17:43 04/04/2022

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh, có nên kiềm chế?

Chương Phượng

Trong bối cảnh giá phân bón đang ở mức cao kỳ lục, một số chuyên gia cho rằng, nhà nước cần kiềm chế xuất khẩu phân bón nhằm bình ổn thị trường vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu phân bón trong quý 1/2022 lên tới 291 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước…

Hai tháng đầu năm 2022, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước tăng mạnh 69,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Hai tháng đầu năm 2022, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước tăng mạnh 69,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước xuất khẩu trên 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 559,35 triệu USD; tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch. Năm 2021, giá xuất khẩu phân bón trung bình đạt 413,4 USD/tấn, tăng 41,2% so với năm 2020.

XUẤT KHẨU PHÂN BÓN TĂNG CẢ LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ

Năm 2021, Campuchia là thị trường tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của Việt Nam, đạt 544.443 tấn, tương đương trên 209,18 triệu USD; tăng 29,2% về lượng, tăng 59% về kim ngạch.

Tiếp đến, xuất khẩu phân bón sang thị trường Malaysia đạt 106.917 tấn, tương đương 36,16 triệu USD, tăng 14,3% về khối lượng và tăng 97,6% về kim ngạch.

Đứng vị trí thứ 3 là thị trường Philippines với lượng xuất khẩu 61.385 tấn, giá trị 26,03 triệu USD, tăng 242,4% về khối lượng, tăng 401,6% về kim ngạch so với năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu phân bón những tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng cao cả về lượng và giá trị. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 3 tháng đầu năm 2022 lên tới 291 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước…

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 352.672 tấn, tăng mạnh 69,9% so với 2 tháng đầu năm 2021; thu về gần 241,68 triệu USD, tăng 280,6% về kim ngạch. Giá phân bón xuất khẩu trung bình đạt 685,3 USD/tấn, tăng  tới 124% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm 2022,  Campuchia vẫn đứng đầu về tiêu thụ phân bón của Việt Nam, đạt 53.133 tấn, tương đương trên 25,55 triệu USD; giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 35,5% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2021; chiếm 15% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch phân bón xuất khẩu của cả nước.

Hàn Quốc là thị trường đứng thứ 2 với 20.994 tấn, tương đương 16,53 triệu USD, giá trung bình 787,2 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng tương ứng 111,5%, 435,9% và 153,4%; chiếm trên 6% trong tổng lượng và chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch.

Thị trường Myanmar đứng thứ 3 đạt 11.090 tấn, tương đương 7,51 triệu USD, giá 677,5 USD/tấn, tăng 491,5% về lượng, tăng 1.071% kim ngạch và tăng 98,2% về giá so với cùng kỳ, chiếm trên 3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Tính toán về cung cầu phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng phân bón hóa học của ngành trồng trọt cả nước vào khoảng 12 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, sản lượng sản xuất của các nhà máy phân bón trong nước mới chỉ đạt trên 8 triệu tấn, nên hàng năm phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn. Năm 2021 nhập khẩu phân bón nước ta đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch 1,45 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 594.518 tấn (giảm 3,2% so với 2 tháng đầu năm 2021), trị giá trên 285,77 triệu USD (tăng mạnh 79,2%). 

CÓ NÊN HẠN CHẾ XUẤT KHẨU?

Trong hoàn cảnh giá phân bón trên thế giới tăng cao nhất trong 50 năm qua, và giá phân bón trong nước cũng ở mức cao kỳ lục từ trước đến nay, một số chuyên gia cho rằng, thời điểm này, nhà nước cần có những giải pháp kiềm chế xuất khẩu phân bón, nhằm bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp trong nước.

Theo Bộ Công Thương, Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định rằng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với hàng hóa nhưng phải trong trường hợp mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Cho dù lượng phân bón xuất khẩu tăng cao, nhưng tổng nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu, trừ đi lượng phân bón đã xuất khẩu, thì cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Do đó, chưa đủ cơ sở để phải ngừng xuất khẩu phân bón.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cho biết mặc dù tổng khối lượng phân bón sản xuất hàng năm đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng có sự khác nhau giữa các chủng loại phân bón.

Phân bón SA và kali do trong nước không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, nên phải nhập hoàn toàn. Đối với các sản phẩm phân bón DAP và MAP, lượng sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 86% nhu cầu. Phân bón lân và NPK, sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu của ngành trồng trọt.

 

"Với phân bón urê, năng lực sản xuất trong nước đang dư thừa mỗi năm khoảng 660 nghìn tấn, cần phải xuất khẩu. Do nhu cầu thị trường nội địa, sản xuất urê của các nhà máy mới chỉ đạt khoảng 87% công suất thiết kế. Nếu các nhà máy trong nước sản xuất đủ công suất, thì lượng dư thừa cần xuất khẩu có thể lên đến 1-1,2 triệu tấn/năm".

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất

Phân bón xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là phân urê, do loại sản phẩm này có sản lượng sản xuât trong nước vượt so với nhu cầu của ngành trồng trọt.

Lý giải về việc gia tăng xuất khẩu phân bón vào thời điểm này, một số doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, quý 1 là giai đoạn tiêu thụ phân bón thấp điểm trên cả nước.

Theo Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), hiện vụ lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch, nên việc chăm sóc lúa đã tạm ngừng, dự đoán nhu cầu phân bón sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, PVCFC đã chủ động xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế. Đây là giải pháp phù hợp để điều tiết hài hòa giữa hoạt động tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp duy trì sản xuất liên tục và giảm tồn kho, dư thừa nguồn cung nội địa.

Tranh thủ khi giá phân bón trên thị trường tăng cao, và nhu cầu trong nước ở thời điểm xuống thấp, PVCFC đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón urê sang một số thị trường tiềm năng ở Châu Á, Châu Mỹ, vừa giúp thu lợi nhuận cao, đồng thời nâng cao hình ảnh thương hiệu Phân bón Cà Mau trong mắt bạn hàng nước ngoài, củng cố mục tiêu chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.

Theo các chuyên gia, ngành phân bón Việt Nam đang được hưởng lợi trong ngắn hạn vì có cơ hội để gia tăng thị phần xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Giá phân bón tăng cao cũng đang giúp nhiều doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi lớn.

Đơn cử như, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đạt doanh thu hợp nhất năm 2021 với mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng, vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020.

Lợi nhuận của nhiều công ty sản xuất phân bón tăng rất cao, như: Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đạt lãi tăng 12 lần; Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM đạt lợi nhuận tăng 6,7 lần; lợi nhuận của Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì tăng gấp 2 lần; Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí-Đạm Phú Mỹ có lợi nhuận trước thuế tăng 324% so với năm 2020.