Xuất khẩu sẽ cán mốc 200 tỷ USD trong 2017
Trong 6 tháng cuối năm 2017, xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, đồ gỗ
Dự báo về tình hình xuất khẩu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch; đồng thời kim ngạch nhập khẩu ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ.
Như vậy, nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức 3,5% mà Quốc hội đề ra.
Phân tích cụ thể hơn mục tiêu trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2017, xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu chu kỳ tăng trưởng như: dệt may, giày dép, đồ gỗ.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm bởi hầu
hết các thiết bị đã nhập khẩu nhiều từ những tháng đầu năm do việc giải ngân của hàng
loạt dự án.
Qua rà soát, đánh giá khả năng tăng trưởng những tháng cuối năm của 24 sản phẩm chủ yếu của nhóm ngành chế biến, chế tạo cho thấy, một số sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt trên 8% như sắt thép thô, thép cán, tivi, xi măng, bia các loại, sơn hóa học. Một số mặt hàng tăng trưởng mức dưới 8% như thép thanh, thép góc, xe máy, phân NPK, urê, điện thoại di động, ô tô...
Dự kiến, sản xuất các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đối với nhóm ngành khai khoáng, Bộ Công Thương nhận định sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn. Điển hình như khai thác dầu khí sẽ gặp khó do mùa gió chướng; ngành than gặp khó do nhu cầu thị trường còn thấp, xuất khẩu gặp khó do giá thành cao...
Bổ sung thêm, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, trước đây, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản (chủ yếu dầu thô) là mặt hàng chủ lực, nhưng thời gian vừa qua Nhà nước đã định hướng giảm bớt xuất khẩu khoáng sản, đẩy mạnh nhóm hàng công nghiệp và hiện chúng ta đang làm rất tốt.
Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chiếm hơn 80%, nông nghiệp 15% còn khoáng sản
chỉ khoảng 5%. Nếu cứ theo chiều hướng này thì ta có thể bảo đảm được tính bền
vững của xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhìn nhận về bức tranh chung của xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cho rằng còn nhiều “điểm tối”. Cụ thể, các mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày, thiết bị điện tử... vẫn đang đứng ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị chung, Việt Nam chủ yếu đang làm gia công, còn khâu đạt giá trị cao hơn như thiết kế, thương hiệu, logistics... thì Việt Nam chưa làm được.
Đặc biệt, ngành
công nghiệp hỗ trợ chưa được xây dựng đầy đủ để đáp ứng cho các ngành công nghiệp
khác như công nghiệp ô tô, dệt may, da giày... nên vẫn phải phụ thuộc nhiều vào
nguồn nguyên liệu nước ngoài. Điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường biến động
thì xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu nhiều tác động.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, để đạt được kim ngạch xuất khẩu cả năm là 200 tỷ USD thì từ nay đến cuối năm sẽ phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Mặc khác, Bộ tiếp tục tháo gỡ rào cản, tạo điều
kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường
mới. Đáng lưu ý, trong các tháng cuối năm, Bộ cũng sẽ tăng cường quản lý nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nhập khaaru nhiều
theo quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.
Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho xuất khẩu, Bộ cũng sẽ tập trung vào một số giải pháp lớn và mang tính nền tảng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cụ thể: quyết liệt chỉ đạo để tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí...
Đây vừa là giải pháp mang tính
trước mắt để tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh
doanh vừa là giải pháp mang tính lâu dài để bảo đảm sự phát triển bền vững, phục
vụ cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Bộ cũng sẽ rà soát, tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước và tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước không chỉ trong năm 2017 mà còn cho những năm tiếp theo.
Đặc biệt, Bộ sẽ bám sát hơn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước như thép, ô tô, phân bón, hóa chất... để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, Bộ sẽ thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTA và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.