10:11 02/08/2024

Ẩm thực đường phố đã "cứu" vỉa hè ở TP.HCM

Băng Sơn

Vỉa hè trung tâm TP.HCM sau ba tháng thu phí đã chứng minh là một yếu tố quan trọng trong việc tạo bản sắc riêng thu hút khách du lịch ẩm thực…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bất chấp nền ẩm thực cao cấp đang phát triển mạnh mẽ, ẩm thực đường phố vẫn thống trị thành phố lớn nhất Việt Nam. Thật sáo rỗng khi nói rằng có thiên đường ẩm thực vỉa hè, nhưng ở TP.HCM điều này thực sự đúng. “Tôi tin rằng ẩm thực đường phố là sự cứu rỗi của nhân loại,” Anthony Bourdain, một đầu bếp nổi tiếng và nhà quay phim tài liệu du lịch, người rất yêu thích Việt Nam, đã từng kết luận.

Liệu điều đó có khiến TP.HCM trở thành một trong những vị cứu tinh vĩ đại giúp tạo dựng văn hóa vỉa hè văn minh sạch đẹp? Cẩm nang hướng dẫn du khách Michelin Guide thì nhận định: Để nếm thử các món ăn đường phố, quận 1 chính là con mắt (tương đối) yên bình của cơn bão đô thị. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy những đại lộ rộng lớn, công viên xanh mát và nhiều địa điểm tham quan, bảo tàng, cũng như hoạt động giúp bạn bận rộn giữa các bữa ăn.

Theo sông Sài Gòn, ẩm thực đường phố và quán ăn gia đình trải dài từ phía Đông sang Tây. Cuốn cẩm nang này khuyên khách du lịch hãy bỏ qua bữa tiệc buffet tại khách sạn để ăn sáng như người dân địa phương với tô phở bốc khói tại Phở Minh, nhà hàng Michelin Guide 2024 Bib Gourmand nằm trong một con hẻm xinh xắn. Nét chữ cổ điển trên bảng hiệu tiết lộ lịch sử của cơ sở, đã tồn tại đã gần 80 năm.

Bất chấp nền ẩm thực cao cấp đang phát triển mạnh mẽ, ẩm thực đường phố vẫn thống trị thành phố lớn nhất Việt Nam.
Bất chấp nền ẩm thực cao cấp đang phát triển mạnh mẽ, ẩm thực đường phố vẫn thống trị thành phố lớn nhất Việt Nam.

Có nhiều phần thịt bò để lựa chọn theo sở thích nhưng hãy nhớ gọi thêm bánh pâtéchaud kèm theo. Món bánh nhân pa tê này chỉ có ở các quán phở cũ của Sài Gòn và là một đặc sản ít được biết đến của thành phố. Phở Minh chỉ mở cửa phục vụ bữa sáng và đóng cửa thường là khoảng 10 giờ sáng nhưng đôi khi sớm hơn khi đã bán hết lượng thức ăn cố định đã chuẩn bị công phu, vì vậy hãy đến đó sớm nhất có thể.

Quận 1 có rất nhiều thứ để xem và làm, bao gồm Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Sài Gòn, chúng nằm không quá xa và hoàn toàn có thể đi bộ. Nếu bạn có thiên hướng về nghệ thuật và kiến trúc di sản, hãy cân nhắc việc đi dạo vài con phố về phía nam để ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, quận 1, gần chợ Bến Thành được chia làm ba phần, phân biệt bằng màu sơn vạch kẻ. Phía ngoài cùng rộng khoảng một mét là chỗ để xe máy, ở giữa là lối dành cho người đi bộ rộng gần 2 m, phần trong cùng rộng tương đương dành cho hàng quán thuê làm mặt bằng buôn bán. Không hẳn là đồ ăn đường phố, nhưng Bếp Mẹ Ỉn (Phố Lê Thánh Tôn), một quán ăn nhỏ nằm trong danh sách Michelin Guide 2024 Bib Gourmand, tuy nhiên vẫn phục vụ một loạt món ăn đường phố Sài Gòn với mức giá phải chăng. Đặc trưng ở đây là bánh xèo, một loại bánh xèo chiên giòn với tôm, thịt lợn và giá đỗ.

Thống kê ở TP.HCM hiện có hơn 4.800 đường rộng 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Nhiều năm qua, tình trạng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị. Các quận, huyện đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự, song việc này được ví như "bắt cóc bỏ dĩa". Từ khi thu phí theo khu vực quy hoạch các vỉa hè đã quang đãng và hết lộn xộn. So với trước đó, phần đường dành cho người đi bộ được phân biệt rõ ràng bởi hai vạch kẻ vàng và trắng trở nên thông thoáng.

Theo quy định, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông. Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2.

Từ khi thu phí theo khu vực quy hoạch các vỉa hè đã quang đãng và hết lộn xộn.
Từ khi thu phí theo khu vực quy hoạch các vỉa hè đã quang đãng và hết lộn xộn.

Việc thu phí cũng sẽ được thành phố áp dụng công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt. Phương pháp này giúp tăng tính minh bạch, không phát sinh thêm nhân sự. Sở Giao thông Vận tải xây dựng phần mềm quản lý, công khai mức phí, phương thức thu, phương án khai thác... để người dân nắm thông tin cũng như giám sát. Tiểu thương thuê vỉa hè phải đóng phí, đổi lại sẽ được bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp. Đã có 290 trường hợp đăng ký, thu về hơn một tỷ đồng.

"Khi bụng đã ngót, hãy đến Xôi Gà Number One gần chợ Bến Thành, quán ăn nhỏ này có hai phiên bản, bạn nên thử cả hai: Bắt đầu với xôi gà và kết thúc với và xôi ngô một món quà ngọt ngào. Sau đó tiêu thực bằng cách dạo quanh chợ, trước khi vào một trong những quán cà phê gần đó để thưởng thức cà phê đá Việt Nam với sữa đặc", Michelin Guide viết.

Ông Tài, chủ cửa tiệm trên đường Phan Bội Châu, đối diện cửa Đông chợ Bến Thành cho biết, trước đây vỉa hè rộng hơn 5 m nhưng người đi bộ phải len lỏi tìm khoảng trống để đi vì xe máy, bàn ghế, sạp bán đồ, biển hiệu đã choán hết chỗ. Mấy tháng nay đường có phân chia rõ ràng, các hộ buôn bán ý thức được phần nào việc sử dụng hay chừa cho người đi bộ.

Bãi giữ xe trên đường Phan Chu Trinh ở cửa Tây chợ Bến Thành cũng được tổ chức quy củ hơn, các hàng xe máy được xếp gọn gàng theo vạch kẻ đã áp dụng thu phí, chừa lối đi bộ. Trước đây, phần vỉa hè tại đây chỉ dùng để xe, người đi bộ phải len lỏi qua khoảng trống hoặc xuống lòng đường để đi. Cách đó một km, vỉa hè trên đường Hải Triều trước tòa nhà Bitexco được sắp xếp trật tự theo khu vực để xe máy, lối đi bộ, nơi đặt bàn ghế theo diện tích đã đăng ký khác hẳn so với cảnh bị hàng rong, xe máy lấn chiếm hồi tháng 4.

Theo sông Sài Gòn, ẩm thực đường phố và quán ăn gia đình trải dài từ phía Đông sang Tây.
Theo sông Sài Gòn, ẩm thực đường phố và quán ăn gia đình trải dài từ phía Đông sang Tây.

Một quản lý quán phở trên đường Hải Triều cho biết, quán thuê hơn chục mét vuông vỉa hè với chi phí khoảng 5 triệu đồng cho ba tháng. Trước đây, cơ sở chỉ đặt bàn ghế bên trong, khi có khách đông phải kê bàn ghế ra ngoài cho khách ngồi nhưng trật tự độ thị xuống kiểm tra phải vội thu dọn rất phiền toái, ảnh hưởng đến thực khách đang ăn, có lúc khách nước ngoài đang ngồi ăn, phải yêu cầu họ đứng dậy để dọn bàn gây bất tiện.

"Nhiều du khách lấy điện thoại ra quay lại cảnh giành giật bàn ghế lại với lực lượng chức năng trông rất ngại ngùng", anh nói. Theo quản lý quán, từ khi thu phí vỉa hè vào tháng 5, quán đặt thêm ba bộ bàn ghế với 18 chỗ ngồi thì khách ăn uống rất thoải mái vẫn tuân thủ cự ly cho người đi bộ.

Ngoài các cửa hàng kinh doanh, một số người bán hàng rong cũng trả phí để sử dụng phần vỉa hè theo quy định. Họ kê nhiều mâm trái cây bán cho người qua đường. Bà Luyến, 63 tuổi, thuê khoảng 8 m2 vỉa hè trên đường Phan Chu Trinh với phí khoảng một triệu đồng mỗi tháng để bán sầu riêng, măng cụt. Việc bán theo khu vực được phân chia đã trật tự hơn, không còn phải lo cảnh bị lực lượng chức năng đuổi, thu đồ đạc.