Yên Bái, Thái Nguyên bị bão, lũ tàn phá nặng nề
Ước tính, Yên Bái thiệt hại khoảng 900 tỷ chỉ sau đợt mưa, lũ vừa qua. Địa phương này cũng thiệt hại nặng về người, đến nay đã có 44 người bị chết và mất tích, 23 người bị thương...
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, tính đến 17h00’ ngày 11/9/2024, địa phương này chịu thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh này có gần 22.900 nhà bị thiệt hại. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương di dời 12.391 hộ gia đình để đảm bảo an toàn.
Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng: 4.829 ha. Mưa lũ cũng đã làm chết 11.217 con gia cầm, 17 gia súc. Gần 200 ha nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ.
Tuyến Quốc lộ 32, Quốc lộ 37, Quốc lộ 32C, Quốc lộ 2D bị thiệt hại do sạt lở ta luy. Các tuyến đường tỉnh Yên Bái - Khe Sang, An Bình - Lâm Giang, Mậu A - Tân Nguyên, Yên Thế - Vĩnh Kiên, Khánh Hoà - Minh Xuân, Hợp Minh - Mỵ, Đại Lịch - Minh An, Văn Chấn - Trạm Tấu, Mường La – MCC, Âu Cơ… sạt lở taluy với khối lượng 53.595 m3. 25 công trình thủy lợi bị sạt lở…
Nhiều trường học, trung tâm y tế bị sạt lở, ngập úng; một số khu vực bị ngập úng xảy ra mất điện, nước sinh hoạt kéi dài. 03 cột điện cao, trung áp bị đổ, gãy và 1.230 m dây cột cao, trung áp bị đứt; 88 cột hạ áp bị sạt lở, nghiêng, rạn nứt, gãy đổ và 530m dây bị đứt; 639 trạm thu phát sóng di động BTS bị ảnh hưởng, đã khắc phục được 441 trạm.
Ước tính, Yên Bái thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng chỉ sau đợt mưa, lũ vừa qua.
Yên Bái cũng là địa phương thiệt hại nặng về người, đến nay đã có 44 người bị chết và mất tích, 23 người bị thương.
Về công tác cứu nạn cứu hộ và hỗ trợ người dân các vùng chịu ảnh hưởng, Yên Bái đã huy động trên 30.835 người tham gia khắc phục hậu quả của thiên tai, ngoài ra số phương tiện được huy động là 129 máy xúc, 14 máy ủi, 63 xuồng máy, 24 thuyền máy, 11 thuyền nan, 38 máy phát điện, 168 máy cưa xăng… Các lực lượng đã tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường...
Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân bị thương vong do sạt lở đất, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời hỗ trợ tạm thời cho gia đình có người bị chết 25.000.000 đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5.000.000 đồng/người.
Đối với 111 nhà bị sập đổ hoàn toàn: Đã thực hiện di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân. Đối với 12.008 nhà phải di dời người và tài sản đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở Ủy ban nhân xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Đối với 21.288 hộ bị ngập, đã thực hiện di dời 59.536 người để đảm bảo an toàn.
Thành phố Yên Bái và các huyện bị ảnh hưởng nặng đã triển khai mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời tiếp nhận nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân (Hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, hộ kinh doanh và các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh…) để cấp phát, hỗ trợ cho các địa phương cứu trợ cho các hộ trong vùng ngập lụt. Số lượng đã cứu trợ ước tính có: Gạo 2 tấn; Bánh mỳ, bánh ngọt 3.500 cái; Giò 300kg; cơm, xôi 5.000 suất; Mỳ tôm 3.000 thùng; Nước uống 3.500 thùng; Lương khô 1.000 hộp; Sữa 500 thùng...
Tại Thái Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), từ ngày 6 - 11/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc, lũ, ngập lụt làm thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của Nhà nước và Nhân dân. Ước tính thiệt hại ban đầu là gần 196 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, mực nước sông Cầu tại Trạm thủy văn Gia Bảy đang rút. Hiện nay, mực nước ở cao trình 27.34 cm trên mức báo động III 34 cm (đỉnh lũ 29.81 cm). Tại Trạm thủy văn Chã, nước lũ tiếp tục lên hiện đang ở cao trình 10.57 cm trên mức báo động III 57 cm.
Các cống dưới đê hiện nay đang đóng. Mực nước hồ Núi Cốc hiện đang ở cao trình 47.12 cm (trên mức báo động II 57 cm), hiện đang xả tràn với lưu lượng Q=300 m3/s. Trạm bơm tiêu cống Táo, TP. Phổ Yên đang vận hành bơm tiêu úng.
Theo số liệu rà soát, báo cáo của các Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, tính đến 7 giờ ngày 11/9/2024, sơ bộ thiệt hại về người chưa xác định.
Riêng thiệt hại về tài sản ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản trên 195.487 tỷ đồng. Trong đó, có 3.063 hộ phải di dời khẩn cấp do nhà bị ngập; 323 nhà bị tốc mái; 25 điểm trường bị ảnh hưởng; trên 7.332 ha lúa, hoa màu và 415 ha cây rừng bị ngập và gẫy đổ; 255.817 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 1.606 ha nuôi cá bị ngập; 117 điểm sạt lở về giao thông.
Về thông tin liên lạc, có 14 cột treo cáp bị gãy đổ; 3.300 m dây bị đứt và nhiều thiết bị đầu cuối bị hư hỏng. Về công nghiệp, 4 trạm biến áp bị hư hỏng và 60 cột điện bị đổ. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều địa phương nước lũ dâng cao gây ngập lụt, buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn. Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đã và đang huy động nhân lực kiểm tra, thống kê, khắc phục, cấp điện lại cho khách hàng.
Theo thống kê của PC Thái Nguyên, từ ngày 7/9 có 34 phân đoạn đường dây trung áp nhảy sự cố, tổng số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng ở thời điểm cao nhất là 265 nghìn khách hàng. PC Thái Nguyên đã chủ động cắt 23 đường dây (do nước lũ sông Cầu đầu nguồn dâng lên cao làm ngập các tuyến đường dây và trạm biến áp phân phối, các hòm, hộp công tơ, tủ bảng điện... phải tạm cắt điện để đảm bảo an toàn).
Đến sáng 11/9, trên lưới điện toàn tỉnh hiện còn 5 phân đoạn đường dây đang gặp sự cố, gần 108 nghìn khách hàng mất điện. Các đơn vị thuộc ngành Điện đang kiểm tra, xử lý khắc phục. Do nước lũ dâng cao nhiều địa phương bị chia cắt, PC Thái Nguyên chưa thể tiếp cận được để kiểm tra, khắc phục. Tuy nhiên, các khách hàng lớn trong các khu công nghiệp và các trạm bơm tiêu úng vẫn đảm bảo được cung cấp điện đầy đủ.
Khó khăn của ngành điện Thái Nguyên hiện nay là nhiều đường dây trung thế hỏng, phải xử lý thay thế thiết bị; móng cột Trạm biến áp tại Điện lực Định Hóa và nhiều cột điện trung thế, hạ thế tại các địa phương bị sạt lở móng, nghiêng cột hoặc gãy đổ, ước tính ban đầu thiệt hại trên 2,2 tỷ đồng.
Được biết, trong những ngày mưa bão, PC Thái Nguyên đã huy động trên 600 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên luân phiên trực 24/24 giờ để vận hành lưới điện đảm bảo thông suốt, an toàn, sẵn sàng khắc phục sự cố. Khi nước rút, Điện lực các địa phương đã huy động nhân lực kiểm tra, thống kê, khắc phục cấp điện lại cho khách hàng; đồng thời cử cán bộ trực tiếp đến các hộ dân kiểm tra hệ thống công tơ, ổ điện... đảm bảo an toàn mới đóng điện.
Lực lượng quân đội, công an tại Thái Nguyên đã huy động trên 7.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân.
Nhằm kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích địa phương cùng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết thực hiện gia cố đê tại 5 vị trí khu vực TP. Thái Nguyên đảm bảo khả năng chống lũ của tuyến đê; bố trí, huy động thêm lực lượng túc trực, tuần tra canh gác, theo dõi mực nước và diễn biến khu vực đắp đê gia cố.
Cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại cơ sở giúp các hộ gia đình thu dọn hiện trường, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại trên địa bàn và báo cáo theo quy định.