15:41 13/04/2023

Áp lực bán tăng mạnh, khối ngoại xả ròng phiên thứ 6 liên tiếp

Kim Phong

Thanh khoản trên sàn HoSE chiều nay tăng tới 32% so với buổi sáng, đi kèm với đó là cổ phiếu hạ độ cao cả loạt. Dù độ rộng không xấu hơn quá nhiều, nhưng mặt bằng giá đã thấp hơn đáng kể so với phiên sáng. VN-Index chốt phiên giảm 5,15 điểm tương đương -0,48%...

VN-Index chiều nay rơi xuống mặt bằng thấp hơn hẳn so với phiên sáng.
VN-Index chiều nay rơi xuống mặt bằng thấp hơn hẳn so với phiên sáng.

Thanh khoản trên sàn HoSE chiều nay tăng tới 32% so với buổi sáng, đi kèm với đó là cổ phiếu hạ độ cao cả loạt. Dù độ rộng không xấu hơn quá nhiều, nhưng mặt bằng giá đã thấp hơn đáng kể so với phiên sáng. VN-Index chốt phiên giảm 5,15 điểm tương đương -0,48%.

Diễn biến của các chỉ số khá giống nhau, từ VN30-Index tới VNSmallcap-Index. Thực tế là giá cổ phiếu yếu đi nhiều, chỉ một con số cũng cho thấy điều đó: Kết phiên sáng, HoSE mới có 96 mã giảm trên 1% thì đóng cửa đã là 142 mã. Độ rộng từ chỗ có 113 mã tăng/233 mã giảm buổi sáng thành 121 mã tăng/268 mã giảm lúc đóng cửa.

Rổ cổ phiếu blue-chips VN30 cũng cho thấy mặt bằng giá thấp xuống. Cụ thể, có 18/30 mã rổ này giảm so với giá chốt buổi sáng, chỉ 10 mã có cải thiện. VHM sụp tới 1,75% so với phiên sáng và đóng cửa giảm 2,13% là mã lấy đi nhiều điểm nhất của VN-Index.

VN30-Index đóng cửa giảm 0,56% với 8 mã tăng/22 mã giảm, so với 10 mã tăng/16 mã giảm buổi sáng. Duy nhất STB tăng 1,34% và BID tăng 1,24% là đáng kể. Trong khi đó NVL giảm 3,65%, GVR giảm 2,45%, VHM giảm 2,13%, TCB giảm 1,63%, POW giảm 1,47%, HPG giảm 1,45%.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn chiều nay cũng tăng vọt hơn 28% so với buổi sáng, đạt 6.330 tỷ đồng. Mức thanh khoản tăng cao này đi kèm với giá cổ phiếu giảm nhiều hơn chắc chắn xác nhận áp lực bán hạ giá đã tăng lên.

HoSE ghi nhận 68 cổ phiếu giảm trên 2% với nhiều mã nằm trong nhóm Top thanh khoản của thị trường. Chẳng hạn NVL giảm 3,65% với 479 tỷ đồng; VND giảm 2,56% với 471 tỷ đồng; VCI giảm 2,61% với 228,3 tỷ; HSG giảm 2,89% với 94,6 tỷ; VIX giảm 2,47% với 29,5 tỷ... Thống kê cho thấy giao dịch ở nhóm giảm giá trên 2% này chiếm tới 24,2% tổng giá trị khớp của sàn HoSE.

Xếp theo thanh khoản khớp lệnh, cổ phiếu giao dịch càng nhiều càng dễ giảm giá mạnh, cho thấy có sức ép gia tăng từ phía bán.
Xếp theo thanh khoản khớp lệnh, cổ phiếu giao dịch càng nhiều càng dễ giảm giá mạnh, cho thấy có sức ép gia tăng từ phía bán.

Trong bối cảnh độ rộng rất hẹp, nhóm đi ngược dòng cũng có một số cổ phiếu đáng chú ý. Khoảng một nửa số cổ phiếu còn tăng giá ở HoSE hôm nay (60 mã) tăng trên 1%. Trong đó nhóm thanh khoản tốt nhất là DIG tăng 1,16% giao dịch 427,7 tỷ đồng; STB tăng 1,34% giao dịch 426,2 tỷ; DGC tăng 3,02% với 259 tỷ; HCM tăng 1,58% với 179,2 tỷ; CII tăng 2,67% với 171,8 tỷ; KBC tăng 1,15% với 162,5 tỷ; DCM tăng 2,02% với 123 tỷ, FRT tăng 2,62% với 104,3 tỷ.

Như vậy thị trường vẫn đang tụ lại với một nhóm cổ phiếu còn nhận được dòng tiền mua tốt ở vùng giá cao và tăng. Tuy nhiên thay đổi đáng chú ý là độ rộng ngày càng hẹp dần. Việc chỉ số giảm điểm không quá quan trọng, nhưng độ rộng hẹp tức là lần lượt có tác động bán ra ảnh hưởng lên giá cổ phiếu nhiều hơn. Có thể nhà đầu tư đang xoay vòng chốt lời dần, chỉ là chưa dẫn đến một đợt bán lớn rõ rệt.

Khối ngoại trong phiên chiều vẫn bán ra nhiều hơn mua vào dù cả chiều mua lẫn bán đều tăng so với buổi sáng. Cụ thể, tổng giá trị bán trên HoSE là 499,4 tỷ đồng, mua vào 350,5 tỷ đồng. Như vậy mức bán ròng chiều nay tương đương buổi sáng và tính chung cả phiên là -297,8 tỷ đồng. VND bị bán ròng nhiều nhất -67,8 tỷ, HPG -58,8 tỷ, STB -57,7 tỷ, VCI -41,3 tỷ, PVD -30,8 tỷ, VCB -27,3 tỷ, VNM -23 tỷ. Phía mua ròng chỉ có HDB +24,3 tỷ đồng là đáng kể.

Đợt bán ròng này của khối ngoại đã bước sang phiên thứ 6 liên tiếp với giá trị bán ròng lũy kế gần 1.752 tỷ đồng chỉ tính riêng với cổ phiếu. Thống kê cũng cho thấy bên mua nhiều là các nhà đầu tư cá nhân. Trong 3 phiên vừa qua của tuần này các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng khoảng 1.500 tỷ đồng.