giá cà phê Robusta. Tuy nhiên, diễn biến thị trường cà phê thế giới năm 2024 rất đặc biệt khác lạ. Trong quý 3/2024, giá cà phê Arabica thế giới liên tục duy trì trên 4.000 USD/tấn, trong khi cà phê arabica trên sàn hàng hóa New York giao dịch ở mức trên 4.444 USD/tấn. Sự kiện nổi bật nhất vào cuối tháng 10/2024, giá cà phê Arabica đạt mức cao nhất kể từ năm 1977, trong khi giá cà phê Robusta lên mức cao nhất trong 27 năm qua.
Theo phân tích của Ngân hàng Rabobank (một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu của Hà Lan với địa bàn hoạt động phủ khắp từ châu Âu, châu Á đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ), từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, giá cà phê trên thị trường thế giới chủ yếu được dẫn dắt bởi Robusta, khi các nước sản xuất loại cà phê này, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn do hạn hán và thời tiết khắc nghiệt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Ông Carlos Mera, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Ngân hàng Rabobank, cho biết sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 dù không quá gây thất vọng, chỉ thấp hơn khoảng 5% so với dự báo, nhưng điều này xảy ra sau khi sản lượng cà phê tại Brazil sụt giảm trong vài năm trước, dẫn tới tồn kho giảm xuống mức thấp. Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển hàng hóa chậm trễ do các hãng vận tải phải thay đổi hải trình trước quan ngại về khủng hoảng trên Biển Đỏ cũng gây tác động làm tăng giá cà phê.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu cà phê ở châu Âu trong năm 2024 đã ráo riết tăng nhập hàng trước khi Quy định Chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực. Tất cả những yếu tố trên khiến giá cà phê tăng vọt. Một số chuyên gia dự báo rằng căng thẳng thị trường cà phê sẽ giảm bớt trong năm 2025, nhưng giá cà phê trong dài hạn vẫn có xu hướng tăng do biến đổi khí hậu cùng nhiều yếu tố khác.
NGÀNH CÀ PHÊ VIỆT NAM THAY ĐỔI ĐỂ THÀNH CÔNG
Bên cạnh thuận lợi khách quan từ thị trường thế giới, ngành cà phê Việt Nam gặt hái thành công rực rỡ trong năm 2024 với nhiều dấu ấn tích cực còn nhờ ở thực lực và chuyển đổi nội tại. Với sản lượng ổn định và sự chuyển mình trong cách thức sản xuất, xuất khẩu cà phê Việt Nam đang mở ra những cơ hội mới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang có nhiều thay đổi và xu hướng tiêu dùng mới.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết sự gia tăng xuất khẩu cà phê đến từ nhu cầu tiêu thụ cà phê cao ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, các thị trường tiềm năng như Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành điểm sáng trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hòa tan, hai sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu và nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt.
"Trong năm 2024, việc cải thiện chất lượng cà phê đã trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành cà phê Việt Nam. Nhiều nông dân và doanh nghiệp đã chú trọng vào việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như Fair Trade, Organic và UTZ để gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Cà phê hữu cơ và cà phê chất lượng cao đang chiếm ưu thế trong các thị trường khó tính, nhất là ở châu Âu và Bắc Mỹ".
Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành cà phê cũng đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng và chứng nhận các vùng sản xuất cà phê bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Những nỗ lực này nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về cà phê sạch, cà phê bền vững và bảo vệ quyền lợi của người trồng cà phê. Một trong những xu hướng đáng chú ý là sự phát triển mạnh mẽ của cà phê chế biến sẵn, đặc biệt là cà phê hòa tan và cà phê rang xay. Các doanh nghiệp trong nước đã và đang nâng cao công suất chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của các thị trường lớn.
Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cà phê trong những năm tới, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, ngành cà phê cần nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Việc cải thiện chuỗi cung ứng, tăng cường chế biến và thúc đẩy cà phê bền vững là “chìa khóa” để cà phê Việt Nam khẳng định được vị thế vững mạnh trên thị trường quốc tế.
Một trong những thách thức đang tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường EU là Quy định Chống phá rừng của EU (EUDR) yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải có nguồn gốc rõ ràng và chứng minh rằng sản phẩm không liên quan đến nạn phá rừng hoặc gây suy thoái đất đai, đặc biệt đối với các sản phẩm như cà phê, cacao, gỗ và dầu cọ.
CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG VỚI EUDR, DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU
“Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất vào EU, vì vậy, EUDR sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cà phê của nước ta, đặc biệt là cà phê Robusta, bởi sản phẩm này đang chiếm tỷ trọng lớn trong các lô hàng xuất khẩu sang các thị trường như Đức, Pháp, Ý và Hà Lan”, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam lưu ý.
Mặc dù EUDR tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm xuất khẩu. Một trong những cơ hội lớn là việc thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, hữu cơ và giảm thiểu tác động đến môi trường. Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, ngành cà phê có thể tận dụng xu hướng này để chuyển đổi sang các phương thức sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, từ đó đáp ứng các yêu cầu của EU về bảo vệ rừng và phát triển bền vững. Hơn nữa, việc thích ứng với EUDR có thể giúp các doanh nghiệp cà phê Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng, từ khâu trồng trọt đến chế biến và xuất khẩu.
Để đáp ứng yêu cầu của EUDR và tận dụng cơ hội từ thị trường EU, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhấn mạnh đến một số giải pháp, trong đó cần đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc, sử dụng blockchain và các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh để bảo đảm minh bạch và tuân thủ các yêu cầu của EU. Các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu.
Đồng thời, ngành cà phê cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bền vững, đặc biệt, cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu việc phá rừng. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các tổ chức chứng nhận quốc tế sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tạo uy tín cho thương hiệu cà phê Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường hỗ trợ và đào tạo cho nông dân về các tiêu chuẩn quốc tế, giúp họ hiểu rõ hơn về các yêu cầu của EU và phương thức sản xuất bền vững...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194