10:11 09/12/2021

WHO: Biến chủng Omicron có thể thay đổi đường đi của đại dịch

Đức Anh

Chia sẻ tại họp báo ngày 8/12 ở Geneva, Thụy Sỹ, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể Covid-19 Omicron có thể thay đổi đường đi của đại dịch nhưng hiện vẫn chưa biết chính xác tác động của biến thể này...

WHO cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng của Omicron - Ảnh: Reuters
WHO cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng của Omicron - Ảnh: Reuters

“Một số đặc điểm nhất định của Omicron, như lây lan ra toàn cầu và có số lượng lớn đột biến, cho thấy biến thể này có thể tác động lớn đến đường đi của đại dịch”, ông Tedros nói.

Trên thế giới, các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu để xác định khả năng lây lan và độc lực của biến thể mới này.

CÒN QUÁ SỚM ĐỂ KẾT LUẬN

Theo WHO, những thay đổi về mặt di truyền của virus ảnh hưởng đến độc lực của nó và cho thấy nó có thể lây nhiễm mạnh hơn các biến thể trước đó.

Theo bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, bằng chứng ban đầu từ Nam Pho cho thấy Omicron có độc lực nhẹ hơn so với biến chủng Delta, tuy nhiên bà nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để kết luận điều này. Bà cho biết các bệnh nhân nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ tại quốc gia này có thể chưa trải qua toàn bộ các giai đoạn của bệnh.

“Còn quá sớm để kết luận. Tôi muốn thận trọng với bất kỳ kết luận nào về mức độ nghiêm trọng của Omicron”, bà nói.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO - Ảnh: Getty Images
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO cũng lưu ý rằng các bệnh nhân dễ bị tổn thương trước biến thể Omicron, như người cao tuổi, chưa tiêm vaccine hoặc có bệnh nền, có nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn.

Thông tin mới nhất về Omicron được đưa ra trong bối cảnh biến thể này – được phát hiện lần đầu ở Nam Phi – đã lan ra 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

WHO cũng cho biết số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vẫn tăng đều với 4 triệu ca mới – tương đương với tuần trước. Tuy nhiên, số ca tử vong đã tăng 10% so với tuần trước với 52.500 ca tử vong mới.

TÁC ĐỘNG TỚI VACCINE

Ngày 7/12, các nhà khoa học Nam Phi công bố một nghiên cứu sơ bộ quy mô nhỏ về tác động của biến thể Omicron với hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, biến thể này có khả năng giảm đáng kể khả năng bảo vệ của kháng thể từ vaccine của Pfizer-BioNTech. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng những người đã khỏi bệnh và tiêm mũi vaccine tăng cường có thể được bảo vệ tốt hơn khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng.

Tại họp báo, tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine.

“Chúng ta chưa biết được điều đó, bởi miễn dịch là một hệ thống phức tạp. Có các tế bào T, rồi tế bào nhớ B… Vì vậy, điều thực sự cần bây giờ là một nỗ lực phối hợp nghiên cứu và không đi đến các kết luận theo từng nghiên cứu riêng lẻ”, bà Swaminathan nói.

Đầu tuần này, ông Albert Bourla, CEO của hãng dược Pfizer cho biết công ty này có thể phát triển một loại vaccine phòng ngừa biến thể mới Omicron vào năm 2022 nếu cần. Ông nhấn mạnh rằng sẽ mất vài tuần để xác định liệu các loại vaccine hiện tại có đủ để bảo vệ trước biến thể này hay không.

Cố vấn y tế trưởng của Nhà Trắng, tiến sĩ Anthony Fauci ngày 7/12 nói rằng các nhà khoa học sẽ có thêm dữ liệu về hiệu quả của vaccine trước biến thể mới vào giữa tuần tới.

“Chúng tôi sẽ có thể xác định xem liệu các kháng thể tạo ra nhờ tất cả các loại vaccine có thể mất hiệu quả trước Omicron hay không”, ông Fauci nói, cho biết các nghiên cứu xem xét cả virus sống và “virus giả” (pseudovirus). “Ngoài ra, chúng tôi đang thực hiện các nghiên cứu trên động vật để đánh giá khả năng tạo miễn dịch cũng như hiệu quả của thuốc kháng virus”.