Xuất khẩu Trung Quốc bùng nổ, thặng dư cao chưa từng thấy
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng lập kỷ lục mới, bất chấp lời hứa của Bắc Kinh về tăng nhập khẩu từ Mỹ
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua đạt mức cao nhất kể từ đầu 2018, đưa thặng dư thương mại đạt kỷ lục, đồng thời cho thấy nhu cầu của thế giới đối với những mặt hàng liên quan đến đại dịch Covid-19 đang hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/12 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng trước đạt 268 tỷ USD, con số cao chưa từng thấy trong 1 tháng từ trước đến nay, đồng thời tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng nhập khẩu chỉ đạt 4,5%, khiến thặng dư thương mại đạt 75,4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ ít nhất năm 1990.
"Sự bùng nổ của khu vực xuất khẩu là một trong những câu chuyện kinh tế gây ngạc nhiên nhiều nhất trong năm nay khi nói về triển vọng của Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Zhou Hao thuộc Commerzbank ở Singapore phát biểu. Ông Hao nhấn mạnh việc nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang hưởng lợi nhiều từ việc kiểm soát tốt Covid-19 và lượng đơn hàng lớn từ các thị trường chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
Được củng cố bởi lực cầu mạnh vào dịp cuối năm, những con số trên phản ánh rõ nét sức mạnh của nền sản xuất Trung Quốc càng gia tăng trong đại dịch, khi người tiêu dùng toàn cầu giảm chi tiêu vào các dịch vụ do nhiều dịch vụ rơi vào tình trạng gián đoạn. Cùng với sự khởi sắc của tiêu dùng và đầu tư tại Trung Quốc, dữ liệu về lĩnh vực xuất khẩu cũng cho thấy đà hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 11.
"Các nhà nhập khẩu từ nhiều quốc gia lo ngại khu vực của họ sẽ bị phong tỏa trong kỳ nghỉ Tạ ơn và Giáng sinh, nên họ đề nghị vận chuyển hàng gấp từ các nhà máy ở Trung Quốc", chuyên gia Iris Pang thuộc ngân hàng ING ở Hồng Kông phát biểu.
Nhu cầu của thị trường toàn cầu đã bắt đầu hồi phục trước khi xuất hiện làn sóng Covid-19 mới tại vài trong số những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Mỹ và châu Âu. Đợt dịch mới này có thể đẩy mạnh thêm nhu cầu của các sản phẩm như quần áo bảo hộ và thiết bị phục vụ làm việc, học tập từ xa do Trung Quốc sản xuất.
Xuất khẩu thiết bị y tế của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng điện tử trong tháng 11 tăng 25%.
"Nhu cầu của những mặt hàng liên quan đến đại dịch và hàng điện tử nhìn chung không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội mới được áp dụng. Những biện pháp này ảnh hưởng đến ngành dịch vụ nhiều hơn là thương mại hàng hóa", chuyên gia kinh tế Michelle Lam thuộc ngân hàng Societe Generale ở Hồng Kông phát biểu.
Thặng dư thương mại gia tăng có thể tạo thêm sức ép tăng giá đối với đồng Nhân dân tệ, sau khi đồng tiền này đã tăng giá 6% so với USD từ đầu năm và trở thành một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở khu vực châu Á. Trước đây, Trung Quốc từng bị Mỹ và châu Âu chỉ trích nhiều vì cho rằng Bắc Kinh cố tình đẩy tỷ giá Nhân dân tệ xuống thấp để giành lợi thế xuất khẩu.
"Việc thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng sẽ khiến nhiều nước không vui", ông Yukon Huang, cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Trung Quốc và hiện là chuyên gia cao cấp thuộc tổ chức Carnegie Endowment, phát biểu. "Trung Quốc không muốn gây chú ý và đó là lý do tại sao cho tới hiện tại họ sẵn sàng để mặc cho Nhân dân tệ tăng giá".
Một con số khác cần phải nhắc đến là thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã đạt kỷ lục mởi mức 37,4 tỷ USD trong tháng 11. Kỷ lục này được thiết lập cho dù Bắc Kinh đã hứa sẽ tăng mạnh nhập khẩu từ Mỹ trong năm nay theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết giữa hai nước.
Dữ liệu trên cho thấy Trung Quốc chưa hề tiến gần tới mục tiêu mà thỏa thuận đề ra. Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden, mới đây nói rằng ông sẽ không vội dỡ thuế quan mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc và sẽ tham vấn đồng minh trước khi vạch ra chiến lược quan hệ Mỹ-Trung.
Tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu do nhu cầu nguyên liệu đầu vào và hàng nông sản, thay vì hàng tiêu dùng. Trong đó, nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu đậu tương tăng 17,5%.
Không chỉ xuất khẩu của Trung Quốc mà xuất khẩu của Hàn Quốc cũng tăng mạnh trong tháng 11. Tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc vốn được xem là một "hàn thử biểu" của thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng xuất khẩu của các nước này có thể giảm tốc trong năm tới, khi tiêm chủng Covid-19 cho phép các nhà máy tại các quốc gia khác hoạt động bình thường trở lại.