Ăn đậu ngự để thanh lọc cơ thể
Sở dĩ có tên là đậu ngự vì giống đậu này xưa chỉ được trồng để tiến vua. Cũng như hầu hết các loại đậu khác, đậu ngự có nhiều vitamin nhóm B, nhiều sắt, kali, ít chất béo và năng lượng.

Đậu ngự là một loại hạt thuộc họ đậu có tên tiếng anh, khoa học là lima bean Phaseolus lunatus , kích thước hạt to khoảng bằng đầu ngón tay út của người trưởng thành, hạt bầu tròn, vỏ hạt có màu đỏ và trắng đan xen. Theo nghiên cứu, hạt đậu ngự là nguồn dinh dưỡng rất phong phú, có lượng chất đạm cao hơn các các loại ngũ cốc khác từ hai đến năm lần. Đậu tươi có mùi rất thơm, ít tinh bột, nhiều bó sợi nên dẻo bùi. Đậu ngự không những giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể mà còn kiềm chế cảm giác thèm ăn, thích hợp cho người đang ăn kiêng, kích thích vị giác.Đậu ngự là một trong những nguồn cung cấp tốt nhất các sợi hòa tan giúp điều hòa việc chuyển vận thức ăn trong ruột và thải trừ cholesterol, ổn định lượng đường trong máu. Qua nghiên cứu thì thấy những người được cung cấp thường xuyên các thực phẩm họ đậu giàu chất sợi hòa tan như đậu ngự đã giảm cảm giác thèm ăn.


Đậu ngự được trồng ở nhiều vùng trên đất nước Việt Nam nhưng chỉ có đậu ngự được trồng ở đất Huế mới làm nên chén chè đặc sản vùng Cố đô mà thôi. Trái đậu ngự có thân dẹp, vỏ mỏng, bên trong có từ 3 đến 5 hạt đậu. Sau khi bóc lớp vỏ dày bên ngoài ta có những hạt đậu to cỡ ngón tay cái, căng mọng có màu xanh trắng điểm những chấm tím. Đậu ngự dùng nấu chè thường là đậu tươi, mới hái, hạt đậu mềm, trắng, vị mát, thanh đạm có tác dụng giải nhiệt rất tốt.Để có được những hạt đậu trắng ngần cần chần đậu qua nước nóng, ngâm khoảng 30 phút lấy ra bóc sạch lớp vỏ cứng bên ngoài và lớp vỏ lụa bám sát hạt đậu, có thể tách luôn mầm ở giữa, chú ý nhẹ tay tránh cho hạt đậu không bị xây xát. Sau đó ta có thể ninh đậu với lửa nhỏ hoặc đem đậu đi hấp chừng 10 phút, đậu ngự tươi thường rất nhanh chín, hấp đậu tuy không cầu kì nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo, đậu phải chín đúng độ, nếu chưa tới đậu sẽ sượng, nếu chín quá đậu sẽ nát. Yêu cầu là hạt đậu chín mềm nhưng phải còn nguyên vẹn, không vỡ nát.Chè đậu ngự đạt được hương vị thanh mát, thuần khiết nhất là khi dùng chung với đường phèn. Cho đường phèn vào nấu với nước, khuấy đến khi đường tan hết thì tắt bếp. Đợi cho nước đường có thời gian lắng, lọc qua rây để thu lấy nước đường thật trong. Sau đó mới nhẹ nhàng rót nước đường vào đậu, chờ khoảng nửa tiếng để vị ngọt thấm sâu. Không cần thêm bất cứ một hương liệu nào khác, tự hạt đậu đã tỏa ra hương thơm rất đặc trưng rồi.
Múc chè ra chén sứ, ướp lạnh trước khi dùng. Tự hạt đậu đã có hương thơm đặc trưng nên đừng cho thêm hương liệu để giữ cái vị riêng của đậu. Nâng chén chè đậu ngự, những hạt đậu trắng nõn cùng nước chè trong veo và mùi thơm nhẹ nhàng phảng phất. Khi nếm thử qua, bạn mới thấy trong sự thanh nhã ấy là đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực bởi hương vị thanh khiết đến lạ lùng, đượm chút quyền quý và đài các mà chẳng dễ gì giải thích được.

Ảnh: Bếp nhà Moon