16:33 09/12/2021

80% dân số đã tiêm phòng Covid-19, Hàn Quốc vẫn chứng kiến số ca nhiễm cao kỷ lục

Bình Minh

Hàn Quốc đang trải qua một đợt bùng dịch Covid-19 mới, cho dù đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Sars-CoV2 cao nhất ở khu vực châu Á...

Xét nghiệm Covid ở Seoul, Hàn Quốc hôm 8/12 - Ảnh: Bloomberg.
Xét nghiệm Covid ở Seoul, Hàn Quốc hôm 8/12 - Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, Hàn Quốc vốn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về công tác chống dịch Covid-19, nhờ công tác xét nghiệm và truy vết hiệu quả các ca nhiễm. Tuy nhiên, trong tuần này, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc vẫn lập kỷ lục. Dữ liệu từ trang Our World in Data cho thấy Hàn Quốc có 7.100 ca nhiễm mới Covid-19 được phát hiện trong ngày 8/12, một con số cao chưa từng thấy, và mức bình quân của 7 ngày gần nhất là 5.567 ca mỗi ngày.

Ở thời điểm ngày 9/12, Hàn Quốc có 857 ca Covid-19 nặng, cũng là mức cao chưa từng thấy.

Hơn 80% dân số Hàn Quốc đã tiêm đủ vaccine Covid-19, nhưng số ca nhiễm mới không những không giảm mà còn tăng, đã hai ngày liên tiếp vượt 7.000 ca.

Giới chức Chính phủ Hàn Quốc cho rằng làn sóng lây nhiễm này xuất hiện một phần là do mức miễn dịch do vaccine tạo ra đã suy yếu. Những mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên ở Hàn Quốc được triển khai vào tháng 2, dành cho nhân viên y tế tuyến đầu và tiếp đó là người cao tuổi. Chính phủ Hàn Quốc đang kêu gọi dân chúng hợp tác bằng cách tiêm mũi thứ ba, đồng thời rút ngắn thời gian cho việc tiêm mũi tăng cường này.

“Làm ơn, làm ơn hãy tiêm mũi nhắc lại, đặc biệt là những người từ 60 tuổi trở lên, vì lợi ích cho sức khoẻ của bạn và an toàn xã hội”, Bộ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Hyang phát biểu tại một cuộc họp báo trong tuần này.

Những gì mà Hàn Quốc đang trải qua cũng tương tự như ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao khác của thế giới, nhất là những nước sớm triển khai việc tiêm vacicne Covid-19.

Israel đã khống chế được một làn sóng lây nhiễm gần đây bằng cách triển khai rộng mũi tiêm nhắc lại, với hơn 70% dân số trên 50 tuổi của nước này đã tiêm nhắc lại tính đến cuối tháng 11.

Singapore lúc đầu cũng chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh sau khi từ bỏ chiến lược “zero Covid” (triệt tiêu Covid-19), dù tỷ lệ tiêm đủ đạt hơn 85% dân số, vào hàng cao nhất thế giới. Singapore hiện cũng đang đẩy mạnh việc tiêm nhắc lại, đến nay đã có gần 25% dân số tiêm mũi thứ ba. Nhờ đó, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Singapore đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng.

Đối với Hàn Quốc, việc đẩy mạnh tiêm nhắc lại cũng là phương án được ưa chuộng hơn là áp các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt – cách làm có nguy cơ gây tổn hại tăng trưởng kinh tế, nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ và nhà hàng.

Khoảng 85% bệnh nhân Covid-19 nặng hiện nay ở Hàn Quốc là người trên 60 tuổi, và một nửa trong số đó đã tiêm đủ vaccine – theo Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA). Tháng trước, cơ quan này đã rút ngắn khoảng thời gian chờ giữa mũi tiêm thứ hai và thứ ba xuống còn 4 tháng, từ 6 tháng trước đó, đồng thời đẩy nhanh việc cung ứng vaccine cho việc tiêm nhắc lại.

Giới chức Hàn Quốc cũng xem việc tiêm nhắc lại là chìa khoá để chống lại sự nổi lên của biến chủng Omicron ở nước này. Hàn Quốc đến nay đã xác định được 60 ca mắc Omicron kể từ cuối tháng trước, sau khi một cặp đôi trở về từ chuyến du lịch Nigeria cho kết quả dương tính với biến chủng mới.

Bộ đôi nhà sản xuất vaccine Covid Pfizer/BioNTech ngày 8/12 nói rằng kết quả nghiên cứu ban đầu từ phòng thí nghiệm cho thấy mũi tiêm thứ ba loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA của họ có thể cần thiết để đảm bảo mức độ bảo vệ cao khỏi biến chủng Omicron.

“Số ca nhiễm mới gia tăng cho dù 80% dân số đã tiêm đủ vaccine đồng nghĩa chúng ta cần một mũi tiêm nhắc lại”, giáo sư Jung Ki Suck thuộc Đại học Hallym phát biểu. “Làn sóng lây nhiễm này thực sự khiến những chuyên gia như chúng tôi ngạc nhiên, vì khiến tôi đặt câu hỏi: ‘liệu đến bao giờ chuyện này mới thực sự kết thúc?’”