Triển vọng kinh doanh ngân hàng nhìn từ mùa đại hội cổ đông năm 2023
Bước vào mùa đại hội cổ đông năm nay, trong số 15 ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh nhưng có tới 10 đơn vị chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 thấp hơn năm 2022…
Theo giới phân tích, triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám trên toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam do độ mở lớn. Điều này tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng.
THAM VỌNG LỢI NHUẬN CAO
Ba ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là BIDV, VietinBank và VietcomBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 10-13% cho năm 2023, sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư số 26/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 26) có hiệu lực vào cuối năm 2022 đã hạ tỷ lệ LDR (Loan to Deposit: tỷ lệ tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) của cả BIDV và VietinBank, giúp cải thiện tăng trưởng tín dụng cho 2 ngân hàng này.
Ngân hàng ACB cẩn trọng đặt mục tiêu 10% tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.
Trong khi đó, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 33% cho năm 2023, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất hệ thống được công bố cho đến thời điểm hiện tại.
Nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán VnDirect nhận định thương vụ phát hành riêng lẻ 15% gần đây với SMBC sẽ cải thiện CAR (hệ số an toàn vốn) của VPBank, thúc đẩy tăng tín dụng của ngân hàng này.
VIB đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 25% trong năm 2023. Trong năm nay, VIB đề ra chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ.
HDBank đặt mức tăng trưởng tín dụng 24% cho năm 2023. Theo các chuyên gia, HDBank vẫn còn dư địa để đạt mức tăng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng quy mô nhờ (i) tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, (ii) CAR (hệ số an toàn vốn) đạt 13,4% tại cuối 2022.
Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức ban đầu được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Ba thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng trong năm 2023 là (i) cầu tín dụng giảm; (ii) chi phí tín dụng cao hơn và (iii) nợ xấu gia tăng.
Do đó, 10/15 ngân hàng thương mại đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 thấp hơn năm 2022.
BIDV, VietinBank và VietcomBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10 – 15% so với cùng kỳ.
Các ngân hàng thương mại khác cũng đặt mục tiêu từ 10-17% tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 dù năm trước có thể đạt mức 30-40%.
Đến nay, Techcombank là ngân hàng duy nhất đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận âm cho năm 2023 (-14% so với cùng kỳ).
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu VnDirect, Techcombank phải đối mặt với một loạt khó khăn đến từ (i) tỷ trọng tín dụng cao liên quan tới nhóm ngành bất động sản/trái phiếu doanh nghiệp; (ii) CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sụt giảm mạnh do khách hàng chuyển sang gửi tiền gửi kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao và (iii) hạ tín nhiệm từ Moody’s.
Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng rất cao trong năm 2023.
Ba thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng trong năm 2023 là (i) cầu tín dụng giảm; (ii) chi phí tín dụng cao hơn và (iii) nợ xấu gia tăng.
Đáng chú ý có VPBank với mục tiêu tín dụng đạt 636 nghìn tỷ đồng (+33% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 24 nghìn tỷ đồng (+13% so với cùng kỳ). Đây là kế hoạch khá tham vọng xét trong bối cảnh chung là cầu tín dụng còn yếu và tỷ trọng tín dụng cao với nhóm bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng.
Ngoài VPBank, Sacombank cũng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao bất kể những khó khăn hiện tại: lợi nhuận trước thuế đạt 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Một điểm đáng chú ý khác trong mùa đại hội đồng cổ đông 2023 là kế hoạch tăng vốn/sáp nhập của các ngân hàng. Bất chấp tình hình thị trường khó khăn hiện tại, VietcomBank công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư tài chính trong năm 2023 để cải thiện CAR (hệ số an toàn vốn), giúp cải thiện hạn mức tăng trưởng tín dụng. MSB cũng trình đại hội cổ đông 2023 kế hoạch sáp nhập với một ngân hàng thương mại khác trong năm nay.
PHỤ THUỘC VÀO TỐC ĐỘ PHỤC HỒI NỀN KINH TẾ
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước và toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến cầu tín dụng, từ đó tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết trong kịch bản khả quan nhất, tăng trưởng năm 2023 có thể đạt mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đã đề ra. “Chẳng hạn như Fed sẽ giảm lãi suất, kèm theo đó là các tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô thế giới về sự phục hồi toàn cầu. Tình hình trong nước cũng ghi nhận việc phục hồi nhanh theo hình chữ V khi các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trở lại, thị trường bất động sản được khơi thông nguồn vốn, thì kinh tế vào cuối năm nay có thể đạt ở mức từ 6,3 đến 6,6%”, TS. Huân nhận định.
Tuy nhiên, ông Huân cũng đưa ra 2 kịch bản khác tiêu cực hơn.
Dựa trên các yếu tố về lãi suất, tăng trưởng, lạm phát, khi tiến hành chạy mô phỏng nền kinh tế dựa trên mô hình AI và các mô hình định lượng (trên giả định phục hồi kinh tế nhờ vào việc giảm lãi suất trong quý 1 và đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu), TS. Huân giả định nếu lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm tiếp tục giảm 1-2%, cũng như đầu tư công giải ngân theo đúng tiến độ thì tăng trưởng quý 2 có thể đạt 5,2- 5,5% và quý 3 có thể đạt từ 5,7 đến 5,8%, trong khi đó quý 4 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất 6-6,2%. Ở kịch bản này, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra.
Trong kịch bản bi quan, khi tỷ giá đảo chiều tăng và Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm lãi suất, sức cầu trong nước tiếp tục yếu đi và nền kinh tế toàn cầu diễn biến xấu hơn thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể nằm ở mức thấp kỷ lục là 4 đến 4,5%.
Kết thúc quý 1/2023, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng chỉ 3,3%, mức thấp nhất trong lịch sử 20 năm trở lại đây nếu không tính trong giai đoạn Covid-19.
Lạm phát dù vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng các chuyên gia cho rằng chưa thể chủ quan khi dự kiến tăng giá điện cũng như tăng lương trong thời gian tới, đe dọa các mục tiêu vĩ mô đề ra đầu năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng trưởng sụt giảm mạnh là do chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2022 trước các cú “shock” kinh tế toàn cầu và việc Fed tăng lãi suất đột ngột, kèm với đó là sự khủng hoảng và đóng băng ở thị trường bất động sản, dẫn đến tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng trong nước.
Lãi suất trong nước tăng cao đã gây ra khó khăn trong thanh khoản của toàn nền kinh tế, làm cho dòng vốn bị đứt đoạn.
Nếu như tình hình hiện nay vẫn không có tín hiệu khởi sắc thì tăng trưởng sẽ tiếp tục xấu đi trong các quý còn lại và đây sẽ là một năm khó khăn nữa cho nền kinh tế.
"Khi một đoàn tàu đang chạy nhanh với gia tốc và quán tính lớn nhưng đột ngột phanh gấp, sẽ cần rất nhiều thời gian để đạt được tốc độ như ban đầu. Lịch sử đã chứng minh điều đó khi trước năm 2008, tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn đạt trên 8%, nhưng khi khủng hoảng nổ ra, tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng và chỉ đạt mức quanh 5% trong một thời gian dài hơn 5 năm sau đó"k, tiến sĩ Huân nhận xét.
Trên thế giới, biên bản họp tháng 3/2023 của Fed cho thấy các quan chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 0,4%. Dữ liệu của Fed Atlanta cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,2% trong quý đầu tiên. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ suy yếu vào cuối năm nay và thu hẹp mức tăng cả năm.
Tuy nhiên, khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25% vào đầu tháng 5 tới đây vẫn cao, bất chấp dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay.
Trong dự báo đưa ra hồi tháng 3/2023, hầu hết quan chức Fed nhận định lãi suất sẽ chạm 5,1% trong năm nay, tức sẽ có thêm 1 đợt nâng 25 điểm cơ bản vào ngày 2-3/5/2023 theo giờ Việt Nam.
Ngày 12/4, John Williams, Chủ tịch Fed New York và Phó Chủ tịch FOMC, cho biết khả năng tạm ngưng sau một đợt nâng lãi suất nữa là điều cần bàn luận thêm tại cuộc họp tháng 5/2023.
Không chỉ tại Mỹ, ngày 11/4, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,1% cho năm 2023 và 2024. Cụ thế, IMF dự báo mức tăng trưởng toàn cầu là 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2024, thấp hơn so với ước tính được công bố vào tháng 1.