Australia sắp thử nghiệm lâm sàng thuốc xịt ngừa lây nhiễm Covid-19
Từ tháng 2/2022, các nhà nghiên cứu y sinh do một nhóm chuyên gia người Australia dẫn đầu sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc xịt mũi heparin - thường được sử dụng để chống đông máu, trong việc chống lây nhiễm Covid-19...
Trên trang web của Đại học Melbourne, các nhà khoa học thuộc Đại học Melbourne và Đại học Monash của Australia cùng Đại học Oxford của Anh cho rằng thuốc heparin chống đông máu có thể vô hiệu hóa các protein gai của virus SARS-CoV-2 – vốn giúp virus này thâm nhập tế bào và làm lây lan dịch bệnh.
Thuốc xịt mũi này ra đời dựa trên nghiên cứu cho thấy nhiễm trùng SARS-CoV-2 ban đầu bám vào mũi thông qua một phân tử gọi là heparan sulfate. Còn heparin là một chất chống đông máu được sử dụng rộng rãi, được phát hiện lần đầu tiên hơn một thế kỷ trước và được sử dụng một cách an toàn để điều trị các cơn đau tim và cục máu đông. GS Gary Anderson, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Phổi của Đại học Melbourne cho biết, nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra rằng heparin giống với heparan sulfat về mặt phân tử đến mức nó có thể vô hiệu hóa các phần tử SARS-CoV-2 khi được tiêm trực tiếp vào các tế bào trong mũi.
"Heparin - thành phần hoạt chất trong thuốc xịt của chúng tôi - có cấu trúc rất giống với heparan sulphat, vì vậy nó hoạt động như một 'mồi nhử' và có thể nhanh chóng ngăn protein đột biến của virus không cho nó lây nhiễm," TS. Anderson giải thích. Đặc biệt là thuốc xịt mũi này hoạt động hiệu quả với tất cả biến thể hiện nay của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron.
Thuốc heparin có nhiều ưu điểm, trong đó có giá thành rẻ, dễ sử dụng và bảo quản, chỉ cần giữ ở nhiệt độ phòng. Theo ông Anderson, thuốc xịt này rất dễ sử dụng, với hai lần xịt mỗi bên mũi, 3 lần một ngày. Do đó, ngoài vaccine, phương pháp này rất hữu ích khi có thể bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương, trong đó có người già, phụ nữ mang thai, những người có hệ miễn dịch yếu và nhân viên y tế tuyến đầu.
Theo Straitstimes, thử nghiệm lâm sàng heparin sẽ được tổ chức tại bang Victoria của Úc, sử dụng một nền tảng theo dõi và điều trị sáng tạo, cho phép các nhà nghiên cứu truy cập và điều trị từ xa cho bệnh nhân trong vòng 24 giờ kể từ khi chẩn đoán. Được biết, nghiên cứu kéo dài 6 tháng và sẽ bắt đầu vào tháng 2/2022. Mục tiêu sẽ là điều tra xem liệu thuốc xịt mũi có ngăn được Covid-19 khi tiếp xúc gần với các trường hợp đã được xác nhận nhiễm bệnh hay không.
Theo các nhà nghiên cứu, những người tham gia sẽ không bị phơi nhiễm hoặc bị nhiễm virus, tuy nhiên những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ không được chấp nhận tham gia nghiên cứu này. Tiến sĩ Paul Griffin, một chuyên gia y tế của Nucleus Network cho biết, trong trường hợp quá trình thử nghiệm diễn ra thành công, phương pháp cung cấp vaccine độc đáo này sẽ có mặt trên thị trường trong một hoặc hai năm.
Các nhà khoa học cho biết, hầu hết các loại vaccine Covid-19 hiện nay đều bảo vệ cơ thể không phát triển các triệu chứng nghiêm trọng sau khi người bệnh bị Covid-19, trong khi vaccine thử nghiệm được thiết kế để ngăn chặn lây nhiễm virus. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm chương trình thử nghiệm đã được một ủy ban đạo đức độc lập phê duyệt và mỗi người tham gia sẽ được trả 1.280 đô la Úc.
“Điều cần thiết là chúng tôi phải kiểm tra hiệu quả thực tế của heparin trong một thử nghiệm lâm sàng đối chứng giả dược, với phương pháp “mù đôi” (một cách để kiểm tra lại các cuộc thí nghiệm y học nhằm bảo đảm cả các nhà nghiên cứu dược chất cũng như người được thử nghiệm đều không biết thuốc mình đang sử dụng là thật hay giả, nhằm loại trừ những sai lầm từ cả phía người làm thí nghiệm và nhóm được thí nghiệm), được thiết kế nghiêm ngặt, vì điều này sẽ cung cấp các bằng chứng xác thực,” GS. Don Campbell của nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết việc sử dụng heparin dưới dạng xịt mũi sẽ không dẫn đến tình trạng loãng máu trên diện rộng vì nó không đi vào máu khi dùng qua mũi. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này không được đề xuất thay thế cho việc tiêm chủng. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu hy vọng thuốc sẽ giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19 nghiêm trọng và ngăn ngừa sự lây truyền tiếp ở những người đang trải qua các bệnh lây nhiễm đột phá.