Tháng 9 thị trường biến động mạnh, thời điểm "vàng" lướt sóng cổ phiếu bán lẻ?
Về chiến lược cho nhà đầu tư trong tháng 9, theo BSC, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm Tiện ích và bán lẻ. Đầu tư dài hạn, nhóm bán lẻ cũng có thể cân nhắc nắm giữ...
Trong báo cáo vĩ mô và chiến lược thị trường chứng khoán vừa công bố, Chứng khoán BSC đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong quý 3/2021.
Kịch bản thứ nhất: Vn-Index duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm. Dịch bệnh có thể kiểm soát vào giữa tháng 9, khối ngoại quay trở lại mua ròng, tâm lý thị trường lạc quan cùng với kỳ vọng phục hồi sau dịch hỗ trợ thị trường tăng điểm. Dù vậy lưu ý triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 kém tích cực cũng sẽ sớm kéo theo sự phân hóa và biến động mạnh ở vùng giá cao.
Kịch bản thứ hai: Vn-Index kiểm tra lại 1.300 điểm sau nhịp hồi phục. Diễn biến dịch bệnh phức tạp so với kỳ vọng, khối ngoại duy trì trạng thái rút vốn dòng, cùng triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 kém tích cực sẽ là yếu tố kìm hãm đà hồi phục. Vn- Index vận động tích lũy trong vùng 1280 – 1.350.
Các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán gồm: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và chính sách tiền tệ nơi lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng. Các biện pháp quyết liệt phòng chống Covid, giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp được các bộ ban ngành đang nghiên cứu và triển khai.
Ngoài ra, các ETFs VNM, FTSE công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường. Việc triển khai lô giao dịch 10 và chuyển các doanh nghiệp trở lại HOSE cũng sẽ tạo thuận lợi và tăng thanh khoản cho thị trường trong quý 3/2021.
Tuy vậy, thị trường vẫn đối diện hàng loạt thông tin tiêu cực như dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới, và Việt Nam chưa kết thúc đợt bùng phát thứ tư, ảnh hưởng đến vĩ mô, tăng rủi ro về dòng tiền tương lai và định giá cổ phiếu.
Và với tình trạng dãn cách kéo dài, kết quả kinh doanh quý 3 sẽ bị ảnh hưởng mạnh BSC điều chỉnh tăng trưởng lợi nhuận sau thuế từ mức 38% xuống 30% trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục vào tháng 9.
Một số thông tin khác gây bất lợi cho thị trường chứng khoán trong quý 3 như FED cân nhắc thu hẹp chương trình mua trái phiếu tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu; Giá cả hàng hóa, giá dầu biến động mạnh khiến khó dự báo để ổn định lạm phát.
Vn-Index đã tăng 1,6% trong khi HNX-Index tăng mạnh 8,8% trong tháng 8. P/E giảm nhẹ từ 16.5 xuống 16 lần (-3%) nhờ kết quả kinh doanh quý 2 công bố tiếp tục cải thiện. P/E hiện đang thấp hơn 1 chút so với mức P/E bình quân 5 năm (16.52 lần) và giữ ở mức thấp so với khu vực châu Á, đứng thứ 13. BSC dự báo P/E VN-Index tăng lên mức 17 trong tháng 9 cùng với đà hồi phục của thị trường.
Về chiến lược cho nhà đầu tư trong tháng 9, theo BSC, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm Tiện ích và bán lẻ được hướng ngắn hạn từ các biện pháp giãn cách xã hội. Nhóm cổ phiếu xuất khẩu như Hóa chất, Đá, Gỗ, May mặc, Thủy sản, ... nhờ nhu cầu thế giới hồi phục.
Nắm giữ chờ chốt vị thế tại các nhóm Logistic gồm Cảng biển, vận tải, kho bãi, .. hưởng lợi từ chuỗi cung ứng thế giới bị gián đoạn và thiếu hụt.
Đầu tư dài hạn thì vẫn có thể cân nhắc nắm giữ các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như Bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Công nghệ thông tin – Bưu chính viễn thông. Bên cạnh đó, ngành liên quan đến hàng hóa như Dầu khí, Thép, …. vẫn còn tiềm năng nhờ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công thế giới.