19:02 13/10/2021

ADB dự kiến tài trợ khí hậu giai đoạn 2019-2030 lên 100 tỷ USD

Hồi cuối tháng 8 vưa qua, ADB đã phê duyệt khoản tài trợ 60 triệu USD để Việt Nam cải thiện hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Mục tiêu tài trợ khí hậu gia tăng là yếu tố chính trong nỗ lực của ADB nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển
Mục tiêu tài trợ khí hậu gia tăng là yếu tố chính trong nỗ lực của ADB nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố nâng tham vọng cung cấp tài trợ khí hậu cho các quốc gia thành viên đang phát triển trong giai đoạn 2019-2030.

Theo ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB nhận định: “Chúng ta sẽ chỉ thắng hoặc thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang xấu đi từng ngày, thúc đẩy nhiều bên kêu gọi tăng tài trợ khí hậu. Chúng tôi đang hành động để đáp ứng lời kêu gọi này, bằng cách nâng tham vọng tài trợ khí hậu lũy kế từ nguồn vốn riêng của ngân hàng lên tới 100 tỷ USD vào năm 2030”.

Trước đó, vào năm 2018, ADB cam kết bảo đảm ít nhất 75% tổng số hoạt động của mình là hỗ trợ hành động khí hậu, và các nguồn tài trợ khí hậu của riêng ngân hàng đạt lũy kế ít nhất 80 tỷ USD vào năm 2030.

Như vậy, thông báo mới này đồng nghĩa việc ADB nâng tham vọng tài trợ này lên mức cao hơn. ADB dự kiến tài trợ khí hậu lũy kế từ các nguồn lực riêng của mình trong giai đoạn 2019-2021 sẽ đạt khoảng 17 tỷ USD.

Mục tiêu tài trợ khí hậu gia tăng là yếu tố chính trong nỗ lực của ADB nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển. Đối mặt với những thách thức có liên quan lẫn nhau giữa đại dịch do Covid-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu, nhiều quốc gia thành viên đang phát triển đang có những hành động mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình phục hồi xanh, thích ứng và bao trùm. 20 tỷ USD bổ sung sẽ hỗ trợ cho chương trình nghị sự khí hậu trong 5 lĩnh vực chính.

Thứ nhất, những cách thức mới cho giảm thiểu biến đổi khí hậu, bao gồm lưu trữ năng lượng, tiết kiệm năng lượng và giao thông phát thải thấp khí các-bon. ADB dự kiến tài trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu lũy kế của mình sẽ đạt 66 tỷ USD.

Thứ hai, mở rộng quy mô các dự án thích ứng có điều chỉnh. Các dự án trong những lĩnh vực nhạy cảm về khí hậu như đô thị, nông nghiệp và nước sẽ được thiết kế với mục tiêu chủ yếu là thích ứng khí hậu hiệu quả và nâng cao khả năng chống chịu. ADB dự kiến tài trợ thích ứng khí hậu lũy kế của mình sẽ đạt 34 tỷ USD.

Thứ ba, gia tăng tài trợ khí hậu trong các hoạt động ở khu vực tư nhân của ADB. Việc mở rộng này sẽ được tăng cường bằng những cải thiện về hiệu quả hoạt động, sự phục hồi về nhu cầu tài chính của thị trường sau đại dịch, các công nghệ mới và sự đổi mới trong tài trợ khí hậu, cùng những lĩnh vực kinh doanh mới cho các hoạt động khí hậu của khu vực tư nhân. ADB dự định hỗ trợ các sáng kiến ​​này với 12 tỷ USD tài trợ khí hậu lũy kế cho khu vực tư nhân từ các nguồn lực của riêng mình và dự kiến ​​sẽ thu hút thêm từ 18 tỷ USD tới 30 tỷ USD.

Thứ tư, hỗ trợ công cuộc phục hồi xanh, thích ứng và bao trùm sau đại dịch Covid-19, bao gồm thông qua các nền tảng tài chính sáng tạo như Quỹ Tài chính xanh xúc tác và nền tảng phục hồi xanh ASEAN, dự kiến ​​sẽ tận dụng nguồn vốn từ các thị trường vốn và các nhà đầu tư khu vực tư nhân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng các-bon thấp.

Thứ năm, ADB sẽ hỗ trợ thúc đẩy cải cách tại các quốc gia thành viên đang phát triển để khai mở các hành động thông qua cho vay chính sách, nhằm hỗ trợ những chính sách và thể chế giúp nâng cao khả năng thích ứng khí hậu và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Xuyên suốt những lĩnh vực này, ADB sẽ tiếp tục tăng cường tiếp cận các công nghệ mới tập trung vào khí hậu và huy động nguồn vốn tư nhân hướng tới tài trợ khí hậu.

Việt Nam cũng được hưởng lợi từ hành động trên của ADB. Được biết, hồi cuối tháng 8 vừa qua, ADB đã phê duyệt khoản vay trị giá 58 triệu USD để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là Bình Định và Quảng Nam, đặc biệt là ở các huyện miền núi, nơi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số.