Xuất nhập vàng cần một giải pháp căn cơ
Người dân có quyền kỳ vọng vào sự xuất hiện một nhạc trưởng tài năng và tâm huyết, có khả năng chỉ huy bản “giao hưởng vàng”
Xuất phát từ góc nhìn và những kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên thị trường vàng Việt Nam của tác giả, bài phân tích chuyên sâu dưới đây của ThS. Trần Trọng Quốc Khanh hướng đến việc xây dựng một bức tranh toàn cảnh và đa chiều về thực trạng xuất nhập vàng tồn tại lâu nay tại Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị trong dài hạn.
Những ngày đầu tháng 8 này, giá vàng thế giới nổi cơn sóng cồn dồn dập (vượt hơn 1.813 USD/ounce ngày 11/8/2011) kéo theo giá vàng trong nước tăng vọt hơn 46 triệu đồng/lượng đạt vào ngày 8/8. Sự không liên thông giữa hai thị trường trong và ngoài nước có lúc đã đẩy giá trong nước cao hơn giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu vàng để can thiệp ứng phó.
Trong một chiều hướng khác, thời gian vừa qua, việc tái xuất khẩu vàng, vốn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, góp phần giảm nhập siêu và giải phóng tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, chưa được đa số nhìn nhận là yếu tố tích cực. Phải chăng do mối lo ngại xuất khẩu vàng sẽ làm giảm nguồn vàng nên muốn giữ lại vàng trong dân, trong khi về mặt chủ trương luôn muốn chống tình trạng “vàng hóa”, tức không khuyến khích giữ vàng trong dân? Cần giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
1. Vàng xuất khẩu phần lớn lấy từ dân
Có ý kiến lo ngại rằng việc tái xuất khẩu vàng sẽ làm giảm nguồn vàng dự trữ trong nước. Thực chất, lượng vàng xuất khẩu phần lớn đều lấy từ nguồn dự trữ trong dân, nhờ người dân biết tích cốc phòng cơ và bỏ công sức gầy dựng trong hàng chục năm qua, không xuất phát từ nguồn dự trữ của Nhà nước. Vì vậy, người thực sự lo lắng trước tiên phải là người dân khi giảm lượng vàng nắm giữ, rồi sau đó mới đến Nhà nước (nếu có).
Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước, hãy gộp chung hai lợi ích này thành lợi ích quốc gia để nhận định vấn đề tái xuất khẩu vàng một cách khách quan và logic.
1.1. Việt Nam có bao nhiêu vàng dự trữ để có thể tái xuất khẩu?
Cho đến nay, chưa có cơ quan quản lý nào công bố số liệu thống kê chính thức. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã đưa ra số liệu ước tính vàng dự trữ của dân Việt Nam ít nhất là 500 tấn, khoảng 27 tỷ USD.
Sự kiểm chứng kim ngạch xuất nhập khẩu vàng trong gần 3 năm vừa qua và tình hình huy động vàng sẽ làm sáng tỏ số liệu hợp lý của WGC. Cụ thể, Việt Nam đã xuất siêu vàng như sau: 75 tấn (2009), 66 tấn (2010) và khoảng 30 tấn (7 tháng đầu năm 2011), mang về tổng cộng gần 7,1 tỷ USD. Vậy trong gần 3 năm qua, con số xuất siêu vàng tích lũy của Việt Nam đạt 171 tấn.
Số dư huy động vàng tại các ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM nói riêng đạt khoảng 91 tấn vàng tính đến cuối tháng 6/2011 (chưa kể huy động vàng tại Hà Nội và các địa bàn khác). Lấy số dự trữ 500 tấn vàng trừ đi các con số xuất siêu và huy động, đâu đó còn khoảng 238 tấn (= 500 - 171 - 91) đang “bèo dạt mây trôi” trong dân.
Con số dôi dư này cũng có cơ sở, vì trong hàng chục năm qua một khối lượng vàng lớn đã đi vào Việt Nam bằng con đường phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Số liệu xuất siêu vàng nói trên cho thấy vàng dự trữ trong dân là có thực và có thể vẫn còn nhiều. Việc WGC nghiên cứu và ước tính được số vàng dự trữ trong dân hơn chúng ta là điều rất đáng suy nghĩ.
1.2. Vì sao phát sinh nhu cầu xuất khẩu vàng?
Khi giá thế giới tăng mạnh nhưng giá trong nước tăng không kịp hoặc giá thế giới giảm nhẹ nhưng giá trong nước giảm mạnh hơn, sự lệnh pha giá sẽ xảy ra theo hướng giá trong nước thấp hơn giá thế giới. Người dân/nhà đầu tư đã mua vàng ở mức thấp, nay thấy giá lên đến một mức kỳ vọng nào đó sẽ bán chốt lời thu hồi vốn tiền đồng và tạm thời rút khỏi thị trường vàng, ví dụ như ngưỡng tâm lý 39-40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 7/2011.
Tại ngưỡng tâm lý này, phần lớn đều nghĩ rằng giá vàng tăng như vậy là quá “hỗn”. Khi thị trường có nhiều người bán hơn người mua, giá trong nước thấp hơn giá thế giới là điều hiển nhiên, phản ánh đúng quy luật cung cầu. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng sau khi mua vàng của dân như đang ngồi trên đống lửa phải khẩn trương tìm cách “đẩy hàng” đi (không dám “ôm” vì sợ giá rớt gây lỗ). Nếu không tìm được người mua trong nước, doanh nghiệp buộc phải tìm người mua ngoài nước.
Việc các doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu vàng cho thấy hầu như không ai muốn “ôm” trạng thái dương vàng, tức muốn chuyển giao rủi ro trạng thái này sang người khác.
Vì vậy, xuất khẩu vàng là một xu hướng tất yếu khi thỏa hai điều kiện: (i) giá trong nước thấp hơn giá thế giới, và (ii) thị trường trong nước không thể tự giải quyết tiêu thụ hết lượng cung vàng đang chờ bán ở thế áp đảo.
1.3. Mục tiêu thu thuế xuất khẩu vàng 10% không khả thi
Để hạn chế xuất khẩu vàng, ngày 15/11/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 184/2010/TT-BTC (Thông tư 184) liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011. Theo đó, để hưởng thuế suất 0% sản phẩm vàng xuất khẩu phải có hàm lượng nhỏ hơn hoặc bằng 99% và trọng lượng nhỏ hơn hoặc bằng 1 ounce (oz), nếu không thuế suất sẽ là 10%, một kiểu hàng rào kỹ thuật chưa có tiền lệ về chỉ số hàm lượng và chỉ số trọng lượng.
Trong điều kiện thị trường bình thường, mức chênh lệch giá mua-bán vàng niêm yết của doanh nghiệp tối đa ở vào khoảng 100.000-200.000 đồng/lượng. Với mức giá vàng 40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 07/2011, doanh nghiệp chỉ lãi 0,25-0,5% cho 1 lượng vàng. Vậy, không có cơ sở thực tiễn để doanh nghiệp chịu được thuế suất 10%. Giả sử doanh nghiệp sẵn sàng chịu thuế 10%, họ buộc phải thu lại của khách hàng bằng cách khấu trừ 10% vào giá mua, tương đương tới 4 triệu đồng, đó là điều không tưởng.
Có lẽ, Thông tư 184 nhắm đến mục tiêu hạn chế xuất khẩu vàng hơn là thu thuế cho ngân sách. Nếu thế, nên xem xét điều chỉnh giảm thuế suất 10% xuống còn 1% chẳng hạn, để mức thuế suất danh nghĩa có sự hợp lý tương đối về mặt hình thức, tránh sự chênh lệch hai chiều quá lớn giữa thuế nhập khẩu vàng 0% và thuế xuất khẩu vàng 10%.
Khi Thông tư 184 có hiệu lực, trong 7 tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp xuất khoảng 30 tấn vàng mang về khoảng 1,5 tỷ USD với tất cả các lô hàng xuất đều thuộc diện áp thuế 0%. Thực tế đó cũng đủ để chứng minh rằng, không có doanh nghiệp nào chịu nổi thuế suất 10%. Doanh nghiệp chỉ chờ cơ hội xuất khẩu theo diện áp thuế 0% khi mức chênh lệch giá giữa giá trong nước và giá thế giới đủ lớn để có thể bù đắp một số chi phí liên quan đến lô hàng xuất như: chi phí hạ tuổi vàng, chi phí kiểm định vàng, chi phí chế tác, chi phí vận chuyển và bảo hiểm, lãi vay ngân hàng, chi phí khác…
Mức chênh lệch giá đủ lớn nói trên cũng có nghĩa là người có vàng phải chấp nhận bán ra với giá bất lợi hơn so với giá thế giới quy đổi trong điều kiện cung vượt cầu.
1.4. Chưa có cơ chế sử dụng nguồn vàng dự trữ trong dân
Như nhận định ở phần trên, với Thông tư 184, Bộ Tài chính có lẽ muốn hạn chế xuất khẩu vàng, tức muốn giữ vàng lại, mà theo lẽ thông thường, khi muốn nắm giữ một tài sản nào đó, cần chuẩn bị cách thức sử dụng sao cho hiệu quả nhất.
Thế nhưng, ngày 29/4/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 11/2011/TT-NHNN (Thông tư 11) quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2011. Hai văn bản pháp lý này kết hợp lại cho thấy, nhà quản lý vẫn chưa xác định được mục tiêu sẽ làm gì với số vàng dự trữ vài trăm tấn trong dân.
Ngày 2/8/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 111/2011/TT-BTC (Thông tư 111) sửa đổi quy định về thuế xuất khẩu trong Thông tư 184, theo đó để hưởng thuế suất 0% sản phẩm vàng xuất khẩu phải có hàm lượng dưới 80%, nếu không thuế suất sẽ là 10%. So với Thông tư 184, Thông tư 111 chỉ gỡ bỏ quy định về chỉ số trọng lượng (dưới 1 oz), nhưng tiếp tục hạ chỉ số hàm lượng từ 99% xuống còn 80%.
Với Thông tư 184 (hạn chế xuất khẩu vàng) và Thông tư 11 (xóa bỏ huy động/cho vay vàng), phải chăng Nhà nước chỉ muốn gửi một thông điệp rằng ai đã bỏ tiền ra mua vàng thì hãy tự cất giữ tại nhà? Nếu vậy, có nhiều thiệt thòi đối với người dân, vì khi mua vàng họ phải đối diện một số rủi ro thường trực như sau:
- Rủi ro giá vàng giảm sẽ gây lỗ, vì không ai đảm bảo giá vàng sẽ tăng mãi.
- Rủi ro giá bất đối xứng (giá không liên thông), xảy ra khi bán vàng với giá thấp hơn so với giá thực tế trên thế giới.
- Mất chi phí cơ hội sử dụng VND với lãi suất 14%/năm.
- Rủi ro vàng giả (do chất lượng vàng bị thả nổi, thiếu chế tài nghiêm khắc để bảo vệ người dân).
- Rủi ro mất vàng do phải tự bảo quản (ngân hàng thôi huy động).
1.5. Giữ vàng dài hạn không phải là trách nhiệm của người dân
Đã mua vào thì phải bán ra, dù bán chốt lãi hay bán cắt lỗ, đó là quy luật cung cầu tất yếu của thị trường. Kể cả những người có điều kiện tích lũy nhiều vàng, cũng không đoan chắc 100% là mua vàng để “giữ đến ngàn sau”, vì có lúc cần tiền phải bán vàng.
Với 5 rủi ro thường trực nói trên, người dân với vốn liếng thấp phải tự xoay xở và tính toán khả năng duy trì trạng thái đến đâu, nên luôn biết cách tự bảo vệ quyền lợi thiết thân của mình. Điều đơn giản đối với họ là mua vàng hôm nay để “giữ đến ngày sau”, chứ không phải “giữ đến ngàn sau”.
“Mua bán hôm nay, giữ đến ngày sau” cũng chính là phương thức kinh doanh vàng giao ngay phổ biến nhất trên thế giới (loco London gold spot trading), khi các trạng thái mở luôn được đánh giá lại với số tiền ký quỹ đầy đủ, đảm bảo được duy trì ít nhất sang ngày làm việc kế tiếp. Vì vậy, khó có thể hô hào yêu cầu người dân/nhà đầu tư phải trang bị cái gọi là “tầm nhìn chiến lược giữ vàng dài hạn”.
Khi giá vàng phá ngưỡng tâm lý 40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 7/2011, nếu bất cứ cá nhân/tổ chức nào nghĩ rằng đây là một vụ bán hớ, sao lúc đó không bỏ tiền đồng ra mua món hời ấy? Tương tự như chứng khoán, có một nhà đầu tư mua cổ phiếu XYZ gì đấy, sau đó người này quyết định bán ra để chốt lời hoặc cắt lỗ. Liệu có ai lại gắng sức thuyết phục nhà đầu tư đó đừng bán ra mà hãy giữ dài hạn cổ phiếu đó trong khi cách đọc thị trường, tình hình vốn liếng/nợ vay… giữa hai bên là khác nhau? Thay cho lời nói suông, hãy bỏ tiền đồng ra mua cổ phiếu đó, vì một hành động cụ thể giúp tăng thanh khoản của thị trường luôn được đánh giá cao hơn một lời khuyên tẻ nhạt.
1.6. Bán vàng, xuất khẩu vàng là “bán hớ”?
Có ý kiến cho rằng bán vàng hay xuất khẩu vàng trong giai đoạn trước tháng 8/2011 là “bán lúa non/bán hớ”. Rất tiếc, ý tưởng này ai nói cũng được và chỉ đạt “chân lý” sau khi biết mức giá mới diễn ra sau đó, nói nôm na là “số xổ xong mới bàn”.
Nói xuất khẩu vàng với giá 1.600 USD/oz, rồi nhập khẩu vàng với giá 1.700 USD/oz gây lỗ là không xác đáng, vì sự suy diễn chủ quan lấy “hai mảnh” được cắt khúc rời rạc này gán ghép vào nhau. Ngược lại, ví dụ nếu sau này lại có cơ hội tái xuất khẩu với giá 1.900 USD/oz từ lô hàng nhập khẩu với giá 1.700 USD/oz vừa qua, cũng chưa hẳn là lãi.
Vậy nên hiểu lãi/lỗ như thế nào cho đúng? Chỉ có thể tính toán lãi/lỗ chính xác khi xác định rõ trạng thái khởi tạo (open position) và trạng thái đóng sổ (squared position) của một cá nhân/tổ chức cụ thể. Cần nhấn mạnh rằng kể từ tháng 6/2008 trở lại đây, việc cấp quota nhập khẩu vàng rất hạn chế, vì vậy khối lượng xuất siêu vàng trong gần 3 năm vừa qua phần lớn từ nguồn tích lũy lâu năm trong dân với giá rất thấp trước đó, nếu thế ta đã lãi to? Theo nguyên tắc nói trên, cũng không thể khẳng định là lãi một cách chung chung. Do đó, chỉ có thể nói rằng người nào mở trạng thái thực tế mới biết rõ mình lãi/lỗ ra sao. Theo người viết, những ý kiến về “bán lúa non/mua lúa già” nói trên không xuất phát từ những nhà kinh doanh/đầu tư vàng thực thụ, mà chủ yếu bắt nguồn từ những người không tham gia thị trường, chỉ mở “trạng thái trên giấy” cho vui (paper trading).
Trên thị trường vàng thế giới, bất cứ lúc nào ta muốn mua/bán, đối tác nước ngoài, nhất là các nhà tạo lập thị trường (market maker), luôn sẵn sàng chào giá hai chiều (bid/ask quotation). Chính quy luật cung cầu này làm cho thị trường vàng trở nên hấp dẫn, có tính thanh khoản cao, không bị gián đoạn, không nghiêng lệch một chiều. Đối tác nước ngoài đã bán vàng cho ta từ lúc giá vàng còn ở mức vài trăm USD/oz cho đến vài nghìn USD/oz, và bây giờ nếu ta muốn nhập khẩu thì họ vẫn sẵn sàng bán cho dù có dự đoán giá sẽ tăng đến 2.000 USD/oz đi chăng nữa. Phải chăng đối tác nước ngoài đã “bán hớ” vì ý nghĩ nông cạn, để ta có thời gian chuẩn bị “ý tưởng thâm sâu”?
1.7. Vàng cạn kiệt và dầu cạn kiệt, cái nào đáng lo hơn?
Nếu Việt Nam lo ngại nguồn vàng cạn kiệt do tái xuất khẩu, chắc thế giới không biết điều này hay sao mà họ vẫn “vô tư” bán vàng cho ta nhập khẩu? Mối lo ngại này phần lớn là do sự “tù mù” về số liệu nguồn vàng nắm giữ trong dân, và sự “tù túng” trong tư duy khi không nhìn nhận rằng chính giá cả là yếu tố quyết định thúc đẩy sự vận động của các dòng chảy vàng theo nguyên tắc “bình thông nhau”, dẫn tới xu hướng xuất khẩu hoặc nhập khẩu để đưa thị trường tái xác lập vị thế cân bằng.
Các dòng chảy vàng ra vào tự do này sẽ san bằng tất cả mọi sự lệch lạc, méo mó về cung cầu và giá cả, dẫn tới mục tiêu cuối cùng là “sự liên thông về giá” giữa thị trường vàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều trở ngại đối với ta là các dòng chảy vàng này thông qua kênh xuất nhập khẩu sẽ gây tác động ngoài ý muốn đến “cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát” mà ta đang áp dụng.
Cần khẳng định rằng Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng chủ lực, nên vàng xuất khẩu phần lớn đều có nguồn gốc từ nhập khẩu trước đó (bằng con đường chính thức hoặc phi chính thức). Nhu cầu tiêu thụ vàng của đất nước ước tính khoảng 50 tấn/năm, trong khi các mỏ vàng trong nước chạy hết công suất cũng chỉ đạt 2 tấn/năm. Tại một thời điểm nào đó, doanh nghiệp xuất đi mặt hàng đã mua hoặc đã nhập là điều bình thường, và các dòng chảy vàng vẫn tiếp tục lưu thông hai chiều ra vào theo quy luật cung cầu, không chỉ hướng tới Việt Nam, mà còn nhắm đến các nước khác. Một số quốc gia có mỏ vàng vẫn khai thác bán vàng ra thế giới, chứ không “ém hàng” gì cả. Vậy mối lo ngại về vàng cạn kiệt là việc của ta hay việc của thiên hạ?
Hãy thử nhìn sang dầu thô. Từ khi ta khai thác được dầu thô cho đến nay, hàng năm đều có xuất khẩu mặt hàng này từ những mức giá thấp cho đến những mức giá cao theo biến động của giá dầu thế giới. Nếu lý sự theo kiểu “số xổ xong mới bàn”, chắc hẳn dầu thô đã bị bán hớ nhiều vụ rồi. Nếu thế, giờ đây chỉ nên khai thác dầu rồi cứ để đấy “giữ đến ngàn sau” hay vẫn phải xuất khẩu lấy tiền bù đắp khấu hao công trình khai thác, trang trải chi phí, trả lương chuyên gia/người lao động, đóng thuế nộp ngân sách? Nếu so sánh giữa vàng cạn kiệt và dầu cạn kiệt, có lẽ dầu cạn kiệt mới đáng lo hơn, vì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến cán cân thương mại quốc gia.
Đến đây, câu chuyện hé mở về một thực tế hiển nhiên là việc dự trữ dài hạn đối với vàng, dầu hoặc các mặt hàng trọng yếu có tính chiến lược không phải là trách nhiệm của người dân hoặc những nhà đầu tư đơn lẻ.
1.8. Có giải pháp nào để Nhà nước giúp dân bán vàng sát với giá thế giới?
Nếu nhà nhập khẩu nước ngoài luôn sẵn sàng mua vàng của ta theo sát giá thế giới, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét làm điều tương tự để giúp dân trong tương lai. Giả sử giá trong nước thấp hơn giá thế giới từ 100.000 đồng/lượng trở lên và Ngân hàng Nhà nước cam kết mua vàng của dân theo giá thế giới quy đổi, phản ứng đầu tiên của người dân sẽ là hoan nghênh, còn người dân có bán vàng cho Nhà nước hay không, phải chờ thực tế trả lời cụ thể.
Với quyền năng và công cụ sẵn có, người viết cho rằng Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ nguồn lực để thực hiện việc “giữ vàng dài hạn” tốt hơn nhiều so với người dân. Thay vì dùng biện pháp hành chính quản lý xuất khẩu vàng nêu trên, Ngân hàng Nhà nước có thể tổ chức việc thu mua vàng trong nước (hoặc thông qua một số đơn vị đầu mối) theo giá thế giới quy đổi. Giải pháp này sẽ đạt ít nhất 4 mục tiêu như sau:
- Bổ sung vàng trong dự trữ quốc gia để tăng vị thế và sức mạnh can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
- Duy trì được số vàng dự trữ trong nước, không giảm vì xuất khẩu.
- Tạo niềm tin cho dân khi Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng điều tiết hỗ trợ thị trường.
- Thúc đẩy sự canh tranh bình đẳng về giá để bảo vệ quyền lợi người dân. Các doanh nghiệp muốn mua được vàng của dân, buộc phải nâng giá lên theo sát giá thế giới hoặc bằng giá chào mua của Ngân hàng Nhà nước, nhờ đó triệt tiêu động cơ xuất khẩu vàng.
Trong ngắn hạn, có lẽ giải pháp mua vàng này vẫn để ngỏ. Dù dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng có nêu điều khoản “bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối Nhà nước”, nhưng từ lúc hoàn thiện và ban hành nghị định mới cho đến khi ra thông tư hướng dẫn sẽ còn phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, hiện nay giá vàng đang đứng ở mức cao (giá trong nước hơn 45 triệu đồng/lượng, giá thế giới hơn 1.780 USD/oz vào đầu ngày 17/8/2011), sẽ có nhiều băn khoăn liệu nên mua vàng ở mức giá nào và với số lượng bao nhiêu, dẫu rằng số vàng nắm giữ trong dự trữ quốc gia của Nhà nước vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
1.9. Với cơ chế mua vàng sát giá thế giới, Nhà nước sẽ xử lý trạng thái dương vàng ra sao?
Với tư cách là chủ thể tham gia thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét tìm đầu ra để bảo hiểm rủi ro giá cho lô hàng đã mua. Có ít nhất 5 tình huống sẽ cần cân nhắc:
- Giữ toàn bộ số vàng vật chất trong kho dự trữ quốc gia. Đây là cách kém hiệu quả nhất, sẽ gây nhiều chất vấn tại sao giữ số vàng lớn trong kho không sinh lợi.
- Giữ một phần trong nước để chủ động bán can thiệp thị trường khi cần thiết, nhất là khi giá trong nước cao hơn giá thế giới, dẫn tới động cơ nhập khẩu vàng.
- Gửi một phần ra nước ngoài (chọn quốc gia có nền tảng kinh tế-chính trị vững chắc, ít rủi ro). Có thể dùng số vàng ký gửi này làm tài sản đảm bảo để tiếp cận các nguồn vốn đa phương cấp quốc gia hoặc cho các mục đích khác. Gửi vàng ra nước ngoài bao hàm một hoạt động xuất khẩu đã diễn ra dù chưa bán đứt.
- Bán vàng tài khoản ở nước ngoài (short loco London gold position) để bảo hiểm số vàng vật chất đã mua trong nước (long physical gold position). Về mặt kỹ thuật, bán vàng tài khoản cũng xem như là “xuất khẩu tại chỗ” hay “xuất khẩu không giao hàng”. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước đang nợ nước ngoài về vàng tài khoản và phải trả lãi vay vàng tài khoản cho đến khi xuất khẩu vàng vật chất trả nợ hoặc mua vàng tài khoản tất toán trạng thái với nước ngoài.
- Mua vàng xong nếu giá rớt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mua vàng thêm để bình quân giá hoặc tìm hướng xử lý khác? Đây sẽ là tâm điểm gây nhiều tranh luận nhất, vì liên quan đến trách nhiệm xử lý nếu không chuẩn bị kỹ nhiều kịch bản ứng phó.
Năm tình huống nói trên cho thấy khi mua vàng vào, Nhà nước cũng sẽ đối diện với tất cả những vấn đề mà người dân và doanh nghiệp đã gặp phải, và buộc phải sử dụng các công cụ của thị trường như người dân và doanh nghiệp đã làm. Bằng cách này hay cách khác, Nhà nước cũng sẽ xem xét tìm đầu ra dưới hình thức xuất khẩu thực tế hoặc xuất khẩu tại chỗ để bảo hiểm rủi ro giá và sử dụng số dự trữ vàng một cách hiệu quả.
Vì vậy, không có một giải pháp ngoại lệ tối ưu nào được thiết kế dành riêng cho bất kỳ đối tượng nào sau khi đã “ôm” trạng thái vàng vật chất, vàng tài khoản/vàng ghi sổ (XAU). Nói cách khác, một khi đã mở trạng thái thực thụ, mọi thành phần tham gia thị trường đều bình đẳng trước rủi ro biến động giá.
1.10. Xuất khẩu vàng là giải pháp ngắn hạn chấp nhận được
Hạn chế xuất khẩu vàng bằng chính sách thuế, chấm dứt không cho huy động/cho vay vàng, chưa có cơ chế mua vàng của dân theo giá thế giới và chưa có kế hoạch khai thác sử dụng vốn vàng trong dân, tất cả các yếu tố trên cho thấy toàn bộ rủi ro đang đè nặng lên vai người dân/doanh nghiệp nếu họ vẫn giữ vàng mà không biết chuyển giao rủi ro trạng thái này cho ai.
Chắc hẳn, người dân/doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng chịu rủi ro nắm giữ trạng thái vàng lâu hơn nếu được tiếp cận công cụ bảo hiểm giá dưới hình thức vàng tài khoản. Tuy nhiên, công cụ này cũng đã bị chấm dứt kể từ ngày 6/1/2010 sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2010/TT-NHNN về việc bãi bỏ Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN ngày 18/1/2006 về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Trong lúc các cơ quan quản lý chưa chuẩn bị bài toán căn cơ để sử dụng số vàng dự trữ trong dân một cách hiệu quả, phải chăng tái xuất khẩu vàng là một giải pháp hợp lý nhất, giúp hài hòa mọi lợi ích của Nhà nước và người dân, ít nhất cũng giảm bớt gánh nặng rủi ro về phía người dân/doanh nghiệp sau khi đã thấy rõ động lực thúc đẩy việc xuất khẩu vàng là để chuyển giao rủi ro cho nước ngoài (risk transfer) giữa lúc ở trong nước ít ai muốn “ôm ấp” rủi ro này.
Về bản chất, xuất khẩu vàng là sự chuyển hóa từ việc giữ vàng thành giữ VND trong dân, và đây chính là yếu tố tích cực khi người dân từ bỏ giữ vàng chuyển sang giữ VND. Chính vì thế, trong bài phỏng vấn đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 11/8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Phải thừa nhận hoạt động xuất khẩu vàng vừa qua là tích cực và ở một chừng mực nào đó nó phản ánh đúng mong muốn của chúng ta”.
Trên thực tế, việc xuất khẩu vàng có những điểm thuận lợi và bất lợi như bảng so sánh dưới đây. Tuy nhiên, những điểm thuận lợi vẫn chiếm ưu thế, còn những điểm bất lợi đều có hướng giải quyết cụ thể.
Nếu giữ vàng không cho xuất khẩu mà chưa có phương thức sử dụng hiệu quả sẽ gây lãng phí cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì đối với doanh nghiệp. Trong tình hình lạm phát, nhiều doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn tín dụng, nếu có cũng phải chịu đựng mức lãi suất cho vay trên 20%/năm, thì một lượng vốn lớn bằng vàng còn nằm yên trong két sắt là điều bất hợp lý. Về mặt xã hội, việc hạn chế xuất khẩu vàng nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng trăm ngàn thợ kim hoàn trong giai đoạn kinh tế khó khăn, vật giá leo thang.
Việc không khuyến khích xuất khẩu vàng sẽ khước từ 6 điểm thuận lợi như đã nêu trên. Trước đây có ý kiến cho rằng dân giữ nhiều vàng dẫn tới nền kinh tế bị “vàng hóa”, gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Nay, nếu hạn chế xuất khẩu vàng thì làm thế nào giảm “vàng hóa”? Cần giải quyết sự mâu thuẫn này để tình trạng “vàng hóa” mới có thể sớm được “hóa vàng”.
2. Nhập khẩu vàng chỉ mới cởi mở về mặt thuế suất
Câu chuyện nhập khẩu vàng là điều quá quen thuộc với thị trường Việt Nam trong hàng chục năm vừa qua, nên chỉ tập trung thảo luận những nội dung chính, không phân tích chi tiết như phần xuất khẩu ở trên.
2.1. Vì sao phát sinh nhu cầu nhập khẩu vàng?
Khi giá thế giới giảm mạnh nhưng giá trong nước giảm yếu hơn hoặc khi giá thế giới tăng nhẹ nhưng giá trong nước tăng mạnh hơn, sự lệch pha giá sẽ xảy ra, trong đó giá trong nước cao hơn giá thế giới. Ở tình huống này, nhu cầu nhập khẩu vàng xảy ra khi giá trong nước cao hơn giá thế giới và thị trường trong nước không cung ứng đủ lượng cầu vàng đang chờ mua ở thế áp đảo.
Diễn biến giá vàng trong nước vào “ngày thứ Hai điên rồ” 8/8/2011 cho thấy ngoài nguyên nhân của giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước còn chịu nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng do mua cắt lỗ, mua mở trạng thái mới, hiện tượng làm giá, đầu cơ… Thật ra, nguyên nhân cốt lõi đó là cầu vượt cung được khuếch đại bởi yếu tố tâm lý đám đông lây lan trong sự hoảng loạn nhất thời. Một khi thị trường đã có yếu tố tâm lý hoảng loạn tác động, mọi lý giải về nó theo cách thức thông thường đều trở nên vô nghĩa, thay vào đó cần phải có hành động khẩn cấp cụ thể.
2.2. Hạ nhiệt thị trường vàng bằng cơ chế cấp quota ứng phó bị động
Để đạt mục tiêu bình ổn giá vàng trong tình huống giá trong nước cao hơn giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đưa dự trữ vàng ra bán (nếu có) rồi nhập khẩu lại để cân đối hoặc cấp quota nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung, tức phải có một hành động can thiệp kịp thời để “hạ hỏa” những cái đầu nóng.
Khi Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập vàng, những ai đang có ý định mua vàng với giá cao sẽ suy nghĩ lại, còn những ai đang giữ vàng để kỳ vọng giá cao hơn buộc phải bán ra trước khi số lượng vàng nhập khẩu giá thấp về đến Việt Nam.
Nếu Ngân hàng Nhà nước không cấp quota, người dân sẽ phải mua vàng với giá quá cao bất hợp lý trong khi đối tác nước ngoài sẵn sàng bán vàng với giá thấp hơn, và không loại trừ khả năng số vàng nhập khẩu phi chính thức sẽ vào Việt Nam để giải tỏa cơn khát vàng chưa được xoa dịu. Nếu không có quota, đến một lúc nào đó thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh. Ví dụ sau đó giá thế giới tăng mạnh, nhưng giá trong nước không tăng hoặc tăng nhẹ giúp giá của hai thị trường tiệm cận nhau.
Tuy nhiên, nếu để mặc thị trường tự điều chỉnh, có thể sẽ phải mất thời gian hơn, dẫn tới những bất ổn tâm lý càng bị khuếch đại với những thiệt hại không thể lường trước. Vì vậy, theo nguyên tắc cẩn trọng, sự lệch pha hoặc sự méo mó về giá không nên để xảy ra ở mức độ quá lớn với thời gian quá dài.
Việc cấp quota nhập khẩu 5 tấn vàng vào ngày 09/08/2011 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc cẩn trọng giữa việc sử dụng USD nhập khẩu vàng và những bất ổn tâm lý không thể tiên liệu nếu không cho nhập vàng.
2.3. Thuế suất nhập khẩu vàng đã giảm xuống 0%
Trước đây thuế nhập khẩu vàng thường ở mức 1%, nay đã giảm xuống 0%. Với việc hạ thuế này, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có một sự thay đổi đáng kể về mặt quan điểm khi không còn xem vàng là yếu tố gây nhập siêu như trước nữa. Nếu vẫn xem vàng là nguyên nhân gây nhập siêu, chắc hẳn các cơ quan quản lý không những không giảm thuế, mà còn phải tăng thuế nhập khẩu vàng cao hơn để hạn chế nguồn đầu vào.
Tuy nhiên, với thuế nhập khẩu vàng 0%, nhưng cơ chế cấp quota chưa tháo dỡ cũng khó phát huy hết tác dụng trong việc bình ổn thị trường kịp thời. Kể từ tháng 6/2008, Ngân hàng Nhà nước không cấp quota nhập khẩu như bình thường nữa, mà chỉ cấp quota có tính chất can thiệp vào từng vụ việc cụ thể. Hạn chế của việc cấp quota trong thời gian vừa qua là:
- Số lượng nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu.
- Thời gian cấp quota thường không nhanh.
- Thời hạn sử dụng quota thường rất ngắn.
- Chưa nêu rõ đơn vị được cấp quota.
- Việc cấp quota can thiệp chỉ có tác dụng ngắn hạn.
Khi quota nhập khẩu chính thức bị hạn chế, giá trong nước vọt cao hơn giá thế giới là điều tất yếu, có thể dẫn tới hoạt động nhập khẩu vàng phi chính thức. Hoạt động này sẽ thu hút một lượng ngoại tệ mặt trên thị trường, gây áp lực lên tỷ giá.
Nếu tăng cường lực lượng chống vận chuyển vàng trái phép ở biên giới, chi phí hành chính và chi phí xã hội có khi sẽ tăng gấp nhiều lần mà kết quả thu được không đáng kể. Cụ thể số vụ phát hiện trong gần 10 năm qua chỉ đạt chưa tới 200 kg, trong khi Website Chính phủ ngày 3/4/2011 cho biết: “Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến và với qui mô ngày càng lớn, riêng nhập khẩu vàng lậu trung bình một năm cũng từ 20 đến 40 tấn”.
Nhập khẩu vàng bằng con đường chính thức hoặc phi chính thức để tăng cung vàng cho thị trường cuối cùng cũng buộc phải dẫn đến tăng cầu ngoại tệ, vậy nên chọn con đường nào?
2.4. Tiếp cận tư duy nhập khẩu vàng là sự chuyển hóa hình thái từ ngoại tệ sang vàng
Khi nhập khẩu vàng với mục đích bình ổn giá, buộc phải sử dụng USD, tức phải chấp nhận sự đánh đổi tiêu tốn USD để có vàng. Ngoại tệ chi ra, nhưng đổi lại có vàng thu vào. Với chức năng bảo toàn giá trị của vàng, nên xem việc nhập khẩu vàng chỉ là sự chuyển hóa hình thái tạm thời từ giữ ngoại tệ thành giữ vàng, để khi cần thiết sẽ tái xuất vàng chuyển hóa thu hồi lại ngoại tệ.
Nhận thức này cần được mở rộng, để không còn phải trói buộc trong nếp nghĩ thông thường, đó là xuất khẩu thì “được” USD, nhập khẩu “mất” USD. Phải thoát khỏi tư duy “được, mất” này mới có thể đưa ra hành động ứng phó kịp thời, giúp quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả và minh bạch.
Về số liệu thống kê, cứ phản ánh kim ngạch xuất nhập khẩu vàng trong cán cân thương mại. Một khi đã nhận thức đầy đủ về sự chuyển hóa hình thái tạm thời giữa vàng và ngoại tệ, tức tuy hai mà một, không việc gì phải băn khoăn trước số liệu xuất siêu vàng hoặc nhập siêu vàng trong kỳ báo cáo nào đó.
Ngoài ra, để tăng cường nguồn cung ngoại tệ, một số giải pháp chống USD hóa cần phải xem xét thực hiện một cách đồng bộ và triệt để như sau:
- Chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép trên thị trường.
- Hạn chế tối đa tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tập đoàn kinh tế.
- Điều chỉnh linh hoạt giới hạn trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng.
- Xem xét Pháp lệnh Ngoại hối về quyền nắm giữ ngoại tệ.
3. Kỳ vọng về một giải pháp dài hạn để quản lý triệt để thị trường vàng
Không phải là nước sản xuất vàng, Việt Nam không thể chi phối và kiểm soát giá vàng thế giới. Sự “đỏng đảnh vô thường” của giá vàng thế giới luôn là yếu tố dẫn dắt, kéo theo sự lệch pha ngoài dự kiến so với giá trong nước.
Toàn bộ câu chuyện tổng hợp về xuất nhập khẩu vàng nói trên cho thấy tại một số tình huống cụ thể các cơ quan quản lý ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đắn đo giữa cái cần lựa chọn và cái phải đánh đổi để đạt mục tiêu quản lý ổn định giá vàng trong nước như kỳ vọng.
Cụ thể, xuất khẩu vàng sẽ giúp thu hồi USD (cuối cùng là VND), giảm nhập siêu, xóa bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân, nhưng dự trữ chung của quốc gia sẽ giảm xuống trong khi Nhà nước chưa có cơ chế mua vàng của dân hoặc sử dụng vốn vàng trong dân. Còn đối với nhập khẩu vàng, hoạt động này sẽ tiêu tốn USD, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô, nhưng ta chưa có dự trữ vàng đủ lớn để can thiệp thị trường khi có dấu hiệu tâm lý bất ổn.
Trong quản lý, Nhà nước luôn mong muốn rằng giá vàng thế giới biến động ra sao không quan trọng, miễn sao giá trong nước liên thông kịp thời, bám sát giá vàng thế giới. Rõ ràng, sự liên thông này rất quan trọng vì giúp triệt tiêu động cơ xuất nhập khẩu vàng, mà không có xuất nhập khẩu vàng sẽ không gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, do không tăng cung USD do xuất khẩu vàng và không tăng cầu USD do nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, sự liên thông giá vàng không phải là miễn phí. Nói cách khác, trong hoạt động kinh tế muốn đạt được một kết quả nào đó, phải tiêu tốn nguồn lực và chấp nhận sự đánh đổi, nếu sự đánh đổi là hợp lý và logic trên tư duy thị trường, không phải tư duy hành chính.
3.1. Giải pháp xoay vòng can thiệp liên hoàn vào thị trường vàng vật chất để triệt tiêu động cơ xuất nhập khẩu vàng
Khi giá trong nước thấp hơn giá thế giới, dẫn tới xu hướng xuất khẩu vàng, người viết đề xuất Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét như sau:
- Mua vàng vật chất của dân/doanh nghiệp theo sát giá thế giới quy đổi.
- Bán vàng tài khoản ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro giá.
- Trạng thái vàng lúc này là: “dương vàng vật chất/âm vàng tài khoản” (a).
Với khối lượng vàng mua được của người dân/doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước mới có nguồn can thiệp khi thị trường đảo chiều thành xu hướng nhập khẩu như dưới đây.
Khi giá trong nước cao hơn giá thế giới, dẫn tới xu hướng nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét như sau:
- Bán vàng vật chất cho dân/doanh nghiệp theo sát giá thế giới quy đổi.
- Mua vàng tài khoản ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro giá.
- Trạng thái vàng lúc này là: “âm vàng vật chất/dương vàng tài khoản” (b).
Giữa (a) và (b) nói trên, vế nào xảy ra trước không quan trọng. Điểm cốt lõi là khi (a) và (b) cùng kết hợp với nhau sau một thời gian nào đó, trạng thái vàng vật chất và vàng tài khoản của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm xuống về quy mô, lý tưởng nhất là tiến về không.
Lợi ích của giải pháp can thiệp liên hoàn:
- Giữ được dự trữ vàng trong nước, đặc biệt là tận dụng triệt để chính số vàng vài trăm tấn sẵn có trong dân để thực hiện “xoay vòng can thiệp liên hoàn” ngay khi có dấu hiệu lệch pha về giá ở mức bất hợp lý nào đó (ví dụ giá trong nước và giá thế giới chênh nhau khoảng 200.000 đồng/lượng), mà không cần tìm hiểu nguyên nhân có yếu tố đầu cơ hoặc tâm lý đám đông hay không. Đây chính là hành vi “can thiệp chủ động” thay cho “can thiệp bị động”, giúp tái xác lập sự liên thông giá ngay lập tức và dập tắt mọi hoạt động đầu cơ và hiệu ứng tâm lý.
- Triệt tiêu động cơ xuất nhập khẩu vàng, vì khi xảy ra chiều xuất khẩu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vàng, ngược lại khi xảy ra chiều nhập khẩu Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng thay thế cho công việc của đối tác nước ngoài đang làm.
- Không có xuất nhập khẩu vàng thì sẽ không có cung-cầu USD từ vàng nữa, tức hoàn toàn loại bỏ sự tác động đến tỷ giá USD/VND.
- Rủi ro biến động giá vàng vật chất đã được tái bảo hiểm bằng vàng tài khoản ở nước ngoài.
- Nếu giải pháp này phát huy hiệu quả, có lẽ sau này Ngân hàng Nhà nước không phải cấp quota nhập khẩu dập vàng miếng nữa, vì cung-cầu vàng luôn được cân đối ở thế chủ động từ thanh khoản vài trăm tấn vàng trong dân.
- Tạo niềm tin cho người dân, vì Ngân hàng Nhà nước không đặt mục tiêu kinh doanh kiếm lãi chênh lệch giá giữa hai thị trường (arbitrage trading) như một số doanh nghiệp đã làm trước đây.
Tuy nhiên, giải pháp can thiệp liên hoàn không phải không có hạn chế:
i) Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chịu chi phí vốn đối với vàng tài khoản cho đối tác nước ngoài. Đây là điều hiển nhiên, vì không có chuyện miễn phí, dù lãi suất vàng tài khoản và USD ở nước ngoài hiện đang ở mức rất thấp.
- Chi phí vốn cho trạng thái “dương XAU/âm USD” là: -1,5%/năm (= 0,0% - 1,5%).
- Chi phí vốn cho trạng thái “âm XAU/dương USD” là: -0,5%/năm (= 0,5% - 1,0%).
ii) Việc mua/bán vàng vật chất của Ngân hàng Nhà nước tất yếu dẫn tới sự tăng/giảm cung VND ngoài ý muốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể điều tiết linh hoạt lượng cung VND bằng công cụ OMO.
iii) Sự thay đổi tỷ giá USD/VND sẽ gây tác động tức thì đến việc xác định lãi/lỗ tiềm năng, chi phí vốn và sự cập nhật giá vàng vật chất trong nước. Nói cách khác, đó là một biến số gây ảnh hưởng tới việc đánh giá lại trạng thái vàng vật chất và trạng thái vàng tài khoản của Ngân hàng Nhà nước trên phương diện sổ sách kế toán. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quyết định tỷ giá chính thức hàng ngày, việc đặt vấn đề rủi ro tỷ giá đối với Ngân hàng Nhà nước vừa không có ý nghĩa, vừa không đúng đối tượng.
Nếu thực hiện giải pháp can thiệp chủ động, trên sổ sách theo dõi hạch toán kế toán tại Ngân hàng Nhà nước sẽ cần mở thêm một tiểu khoản mới mang tên “XAU” (bên cạnh các tiểu khoản quen thuộc như USD, EUR, JPY, VND…), tức phát sinh thêm công việc mới.
Ở một khía cạnh khác, sự can thiệp chủ động này có thể bị xem là thô bạo. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp kịp thời, thị trường vàng trong nước sẽ còn lệch pha kéo dài, dẫn tới hành vi đầu cơ, hiệu ứng tâm lý đám đông, hoạt động xuất nhập khẩu vàng phi chính thức, ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá, nhiều bất ổn kinh tế khác và những tác động xã hội chưa tiên liệu được.
3.2. Giải pháp tháo dỡ các quy định quản lý hành chính
Điểm mấu chốt trong giải pháp can thiệp liên hoàn chủ động nói trên đó là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải mở và giữ trạng thái vàng vật chất và vàng tài khoản, có thể nằm ngoài ý muốn của Ngân hàng Nhà nước trong ngắn hạn.
Vậy đâu sẽ là giải pháp ngắn hạn để thay thế? Theo người viết, đó là:
Từng bước tháo dỡ cơ chế cấp quota
Cần khẳng định rằng sự mất liên thông hoặc sự lệch pha méo mó giữa giá trong nước và giá thế giới không nhất thiết xuất phát từ chính sách quota/thuế suất, mà do giá thế giới và nhiều yếu tố bên ngoài tác động vào. Tuy nhiên, một khi sự mất liên thông đã xác lập, nó sẽ có nguy cơ bị khuếch đại thêm do cơ chế quản lý quota xuất nhập khẩu vàng, vốn là những “chốt chặn” có thể gây tắc nghẽn cung cầu cục bộ, nhất thời.
Muốn có sự liên thông giá, cần phải bám sát diễn biến thị trường và cấp quota linh hoạt, tiến tới mục tiêu dài hạn là tháo dỡ cơ chế cấp quota và các quy định hành chính không phù hợp (deregulation) theo xu hướng hội nhập kinh tế với thế giới. Có thể tham khảo cách thức quản lý thị trường vàng ở Thái Lan, nơi hoạt động xuất nhập khẩu vàng đã được tự do hóa, không còn cơ chế quota/thuế suất nữa. Nếu có sự lệch pha, thị trường ở đó sẽ tự điều chỉnh ngay lập tức, vì đó là công việc hàng ngày của thị trường.
Thật ra, ý tưởng tháo dỡ cơ chế cấp quota không phải là điều mới mẻ. Sau khi đất nước gia nhập WTO vào cuối năm 2006, kinh tế trong nước phát triển ổn định, thị trường chứng khoán sôi động, lãi suất thấp, lạm phát trong tầm kiểm soát. Từ giai đoạn tháng 6/2008 trở về trước, các doanh nghiệp xin cấp quota nhập khẩu vàng đều được Ngân hàng Nhà nước xét duyệt với thời hạn sử dụng đến ngày 31/12 của năm tài chính. Vào thời điểm đó, chỉ cần giá trong nước cao hơn giá thế giới trên 100.000 đồng/lượng, việc nhập khẩu sẽ được thực hiện ngay để tái xác lập sự liên thông giá, gần như không có chuyện giá trong nước cao hơn giá thế giới vài triệu đồng/lượng như bây giờ.
Trong xu hướng đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét bỏ cơ chế cấp quota, và Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét kiến nghị này với quan điểm tích cực vì sự phát triển của thị trường vàng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, bùng phát ở Mỹ vào năm 2008, gián tiếp tác động đến nền kinh tế Việt Nam với lạm phát tăng, nhập siêu lớn, đã buộc Ngân hàng Nhà nước thu hồi toàn bộ các quota chưa sử dụng và đặt việc cấp quota mới vào tầm kiểm soát chặt chẽ kể từ đó. Có thể nói, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài cho đến ngày hôm nay là một trong những yếu tố bất lợi ngoài dự kiến, ảnh hưởng đến bước khởi đầu của quá trình tự do hóa thị trường vàng trong nước.
Cân bằng thuế suất giữa nhập khẩu và xuất khẩu vàng
Trong Thông tư 184 và Thông tư 111, có sự chênh lệch khá lớn về biểu thuế suất xuất nhập khẩu, cụ thể nhập khẩu vàng chịu thuế suất 0%, còn xuất khẩu vàng là 10%. Chắc chắn Bộ Tài chính cũng ủng hộ chủ trương chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Tuy nhiên, mức thuế suất hiện đang ưu tiên nghiêng về chiều nhập khẩu hơn là xuất khẩu.
Đối với vàng, không nên áp thuế nghiêng lệch cho chiều nhập khẩu hoặc xuất khẩu, một khi đã nhìn nhận về sự chuyển hóa linh hoạt giữa hình thái vàng và ngoại tệ. Với thuế suất nhập khẩu vàng thuận lợi ở mức 0%, nên tạo sự tương đồng nhất định đối với việc tái xuất khẩu vàng giúp thu hồi ngoại tệ khi có cơ hội. Nếu vậy, cần phải hạ thuế xuất khẩu vàng xuống mức hợp lý, và tháo dỡ hàng rào kỹ thuật hạn chế xuất khẩu vàng.
Trước mắt, có thể xem xét thuế suất đối với chiều nhập khẩu và xuất khẩu lần lượt là 0% và 1%. Sau đó thu hẹp còn 0% và 0,5%, và lý tưởng nhất sẽ là 0% cho cả hai chiều. Hiện nay, không có áp thuế xuất nhập khẩu đối với ngoại tệ mặt, vậy có thể xem xét làm điều tương tự đối với vàng.
Nhìn chung, với chức năng quản lý thị trường vàng, đảm bảo giá vàng ổn định liên thông với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước cần tham gia tích cực để điều tiết hữu hiệu thị trường này. Khi thị trường bị mất cân đối về cung-cầu, Ngân hàng Nhà nước nên chủ động can thiệp kịp thời để đưa thị trường trở lại sự cân bằng với tư cách là nhà điều tiết thị trường cuối cùng (the lender of last resort).
4. Kết luận
Nếu không có sự thay đổi triệt để trong quản lý xuất nhập khẩu vàng, chắc chắn sự mất liên thông hoặc lệch pha giữa giá trong nước và giá thế giới sẽ là căn bệnh kinh niên, vì nó không thể tự biến mất ngay được. Nó vẫn cứ tồn tại như một hệ quả tất yếu xuất phát từ các biện pháp quản lý hành chính.
Nói cách khác, mục tiêu liên thông giá sẽ khó đạt được nếu không xem xét tháo dỡ cơ chế quota/thuế suất và tư duy “được mất ngoại tệ” đối với xuất nhập khẩu vàng. Liệu có thể vận dụng các giải pháp thuần túy hành chính ngắn hạn để đổi hướng các “dòng thủy triều vàng” đang vận động theo đúng quy luật?
Tại cuộc hội thảo đánh giá về tác động của thị trường vàng đến thị trường tài chính Việt Nam do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/6/2011, các chuyên gia trong và ngoài nước đã nêu ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển thị trường vàng trong nước. Phần lớn các ý kiến đều khẳng định vai trò tất yếu của vàng đối với đời sống và văn hóa người Việt, trong đó vàng là công cụ bảo hiểm đối với lạm phát và những bất ổn kinh tế khác. Không quốc gia nào trên thế giới có thể tước đoạt vai trò của vàng, tức không thể đặt vàng đứng ngoài vòng xoay cuộc sống, thay vào đó, phải tiếp cận sống chung với nó.
Trên tinh thần đó, vì sự tiến bộ của xã hội trong xu hướng hội nhập kinh tế với thế giới, người dân có quyền kỳ vọng vào sự xuất hiện một nhạc trưởng tài năng và tâm huyết, có khả năng chỉ huy bản “giao hưởng vàng”, được tấu lên với nhiều loại nhạc cụ sẵn có truyền tải nhiều màu sắc âm thanh trầm bổng khác nhau, nhưng đúng luật lệ.
Những ngày đầu tháng 8 này, giá vàng thế giới nổi cơn sóng cồn dồn dập (vượt hơn 1.813 USD/ounce ngày 11/8/2011) kéo theo giá vàng trong nước tăng vọt hơn 46 triệu đồng/lượng đạt vào ngày 8/8. Sự không liên thông giữa hai thị trường trong và ngoài nước có lúc đã đẩy giá trong nước cao hơn giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu vàng để can thiệp ứng phó.
Trong một chiều hướng khác, thời gian vừa qua, việc tái xuất khẩu vàng, vốn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, góp phần giảm nhập siêu và giải phóng tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, chưa được đa số nhìn nhận là yếu tố tích cực. Phải chăng do mối lo ngại xuất khẩu vàng sẽ làm giảm nguồn vàng nên muốn giữ lại vàng trong dân, trong khi về mặt chủ trương luôn muốn chống tình trạng “vàng hóa”, tức không khuyến khích giữ vàng trong dân? Cần giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
1. Vàng xuất khẩu phần lớn lấy từ dân
Có ý kiến lo ngại rằng việc tái xuất khẩu vàng sẽ làm giảm nguồn vàng dự trữ trong nước. Thực chất, lượng vàng xuất khẩu phần lớn đều lấy từ nguồn dự trữ trong dân, nhờ người dân biết tích cốc phòng cơ và bỏ công sức gầy dựng trong hàng chục năm qua, không xuất phát từ nguồn dự trữ của Nhà nước. Vì vậy, người thực sự lo lắng trước tiên phải là người dân khi giảm lượng vàng nắm giữ, rồi sau đó mới đến Nhà nước (nếu có).
Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước, hãy gộp chung hai lợi ích này thành lợi ích quốc gia để nhận định vấn đề tái xuất khẩu vàng một cách khách quan và logic.
1.1. Việt Nam có bao nhiêu vàng dự trữ để có thể tái xuất khẩu?
Cho đến nay, chưa có cơ quan quản lý nào công bố số liệu thống kê chính thức. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã đưa ra số liệu ước tính vàng dự trữ của dân Việt Nam ít nhất là 500 tấn, khoảng 27 tỷ USD.
Sự kiểm chứng kim ngạch xuất nhập khẩu vàng trong gần 3 năm vừa qua và tình hình huy động vàng sẽ làm sáng tỏ số liệu hợp lý của WGC. Cụ thể, Việt Nam đã xuất siêu vàng như sau: 75 tấn (2009), 66 tấn (2010) và khoảng 30 tấn (7 tháng đầu năm 2011), mang về tổng cộng gần 7,1 tỷ USD. Vậy trong gần 3 năm qua, con số xuất siêu vàng tích lũy của Việt Nam đạt 171 tấn.
Số dư huy động vàng tại các ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM nói riêng đạt khoảng 91 tấn vàng tính đến cuối tháng 6/2011 (chưa kể huy động vàng tại Hà Nội và các địa bàn khác). Lấy số dự trữ 500 tấn vàng trừ đi các con số xuất siêu và huy động, đâu đó còn khoảng 238 tấn (= 500 - 171 - 91) đang “bèo dạt mây trôi” trong dân.
Con số dôi dư này cũng có cơ sở, vì trong hàng chục năm qua một khối lượng vàng lớn đã đi vào Việt Nam bằng con đường phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Số liệu xuất siêu vàng nói trên cho thấy vàng dự trữ trong dân là có thực và có thể vẫn còn nhiều. Việc WGC nghiên cứu và ước tính được số vàng dự trữ trong dân hơn chúng ta là điều rất đáng suy nghĩ.
1.2. Vì sao phát sinh nhu cầu xuất khẩu vàng?
Khi giá thế giới tăng mạnh nhưng giá trong nước tăng không kịp hoặc giá thế giới giảm nhẹ nhưng giá trong nước giảm mạnh hơn, sự lệnh pha giá sẽ xảy ra theo hướng giá trong nước thấp hơn giá thế giới. Người dân/nhà đầu tư đã mua vàng ở mức thấp, nay thấy giá lên đến một mức kỳ vọng nào đó sẽ bán chốt lời thu hồi vốn tiền đồng và tạm thời rút khỏi thị trường vàng, ví dụ như ngưỡng tâm lý 39-40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 7/2011.
Tại ngưỡng tâm lý này, phần lớn đều nghĩ rằng giá vàng tăng như vậy là quá “hỗn”. Khi thị trường có nhiều người bán hơn người mua, giá trong nước thấp hơn giá thế giới là điều hiển nhiên, phản ánh đúng quy luật cung cầu. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng sau khi mua vàng của dân như đang ngồi trên đống lửa phải khẩn trương tìm cách “đẩy hàng” đi (không dám “ôm” vì sợ giá rớt gây lỗ). Nếu không tìm được người mua trong nước, doanh nghiệp buộc phải tìm người mua ngoài nước.
Việc các doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu vàng cho thấy hầu như không ai muốn “ôm” trạng thái dương vàng, tức muốn chuyển giao rủi ro trạng thái này sang người khác.
Vì vậy, xuất khẩu vàng là một xu hướng tất yếu khi thỏa hai điều kiện: (i) giá trong nước thấp hơn giá thế giới, và (ii) thị trường trong nước không thể tự giải quyết tiêu thụ hết lượng cung vàng đang chờ bán ở thế áp đảo.
1.3. Mục tiêu thu thuế xuất khẩu vàng 10% không khả thi
Để hạn chế xuất khẩu vàng, ngày 15/11/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 184/2010/TT-BTC (Thông tư 184) liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011. Theo đó, để hưởng thuế suất 0% sản phẩm vàng xuất khẩu phải có hàm lượng nhỏ hơn hoặc bằng 99% và trọng lượng nhỏ hơn hoặc bằng 1 ounce (oz), nếu không thuế suất sẽ là 10%, một kiểu hàng rào kỹ thuật chưa có tiền lệ về chỉ số hàm lượng và chỉ số trọng lượng.
Trong điều kiện thị trường bình thường, mức chênh lệch giá mua-bán vàng niêm yết của doanh nghiệp tối đa ở vào khoảng 100.000-200.000 đồng/lượng. Với mức giá vàng 40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 07/2011, doanh nghiệp chỉ lãi 0,25-0,5% cho 1 lượng vàng. Vậy, không có cơ sở thực tiễn để doanh nghiệp chịu được thuế suất 10%. Giả sử doanh nghiệp sẵn sàng chịu thuế 10%, họ buộc phải thu lại của khách hàng bằng cách khấu trừ 10% vào giá mua, tương đương tới 4 triệu đồng, đó là điều không tưởng.
Có lẽ, Thông tư 184 nhắm đến mục tiêu hạn chế xuất khẩu vàng hơn là thu thuế cho ngân sách. Nếu thế, nên xem xét điều chỉnh giảm thuế suất 10% xuống còn 1% chẳng hạn, để mức thuế suất danh nghĩa có sự hợp lý tương đối về mặt hình thức, tránh sự chênh lệch hai chiều quá lớn giữa thuế nhập khẩu vàng 0% và thuế xuất khẩu vàng 10%.
Khi Thông tư 184 có hiệu lực, trong 7 tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp xuất khoảng 30 tấn vàng mang về khoảng 1,5 tỷ USD với tất cả các lô hàng xuất đều thuộc diện áp thuế 0%. Thực tế đó cũng đủ để chứng minh rằng, không có doanh nghiệp nào chịu nổi thuế suất 10%. Doanh nghiệp chỉ chờ cơ hội xuất khẩu theo diện áp thuế 0% khi mức chênh lệch giá giữa giá trong nước và giá thế giới đủ lớn để có thể bù đắp một số chi phí liên quan đến lô hàng xuất như: chi phí hạ tuổi vàng, chi phí kiểm định vàng, chi phí chế tác, chi phí vận chuyển và bảo hiểm, lãi vay ngân hàng, chi phí khác…
Mức chênh lệch giá đủ lớn nói trên cũng có nghĩa là người có vàng phải chấp nhận bán ra với giá bất lợi hơn so với giá thế giới quy đổi trong điều kiện cung vượt cầu.
1.4. Chưa có cơ chế sử dụng nguồn vàng dự trữ trong dân
Như nhận định ở phần trên, với Thông tư 184, Bộ Tài chính có lẽ muốn hạn chế xuất khẩu vàng, tức muốn giữ vàng lại, mà theo lẽ thông thường, khi muốn nắm giữ một tài sản nào đó, cần chuẩn bị cách thức sử dụng sao cho hiệu quả nhất.
Thế nhưng, ngày 29/4/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 11/2011/TT-NHNN (Thông tư 11) quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2011. Hai văn bản pháp lý này kết hợp lại cho thấy, nhà quản lý vẫn chưa xác định được mục tiêu sẽ làm gì với số vàng dự trữ vài trăm tấn trong dân.
Ngày 2/8/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 111/2011/TT-BTC (Thông tư 111) sửa đổi quy định về thuế xuất khẩu trong Thông tư 184, theo đó để hưởng thuế suất 0% sản phẩm vàng xuất khẩu phải có hàm lượng dưới 80%, nếu không thuế suất sẽ là 10%. So với Thông tư 184, Thông tư 111 chỉ gỡ bỏ quy định về chỉ số trọng lượng (dưới 1 oz), nhưng tiếp tục hạ chỉ số hàm lượng từ 99% xuống còn 80%.
Với Thông tư 184 (hạn chế xuất khẩu vàng) và Thông tư 11 (xóa bỏ huy động/cho vay vàng), phải chăng Nhà nước chỉ muốn gửi một thông điệp rằng ai đã bỏ tiền ra mua vàng thì hãy tự cất giữ tại nhà? Nếu vậy, có nhiều thiệt thòi đối với người dân, vì khi mua vàng họ phải đối diện một số rủi ro thường trực như sau:
- Rủi ro giá vàng giảm sẽ gây lỗ, vì không ai đảm bảo giá vàng sẽ tăng mãi.
- Rủi ro giá bất đối xứng (giá không liên thông), xảy ra khi bán vàng với giá thấp hơn so với giá thực tế trên thế giới.
- Mất chi phí cơ hội sử dụng VND với lãi suất 14%/năm.
- Rủi ro vàng giả (do chất lượng vàng bị thả nổi, thiếu chế tài nghiêm khắc để bảo vệ người dân).
- Rủi ro mất vàng do phải tự bảo quản (ngân hàng thôi huy động).
1.5. Giữ vàng dài hạn không phải là trách nhiệm của người dân
Đã mua vào thì phải bán ra, dù bán chốt lãi hay bán cắt lỗ, đó là quy luật cung cầu tất yếu của thị trường. Kể cả những người có điều kiện tích lũy nhiều vàng, cũng không đoan chắc 100% là mua vàng để “giữ đến ngàn sau”, vì có lúc cần tiền phải bán vàng.
Với 5 rủi ro thường trực nói trên, người dân với vốn liếng thấp phải tự xoay xở và tính toán khả năng duy trì trạng thái đến đâu, nên luôn biết cách tự bảo vệ quyền lợi thiết thân của mình. Điều đơn giản đối với họ là mua vàng hôm nay để “giữ đến ngày sau”, chứ không phải “giữ đến ngàn sau”.
“Mua bán hôm nay, giữ đến ngày sau” cũng chính là phương thức kinh doanh vàng giao ngay phổ biến nhất trên thế giới (loco London gold spot trading), khi các trạng thái mở luôn được đánh giá lại với số tiền ký quỹ đầy đủ, đảm bảo được duy trì ít nhất sang ngày làm việc kế tiếp. Vì vậy, khó có thể hô hào yêu cầu người dân/nhà đầu tư phải trang bị cái gọi là “tầm nhìn chiến lược giữ vàng dài hạn”.
Khi giá vàng phá ngưỡng tâm lý 40 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 7/2011, nếu bất cứ cá nhân/tổ chức nào nghĩ rằng đây là một vụ bán hớ, sao lúc đó không bỏ tiền đồng ra mua món hời ấy? Tương tự như chứng khoán, có một nhà đầu tư mua cổ phiếu XYZ gì đấy, sau đó người này quyết định bán ra để chốt lời hoặc cắt lỗ. Liệu có ai lại gắng sức thuyết phục nhà đầu tư đó đừng bán ra mà hãy giữ dài hạn cổ phiếu đó trong khi cách đọc thị trường, tình hình vốn liếng/nợ vay… giữa hai bên là khác nhau? Thay cho lời nói suông, hãy bỏ tiền đồng ra mua cổ phiếu đó, vì một hành động cụ thể giúp tăng thanh khoản của thị trường luôn được đánh giá cao hơn một lời khuyên tẻ nhạt.
1.6. Bán vàng, xuất khẩu vàng là “bán hớ”?
Có ý kiến cho rằng bán vàng hay xuất khẩu vàng trong giai đoạn trước tháng 8/2011 là “bán lúa non/bán hớ”. Rất tiếc, ý tưởng này ai nói cũng được và chỉ đạt “chân lý” sau khi biết mức giá mới diễn ra sau đó, nói nôm na là “số xổ xong mới bàn”.
Nói xuất khẩu vàng với giá 1.600 USD/oz, rồi nhập khẩu vàng với giá 1.700 USD/oz gây lỗ là không xác đáng, vì sự suy diễn chủ quan lấy “hai mảnh” được cắt khúc rời rạc này gán ghép vào nhau. Ngược lại, ví dụ nếu sau này lại có cơ hội tái xuất khẩu với giá 1.900 USD/oz từ lô hàng nhập khẩu với giá 1.700 USD/oz vừa qua, cũng chưa hẳn là lãi.
Vậy nên hiểu lãi/lỗ như thế nào cho đúng? Chỉ có thể tính toán lãi/lỗ chính xác khi xác định rõ trạng thái khởi tạo (open position) và trạng thái đóng sổ (squared position) của một cá nhân/tổ chức cụ thể. Cần nhấn mạnh rằng kể từ tháng 6/2008 trở lại đây, việc cấp quota nhập khẩu vàng rất hạn chế, vì vậy khối lượng xuất siêu vàng trong gần 3 năm vừa qua phần lớn từ nguồn tích lũy lâu năm trong dân với giá rất thấp trước đó, nếu thế ta đã lãi to? Theo nguyên tắc nói trên, cũng không thể khẳng định là lãi một cách chung chung. Do đó, chỉ có thể nói rằng người nào mở trạng thái thực tế mới biết rõ mình lãi/lỗ ra sao. Theo người viết, những ý kiến về “bán lúa non/mua lúa già” nói trên không xuất phát từ những nhà kinh doanh/đầu tư vàng thực thụ, mà chủ yếu bắt nguồn từ những người không tham gia thị trường, chỉ mở “trạng thái trên giấy” cho vui (paper trading).
Trên thị trường vàng thế giới, bất cứ lúc nào ta muốn mua/bán, đối tác nước ngoài, nhất là các nhà tạo lập thị trường (market maker), luôn sẵn sàng chào giá hai chiều (bid/ask quotation). Chính quy luật cung cầu này làm cho thị trường vàng trở nên hấp dẫn, có tính thanh khoản cao, không bị gián đoạn, không nghiêng lệch một chiều. Đối tác nước ngoài đã bán vàng cho ta từ lúc giá vàng còn ở mức vài trăm USD/oz cho đến vài nghìn USD/oz, và bây giờ nếu ta muốn nhập khẩu thì họ vẫn sẵn sàng bán cho dù có dự đoán giá sẽ tăng đến 2.000 USD/oz đi chăng nữa. Phải chăng đối tác nước ngoài đã “bán hớ” vì ý nghĩ nông cạn, để ta có thời gian chuẩn bị “ý tưởng thâm sâu”?
1.7. Vàng cạn kiệt và dầu cạn kiệt, cái nào đáng lo hơn?
Nếu Việt Nam lo ngại nguồn vàng cạn kiệt do tái xuất khẩu, chắc thế giới không biết điều này hay sao mà họ vẫn “vô tư” bán vàng cho ta nhập khẩu? Mối lo ngại này phần lớn là do sự “tù mù” về số liệu nguồn vàng nắm giữ trong dân, và sự “tù túng” trong tư duy khi không nhìn nhận rằng chính giá cả là yếu tố quyết định thúc đẩy sự vận động của các dòng chảy vàng theo nguyên tắc “bình thông nhau”, dẫn tới xu hướng xuất khẩu hoặc nhập khẩu để đưa thị trường tái xác lập vị thế cân bằng.
Các dòng chảy vàng ra vào tự do này sẽ san bằng tất cả mọi sự lệch lạc, méo mó về cung cầu và giá cả, dẫn tới mục tiêu cuối cùng là “sự liên thông về giá” giữa thị trường vàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều trở ngại đối với ta là các dòng chảy vàng này thông qua kênh xuất nhập khẩu sẽ gây tác động ngoài ý muốn đến “cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát” mà ta đang áp dụng.
Cần khẳng định rằng Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng chủ lực, nên vàng xuất khẩu phần lớn đều có nguồn gốc từ nhập khẩu trước đó (bằng con đường chính thức hoặc phi chính thức). Nhu cầu tiêu thụ vàng của đất nước ước tính khoảng 50 tấn/năm, trong khi các mỏ vàng trong nước chạy hết công suất cũng chỉ đạt 2 tấn/năm. Tại một thời điểm nào đó, doanh nghiệp xuất đi mặt hàng đã mua hoặc đã nhập là điều bình thường, và các dòng chảy vàng vẫn tiếp tục lưu thông hai chiều ra vào theo quy luật cung cầu, không chỉ hướng tới Việt Nam, mà còn nhắm đến các nước khác. Một số quốc gia có mỏ vàng vẫn khai thác bán vàng ra thế giới, chứ không “ém hàng” gì cả. Vậy mối lo ngại về vàng cạn kiệt là việc của ta hay việc của thiên hạ?
Hãy thử nhìn sang dầu thô. Từ khi ta khai thác được dầu thô cho đến nay, hàng năm đều có xuất khẩu mặt hàng này từ những mức giá thấp cho đến những mức giá cao theo biến động của giá dầu thế giới. Nếu lý sự theo kiểu “số xổ xong mới bàn”, chắc hẳn dầu thô đã bị bán hớ nhiều vụ rồi. Nếu thế, giờ đây chỉ nên khai thác dầu rồi cứ để đấy “giữ đến ngàn sau” hay vẫn phải xuất khẩu lấy tiền bù đắp khấu hao công trình khai thác, trang trải chi phí, trả lương chuyên gia/người lao động, đóng thuế nộp ngân sách? Nếu so sánh giữa vàng cạn kiệt và dầu cạn kiệt, có lẽ dầu cạn kiệt mới đáng lo hơn, vì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến cán cân thương mại quốc gia.
Đến đây, câu chuyện hé mở về một thực tế hiển nhiên là việc dự trữ dài hạn đối với vàng, dầu hoặc các mặt hàng trọng yếu có tính chiến lược không phải là trách nhiệm của người dân hoặc những nhà đầu tư đơn lẻ.
1.8. Có giải pháp nào để Nhà nước giúp dân bán vàng sát với giá thế giới?
Nếu nhà nhập khẩu nước ngoài luôn sẵn sàng mua vàng của ta theo sát giá thế giới, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét làm điều tương tự để giúp dân trong tương lai. Giả sử giá trong nước thấp hơn giá thế giới từ 100.000 đồng/lượng trở lên và Ngân hàng Nhà nước cam kết mua vàng của dân theo giá thế giới quy đổi, phản ứng đầu tiên của người dân sẽ là hoan nghênh, còn người dân có bán vàng cho Nhà nước hay không, phải chờ thực tế trả lời cụ thể.
Với quyền năng và công cụ sẵn có, người viết cho rằng Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ nguồn lực để thực hiện việc “giữ vàng dài hạn” tốt hơn nhiều so với người dân. Thay vì dùng biện pháp hành chính quản lý xuất khẩu vàng nêu trên, Ngân hàng Nhà nước có thể tổ chức việc thu mua vàng trong nước (hoặc thông qua một số đơn vị đầu mối) theo giá thế giới quy đổi. Giải pháp này sẽ đạt ít nhất 4 mục tiêu như sau:
- Bổ sung vàng trong dự trữ quốc gia để tăng vị thế và sức mạnh can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
- Duy trì được số vàng dự trữ trong nước, không giảm vì xuất khẩu.
- Tạo niềm tin cho dân khi Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng điều tiết hỗ trợ thị trường.
- Thúc đẩy sự canh tranh bình đẳng về giá để bảo vệ quyền lợi người dân. Các doanh nghiệp muốn mua được vàng của dân, buộc phải nâng giá lên theo sát giá thế giới hoặc bằng giá chào mua của Ngân hàng Nhà nước, nhờ đó triệt tiêu động cơ xuất khẩu vàng.
Trong ngắn hạn, có lẽ giải pháp mua vàng này vẫn để ngỏ. Dù dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng có nêu điều khoản “bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối Nhà nước”, nhưng từ lúc hoàn thiện và ban hành nghị định mới cho đến khi ra thông tư hướng dẫn sẽ còn phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, hiện nay giá vàng đang đứng ở mức cao (giá trong nước hơn 45 triệu đồng/lượng, giá thế giới hơn 1.780 USD/oz vào đầu ngày 17/8/2011), sẽ có nhiều băn khoăn liệu nên mua vàng ở mức giá nào và với số lượng bao nhiêu, dẫu rằng số vàng nắm giữ trong dự trữ quốc gia của Nhà nước vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
1.9. Với cơ chế mua vàng sát giá thế giới, Nhà nước sẽ xử lý trạng thái dương vàng ra sao?
Với tư cách là chủ thể tham gia thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét tìm đầu ra để bảo hiểm rủi ro giá cho lô hàng đã mua. Có ít nhất 5 tình huống sẽ cần cân nhắc:
- Giữ toàn bộ số vàng vật chất trong kho dự trữ quốc gia. Đây là cách kém hiệu quả nhất, sẽ gây nhiều chất vấn tại sao giữ số vàng lớn trong kho không sinh lợi.
- Giữ một phần trong nước để chủ động bán can thiệp thị trường khi cần thiết, nhất là khi giá trong nước cao hơn giá thế giới, dẫn tới động cơ nhập khẩu vàng.
- Gửi một phần ra nước ngoài (chọn quốc gia có nền tảng kinh tế-chính trị vững chắc, ít rủi ro). Có thể dùng số vàng ký gửi này làm tài sản đảm bảo để tiếp cận các nguồn vốn đa phương cấp quốc gia hoặc cho các mục đích khác. Gửi vàng ra nước ngoài bao hàm một hoạt động xuất khẩu đã diễn ra dù chưa bán đứt.
- Bán vàng tài khoản ở nước ngoài (short loco London gold position) để bảo hiểm số vàng vật chất đã mua trong nước (long physical gold position). Về mặt kỹ thuật, bán vàng tài khoản cũng xem như là “xuất khẩu tại chỗ” hay “xuất khẩu không giao hàng”. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước đang nợ nước ngoài về vàng tài khoản và phải trả lãi vay vàng tài khoản cho đến khi xuất khẩu vàng vật chất trả nợ hoặc mua vàng tài khoản tất toán trạng thái với nước ngoài.
- Mua vàng xong nếu giá rớt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mua vàng thêm để bình quân giá hoặc tìm hướng xử lý khác? Đây sẽ là tâm điểm gây nhiều tranh luận nhất, vì liên quan đến trách nhiệm xử lý nếu không chuẩn bị kỹ nhiều kịch bản ứng phó.
Năm tình huống nói trên cho thấy khi mua vàng vào, Nhà nước cũng sẽ đối diện với tất cả những vấn đề mà người dân và doanh nghiệp đã gặp phải, và buộc phải sử dụng các công cụ của thị trường như người dân và doanh nghiệp đã làm. Bằng cách này hay cách khác, Nhà nước cũng sẽ xem xét tìm đầu ra dưới hình thức xuất khẩu thực tế hoặc xuất khẩu tại chỗ để bảo hiểm rủi ro giá và sử dụng số dự trữ vàng một cách hiệu quả.
Vì vậy, không có một giải pháp ngoại lệ tối ưu nào được thiết kế dành riêng cho bất kỳ đối tượng nào sau khi đã “ôm” trạng thái vàng vật chất, vàng tài khoản/vàng ghi sổ (XAU). Nói cách khác, một khi đã mở trạng thái thực thụ, mọi thành phần tham gia thị trường đều bình đẳng trước rủi ro biến động giá.
1.10. Xuất khẩu vàng là giải pháp ngắn hạn chấp nhận được
Hạn chế xuất khẩu vàng bằng chính sách thuế, chấm dứt không cho huy động/cho vay vàng, chưa có cơ chế mua vàng của dân theo giá thế giới và chưa có kế hoạch khai thác sử dụng vốn vàng trong dân, tất cả các yếu tố trên cho thấy toàn bộ rủi ro đang đè nặng lên vai người dân/doanh nghiệp nếu họ vẫn giữ vàng mà không biết chuyển giao rủi ro trạng thái này cho ai.
Chắc hẳn, người dân/doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng chịu rủi ro nắm giữ trạng thái vàng lâu hơn nếu được tiếp cận công cụ bảo hiểm giá dưới hình thức vàng tài khoản. Tuy nhiên, công cụ này cũng đã bị chấm dứt kể từ ngày 6/1/2010 sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2010/TT-NHNN về việc bãi bỏ Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN ngày 18/1/2006 về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Trong lúc các cơ quan quản lý chưa chuẩn bị bài toán căn cơ để sử dụng số vàng dự trữ trong dân một cách hiệu quả, phải chăng tái xuất khẩu vàng là một giải pháp hợp lý nhất, giúp hài hòa mọi lợi ích của Nhà nước và người dân, ít nhất cũng giảm bớt gánh nặng rủi ro về phía người dân/doanh nghiệp sau khi đã thấy rõ động lực thúc đẩy việc xuất khẩu vàng là để chuyển giao rủi ro cho nước ngoài (risk transfer) giữa lúc ở trong nước ít ai muốn “ôm ấp” rủi ro này.
Về bản chất, xuất khẩu vàng là sự chuyển hóa từ việc giữ vàng thành giữ VND trong dân, và đây chính là yếu tố tích cực khi người dân từ bỏ giữ vàng chuyển sang giữ VND. Chính vì thế, trong bài phỏng vấn đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 11/8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Phải thừa nhận hoạt động xuất khẩu vàng vừa qua là tích cực và ở một chừng mực nào đó nó phản ánh đúng mong muốn của chúng ta”.
Trên thực tế, việc xuất khẩu vàng có những điểm thuận lợi và bất lợi như bảng so sánh dưới đây. Tuy nhiên, những điểm thuận lợi vẫn chiếm ưu thế, còn những điểm bất lợi đều có hướng giải quyết cụ thể.
Thuận lợi | Bất lợi |
- Giải phóng nguồn vàng không sinh lợi
trong dân, giúp giảm tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế - Thu hồi USD, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia - Giảm nhập siêu - Giảm sức ép tăng tỷ giá USD/VND - Hợp lý hóa chi phí vốn VND được chuyển đổi từ vàng - Tạo công ăn việc làm cho thợ kim hoàn |
- Giảm bớt dự trữ vàng trong nước, nhưng có
hướng giải quyết nếu Ngân hàng Nhà nước mua vàng của dân - Tạo thêm áp lực lạm phát do tăng cung VND để mua USD, nhưng Ngân hàng Nhà nước có cách trung hòa lượng cung tiền VND từ giao dịch ngoại hối này (sterilised action) bằng công cụ thị trường mở (OMO) |
Nếu giữ vàng không cho xuất khẩu mà chưa có phương thức sử dụng hiệu quả sẽ gây lãng phí cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì đối với doanh nghiệp. Trong tình hình lạm phát, nhiều doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn tín dụng, nếu có cũng phải chịu đựng mức lãi suất cho vay trên 20%/năm, thì một lượng vốn lớn bằng vàng còn nằm yên trong két sắt là điều bất hợp lý. Về mặt xã hội, việc hạn chế xuất khẩu vàng nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng trăm ngàn thợ kim hoàn trong giai đoạn kinh tế khó khăn, vật giá leo thang.
Việc không khuyến khích xuất khẩu vàng sẽ khước từ 6 điểm thuận lợi như đã nêu trên. Trước đây có ý kiến cho rằng dân giữ nhiều vàng dẫn tới nền kinh tế bị “vàng hóa”, gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Nay, nếu hạn chế xuất khẩu vàng thì làm thế nào giảm “vàng hóa”? Cần giải quyết sự mâu thuẫn này để tình trạng “vàng hóa” mới có thể sớm được “hóa vàng”.
2. Nhập khẩu vàng chỉ mới cởi mở về mặt thuế suất
Câu chuyện nhập khẩu vàng là điều quá quen thuộc với thị trường Việt Nam trong hàng chục năm vừa qua, nên chỉ tập trung thảo luận những nội dung chính, không phân tích chi tiết như phần xuất khẩu ở trên.
2.1. Vì sao phát sinh nhu cầu nhập khẩu vàng?
Khi giá thế giới giảm mạnh nhưng giá trong nước giảm yếu hơn hoặc khi giá thế giới tăng nhẹ nhưng giá trong nước tăng mạnh hơn, sự lệch pha giá sẽ xảy ra, trong đó giá trong nước cao hơn giá thế giới. Ở tình huống này, nhu cầu nhập khẩu vàng xảy ra khi giá trong nước cao hơn giá thế giới và thị trường trong nước không cung ứng đủ lượng cầu vàng đang chờ mua ở thế áp đảo.
Diễn biến giá vàng trong nước vào “ngày thứ Hai điên rồ” 8/8/2011 cho thấy ngoài nguyên nhân của giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước còn chịu nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng do mua cắt lỗ, mua mở trạng thái mới, hiện tượng làm giá, đầu cơ… Thật ra, nguyên nhân cốt lõi đó là cầu vượt cung được khuếch đại bởi yếu tố tâm lý đám đông lây lan trong sự hoảng loạn nhất thời. Một khi thị trường đã có yếu tố tâm lý hoảng loạn tác động, mọi lý giải về nó theo cách thức thông thường đều trở nên vô nghĩa, thay vào đó cần phải có hành động khẩn cấp cụ thể.
2.2. Hạ nhiệt thị trường vàng bằng cơ chế cấp quota ứng phó bị động
Để đạt mục tiêu bình ổn giá vàng trong tình huống giá trong nước cao hơn giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đưa dự trữ vàng ra bán (nếu có) rồi nhập khẩu lại để cân đối hoặc cấp quota nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung, tức phải có một hành động can thiệp kịp thời để “hạ hỏa” những cái đầu nóng.
Khi Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập vàng, những ai đang có ý định mua vàng với giá cao sẽ suy nghĩ lại, còn những ai đang giữ vàng để kỳ vọng giá cao hơn buộc phải bán ra trước khi số lượng vàng nhập khẩu giá thấp về đến Việt Nam.
Nếu Ngân hàng Nhà nước không cấp quota, người dân sẽ phải mua vàng với giá quá cao bất hợp lý trong khi đối tác nước ngoài sẵn sàng bán vàng với giá thấp hơn, và không loại trừ khả năng số vàng nhập khẩu phi chính thức sẽ vào Việt Nam để giải tỏa cơn khát vàng chưa được xoa dịu. Nếu không có quota, đến một lúc nào đó thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh. Ví dụ sau đó giá thế giới tăng mạnh, nhưng giá trong nước không tăng hoặc tăng nhẹ giúp giá của hai thị trường tiệm cận nhau.
Tuy nhiên, nếu để mặc thị trường tự điều chỉnh, có thể sẽ phải mất thời gian hơn, dẫn tới những bất ổn tâm lý càng bị khuếch đại với những thiệt hại không thể lường trước. Vì vậy, theo nguyên tắc cẩn trọng, sự lệch pha hoặc sự méo mó về giá không nên để xảy ra ở mức độ quá lớn với thời gian quá dài.
Việc cấp quota nhập khẩu 5 tấn vàng vào ngày 09/08/2011 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc cẩn trọng giữa việc sử dụng USD nhập khẩu vàng và những bất ổn tâm lý không thể tiên liệu nếu không cho nhập vàng.
2.3. Thuế suất nhập khẩu vàng đã giảm xuống 0%
Trước đây thuế nhập khẩu vàng thường ở mức 1%, nay đã giảm xuống 0%. Với việc hạ thuế này, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có một sự thay đổi đáng kể về mặt quan điểm khi không còn xem vàng là yếu tố gây nhập siêu như trước nữa. Nếu vẫn xem vàng là nguyên nhân gây nhập siêu, chắc hẳn các cơ quan quản lý không những không giảm thuế, mà còn phải tăng thuế nhập khẩu vàng cao hơn để hạn chế nguồn đầu vào.
Tuy nhiên, với thuế nhập khẩu vàng 0%, nhưng cơ chế cấp quota chưa tháo dỡ cũng khó phát huy hết tác dụng trong việc bình ổn thị trường kịp thời. Kể từ tháng 6/2008, Ngân hàng Nhà nước không cấp quota nhập khẩu như bình thường nữa, mà chỉ cấp quota có tính chất can thiệp vào từng vụ việc cụ thể. Hạn chế của việc cấp quota trong thời gian vừa qua là:
- Số lượng nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu.
- Thời gian cấp quota thường không nhanh.
- Thời hạn sử dụng quota thường rất ngắn.
- Chưa nêu rõ đơn vị được cấp quota.
- Việc cấp quota can thiệp chỉ có tác dụng ngắn hạn.
Khi quota nhập khẩu chính thức bị hạn chế, giá trong nước vọt cao hơn giá thế giới là điều tất yếu, có thể dẫn tới hoạt động nhập khẩu vàng phi chính thức. Hoạt động này sẽ thu hút một lượng ngoại tệ mặt trên thị trường, gây áp lực lên tỷ giá.
Nếu tăng cường lực lượng chống vận chuyển vàng trái phép ở biên giới, chi phí hành chính và chi phí xã hội có khi sẽ tăng gấp nhiều lần mà kết quả thu được không đáng kể. Cụ thể số vụ phát hiện trong gần 10 năm qua chỉ đạt chưa tới 200 kg, trong khi Website Chính phủ ngày 3/4/2011 cho biết: “Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến và với qui mô ngày càng lớn, riêng nhập khẩu vàng lậu trung bình một năm cũng từ 20 đến 40 tấn”.
Nhập khẩu vàng bằng con đường chính thức hoặc phi chính thức để tăng cung vàng cho thị trường cuối cùng cũng buộc phải dẫn đến tăng cầu ngoại tệ, vậy nên chọn con đường nào?
2.4. Tiếp cận tư duy nhập khẩu vàng là sự chuyển hóa hình thái từ ngoại tệ sang vàng
Khi nhập khẩu vàng với mục đích bình ổn giá, buộc phải sử dụng USD, tức phải chấp nhận sự đánh đổi tiêu tốn USD để có vàng. Ngoại tệ chi ra, nhưng đổi lại có vàng thu vào. Với chức năng bảo toàn giá trị của vàng, nên xem việc nhập khẩu vàng chỉ là sự chuyển hóa hình thái tạm thời từ giữ ngoại tệ thành giữ vàng, để khi cần thiết sẽ tái xuất vàng chuyển hóa thu hồi lại ngoại tệ.
Nhận thức này cần được mở rộng, để không còn phải trói buộc trong nếp nghĩ thông thường, đó là xuất khẩu thì “được” USD, nhập khẩu “mất” USD. Phải thoát khỏi tư duy “được, mất” này mới có thể đưa ra hành động ứng phó kịp thời, giúp quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả và minh bạch.
Về số liệu thống kê, cứ phản ánh kim ngạch xuất nhập khẩu vàng trong cán cân thương mại. Một khi đã nhận thức đầy đủ về sự chuyển hóa hình thái tạm thời giữa vàng và ngoại tệ, tức tuy hai mà một, không việc gì phải băn khoăn trước số liệu xuất siêu vàng hoặc nhập siêu vàng trong kỳ báo cáo nào đó.
Ngoài ra, để tăng cường nguồn cung ngoại tệ, một số giải pháp chống USD hóa cần phải xem xét thực hiện một cách đồng bộ và triệt để như sau:
- Chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép trên thị trường.
- Hạn chế tối đa tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tập đoàn kinh tế.
- Điều chỉnh linh hoạt giới hạn trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng.
- Xem xét Pháp lệnh Ngoại hối về quyền nắm giữ ngoại tệ.
3. Kỳ vọng về một giải pháp dài hạn để quản lý triệt để thị trường vàng
Không phải là nước sản xuất vàng, Việt Nam không thể chi phối và kiểm soát giá vàng thế giới. Sự “đỏng đảnh vô thường” của giá vàng thế giới luôn là yếu tố dẫn dắt, kéo theo sự lệch pha ngoài dự kiến so với giá trong nước.
Toàn bộ câu chuyện tổng hợp về xuất nhập khẩu vàng nói trên cho thấy tại một số tình huống cụ thể các cơ quan quản lý ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đắn đo giữa cái cần lựa chọn và cái phải đánh đổi để đạt mục tiêu quản lý ổn định giá vàng trong nước như kỳ vọng.
Cụ thể, xuất khẩu vàng sẽ giúp thu hồi USD (cuối cùng là VND), giảm nhập siêu, xóa bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân, nhưng dự trữ chung của quốc gia sẽ giảm xuống trong khi Nhà nước chưa có cơ chế mua vàng của dân hoặc sử dụng vốn vàng trong dân. Còn đối với nhập khẩu vàng, hoạt động này sẽ tiêu tốn USD, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô, nhưng ta chưa có dự trữ vàng đủ lớn để can thiệp thị trường khi có dấu hiệu tâm lý bất ổn.
Trong quản lý, Nhà nước luôn mong muốn rằng giá vàng thế giới biến động ra sao không quan trọng, miễn sao giá trong nước liên thông kịp thời, bám sát giá vàng thế giới. Rõ ràng, sự liên thông này rất quan trọng vì giúp triệt tiêu động cơ xuất nhập khẩu vàng, mà không có xuất nhập khẩu vàng sẽ không gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, do không tăng cung USD do xuất khẩu vàng và không tăng cầu USD do nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, sự liên thông giá vàng không phải là miễn phí. Nói cách khác, trong hoạt động kinh tế muốn đạt được một kết quả nào đó, phải tiêu tốn nguồn lực và chấp nhận sự đánh đổi, nếu sự đánh đổi là hợp lý và logic trên tư duy thị trường, không phải tư duy hành chính.
3.1. Giải pháp xoay vòng can thiệp liên hoàn vào thị trường vàng vật chất để triệt tiêu động cơ xuất nhập khẩu vàng
Khi giá trong nước thấp hơn giá thế giới, dẫn tới xu hướng xuất khẩu vàng, người viết đề xuất Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét như sau:
- Mua vàng vật chất của dân/doanh nghiệp theo sát giá thế giới quy đổi.
- Bán vàng tài khoản ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro giá.
- Trạng thái vàng lúc này là: “dương vàng vật chất/âm vàng tài khoản” (a).
Với khối lượng vàng mua được của người dân/doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước mới có nguồn can thiệp khi thị trường đảo chiều thành xu hướng nhập khẩu như dưới đây.
Khi giá trong nước cao hơn giá thế giới, dẫn tới xu hướng nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét như sau:
- Bán vàng vật chất cho dân/doanh nghiệp theo sát giá thế giới quy đổi.
- Mua vàng tài khoản ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro giá.
- Trạng thái vàng lúc này là: “âm vàng vật chất/dương vàng tài khoản” (b).
Giữa (a) và (b) nói trên, vế nào xảy ra trước không quan trọng. Điểm cốt lõi là khi (a) và (b) cùng kết hợp với nhau sau một thời gian nào đó, trạng thái vàng vật chất và vàng tài khoản của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm xuống về quy mô, lý tưởng nhất là tiến về không.
Lợi ích của giải pháp can thiệp liên hoàn:
- Giữ được dự trữ vàng trong nước, đặc biệt là tận dụng triệt để chính số vàng vài trăm tấn sẵn có trong dân để thực hiện “xoay vòng can thiệp liên hoàn” ngay khi có dấu hiệu lệch pha về giá ở mức bất hợp lý nào đó (ví dụ giá trong nước và giá thế giới chênh nhau khoảng 200.000 đồng/lượng), mà không cần tìm hiểu nguyên nhân có yếu tố đầu cơ hoặc tâm lý đám đông hay không. Đây chính là hành vi “can thiệp chủ động” thay cho “can thiệp bị động”, giúp tái xác lập sự liên thông giá ngay lập tức và dập tắt mọi hoạt động đầu cơ và hiệu ứng tâm lý.
- Triệt tiêu động cơ xuất nhập khẩu vàng, vì khi xảy ra chiều xuất khẩu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vàng, ngược lại khi xảy ra chiều nhập khẩu Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng thay thế cho công việc của đối tác nước ngoài đang làm.
- Không có xuất nhập khẩu vàng thì sẽ không có cung-cầu USD từ vàng nữa, tức hoàn toàn loại bỏ sự tác động đến tỷ giá USD/VND.
- Rủi ro biến động giá vàng vật chất đã được tái bảo hiểm bằng vàng tài khoản ở nước ngoài.
- Nếu giải pháp này phát huy hiệu quả, có lẽ sau này Ngân hàng Nhà nước không phải cấp quota nhập khẩu dập vàng miếng nữa, vì cung-cầu vàng luôn được cân đối ở thế chủ động từ thanh khoản vài trăm tấn vàng trong dân.
- Tạo niềm tin cho người dân, vì Ngân hàng Nhà nước không đặt mục tiêu kinh doanh kiếm lãi chênh lệch giá giữa hai thị trường (arbitrage trading) như một số doanh nghiệp đã làm trước đây.
Tuy nhiên, giải pháp can thiệp liên hoàn không phải không có hạn chế:
i) Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chịu chi phí vốn đối với vàng tài khoản cho đối tác nước ngoài. Đây là điều hiển nhiên, vì không có chuyện miễn phí, dù lãi suất vàng tài khoản và USD ở nước ngoài hiện đang ở mức rất thấp.
Loại tiền | Lãi suất đầu vào (ký gửi) | Lãi suất đầu ra (cho vay) |
XAU | 0,0 %/năm | 1,0 %/năm |
USD | 0,5 %/năm | 1,5 %/năm |
- Chi phí vốn cho trạng thái “dương XAU/âm USD” là: -1,5%/năm (= 0,0% - 1,5%).
- Chi phí vốn cho trạng thái “âm XAU/dương USD” là: -0,5%/năm (= 0,5% - 1,0%).
ii) Việc mua/bán vàng vật chất của Ngân hàng Nhà nước tất yếu dẫn tới sự tăng/giảm cung VND ngoài ý muốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể điều tiết linh hoạt lượng cung VND bằng công cụ OMO.
iii) Sự thay đổi tỷ giá USD/VND sẽ gây tác động tức thì đến việc xác định lãi/lỗ tiềm năng, chi phí vốn và sự cập nhật giá vàng vật chất trong nước. Nói cách khác, đó là một biến số gây ảnh hưởng tới việc đánh giá lại trạng thái vàng vật chất và trạng thái vàng tài khoản của Ngân hàng Nhà nước trên phương diện sổ sách kế toán. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quyết định tỷ giá chính thức hàng ngày, việc đặt vấn đề rủi ro tỷ giá đối với Ngân hàng Nhà nước vừa không có ý nghĩa, vừa không đúng đối tượng.
Nếu thực hiện giải pháp can thiệp chủ động, trên sổ sách theo dõi hạch toán kế toán tại Ngân hàng Nhà nước sẽ cần mở thêm một tiểu khoản mới mang tên “XAU” (bên cạnh các tiểu khoản quen thuộc như USD, EUR, JPY, VND…), tức phát sinh thêm công việc mới.
Ở một khía cạnh khác, sự can thiệp chủ động này có thể bị xem là thô bạo. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp kịp thời, thị trường vàng trong nước sẽ còn lệch pha kéo dài, dẫn tới hành vi đầu cơ, hiệu ứng tâm lý đám đông, hoạt động xuất nhập khẩu vàng phi chính thức, ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá, nhiều bất ổn kinh tế khác và những tác động xã hội chưa tiên liệu được.
3.2. Giải pháp tháo dỡ các quy định quản lý hành chính
Điểm mấu chốt trong giải pháp can thiệp liên hoàn chủ động nói trên đó là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải mở và giữ trạng thái vàng vật chất và vàng tài khoản, có thể nằm ngoài ý muốn của Ngân hàng Nhà nước trong ngắn hạn.
Vậy đâu sẽ là giải pháp ngắn hạn để thay thế? Theo người viết, đó là:
Từng bước tháo dỡ cơ chế cấp quota
Cần khẳng định rằng sự mất liên thông hoặc sự lệch pha méo mó giữa giá trong nước và giá thế giới không nhất thiết xuất phát từ chính sách quota/thuế suất, mà do giá thế giới và nhiều yếu tố bên ngoài tác động vào. Tuy nhiên, một khi sự mất liên thông đã xác lập, nó sẽ có nguy cơ bị khuếch đại thêm do cơ chế quản lý quota xuất nhập khẩu vàng, vốn là những “chốt chặn” có thể gây tắc nghẽn cung cầu cục bộ, nhất thời.
Muốn có sự liên thông giá, cần phải bám sát diễn biến thị trường và cấp quota linh hoạt, tiến tới mục tiêu dài hạn là tháo dỡ cơ chế cấp quota và các quy định hành chính không phù hợp (deregulation) theo xu hướng hội nhập kinh tế với thế giới. Có thể tham khảo cách thức quản lý thị trường vàng ở Thái Lan, nơi hoạt động xuất nhập khẩu vàng đã được tự do hóa, không còn cơ chế quota/thuế suất nữa. Nếu có sự lệch pha, thị trường ở đó sẽ tự điều chỉnh ngay lập tức, vì đó là công việc hàng ngày của thị trường.
Thật ra, ý tưởng tháo dỡ cơ chế cấp quota không phải là điều mới mẻ. Sau khi đất nước gia nhập WTO vào cuối năm 2006, kinh tế trong nước phát triển ổn định, thị trường chứng khoán sôi động, lãi suất thấp, lạm phát trong tầm kiểm soát. Từ giai đoạn tháng 6/2008 trở về trước, các doanh nghiệp xin cấp quota nhập khẩu vàng đều được Ngân hàng Nhà nước xét duyệt với thời hạn sử dụng đến ngày 31/12 của năm tài chính. Vào thời điểm đó, chỉ cần giá trong nước cao hơn giá thế giới trên 100.000 đồng/lượng, việc nhập khẩu sẽ được thực hiện ngay để tái xác lập sự liên thông giá, gần như không có chuyện giá trong nước cao hơn giá thế giới vài triệu đồng/lượng như bây giờ.
Trong xu hướng đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét bỏ cơ chế cấp quota, và Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét kiến nghị này với quan điểm tích cực vì sự phát triển của thị trường vàng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, bùng phát ở Mỹ vào năm 2008, gián tiếp tác động đến nền kinh tế Việt Nam với lạm phát tăng, nhập siêu lớn, đã buộc Ngân hàng Nhà nước thu hồi toàn bộ các quota chưa sử dụng và đặt việc cấp quota mới vào tầm kiểm soát chặt chẽ kể từ đó. Có thể nói, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài cho đến ngày hôm nay là một trong những yếu tố bất lợi ngoài dự kiến, ảnh hưởng đến bước khởi đầu của quá trình tự do hóa thị trường vàng trong nước.
Cân bằng thuế suất giữa nhập khẩu và xuất khẩu vàng
Trong Thông tư 184 và Thông tư 111, có sự chênh lệch khá lớn về biểu thuế suất xuất nhập khẩu, cụ thể nhập khẩu vàng chịu thuế suất 0%, còn xuất khẩu vàng là 10%. Chắc chắn Bộ Tài chính cũng ủng hộ chủ trương chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Tuy nhiên, mức thuế suất hiện đang ưu tiên nghiêng về chiều nhập khẩu hơn là xuất khẩu.
Đối với vàng, không nên áp thuế nghiêng lệch cho chiều nhập khẩu hoặc xuất khẩu, một khi đã nhìn nhận về sự chuyển hóa linh hoạt giữa hình thái vàng và ngoại tệ. Với thuế suất nhập khẩu vàng thuận lợi ở mức 0%, nên tạo sự tương đồng nhất định đối với việc tái xuất khẩu vàng giúp thu hồi ngoại tệ khi có cơ hội. Nếu vậy, cần phải hạ thuế xuất khẩu vàng xuống mức hợp lý, và tháo dỡ hàng rào kỹ thuật hạn chế xuất khẩu vàng.
Trước mắt, có thể xem xét thuế suất đối với chiều nhập khẩu và xuất khẩu lần lượt là 0% và 1%. Sau đó thu hẹp còn 0% và 0,5%, và lý tưởng nhất sẽ là 0% cho cả hai chiều. Hiện nay, không có áp thuế xuất nhập khẩu đối với ngoại tệ mặt, vậy có thể xem xét làm điều tương tự đối với vàng.
Nhìn chung, với chức năng quản lý thị trường vàng, đảm bảo giá vàng ổn định liên thông với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước cần tham gia tích cực để điều tiết hữu hiệu thị trường này. Khi thị trường bị mất cân đối về cung-cầu, Ngân hàng Nhà nước nên chủ động can thiệp kịp thời để đưa thị trường trở lại sự cân bằng với tư cách là nhà điều tiết thị trường cuối cùng (the lender of last resort).
4. Kết luận
Nếu không có sự thay đổi triệt để trong quản lý xuất nhập khẩu vàng, chắc chắn sự mất liên thông hoặc lệch pha giữa giá trong nước và giá thế giới sẽ là căn bệnh kinh niên, vì nó không thể tự biến mất ngay được. Nó vẫn cứ tồn tại như một hệ quả tất yếu xuất phát từ các biện pháp quản lý hành chính.
Nói cách khác, mục tiêu liên thông giá sẽ khó đạt được nếu không xem xét tháo dỡ cơ chế quota/thuế suất và tư duy “được mất ngoại tệ” đối với xuất nhập khẩu vàng. Liệu có thể vận dụng các giải pháp thuần túy hành chính ngắn hạn để đổi hướng các “dòng thủy triều vàng” đang vận động theo đúng quy luật?
Tại cuộc hội thảo đánh giá về tác động của thị trường vàng đến thị trường tài chính Việt Nam do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/6/2011, các chuyên gia trong và ngoài nước đã nêu ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển thị trường vàng trong nước. Phần lớn các ý kiến đều khẳng định vai trò tất yếu của vàng đối với đời sống và văn hóa người Việt, trong đó vàng là công cụ bảo hiểm đối với lạm phát và những bất ổn kinh tế khác. Không quốc gia nào trên thế giới có thể tước đoạt vai trò của vàng, tức không thể đặt vàng đứng ngoài vòng xoay cuộc sống, thay vào đó, phải tiếp cận sống chung với nó.
Trên tinh thần đó, vì sự tiến bộ của xã hội trong xu hướng hội nhập kinh tế với thế giới, người dân có quyền kỳ vọng vào sự xuất hiện một nhạc trưởng tài năng và tâm huyết, có khả năng chỉ huy bản “giao hưởng vàng”, được tấu lên với nhiều loại nhạc cụ sẵn có truyền tải nhiều màu sắc âm thanh trầm bổng khác nhau, nhưng đúng luật lệ.