10 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm
Sáng 1/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng...
Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; những trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong tháng 6 và thời gian tới.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, về công tác chỉ đạo, điều hành, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát, tập trung triển khai chủ động, quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các tài liệu cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (đến nay đã gửi 53 tờ trình, báo cáo, tài liệu gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có 10 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tăng trưởng được thúc đẩy.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 7,3%; một số địa phương tăng cao (như Phú Thọ tăng 31,2%, Bắc Giang 24,9%...). Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng tăng 8,7%.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng 4; bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 5 tháng đạt 4,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,65 tỷ USD, tăng lần lượt 14,7% và 38,2%); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 9,1% so với tháng 4 và tăng 22,6% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 16,6%, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Đáng mừng là nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước; cán cân thương mại tháng 5 nhập siêu 1 tỷ USD, tính chung 5 tháng xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Thứ tư, thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính-ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện.
Tổng thu 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi và chuẩn bị được 680.000 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.
Thứ năm, lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế tháng 5 đạt gần 1,4 triệu lượt; tính chung 5 tháng đạt 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19.
Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (22,2%). Vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân được thúc đẩy. Thu hút FDI đạt 11 tỷ USD, tăng 2%, trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8%, cao nhất từ năm 2020 tới nay, cho thấy dù công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, song lòng tin của các nhà đầu tư vẫn được củng cố, tăng cường.
Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực.
Trong 5 tháng có 98.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp). Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều nỗ lực, hoạt động có khởi sắc, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Nhiều dự án kéo dài, gặp khó khăn có chuyển biến tốt, như chuỗi dự án Lô B-Ô Môn được thúc đẩy; việc tái cơ cấu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đạt kết quả tích cực, 3 tháng vừa qua khoản vay 2,2 tỷ USD đã giảm 409 triệu USD xuống còn 2,2 tỷ USD và từ nay đến cuối năm có thể giảm tiếp khoảng 400-500 triệu USD.
Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện.
Trong tháng 5 có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; hỗ trợ gần 18.500 tấn gạo; tổ chức ý nghĩa lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ngày Quốc tế lao động, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá sách giáo khoa giảm trung bình khoảng 15%.
Thứ chín, cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Thứ mười, chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.