12:10 29/10/2021

Áp lực bán gia tăng, VHM đơn độc “cân” chỉ số

Kim Phong

Thị trường xuất hiện áp lực bán mạnh trong phiên sáng cuối tuần khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ sắp kết thúc. Đặc biệt cổ phiếu blue-chips giảm la liệt, chỉ còn duy nhất VHM tăng đủ mạnh để giữ VN-Index còn xanh nhẹ...

Vn30-Index chưa thể phục hồi lại tham chiếu được vì nhiều trụ còn giảm mạnh.
Vn30-Index chưa thể phục hồi lại tham chiếu được vì nhiều trụ còn giảm mạnh.

Thị trường xuất hiện áp lực bán mạnh trong phiên sáng cuối tuần khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ sắp kết thúc. Đặc biệt cổ phiếu blue-chips giảm la liệt, chỉ còn duy nhất VHM tăng đủ mạnh để giữ VN-Index còn xanh nhẹ.

Đà suy yếu của VN30 có tín hiệu khá sớm khi ngay vài phút vào phiên chỉ số đã quay đầu giảm với độ rộng rất kém. GAS và SAB đột ngột sụt nhanh gây áp lực sớm nhất.

Giá dầu giảm không hẳn là nguyên nhân khiến GAS giảm, vì hai phiên trước giá dầu rơi mạnh nhóm dầu khí vẫn tăng tốt. GAS cũng không phải bị bán quá nhiều mà do cầu mua rất kém. Giá cổ phiếu này đến T+3, T+4 đã tăng gần 12%. Có lẽ sự thận trọng từ phía mua khiến GAS tụt giá. Mở cửa GAS đã mất 0,8% so với tham chiếu. SAB trong 30 phút đầu tiên cũng giảm khoảng 1,58%.

Tín hiệu xấu sau đó là đà phục hồi trở lại không có sự dẫn dắt tốt. Các phiên trước nhóm vốn hóa lớn đều phát tín hiệu tăng trở lại một cách rõ ràng và tăng liên tục. Trái lại sáng nay nhịp hồi hầu như chỉ phụ thuộc vào cặp đôi VIC và VHM. Cả VN-Index lẫn VN30-Index đều tăng cao nhất đến khoảng 10h30 và chỉ trên tham chiếu tương ứng 0,5% và 0,34%.

VHM là trụ đỡ chính ở nhịp tăng này khi tăng mạnh ngay từ 9h30 trở đi. Cổ phiếu này đạt đỉnh lúc 10h23, trên tham chiếu 5,56%. VIC chỉ tham gia từ khoảng 10h15 trở đi và cũng đạt đỉnh gần 10h30, tăng cao nhất 1,58%. Không hề có sự hỗ trợ từ các cổ phiếu vốn hóa lớn khác, chẳng hạn VCB, HPG, MSN, VNM, trong khi GAS lại giảm sâu hơn nữa và chạm đáy lúc hơn 11h, giảm tới 2,8%.

Sự thiếu đồng bộ trong các trụ đã ép VN-Index lao dốc khá mạnh, chạm đáy lúc 11h07, mất 0,4% so với tham chiếu tương đương gần 6 điểm. VN30-Index giảm sâu nhất 0,54%. Điều khác biệt ở nhịp giảm này là độ rộng co lại rất nhanh. Lúc VN-Index đạt đỉnh khoảng 10h24, sàn HoSE ghi nhận 210 mã tăng/220 mã giảm, giữ được độ phân hóa bình thường. Đến khi VN-Index giảm chạm đáy, độ rộng chỉ còn 144 mã tăng/307 mã giảm. Điều đó nghĩa là sự suy yếu của chỉ số đã kéo theo sự suy yếu của cổ phiếu trên diện rộng.

Chốt phiên sáng VN-Index vẫn chỉ có 176 mã tăng/270 mã giảm nhưng chỉ số đã vượt nhẹ tham chiếu 1,04 điểm nhờ VHM vẫn tăng 4,32%, VIC tăng 0,74% và NVL tăng 2,5%. Trong đó riêng VHM đã cộng cho VN-Index tới hơn 4 điểm, nghĩa là ngay cả khi VIC, NVL không tăng được thì chỉ số vẫn có sự đảm bảo an toàn.

VN30-Index chốt phiên sáng đã giảm 2,22 điểm tương đương 0,15% so với tham chiếu. Độ rộng chỉ còn 9 mã tăng/19 mã giảm. VHM vẫn là cổ phiếu có vai trò rất lớn ở chỉ số này, nhưng khác biệt nằm ở các trụ còn lại: MSN giảm quá mạnh 2,31%, HPG giảm 1,03%, đồng thời nhóm ngân hàng hầu hết là giảm.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đa số là giảm giá.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn đa số là giảm giá.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn đang tốt nhất nhưng không còn giữ được khả năng áp đảo nữa. VNSmallcap tăng 0,62% nhưng độ rộng chỉ còn 80 mã tăng/93 mã giảm. Có 13 cổ phiếu trong rổ này kịch trần. Nhóm LDG, PHC, HAR, TDG, DRH đang thanh khoản tốt nhất và giá tăng hết biên độ.

Áp lực bán tăng mạnh sáng nay một cách rõ rệt, đặc biệt ở các blue-chips. Rổ Vn30 tăng giao dịch tới 32% so với sáng hôm qua, đạt gần 5.749 tỷ đồng nhưng cổ phiếu đa phần đổ đèo giảm. VHM, NVL đang là hai cổ phiếu blue-chips duy nhất tăng giá tốt với thanh khoản cao. VHM dẫn đầu thị trường với 877,4 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, NVL đứng thứ 4 với 562,3 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu thép có HPG, NKG, HSG thanh khoản rất cao nhưng giá đều giảm ít nhất trên 1%.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay đang bán ròng khoảng 116 tỷ đồng trên HoSE, nhưng mua ròng khá tốt ở VHM. Mã này nhận ròng xấp xỉ 79 tỷ đồng, nhưng cầu ngoại không phải là động lực tăng giá, khi lượng mua chỉ chiếm khoảng 11% tổng thanh khoản. TNH, VCB, CTG là các mã duy nhất còn lại được mua ròng trên 20 tỷ đồng. Phía bán ròng có NLG bị xả 75 tỷ, VRE khoảng 49 tỷ, PAN hơn 41 tỷ, HPG, BCG quanh 20 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường có yếu đi trong buổi sáng và vốn ngoại bán ròng, nhưng vẫn còn phiên chiều để lật ngược tình thế. Những ngày gần đây khối ngoại thường mua rất mạnh buổi chiều. Mặt khác hoạt động tái cơ cấu danh mục cũng còn ở cuối phiên.