10:51 09/05/2022

4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản mang về gần 3,6 tỷ USD

Chu Khôi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thuỷ sản đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng giá trị xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đã đạt được 60% mục tiêu kim ngạch của cả năm 2022…

Xuất khẩu thủy sản năm nay tăng trưởng rất mạnh.
Xuất khẩu thủy sản năm nay tăng trưởng rất mạnh.

Tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục mang về trên 1 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản gần chạm mốc 3,6 tỷ USD, trong đó riêng tôm và cá tra đạt 2,31 tỷ USD.

SỨC BẬT CỦA CÁ TRA VÀ TÔM

So với tháng 4/2021, xuất khẩu cá tra tăng gấp hơn 2 lần với doanh thu 297 triệu USD. Nhờ đó, tính luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, ngành cá tra thu về nguồn ngoại tệ trên 950 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ và đã đạt đến khoảng 60% so với “kỳ vọng” xuất khẩu được đưa ra hồi đầu năm là 1,6 tỷ USD cho năm 2022.

Thị trường chính của cá tra vẫn là Trung Quốc và Mỹ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32% và 24,5%. Cả hai thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 3 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Trung Quốc tăng 161% đạt 306 triệu USD, Mỹ tăng 128% đạt hơn 232 triệu USD.

 “Tôm và cá tra Việt Nam đều tăng trưởng mạnh tại các thị trường nhờ nhu cầu cao và giá xuất khẩu tốt. Sau 2 năm kiềm chế vì dịch Covid, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng. Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng”, VASEP nhận định.

Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021. Tính đến hết tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ thu về 842 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021.

 

"Quý đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản mang về cho Việt Nam khoảng 2,5 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý 2 sẽ đạt 2,8 – 3 tỷ USD, tăng khoảng 36-38% so với cùng kỳ năm 2021 và trong nửa đầu năm nay sẽ đạt 5,3-5,5 tỷ USD. Nếu thị trường nửa cuối năm thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản sẽ đạt gần 11 tỷ USD, bỏ xa con số 8,9 tỷ USD của năm 2021".

Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm trước, nhất là mặt hàng cá tra.

Có 5 yếu tố chính khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá, đó là sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm; lạm phát cao; thuế Chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra; số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng; giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh.

Về thị trường Trung Quốc, VASEP cho biết Covid bùng phát mạnh và chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gặp ách tắc khi nhiều cảng nhập khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra Covid trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe.

Tuy nhiên, do nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc đang gia tăng thu hút nhiều hơn số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang đây bất chấp những thách thức trên.

Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc trong tháng 4 tăng gấp hơn 2 lần đạt 216 triệu USD. Luỹ kế tới hết tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% XK thuỷ sản sang thị trường này.

Xuất khẩu thủy sản sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm trọng lực chính, quyết định tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong những tháng tới.

NGÀNH TÔM ĐANG VƯƠN TẦM XA HƠN

Với ngành hàng tôm, VASEP nhận định, hiện nay tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh nhưng với các chính sách ổn định kinh tế của Mỹ thì nhu cầu tôm dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay.

Với nhu cầu của thị trường trong thời gian tới, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam cũng đã nhanh chóng lên kế hoạch sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đặt hàng.

Ông Hoàng Văn Duy, Công ty TNHH Kết nối Hải sản Mekong cho rằng, nhu cầu tôm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tại thị trường châu Âu, thị trường Mỹ và các thị trường cần nguồn thực phẩm cung ứng cho mùa hè.

Hiện đang là thời điểm phần lớn học sinh, sinh viên ở Mỹ và EU có nhiều chuyến dã ngoại thực tế và các nhà nhập khẩu cũng sẽ chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cho mùa thu.

Các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này. Do đó người nông dân sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ đà hồi phục của thị trường và nhu cầu của thế giới.

 

"Xuất khẩu tôm vẫn duy trì được tăng trưởng cao 35% trong tháng 4 đạt 406 triệu USD, đưa kim ngạch tôm 4 tháng đầu năm nay lên 1,36 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2021".

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIMEX Việt Nam cho hay, ngành tôm có chu kỳ hàng năm, phổ biến tăng tốc hoạt động từ đầu quý 2, khi nguồn tôm thương phẩm thả nuôi sớm vào kỳ thu hoạch. Người nuôi tôm ngày càng học “thuộc” bài toán kinh tế trong nuôi tôm. Việc này có ý nghĩa lắm, góp phần chung tay để tôm Việt vươn tầm nhanh hơn, xa hơn.

“Sự thay đổi trong phương án hoạt động của các mắt xích khá cơ bản chuỗi giá trị con tôm đã tạo ra một luồng sinh khí mới. Từ đó, người nuôi đã chủ động kỹ thuật hơn, thả nuôi gần như quanh năm dẫn đến “lịch thời vụ” trở nên mờ nhạt, ít ai còn quan tâm. Tất cả tạo nên một bước nâng cao về mặt bằng trình độ nuôi tôm ở miền Tây”, TS Lực nhận định.

Theo TS Lực, lợi ích của sự thay đổi này rất lớn và sâu rộng. Thả nuôi giãn ra, dẫn đến không còn tình trạng “nóng sốt” con giống khi đầu vụ như các năm trước đây. Thả nuôi giãn ra và chủ động quy trình nuôi sẽ không còn cảnh thu hoạch ồ ạt, khiến tôm thương phẩm giảm giá do cung cầu; người nuôi sẽ có giá tiêu thụ tốt và doanh nghiệp tôm cũng không bị áp lực ứ đọng nguyên liệu làm giảm chất lượng sản phẩm.

"Hai năm gần đây, một sự chuyển đổi rất đáng được quan tâm, đó là thành quả chuyển đổi số trong quy trình nuôi tôm. Nổi tiếng nhất là các thành tựu của TS Nguyễn Văn Mỹ ở Trà Vinh", TS Hồ Quốc Lực thông tin thêm và cho rằng, nếu nghiên cứu hoàn thiện thành một “mô thức” có thể thuận lợi chuyển giao tới các trang trại, hộ nuôi tôm và hứa hẹn sẽ tạo ra thêm một làn sóng cực mạnh thúc đẩy ngành tôm Việt nâng tầm cao hơn cho mình.

“Giai đoạn khai phá con đường mới lúc nào cũng có khó khăn ban đầu, tuy nhiên, theo xu thế sẽ cho chúng ta lòng tin sẽ sớm có những thành tựu mới ứng dụng trong nuôi tôm ở tương lai gần. Chắc chắc khi có mô thức chuyển giao thành công thì sự làn tỏa sẽ vô cùng sôi động. Niềm tin từ top 3 tiến tới ngôi đầu thế giới của tôm Việt có cơ sở chắc chắn là như vậy”, TS.  Lực kỳ vọng.