16:19 19/01/2022

Ấn Độ "trải thảm đỏ" 10 tỷ USD thu hút các nhà sản xuất chip toàn cầu

Đức Anh

Động thái này nằm trong nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi nhằm đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao trong khu vực...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Reuters

Theo tin từ Nikkei Aisa, Ấn Độ vừa bắt đầu triển khai gói ưu đãi trị giá 760 tỷ Rupee (10,2 tỷ USD) để thu hút các nhà sản xuất chip toàn cầu tới nước này. 

Chương trình ưu đãi trên được Chính phủ Ấn Độ thông qua ngày 15/12/2021 và bắt đầu nhận ứng viên từ ngày 1/1/2022. Cũng giống nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung chip trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thiếu chip đang ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành sản xuất công nghiệp từ ô tô cho tới thiết bị điện tử.

Ấn Độ hiện nhập khẩu 100% thiết bị bán dẫn với giá trị nhập khẩu khoảng 24 tỷ USD mỗi năm. Chương trình trên nhằm giúp quốc gia này tự chủ về nguồn cung chip - linh kiện quan trọng trong điện thoại, máy tính, ô tô và nhiều thiết bị điện tử như máy giặt, TV, tủ lạnh... Dù nhu cầu tăng cao trong dại dịch, các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ vẫn dự báo sụt giảm doanh số trong năm 2022 do tình trạng thiếu chip.

Điều trớ trêu là Ấn Độ là quốc gia thiết kế chip hàng đầu với 25.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực này. Thị trường thiết bị bán dẫn của Ấn Độ trị giá hơn 33 tỷ USD trong năm 2020.

Chương trình trên sẽ ưu đãi 50% chi phí ban đầu cho việc thiết lập các trung tâm sản xuất chip tại Ấn Độ, bao gồm các quy trình thuộc giai đoạn trước (front-end) trong hoạt động chế tạo chip. Chính phủ Ấn Độ cùng với chính quyền các bang của nước này sẽ xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao được trang bị nước sạch, nguồn điện dồi dào và hạ tầng hậu cần.

Ngoài ra, nước này cũng hỗ trợ các cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip (thuộc giai đoạn sau - back-end), đồng thời hỗ trợ các startup thiết kế chip và bồi dưỡng thêm nhiều tài năng trong lĩnh vực này để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn toàn diện trong nước.

Đây không phải chương trình đầu tiên của Ấn Độ nhằm thu hút các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các chương trình tương tự trước đây không nhận được sự hưởng ứng tích cực của các công ty. Điểm khác biệt lần này là chương trình tập trung trước vào các quy trình back-end để xây dựng mối quan hệ với các công ty đầu ngành, sau đó mới đi sâu vào các quy trình front-end phức tạp với hàm lượng công nghệ nhiều hơn.

“Đến nay phản hồi với chương trình rất tích cực”, Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin của Ấn Độ chia sẻ với Bloomberg ngay sau khi chương trình được công bố. “Tất cả các công ty, nhà sản xuất lớn đều đang thảo luận với các đối tác Ấn Độ. Nhiều công ty muốn trực tiếp tới và xây dựng cơ sở ở Ấn Độ”.

Ông Ashwini Vaishnaw cho biết một nhà máy bảng màn hình đang sắp hoàn thành và một số nhà máy bán dẫn sẽ đi vào sản xuất trong 2-3 năm tới.

Sau khi thông tin về chương trình trên được công bố, Rhandir Thakur, giám đốc vận hành sản xuất chip của Intel, đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter nói rằng ông rất vui “khi chương trình ưu đãi của Ấn Độ mở ra cho hầu hết các khía cạnh trong chuỗi cung ứng chip: tài năng, thiết kế, sản xuất, kiểm tra, đóng gói và hậu cần”.

Ấn Độ nhập khẩu khoảng 24 tỷ USD thiết bị bán dẫn mỗi năm - Ảnh: Reuters
Ấn Độ nhập khẩu khoảng 24 tỷ USD thiết bị bán dẫn mỗi năm - Ảnh: Reuters

Đáp lại dòng tweet này của giám đốc Intel, Bộ trưởng Vaishnaw viết: “Intel - chào mừng đến Ấn Độ".

Dù đoạn trao đổi trên mạng xã hội này làm dấy lên đồn đoán rằng Intel sẽ xây dựng một trung tâm sản xuất chip mới ở Ấn Độ, nhưng công ty Mỹ cho biết họ chưa có kế hoạch mới nào tại quốc gia Nam Á để công bố ở thời điểm này.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi rằng chỉ riêng các ưu đãi này chưa đủ để thúc đẩy nguồn cung chip tại Ấn Độ. Hiện tại, chỉ một số thị trường châu Á có hoạt động sản xuất chip ở giai đoạn front-end, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.

Chính phủ Ấn Độ trước đó nói rằng việc đảm bảo tài nguyên đất, nước, điện và nhân lực tài năng cần thiết để vận hành các có sở sản xuất chip là một ưu tiên quốc gia. Tuy nhiên, các nỗ lực thu hút nhà sản xuất chip nước ngoài trước đây của quốc gia này thường đi vào bế tắc khi gặp phải một trong các vấn đề như sự phản đối của người dân liên quan tới việc sử dụng đất hoặc thay đổi tạm thời trong quy định về lao động tại các bang.

Quan hệ lao động có thể là một thách thức tại tại Ấn Độ. Hon Hai Precision Industry, còn được biết đến là Foxconn, và Wistron – hai nhà thầu lắp ráp theo hợp đồng của Apple, đều phải vấp phải các cuộc biểu tình liên quan tới điều kiện lao động ở Ấn Độ.