Agribank góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, gia tăng vốn phục vụ tiêu dùng tại tam nông
Agribank với hơn 32 năm gắn bó, đồng hành cùng "tam nông" đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng triệu hộ nông dân trong cả nước
Với lợi thế là ngân hàng thương mại hoạt động chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank với hơn 32 năm gắn bó, đồng hành cùng "tam nông" đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng triệu hộ nông dân trong cả nước.
TĂNG ĐỘ PHỦ NGUỒN VỐN TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN "TAM NÔNG"
Trong năm 2019, Agribank đã triển khai hiệu quả chương trình ưu tiên dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng của cá nhân, hộ sản xuất, tạo thuận lợi để người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn cũng dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Ngay sau khi ban hành văn bản 287/NHNo-HSX về chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình vào đầu năm 2019, Agribank đã chỉ đạo toàn hệ thống cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội,… để phổ biến kịp thời, giúp người dân nắm bắt đầy đủ chính sách tín dụng của ngân hàng.
Theo đó, Agribank triển khai đầy đủ các sản phẩm tín dụng qua hơn 2.300 điểm giao dịch, đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn. Ngoài ra, Agribank cũng chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng ở các huyện, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Với tỷ trọng cho vay đối tượng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân lên tới gần 70%/dư nợ cho vay nền kinh tế, Agribank hiện có quy mô dư nợ cho vay nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng; đặc biệt dư nợ với đối tượng khách hàng này có sự tăng trưởng mạnh tại nhiều khu vực.
Ngay từ khi triển khai cho đến nay, gói tín dụng tiêu dùng, đời sống đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình ngày càng thu hút lượng khách hàng đông đảo. Đến nay, sau hơn 1,5 năm triển khai, doanh số cho vay của chương trình đã vượt xa con số 5000 tỷ đồng đạt 17.101 tỷ đồng, dư nợ 2.488 tỷ đồng; trong đó những khu vực có doanh số cho vay lớn tập trung ở Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung, trung du Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, khu 4 cũ, Tây Nguyên. Tính đến 31/8/2020, đã có 384.814 khách hàng được tiếp cận và vay vốn từ chương trình này.
NGĂN CHẶN VẤN NẠN TÍN DỤNG ĐEN
Để tăng cường phục vụ kịp thời vốn cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng,.. của khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, hiện nay, Agribank đang là ngân hàng chủ lực triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ "nông nghiệp sạch"; Cho vay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, Agribank đã và đang quyết liệt triển khai nhiều hành động cụ thể nhằm đẩy lùi tình trạng tín dụng đen tại khu vực nông thôn bằng việc triển khai các biện pháp tích cực như: phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Với 69.061 tổ vay vốn, 1.407.971 khách hàng, dư nợ đạt 163.523 tỷ đồng (tính đến hết tháng 8/2020) tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, Agribank đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, được xem là một kênh dẫn vốn hiệu quả của Agribank với chi phí thấp, giảm thời gian đi lại.
Đồng thời phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tính đến nửa đầu năm 2020, Agribank đã triển khai 68 xe ô tô trên 66 chi nhánh, 429 xã, với 1.038.127 khách hàng, 10.715 phiên giao dịch, giải ngân 3.925 tỷ đồng, thu nợ 4.190 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 2.017 tỷ đồng. Ngoài ra, các điểm giao dịch lưu động đã thực hiện một số nghiệp vụ khác như: Chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp ngân sách nhà nước, bán bảo hiểm…
Thể hiện nỗ lực cùng Chính phủ và ngành Ngân hàng hạn chế tín dụng đen, với vai trò là một trung gian tín dụng, sẵn sàng tiên phong, chủ lực trong triển khai chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm chuẩn bị các điều kiện để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách này, Agribank đã triển khai hướng dẫn, rà soát, sửa đổi, tập huấn các văn bản quy định liên quan đến các chi nhánh trong toàn hệ thống.
Agribank tập trung phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, trong đó trên 30 sản phẩm tín dụng đa dạng sẵn sàng cung cấp đến 4 triệu khách hàng hiện có và 20 triệu khách hàng tiềm năng.
Nhằm khắc phục những tồn tại khiến doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của nhà nước và không để cho tín dụng đen tồn tại, Agribank thực hiện hướng đến đa dạng các đối tượng khách hàng và hình thức tín dụng chính, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển "Tam nông".
Ngoài ra, Agribank tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong cho vay tiêu dùng, nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức trong thời điểm phải khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid 19 trước đó và thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay.