10:00 02/02/2012

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD trong năm 2012

Chu Khôi

Giá trị xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt 1,805 tỷ USD, tăng tới 26,5% so với năm 2010

Tình trạng thiếu  nguồn cung cá tra đang xảy ra tại một số địa phương.
Tình trạng thiếu nguồn cung cá tra đang xảy ra tại một số địa phương.
Năm 2012 nếu ngành cá tra được ưu tiên vốn, đồng thời lãi suất về dưới 15%/năm thì giá thành sản xuất sẽ cạnh tranh được, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 2 tỉ USD.

Theo số liệu thống kê của ngành hải quan, giá trị xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt 1,805 tỷ USD, tăng tới 26,5% so với năm 2010.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra năm 2011 ước đạt trên 600.000 tấn, tăng 3% so với năm 2010. Mặc dù tốc độ tăng trưởng giá trị rất mạnh lên đến vài chục phần trăm mỗi năm, thế nhưng giá trị gia tăng vẫn còn khiêm tốn, tăng trưởng lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Sản phẩm cá tra chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng phi lê đông lạnh, loại sản phẩm này chiếm 99% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam với 1,79 tỷ USD.

 Cá tra Việt Nam đã vươn tới thị trường ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu các thị trường nhập khẩu chính trong năm vừa qua hầu như không thay đổi, sự biến động chỉ xảy ra ở nhóm thị trường nhỏ, nguyên nhân có thể do nhu cầu tại các thị trường này không ổn định. Mỹ và EU vẫn là những thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam, hai thị trường này chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2011.

Trong đó, Mỹ là nước có giá trị nhập khẩu hàng philê đông lạnh lớn nhất từ Việt Nam, đạt kim ngạch tới 331,6 triệu USD, tăng trưởng tới 87,8% so với năm 2010, thị phần tăng từ 11% lên 18%. Trong khi đó, thị trường EU bị giảm tỷ trọng từ 37% xuống còn 29,7%, do xuất  khẩu sang Tây Ban Nha – thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất trong khối giảm 9,4%.

Với nhóm sản phẩm cá tra chế biến, Hà Lan là thị trường đơn lẻ có giá trị nhập khẩu hàng chế biến cá tra Việt Nam nhiều nhất đạt trên 5,4 triệu USD, chiếm 38,81% thị phần của tổng giá trị xuất khẩu hàng cá tra chế biến. Xuất khẩu cá tra philê đông lạnh sang Ai Cập trong năm 2011 có xu hướng giảm so với năm trước nhưng hàng chế biến lại tăng gần 350%, mặc dù giá trị xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn so với các thị trường nhập khẩu hàng chế biến của Việt Nam.

Năm vừa qua, cả nước đã có trên 230 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra. Những thị trường duy trì được lượng nhập khẩu  ổn định hoặc tăng mạnh một phần là nhờ các doanh nghiệp tham gia xuất  khẩu chủ yếu là doanh nghiệp lớn, có khả năng bảo đảm nguồn cung.

Kim ngạch xuất khẩu năm qua tăng mạnh chủ yếu nhờ giá. Giá trung bình cá tra xuất khẩu trong các tháng năm 2011 liên tục tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2010. Mức chênh lệch giá so với cùng kỳ năm trước thể hiện rất rõ vào các tháng 5, 6, 7, 8 và 10 (tăng khoảng 26%), so với các tháng đầu năm và cuối năm 2011 tăng khoảng 15%. Giá trung bình xuất khẩu đạt đỉnh vào tháng 6 và tháng 8, giảm nhẹ vào tháng 2 và tháng 7. Nguồn nguyên liệu chế biến thiếu, chi phí gia tăng, nhu cầu cao là những yếu tố thúc đẩy giá trung bình xuất khẩu tăng.

 Giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng đạt ngưỡng kỷ lục 29 nghìn đồng/kg vào tháng 11-12 năm 2011, sau đó cuối tháng 12 và đầu tháng 1 đột ngột sụt giảm xuống ngưỡng 25.000-25.500 đồng/kg. Sự sụt giảm này được nhận định là do chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công châu Âu.

Tuy nhiên đáng mừng là từ trung tuần tháng 1/2012 trở đi, giá cá nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã dần phục hồi trở lại, đạt mức cao nhất là 27.000 - 28.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, giá cá tra nguyên liệu đang tiếp tục tăng lên.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng cá tra nguyên liệu tăng không phải vì thị trường đã sôi động trở lại, mà là do thiếu hụt nguồn cung. Hiện nay cá tra nguyên liệu cỡ 0,9 - 1,2 kg/con thiếu nhiều, trong khi một số doanh nghiệp cần thu mua cá cỡ này nên dẫn đến tình trạng tranh nhau mua làm cho giá tăng. Song, tình trạng thiếu nguồn cung đó cũng chỉ xảy ra cục bộ ở một vài địa phương.

Các chuyên gia dự báo giá cá tra sẽ không tăng trong thời gian dài. Cuối năm 2010 đầu năm 2011, giá cá tra nguyên liệu tăng nên người nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng đầu tư nuôi trở lại tuy gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Năm nay, người nuôi vẫn gặp khó khăn về vốn nhưng một số người lại chưa có ý định đầu tư nuôi cá trở lại do lo ngại thị trường xuất khẩu không khả quan.

VASEP đánh giá, năm 2012 kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng ngành cá tra sẽ vẫn gặt hái được những thành công. Bởi hiện nay, mặt hàng cá tra của Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao trong ngành thực phẩm toàn cầu. Hình ảnh con cá tra cũng dần được cải thiện qua việc tổ chức WWF công nhận cá tra là loài thuỷ sản nuôi trồng bền vững, khuyến khích người tiêu dùng thế giới sử dụng.