08:08 01/04/2009

ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam: Nên “hết sức thận trọng”

Anh Quân

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009 được ADB dự báo chỉ còn 4,5%

Công nhân tại nhà máy của Ford Việt Nam ở Hải Dương - Ảnh: AP.
Công nhân tại nhà máy của Ford Việt Nam ở Hải Dương - Ảnh: AP.
Sau thông tin Chính phủ Việt Nam có thể đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ 6,5% xuống mức 5%, nay đến lượt Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay của Việt Nam.

Theo báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế châu Á 2009 của ADB - công bố ngày 31/3, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009 được dự báo chỉ còn 4,5%, thay vì mức 6,5% được ADB đưa ra vào năm ngoái. Tổ chức này cũng cho rằng Việt Nam có thể lấy lại được đà tăng trưởng 6,5% vào năm 2010.

Báo cáo thường niên của ADB có điểm đáng chú ý là dự báo dài hạn dựa trên xu hướng ngắn hạn. Trong khi đó, "triển vọng kinh tế trong ngắn hạn bị che phủ bởi tình trạng không rõ ràng", bản báo cáo cho biết.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB Bahodir Ganiev phải thông báo: “Các bạn nên hết sức thận trọng với các con số chúng tôi đưa ra. Bởi vì, những biến số mà chúng tôi đưa vào tính toán có thể còn tiếp tục thay đổi”.

Giải thích cho vấn đề này, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng tình trạng không rõ ràng xuất phát từ việc những con số dự báo của ADB có thể thay đổi phụ thuộc vào những biến đổi của nền kinh tế toàn cầu và phụ thuộc vào các chính sách kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ Việt Nam.

Nếu Chính phủ áp dụng những biện pháp kích thích tài chính tham vọng hơn so với những giả định trong viễn cảnh cơ bản, tăng trưởng sẽ cao hơn, thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách sẽ lớn hơn, mức nợ công sẽ lớn hơn và lạm phát sẽ cao hơn, báo cáo phân tích.

Tuy nhiên, khá chắc chắn, báo cáo của ADB vẫn nhìn nhận lạc quan vào triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam: “Trong trung hạn, tăng trưởng GDP nhiều khả năng sẽ phục hồi ở mức 7-7,5% do dòng vốn FDI chảy vào mạnh”, báo cáo kết luận.

Giảm và tăng

Báo cáo của ADB nhận định kinh tế thế giới sẽ suy giảm mạnh mẽ trong năm nay với hầu hết các nền kinh tế chủ lực đều tăng trưởng âm và dung lượng thị trường thế giới giảm mạnh, buôn bán thương mại đi vào giai đoạn ảm đạm.

“Với Việt Nam, xuất khẩu bằng 70% GDP và nhập khẩu hơn 80% GDP, chắc chắn kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đầu tư và xuất khẩu”, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nói.

Cụ thể, với chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhất - tăng trưởng GDP, theo dự tính của cơ quan này, Việt Nam sẽ đạt mức 4,5% trong năm 2009 và nền kinh tế sẽ lấy lại nhịp độ tăng khá hơn, khoảng 6,5% vào năm 2010.

Báo cáo của ADB phân tích rằng chính sách tiền tệ nới lỏng và các biện pháp kích thích tài chính sẽ hỗ trợ tiêu dùng công và đầu tư từ các nguồn vốn trong nước; xuất khẩu ròng dự kiến sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân tiếp tục giảm do hoạt động kinh tế suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giá chứng khoán và đất đai giảm. Ngoài ra, sự suy giảm của dòng vốn FDI toàn cầu sẽ dẫn đến sụt giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bản báo cáo cũng cho rằng, lạm phát bình quân năm dự đoán sẽ giảm xuống mức 4% trong năm 2009, do GDP tăng trưởng ở mức thấp và giá cả hàng hóa thế giới dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm ngoái. Nhưng đến 2010, lạm phát sẽ tăng lên 5% do chính sách tiền tệ nới lỏng, giá cả hàng hóa thế giới tăng nhẹ và tăng trưởng phục hồi.

Năm 2009, thâm hụt tài khóa được ADB dự báo sẽ tăng lên 9,8% GDP do sự suy giảm nguồn thu từ dầu mỏ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, các biện pháp kích thích tài chính lại làm gia tăng các khoản chi từ ngân sách.

Do việc thâm hụt tài chính nặng nề hơn, nợ công có đảm bảo của Nhà nước sẽ tăng khá mạnh, từ 39,7% năm 2008 lên mức 45,8% GDP năm 2009. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ giảm vào năm 2010. “Gánh nặng nợ công sẽ vẫn duy trì ở mức vừa phải”, bản báo cáo “chốt” lại.

Thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 11,5% GDP trong năm 2009. Tuy có một số yếu tố hỗ trợ như Việt Nam đã chủ động chế biến dầu khí ở trong nước, nhưng kiều hối giảm mạnh do kinh tế khó khăn ở các nước, dòng vốn FDI suy giảm và FII vẫn ở mức thấp khiến cán cân thanh toán tổng thể sẽ thâm hụt, và sẽ chỉ được cải thiện đôi chút vào năm 2010.

Do tăng trưởng GDP giảm tốc, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng. ADB dự báo rằng thị trường lao động thu hẹp sẽ tạo lực đẩy cho nạn nghèo đói.

“Do đó, Chính phủ cần phải đảm bảo rằng người nghèo và người thất nghiệp nhận được hỗ trợ từ các biện pháp kích thích tài chính”, cơ quan này khuyến cáo.