15:58 09/02/2021

Yêu cầu không tái diễn quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội, báo điện tử

Thủy Diệu

Hoạt động quảng cáo trên không gian mạng tại Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều sai phạm, đặc biệt là hoạt động quảng cáo thông qua các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới

Cơ quan quản lý nhà nước phát hiện một số mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm như: Google Adsense, MGID, AdAsia, AdChoices, Advernative, Dable, AdBro... - ảnh minh họa.
Cơ quan quản lý nhà nước phát hiện một số mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm như: Google Adsense, MGID, AdAsia, AdChoices, Advernative, Dable, AdBro... - ảnh minh họa.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan báo chí, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo rà soát hoạt động hợp tác với mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm xuất hiện trên báo điện tử, mạng xã hội.

Cụ thể ngày 25/1 và 8/2, Bộ Thông tin và Thông tin đã có hai công văn 215, 361 gửi các cơ quan báo chí có loại hình báo điện tử, tạp chí điện tử; tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trên mạng và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới nói riêng và trên không gian mạng nói chung, Bộ đề nghị các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo rà soát ngay toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm xuất hiện trên báo chí điện tử, trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được đề nghị thận trọng trong việc lựa chọn mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới để hợp tác. Khi kết giao kết hợp đồng hợp tác, cần yêu cầu các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo; cân nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tiếp tục để xảy ra sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, trong đó có hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Đối với các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Bộ sẽ xem xét, xử lý nghiêm những đơn vị tiếp tục để xảy ra sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trong đó có hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động quảng cáo trên không gian mạng tại Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều sai phạm, đặc biệt là hoạt động quảng cáo thông qua các mạng lưới quảng cáo (Ad Network) xuyên biên giới.

Bộ mặc dù đã có công văn đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, các cơ quan báo chí có loại hình báo điện tử, chấn chỉnh hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, tuy nhiên qua quá trình kiểm tra, giám sát, cho thấy các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trên mạng khi hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới vẫn tiếp tục để xảy ra nhiều sai phạm.

Trong đó, tập trung vào các hành vi như: quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm (cờ bạc, cá độ bóng đá…); quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen, mua bán tiền điện tử bất hợp pháp…); quảng cáo thực phẩm (thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng…) vi phạm pháp luật.

Và trong nhiều trường hợp, việc hợp tác giữa các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được thông qua trung gian là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo (đại lý quảng cáo). Và cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện một số mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm như: Google Adsense, MGID, AdAsia, AdChoices, Advernative, Dable, AdBro...