16:30 31/10/2018

4 bước "kích hoạt" Fintech và kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Thủy Diệu

Một trong những lý do để phát triển lĩnh vực Fintech vì Hàn Quốc có nhiều chính sách đầu tư cho lĩnh vực này

Đông đảo các công ty Fintech Hàn Quốc và Việt Nam tham dự hội thảo “Thúc đẩy công nghệ Fintech và công nghệ thông tin trong thời đại chuyển đổi số”, sáng 31/10.
Đông đảo các công ty Fintech Hàn Quốc và Việt Nam tham dự hội thảo “Thúc đẩy công nghệ Fintech và công nghệ thông tin trong thời đại chuyển đổi số”, sáng 31/10.

Ông Kim Do-Hyon, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh như vậy tại hội thảo "Thúc đẩy công nghệ Fintech và công nghệ thông tin trong thời đại chuyển đổi số", sáng 31/10, tại Hà Nội.

Theo ông Kim Do-Hyon, ở khu vực Đông Nam Á, trước đây và hiện nay, trọng điểm tài chính đặt ở Singapore, nhưng ông cảm nhận được trọng điểm tài chính của khu vực sẽ chuyển về phía Việt Nam. Ông lấy ví dụ Cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) khi trước đặt ở Singapore - là chi nhánh khu vực, nhưng cách đây mấy tháng, chi nhánh này đã chuyển về Hà Nội.

"Với xu hướng phát triển của lĩnh vực Fintech và các nền tảng khác, Việt Nam đang trở thành điểm nóng của đầu tư Fintech", ông Kim Do-Hyon, nhấn mạnh.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Fintech là lĩnh vực rất quan trọng, nhiều quốc gia đang quan tâm xây dựng các giải pháp và nền tảng để phát triển cho lĩnh vực này. Theo ông, trên nền tảng là đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, thì Hàn Quốc cần là đối tác đầu tiên và trên hết trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

Điều đó vì, trong lĩnh vực đầu tư thương mại và sản xuất, hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Vì thế, lĩnh vực tín dụng và dịch vụ tài chính cho chính doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng là một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Fintech của Hàn Quốc.

Theo ông Kim Do-Hyon, các công ty Fintech của Hàn Quốc làm sao có được những giải pháp phục vụ tốt cho khối lượng doanh nghiệp và nguồn tiền đang tham gia vào nền kinh tế Việt Nam, và đây là một cơ hội lớn.

Ông Song Jun-Sang, Ủy viên thường trực của Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc, cho rằng, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ, trong đó Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc và Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam theo số liệu năm 2017.

Hai quốc gia cũng đang hợp tác rất chặt chẽ với nhau trong ngành tài chính. Hiện đang có 48 văn phòng đại diện của các tổ chức tài chính của Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. "Đây là thời điểm để nâng mối quan hệ hợp tác về tài chính lên một tầm cao mới, đặc biệt là quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực Fintech", ông Song Jun-Sang nêu quan điểm.

4 bước "kích hoạt" Fintech

Hàn Quốc khởi điểm chậm hơn so với các quốc gia hàng đầu về Fintech như Mỹ, Anh hay Trung Quốc, nhưng theo ông Jung Yoo Shin, Chủ tịch Trung tâm Fintech Hàn Quốc, quốc gia này đã cố gắng đón đầu để bắt kịp các quốc gia phát triển trên, do vậy, ngành Fintech đang được mở rộng tại quốc gia này.

Ông Jung Yoo Shin cho biết, một trong những lý do để phát triển lĩnh vực Fintech vì Hàn Quốc là quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, bên cạnh đó cũng có nhiều chính sách đầu tư cho lĩnh vực Fintech.

Theo đó có 4 bước để "kích hoạt" Fintech phát triển. Thứ nhất là việc Hàn Quốc xác định sẽ tham gia vào thị trường Fintech, do đó đặt ra vấn đề là làm thế nào để giúp các doanh nghiệp Fintech thâm nhập vào thị trường tốt hơn. Ví dụ như hỗ trợ phần vốn cho các doanh nghiệp Fintech.

Thứ hai là đơn giản các thủ tục từ phía nhà nước để đảm bảo thuận tiện cho các doanh nghiệp Fintech đầu tư, phát triển cho lĩnh vực này, như giảm thủ tục từ 3 tuần xuống còn 2 tuần.

Thứ ba là xây dựng hệ sinh thái cho Fintech, mở ra Trung tâm Fintech Hàn Quốc, từ đó tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Fintech. Hàn Quốc đã có sự thay đổi về mặt thể chế và quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn, cụ thể từ quy định đến tạo sự linh hoạt cho các thể chế tài chính, tạo cơ chế khuyến khích các mô hình thay đổi cho các công ty Fintech.

Cuối cùng là sự phát triển của các dịch vụ Fintech. Theo Chủ tịch Trung tâm Fintech Hàn Quốc, tương lai và hiện tại của Fintech cho thấy những xu hướng và các dịch vụ Fintech mới nổi và ngày càng phát triển. Theo ông, dịch vụ Fintech hiện tại mới là 2% trong tổng dịch vụ thanh toán tại Hàn Quốc nhưng trong tương lai con số này sẽ tăng lên nhanh chóng.

"Sở dĩ vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và Chính phủ Hàn Quốc cũng có những quy định mang tính hỗ trợ để các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty có tính chất dẫn đầu", ông Jung Yoo Shin nói và cho biết, giá trị của một công ty Fintech có thể lên tới hàng tỷ USD và Hàn Quốc đang có nhiều doanh nghiệp đạt được quy mô như vậy.