04:30 20/08/2007

245 ngày giá bao nhiêu?

Để hoàn thành thủ tục thực hiện các nghĩa vụ thuế, bình quân mỗi năm doanh nghiệp mất khoảng 245 ngày

Doanh nghiệp mất nhiều thời gian với cơ quan thuế.
Doanh nghiệp mất nhiều thời gian với cơ quan thuế.
Một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiến hành gần đây cho biết: Để hoàn thành thủ tục các loại thuế, mỗi năm, doanh nghiệp mất khoảng 245 ngày.

Tuy thời gian có giảm so với trước, nhưng đây vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Thời gian là năng lực cạnh tranh

Ngày nay, trên sân chơi WTO, doanh nghiệp nước ta đang phải cạnh tranh trong bối cảnh hoàn toàn mới về quy mô, nội dung và đối tượng; đang phải “gồng mình” để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong khi những thủ tục hành chính phiền hà, không cần thiết đang là lực cản chủ yếu.

Một khảo sát về môi trường cạnh tranh giữa năm 2006 cho biết: Việt Nam đang là nước có tỷ lệ chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp cao nhất trong khu vực: Để thành lập một doanh nghiệp và đi vào hoạt động, cần khoảng 11 thủ tục, từ xin mã số thuế, lắp đặt hệ thống điện, nước, điện thoại, phòng cháy, chữa cháy, đến xin giấy phép xây dựng nhà xưởng, giấy chứng nhận về môi trường... trong khi ở các nước chỉ khoảng vài ba thủ tục, nhiều nhất là bảy thủ tục.

Chính vì vậy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta liên tiếp tụt hạng: năm 2004 tụt 17 bậc, xếp thứ 77/114; năm 2005, tụt tiếp bốn bậc, xếp thứ 81/114 và năm 2006 vẫn đứng trong 60 nước có môi trường kinh doanh khó khăn nhất thế giới.

Điều rất đáng mừng là thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất kiên quyết, ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại các thủ tục hành chính, bãi bỏ những thủ tục không cần thiết, nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Chúng ta ghi nhận những nỗ lực mới nhất và kết quả thiết thực của nhiều bộ, ngành như thuế, hải quan... trong việc này. Song những cố gắng ấy rõ ràng là chưa thấm tháp bao nhiêu so với yêu cầu.

Điều thường được cộng đồng doanh nghiệp cũng như các hội, hiệp hội doanh nghiệp than phiền là việc nộp thuế đang gây khá nhiều phiền hà cho nhà đầu tư và những thủ tục về thuế đang là một nguyên nhân chủ yếu làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đúng là lâu nay, người ta vẫn quan tâm nhiều hơn vào việc tính toán những tỷ lệ, thuế suất, những khoản thu hợp lệ hay không... mà chưa chú ý đến việc cải tiến hệ thống hành thu qua đó giảm thiểu thời gian và những tệ nạn sách nhiễu của công chức thuế đối với doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố hôm 31/7 vừa qua, mỗi năm doanh nghiệp phải mất khoảng 1.733 giờ cho các thủ tục mua hóa đơn VAT; để nộp được thuế VAT, doanh nghiệp phải huy động tới 5-8 người. Việc lập hồ sơ hoàn thuế VAT cũng tốn nhiều thời gian.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp phải mất 728 giờ/năm với ba nhân lực để thực hiện, trong đó thời gian tập hợp, phân loại chứng từ, hóa đơn... mất khoảng 677 giờ; ngoài ra, họ còn phải mất thêm 25 giờ nếu phải giải trình thêm với cơ quan thuế...

Tổng cộng, để hoàn thành thủ tục thực hiện các nghĩa vụ thuế, bình quân mỗi năm doanh nghiệp mất khoảng 245 ngày (tất cả vào khoảng 2.000 giờ/năm; nếu doanh nghiệp làm việc 8 giờ/ngày thì quỹ thời gian họ phải mất cho các thủ tục liên quan đến thuế nói trên tương ứng với khoảng 245 ngày/năm, chưa bao gồm các ngày nghỉ lễ, Tết và thứ Bảy, Chủ nhật).

Có thể thấy rõ tình trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; song phải chăng thời gian 245 ngày chưa phải là tất cả, vì đó mới là thời gian để hoàn thành các thủ tục, mà chưa tính hết các thời gian và chi phí về chờ đợi, đi lại, in ấn các sổ sách, tài liệu...

Nếu có cách tính chi ly hơn, thì thời gian đó là bao nhiêu và nhất là giá trị của thời gian đó, trong khi với doanh nghiệp, thời gian quý hơn vàng vì thời gian là năng lực cạnh tranh, thời gian là nguồn lực phát triển.

Nói đi đôi với làm

Thực ra, câu chuyện thuế còn là câu chuyện dài dài. Rất nên có những nghiên cứu bài bản, khoa học về quan điểm chính sách về thuế trong điều kiện nước ta - một nền kinh tế đang chuyển đổi, thu nhập của người dân còn quá nhỏ bé, trình độ quản lý còn thấp... Không có căn cứ khoa học và thực tiễn làm cơ sở cho những chủ trương về thuế, việc thảo luận về từng sắc thuế khó đi đến sự nhất trí và do đó rất khó thông suốt khi thi hành.

Chúng ta đã có nhiều ví dụ như khi thực hiện thuế VAT và gần đây là cuộc thảo luận không dứt về thuế thu nhập cá nhân. Đã có nhiều phản hồi về những bất hợp lý trong nội dung các sắc thuế, ví dụ như theo quy định chính thức thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%, nhưng theo tính toán của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính Quốc tế thì con số mà các doanh nghiệp thực đóng lên tới 41,6%.

Lại còn những khoản mà ngành thuế vẫn không công nhận là chi phí hợp lý, hợp lệ để tính toán khi tính số thuế phải nộp... Chưa nói đến những bất hợp lý đó chưa được khắc phục; chỉ riêng việc hành thu theo cung cách hiện nay đã gây ra biết bao tốn kém cho doanh nghiệp.

Chúng ta hoan nghênh nhiều cải cách của các ngành quản lý liên quan đến doanh nghiệp, trong đó có ngành thuế, như trong các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính, thời gian của các công đoạn đăng ký mã số thuế, mua hóa đơn VAT..., hoặc thực hiện “một cửa liên thông” nhằm giảm thời gian đi lại của doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường.

Doanh nghiệp cũng rất mong thực hiện công khai hóa các thủ tục về thuế, xác định trách nhiệm cá nhân công chức trong các việc liên quan đến doanh nghiệp; và điều quan trọng hàng đầu là xác định cho rõ nghĩa vụ của công chức là đồng hành cùng doanh nghiệp, hết lòng hết sức phục vụ doanh nghiệp.

Trước kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra, phải chăng cơ quan thuế nên lấy các số liệu đó làm tài liệu tham khảo để rà soát lại thật kỹ việc thực hiện những thủ tục nói trên, đồng thời hướng dẫn cụ thể những nghiệp vụ về tài chính, kế toán doanh nghiệp, thực sự giúp doanh nghiệp giảm được chi phí về thời gian, nhân lực và tiền bạc trong việc này.

Làm được như vậy cũng tức là khắc phục “độ vênh” khá lớn giữa các quy định và thực tế, giữa các báo cáo với cuộc sống; “nói vậy mà không phải vậy”, để những quy định về cải cách thủ tục về thuế không dừng lại trên những giấy tờ quy định mà đi vào cuộc sống, lời nói đi đôi với việc làm, để những khẩu hiệu rất hay như “khoan sức dân”, “bồi dưỡng nguồn thu” không chỉ đọng lại như những “khẩu hiệu”, không biến thành những hành động thiết thực giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Một cuộc khảo sát - với ý nghĩa là một cuộc điều tra xã hội học đúng đắn là công việc rất cần thiết, nên được thực hiện thường xuyên hơn nữa trong việc hoạch định cơ chế, chính sách của một bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Doanh nghiệp rất mong có được những cuộc khảo sát như thế để qua đó có căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm tháo gỡ những cản trở trong quá trình phát triển.

Thực tế cũng cho thấy là không thể có kết quả khảo sát thực sự khách quan nếu không do một tổ chức khoa học độc lập tiến hành - cũng có nghĩa là một tổ chức có vị trí hoàn toàn khách quan, không bị ràng buộc bởi lợi ích cục bộ. Doanh nghiệp cũng chỉ mạnh dạn cung cấp tài liệu, số liệu cho những tổ chức độc lập như thế; đồng thời rất e ngại nếu những chứng cứ đó lọt đến cấp trên trực tiếp của họ, vì những “hậu quả” rất có thể xảy ra và trong thực tế đã từng xảy ra.

Đó cũng là môt nguyên tắc về giữ bí mật danh tính của doanh nghiệp mà khi tiến hành khảo sát, tổ chức chủ trì nghiên cứu cũng thường phải cam kết với doanh nghiệp được khảo sát.

Về phía doanh nghiệp, điều cần thiết là thực hiện các biện pháp để giảm thiểu thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế mà cuộc khảo sát đã đề ra, như: nắm vững các thủ tục, nâng cao trình độ nghiệp vụ của nhân viên, ứng dụng công nghệ mới trong việc lưu giữ tài liệu, trong việc tính toán...

Đó cũng chính là một biện pháp để giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh mà bản thân mỗi doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện.