Hãng chip lớn nhất thế giới báo lãi kỷ lục
Nhà sản xuất chip Đài Loan TSCM dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới nhờ nhu cầu linh kiện bán dẫn bùng nổ...
TSMC báo lãi kỷ lục 6 tỷ USD trong quý IV/2021, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu chip với ô tô, laptop, điện thoại thông minh và thiết bị điện tử khác tăng mạnh trên toàn cầu. Trong quý, doanh thu của công ty đạt 15,8 tỷ USD, tăng 24,1% so với quý IV năm 2020.
Hiện là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, TSMC có khách hàng là các công ty lớn như Apple, Qualcomm.
Nhu cầu thiết bị điện tử tăng bùng nổ trong đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng thiếu chip trầm trọng, buộc các nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất đồ điện tử phải cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, đơn hàng dồn dập đổ về TSMC và các nhà sản xuất chip khác. Dự báo nhu cầu vẫn tăng cao, TSMC cho biết sẽ nâng mức đầu tư lên khoảng 40-44 tỷ USD trong năm nay, từ mức 30 tỷ USD của năm 2021.
Năm ngoái, TSMC thông báo kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD để mở rộng sản xuất trong vài năm tới, khi mà các công nghệ mới nhưviễn thông thế hệ thứ 5 (5G), các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu chip.
“TSMC đang bước vào thời kỳ tăng trưởng cơ cấu cao hơn”, CEO C. C. Wei của công ty cho biết tại buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh trực tuyến. “Chúng tôi hiện là doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất châu Á và là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Dự báo công suất sản xuất sẽ vẫn eo hẹp trong năm nay và nhu cầu chip sẽ duy trì bền vững trong dài hạn”.
“Với công suất tối đa, triển vọng đơn hàng trong ngắn hạn của TSMC vẫn rất tươi sáng”, các nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Fubon Research, có trụ sở tại Đài Bắc, nhận định trong một báo cáo đầu tháng này.
Dự báo về một “xu hướng hướng lớn trong nhiều năm” với nhu cầu chip tăng mạnh do các công nghệ mới, TSMC nâng mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong vài năm tới lên 15-20%, từ mức 10-15% đưa ra trước đó.
Tại họp báo, ông Wei bác bỏ những lo ngại về việc thị trường có thể dư cung chip trong những năm tới. Ông nhấn mạnh rằng sự gia tăng đáng kể của các loại chip trong mặt hàng công nghệ như xe điện có thể giúp TSMC vượt qua những lần điều chỉnh của thị trường.
“Kể cả khi thị trường xảy ra một đợt điều chỉnh, tôi cho rằng biến động cũng không lớn đối với TSMC nhờ xu hướng lớn về mặt cơ cấu và việc chúng tôi đang có vị thế dẫn đầu về công nghệ”, ông Wei nói.
Vị CEO này cũng cho biết công ty đặt mục tiêu dài hạn là tăng trưởng biên lợi nhuận gộp đạt mức 53% trở lên, tăng từ mức trên 50% đưa ra trước đó.
Nhà sản xuất chip Đài Loan dự báo doanh thu quý I/2022 sẽ nằm trong khoảng 16,6-17,2 tỷ USD, so với 12,92 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong cả năm, TSMC dự báo tăng trưởng doanh thu ở mức khoảng 20%.
Cổ phiếu TSMC đã tăng hơn 7% từ đầu năm 2022, đưa vốn hóa của công ty lên 618 tỷ USD. Cổ phiếu này đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/1 tăng 1,66% nhờ kết quả kinh doanh vượt dự báo của các nhà phân tích và dự báo triển vọng tươi sáng trong năm nay.