16:26 28/06/2023

27 bệnh viện ở TP.HCM triển khai bệnh án điện tử năm 2023

Minh Hà

Năm 2023, TP.HCM sẽ hoàn thành xây dựng dữ liệu quản lý chuyên ngành từ các cơ sở y tế, dữ liệu khám chữa bệnh từ các cở sở khám chữa bệnh, cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử…

Các bác sỹ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM đặt các cánh tay robot vào vị trí phù hợp để phẫu thuật. (Ảnh minh họa).
Các bác sỹ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM đặt các cánh tay robot vào vị trí phù hợp để phẫu thuật. (Ảnh minh họa).

Thời gian qua, ngành y tế TP.HCM đã triển khai một số chương trình lớn và hoàn thành trong năm 2023. Trong đó, xây dựng khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh. Tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân Thành phố, đảm bảo kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu lớn của TP.HCM. Bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành y tế TP.HCM, ưu tiên các dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu khám chữa bệnh, dữ liệu phòng chống dịch bệnh; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin tăng thêm các tiện ích cho người bệnh.

XÂY DỰNG DỮ LIỆU DÙNG CHUNG NGÀNH Y TẾ

UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo về kết quả thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Từ khi triển khai Đề án đến nay, với sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành liên quan, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế và chuyên gia công nghệ thông tin trong xây dựng và triển khai các giải pháp, ngành y tế Thành phố bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế, cho cán bộ quản lý trong cung ứng các dịch vụ công, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Đặc biệt, TP.HCM cũng đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin tăng thêm các tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện. Đến nay, có 41/51 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử và 27/51 bệnh viện đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế.

Cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân, TP.HCM đã xây dựng dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực y tế. Dự kiến trong năm 2023, Thành phố sẽ hoàn thành xây dựng các dữ liệu phục vụ quản lý chuyên ngành từ các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố và dữ liệu khám chữa bệnh từ các cở sở khám chữa bệnh để cung cấp, cập nhật thông tin sức khỏe cho hồ sơ sức khỏe điện tử.

Cho đến nay, tất cả bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện. Ngoài ra, còn có nhiều phần mềm, ứng dụng để giúp người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách tiện lợi hơn và nhanh chóng, tối ưu hóa quá trình chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong điều trị bệnh; đồng thời, chỉ đạo ngành y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dịch bệnh bằng việc triển khai các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính và quản lý ngành. Một số bệnh viện đã triển khai hiệu quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot điều trị như robot phẫu thuật nội soi Da Vinci tại Bệnh viện Bình Dân.

BỆNH VIỆN THÔNG MINH

Sở Y tế TP.HCM cũng đã ban hành “Khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh”. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của bệnh viện nhằm hướng đến mục tiêu. Chuyển đổi số phải được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện, do chính Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Song song đó, ưu tiên phân bổ nguồn lực để tuyển dụng bổ sung nhân lực cho phòng công nghệ thông tin, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin được học tập nâng cao trình độ; Xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên công nghệ thông tin với sự tham gia của các nhân viên thuộc các khoa, phòng trong toàn bệnh viện.

Ngoài ra, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện là củng cố và nâng cấp trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) của bệnh viện (chọn địa điểm phù hợp, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, điều kiện về môi trường…); Ưu tiên phân bổ nguồn lực để triển khai có hiệu quả các phần mềm ứng dụng không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện và các phần mềm mới đối với các vấn đề phổ biến, đòi hỏi sự tham gia của nhiều khoa phòng, qua nhiều bước, tiêu tốn nhiều giấy tờ, công sức và thời gian. Tương ứng với mỗi phần mềm, lãnh đạo bệnh viện cần thành lập tổ công tác chuyên trách để triển khai phần mềm đó.

Triển khai đầy đủ các phần mềm ứng dụng không thể thiếu đối với hoạt động của một bệnh viện (HIS, LIS, RIS/PACs, EMR,….), phấn đấu đạt tối thiểu ở mức 6 tại Phụ lục II của Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các bệnh viện. Đảm bảo an toàn thông tin khi triển khai các phần mềm ứng dụng của bệnh viện theo quy định.

Bên cạnh đó, xây dựng cổng thông tin bệnh viện có khả năng giao tiếp hai chiều với người bệnh, bao gồm: đăng ký khám bệnh từ xa qua các phương tiện phổ biến như điện thoại di động, tổng đài điện thoại, cổng thông tin đặt hẹn,…; cung cấp thông tin cho người bệnh qua thư điện tử, tin nhắn,…; có thể tra cứu thông tin y tế trực tuyến, thông tin chi tiết về các dịch vụ khám chữa bệnh, tư vấn từ xa; nhắc người bệnh tái khám, dùng thuốc, tiêm chủng lần tiếp theo, thanh toán không dùng tiền mặt…

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nhằm hạn chế sai sót bằng các phần mềm ứng dụng. Triển khai hiệu quả “Văn phòng số” thay thế cho các thủ tục hành chính nội bộ của bệnh viện. Tích hợp chữ ký điện tử hoặc chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng của bệnh viện, đồng thời phải ban hành quy chế sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số theo đúng quy định. 

Đồng thời, khuyến cáo cũng nêu rõ việc triển khai bệnh án điện tử (Electronic Medical Record - EMR) phải trên cơ sở đã hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS) và trục dữ liệu thông tin tích hợp của bệnh viện, cùng với hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ bệnh án điện tử (Clinical Data Repository - CDR), và các hệ thống thông tin hỗ trợ chuyên môn khác (như LIS, RIS/PACs, …). Vận dụng khả năng dự báo và giám sát của hệ thống thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện. Khuyến khích các đơn vị tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau khi thực hiện chuyển đổi số, nhất là các hoạt động hướng đến làm hài lòng người bệnh.