09:24 25/04/2007

4 tỷ hay 1 tỷ USD?

Hoàng Lộc

Một thông tin gần như trái ngược với thông tin của WB đưa ra đã tác động khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam - Ảnh: TP.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam - Ảnh: TP.
Đầu giờ sáng ngày 24/4, tại sàn giao dịch của các công ty chứng khoán ở Tp.HCM, các nhà đầu tư xôn xao bàn tán về thông tin đăng tải trên VietnamNet, gần như trái ngược với thông tin do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi đầu tháng 4/2007.

Cụ thể, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết: “Con số 4 tỷ USD vốn gián tiếp được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là chưa chính xác. Số tiền thực chất mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ có hơn 1 tỷ USD”.

Theo những con số mà ông Thành có được thì đến tháng 10/2006, số vốn đầu tư gián tiếp mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam mới chỉ khoảng 700 triệu USD và cuối năm 2006 cũng chỉ trên 1 tỷ USD. Ông Thành cũng cho biết, con số 4 tỷ USD đã được thông tin có thể hiểu là với số tiền thực sự đầu tư là 1 tỷ USD ban đầu, nhưng đến nay theo giá thị trường đã lên đến 4 tỷ USD, chứ hoàn toàn không có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài đổ 4 tỷ USD vốn gián tiếp vào Việt Nam trong thời gian qua.

Liên quan đến việc áp dụng các chính sách quản lý nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, ông Thành bày tỏ quan điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải đến lúc cần những biện pháp quản lý kiểm soát luồng vốn một cách mạnh mẽ. Điều quan trọng là phải tăng cường tính minh bạch về thông tin. Các nguồn vốn ra vào chúng ta phải biết nguồn vốn từ đâu, bao nhiêu và đằng sau nó là ai...

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Đây là số liệu đưa ra trong bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã được WB công bố vào đầu tháng 4/2007.

Trong bản báo cáo, WB còn đánh giá thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp tục được mở rộng do 20 doanh nghiệp Nhà nước lớn sẽ niêm yết vào năm 2007.

Mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh từ dưới 0,5 tỷ USD vào tháng 12/2005 lên 13,8 tỷ USD (22,7% GDP) vào cuối năm ngoái và hiện nay đạt mức 24,4 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện nay, trên sàn Tp.HCM, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 12 mã cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng hiệu (blue-chips) và chứng chỉ quỹ VF1 với tỷ lệ từ trên 45% đến mức tối đa cho phép là 49%, gồm: AGF, BMP, BT6, CII, GIL, GMD, REE, SAM, TDH, TMS, TYA, và VNM, riêng cổ phiếu của Sacombank nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu hết room là 30%.

Nguồn thông tin gần như trái ngược với thông tin của WB đưa ra đã tác động khá mạnh đến tâm lý của những nhà đầu tư trong nước, phiên 24/4, họ tiếp tục bán ra số lượng lớn cổ phiếu và mua vào rất ít, bảng điện tử đỏ rực ngay từ phiên khớp lệnh đầu tiên.

Nhiều nhà đầu tư trong nước mong muốn và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần công bố thông tin chính thức về vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đã mở và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài uỷ thác đầu tư vào thị trường chứng khoán, đồng thời đưa ra dự báo tổng số tiền nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2-3 năm tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ nên rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương với những nguồn thông tin trên thị trường, nhất là thông tin do những chuyên gia, tổ chức có tên tuổi đưa ra. Do đó, nên cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi tung thông tin ra thị trường.