403 phạm nhân nhóm tội về xâm phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng được đặc xá năm 2024
Trong tổng số 3.763 phạm nhân được đặc xá có 403 phạm nhân phạm các tội xâm phạm về chức vụ, kinh tế. Đặc biệt, trong danh sách đặc xá đợt này không có ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Bộ Khoa học và Công nghệ), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh Hải Dương), Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam)…
Ngày 30/9, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp cùng Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao họp báo quyết định công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2024.
3.763 PHẠM NHÂN ĐƯỢC ĐẶC XÁ NĂM 2024
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cho biết năm 2024 có 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch và các Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Liên quan đến người nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hồng Việt cho biết đợt đặc xá này có 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài trong đó có 19 phạm nhân nam, 1 phạm nhân nữ mang các quốc tịch là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Mỹ, Nam Phi… với các tội danh như giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc…
Sau khi các trường hợp này được đặc xá, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm đến các đại sứ, cơ quan ngoại giao. Các đơn vị này cùng phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam đón nhận người được đặc xá, thực hiện các thủ tục liên quan để đưa họ trở về nước hoặc đến nơi cư trú phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm thông tin thêm, trong tổng số 3.763 phạm nhân được đặc xá có 403 phạm nhân phạm các tội xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế và nhóm các tội tham nhũng, chức vụ. Ngoài ra, có 561 người là dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, Thái, Dao, Tày… Đặc biệt, trong danh sách đặc xá đợt này không có ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Bộ Khoa học và Công nghệ), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh Hải Dương), Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
NHIỀU PHẠM NHÂN HOÀN LƯƠNG CÓ ĐÓNG GÓP CHO XÃ HỘI
Theo ông Phạm Thanh Hà, đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng, xã hội.
“Cũng như các lần đặc xá đã thực hiện trong nhiều năm qua, khi xem xét đặc xá đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, đó là đặc xá phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá”, ông Hà cho biết thêm.
Ông Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi phạm tội là “nghiêm trị” kết hợp với “khoan hồng”.
Vì vậy, hình phạt mà pháp luật hình sự của Nhà nước Việt Nam áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, cảnh tỉnh, ngăn ngừa họ không phạm tội mới.
Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; tính ưu việt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt từ đã thực sự cải tạo tốt.
“Đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam đều được xét đặc xá”, ông Hà cho biết thêm.
Bên cạnh việc đáp ứng các điều kiện theo quy định, các phạm nhân được xem xét đặc xá cũng phải chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhận chức vụ, quản chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác…
Theo ông Hà, qua báo cáo của Bộ Công an, đại đa số những phạm nhân được đặc xá trước đây đều có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, hòa nhập với công đồng. Trong đó, có nhiều người đã có cuộc sống ổn định, có người thành đạt và tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng xã hội, được ghi nhận…