09:00 23/11/2007

“3 điểm hấp dẫn của TNG”

Hoàng Xuân

Trao đổi với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNG, nhân dịp cổ phiếu của công ty giao dịch phiên đầu tiên

“Lĩnh vực sản xuất hàng may xuất khẩu vẫn là lĩnh vực chủ đạo được TNG chú trọng đầu tư.”
“Lĩnh vực sản xuất hàng may xuất khẩu vẫn là lĩnh vực chủ đạo được TNG chú trọng đầu tư.”
Ngày 22/11, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TNG giao dịch phiên đầu tiên tại sàn Hà Nội. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TNG.

Thời điểm này có được xem là thuận lợi cho việc niêm yết của TNG không, thưa ông?

Theo tôi, TNG có 3 điểm hấp dẫn nhà đầu tư: chiến lược phát triển, các dự án đầu tư và đất đai của TNG có khả năng chuyển đổi để thực hiện các dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong chiến lược đầu tư của TNG từ năm 2007 - 2011, Công ty dự tính cần 1.250 tỷ đồng để đầu tư một số dự án lớn có tính khả thi cao.

Đó là dự án Nhà máy TNG Sông Công (tổng giá trị đầu tư 200 tỷ đồng), Dự án Công trình nhà đa năng tại Chi nhánh May Việt Thái (tổng giá trị đầu tư 30 tỷ đồng), Dự án Khách sạn 9 tầng (tại Thái Nguyên, giá trị đầu tư 30 tỷ đồng), Dự án Chợ trung tâm Thị xã Sông Công, Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy, Phú Bình; Dự án Trung tâm thương mại 11 tầng (tại Thái Nguyên, tổng giá trị đầu tư là 150 tỷ đồng)...

Hiện tại, TNG đang quản lý và sử dụng trên 130 ha đất, đều nằm ở các vị trí đắc địa của thành phố Thái Nguyên, thuận lợi giao thông và dễ dàng chuyển đổi mục đích sang làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê hoặc chung cư.

Bên cạnh đó, TNG lại được UBND tỉnh Thái Nguyên giao làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng hai Khu công nghiệp tập trung gồm: Khu công nghiệp Điềm Thụy, Huyện Phú Bình (với diện tích trên 500ha, nằm cạnh nút giao thông lên xuống giữa đường cao tốc quốc lộ 3 mới với đường rẽ vào UBND huyện Phú Bình, cách Hà Nội 50 km) và Khu công nghiệp tập trung Tân Đồng, huyện Phổ Yên (diện tích trên 100ha, nằm cạnh nút giao thông lên xuống giữa đường cao tốc quốc lộ 3 mới với đường rẽ vào UBND huyện Phổ Yên, cách Hà Nội chưa đến 40 km.

Nghị quyết đại hội cổ đông năm 2007 cũng có thống nhất chuyện tăng vốn lên 80 tỷ đồng trong năm 2007. Vậy kế hoạch này sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?

Theo kế hoạch, lộ trình tăng vốn điều lệ của TNG từ 30 tỷ lên 80 tỷ đồng sẽ được thực hiện trong năm 2007 theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1, trước khi niêm yết, TNG đã phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ lên 54,3 tỷ đồng. Giai đoạn 2, sau khi cổ phiếu được niêm yết, TNG tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu: 1.236.000 cổ phiếu theo hình thức đấu giá công khai và 1.334.000 cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.

Định hướng phát triển của TNG trong những năm tới như thế nào? Liệu lĩnh vực may có phải vẫn là chủ đạo?

Định hướng phát triển của TNG trong những năm tới là đầu tư đa ngành để trở thành tập đoàn kinh tế có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và thế giới. Từ nay đến năm 2011, lĩnh vực sản xuất hàng may xuất khẩu vẫn là lĩnh vực chủ đạo được TNG chú trọng đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị công nghệ đầu tư mở rộng tăng năng lực và qui mô sản xuất lên 10.000 lao động.

Cùng với việc niêm yết cổ phiếu, Công ty sẽ mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiện có, đồng thời phát triển mảng kinh doanh bất động sản và nghiên cứu các lĩnh vực đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao như đầu tư kinh doanh bất động sản và kinh doanh thương mại.

Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2007, có đặt ra các chỉ tiêu của TNG đến năm 2010. Ông giải thích sao khi doanh thu của năm 2008 tăng hơn 67,5% so với năm 2007 nhưng lợi nhuận chỉ tăng có 17%? Tương tự, năm 2009, doanh thu tăng 63,8% nhưng lợi nhuận lại tăng đột biến 143%?

Năm 2008, chỉ tiêu doanh thu tăng 67,5% so với năm 2007 nhưng lợi nhuận chỉ tăng 17% là do Nhà máy TNG Sông Công mới được đưa vào sản xuất, chi phí tuyển dụng, đào tạo công nhân mới và trả lãi vay vốn đầu tư cao nên lợi nhuận giảm.

Năm 2009, chỉ tiêu doanh thu tăng 63,8% so với năm 2008, nhưng lợi nhuận lại tăng đột biến 143% là do đã giảm được chi phí đào tạo công nhân mới, chi phí lãi vay vốn đầu tư, tỷ lệ làm hàng bán FOB trên hàng gia công lớn hơn nên lợi nhuận tăng lên.

* TNG tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, thành lập ngày 22/11/1979. Đến ngày 1/1/2003, Công ty tiến hành cổ phần hóa chuyển đổi thành công ty cổ phần với 100% vốn của các cổ đông, chuyên về sản xuất và kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu.