16:56 25/07/2018

ACV lại dính loạt sai phạm trong đầu tư, xử lý kinh tế 117 tỷ đồng

KIỀU LINH

Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra một loạt sai phạm của ACV trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư

Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra một loạt sai phạm của ACV trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư.
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra một loạt sai phạm của ACV trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty Cổ phần quản lý.

Theo ACV báo cáo, giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, ACV đầu tư xây dựng 85 dự án với tổng mức đầu tư các dự án là 42.140 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là 1.420 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 4.221 tỷ đồng, vốn ODA là 12.443 tỷ đồng, vốn của ACV là 24.074 tỷ đồng.

Nhiều dự án giải ngân vượt kế hoạch

Kết quả thanh tra của Bộ Giao thông chỉ rõ: Công tác quy hoạch chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hoá dẫn đến một số cảng hàng không bị quả tải, một số cảng lại chưa đạt công suất theo quy hoạch. Các nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế khai thác dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số cảng để đáp ứng nhu cầu thực tế, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án. 

Cụ thể, theo quyết định số 3193 của Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030 nhà ga hành khách cải tạo mở rộng đạt công suất 25 triệu hành khách một năm nhưng tại thời điểm năm 2016, lưu lượng khách đạt 32,4 triệu lượt khách.

Trong khi đó, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đến năm 2015 đạt 7-8 triệu hành khách, thực tế, thời điểm 2016, lưu lượng khách đạt 1,7 triệu lượt khách. Điều này tương tự ở Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Cảng hàng không Cà Mau.

Trong các dự án đầu tư trên, có 5/85 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn như dự án mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc kế hoạch vốn là 380 tỷ đồng, giải ngân 393 tỷ đồng, vượt 13 tỷ đồng. Dự án Hệ thống đèn hiệu Cảng hàng không Chu Lai kế hoạch 42 tỷ đồng nhưng giải ngân 46,8 tỷ đồng, vượt 3,4 tỷ đồng…

72/85 dự án giá trị giải ngân thấp hơn so với kế hoạch vốn. Một dự án có kế hoạch vốn nhưng chưa giải ngân là Dự án sửa chữa nhà ga hành khách T1 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đầu tư dự án được phê duyệt. 

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, kết luận thanh tra nêu, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt một số dự án còn hạn chế, thay đổi thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án. Phê duyệt dự án đầu tư khi chưa đủ hồ sơ pháp lý, lập dự án đầu tư quy hoạch còn hạn chế.

Tồn tại một số dự án, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, dự toán chưa sát với thực tế. Thiết kế kỹ thuật thiếu chi ttiết gây khó khăn; tính sai đơn giá; tính trùng chi phí; biện pháp thi công chưa đúng. 

Nhiều vật tư sử dụng chỉ một hoặc hai báo giá nhà cung cấp không theo đúng quy định Thông tư 06/2016. Nhiều gói thầu sử dụng báo giá trọn gói của nhà cung cấp như: Cầu dẫn hành khách báo giá của công ty VTG;...

Đối với tiêu chuẩn áp dụng (thép và bê tông), kết luận thanh tra cho thấy, trong quá trình thi công nghiệm thu chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam (Dự án mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc, Vinh…) trong khi hồ sơ mời thầu theo chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn Anh, Mỹ là chưa phù hợp.

Tổng số tiền xử lý kinh tế 117 tỷ đồng

Về công tác đấu thầu, nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia như gói 4, 5, 5a dự án Nhà ga hành khách Phú Quốc hoặc có nhiều nhà thầu tham gia gói thầu nhưng chỉ có 1 nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật. Chủ đầu tư có văn bản xử lý tình huống cho phép mở thầu, với tình huống này chưa có sự cạnh tranh về giá.

Đối với công tác quản lý chất lượng công trình, dù ACV thuê đơn vị giám sát nhưng chất lượng công tác về mặt giám sát về chất lượng, khối lượng chưa cao. Một số công tác chưa tuân thủ theo quy định phải nghiệm thu theo quy trình để kiểm soát khối lượng, chất lượng; một số công tác, thiết bị lắp đặt thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế hoặc điều kiện hợp đồng nhưng vẫn được thanh toán.

Thanh tra một số dự án cụ thể cho thấy, tổng giá trị rà soát hồ sơ thiết kế, biện pháp tổ chức thi công được duyệt một số hạng mục do thiết kế, nghiệm thu không phù hợp làm tăng chi phí Dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất với số tiền là 47,48 tỷ đồng; Tại dự án Nhà ga hành khách Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, ACV thanh toán nhà thầu vượt giá trị hợp đồng 67,78 tỷ đồng.

Tổng giá trị kiến nghị giảm trừ khi thanh toán quyết toán do tính sai đơn giá, nghiệm thu sai khối lượng là 1,84 tỷ đồng. 

Về quyết toán, có 26 dự án đã quyết toán với tổng mức đầu tư 5.150 tỷ đồng; có 44 dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán với tổng mức đầu tư 30.411 tỷ đồng; tổng giá trị thực hiện 25.298 tỷ đồng, giá trị giải ngân 24.940 tỷ đồng. Số dự án quyết toán chậm tiến độ là 49 dự án.

Để xảy ra vi phạm trên, theo thanh tra, trách nhiệm trong công tác quy hoạch thuộc về Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam. ACV chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án. ACV rà soát, đánh giá tồn tại để khắc phục. Tổng số tiền xử lý về kinh tế là 117 tỷ đồng.