15:49 18/04/2013

Ba “câu chuyện viết dở” của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Anh Minh

Có lẽ Bộ trưởng cảm nhận rõ hơn ai hết sức ép về việc phải hoàn thành nhiệm vụ, trong bối cảnh có áp lực từ nhiều phía

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh.
Hơn một năm rưỡi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh đã cùng các đồng sự tiến hành nhiều cải cách quan trọng trong lĩnh vực quản lý của mình.

Nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu một bộ quan trọng như vậy, có lẽ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảm nhận rõ hơn ai hết sức ép về việc phải hoàn thành nhiệm vụ, trong bối cảnh có áp lực từ nhiều phía, mà bất cập của vấn đề đổi đất lấy công trình trong “mô hình BT”, của việc cấp phép ồ ạt cho các khu kinh tế và của việc phân cấp quá sâu rộng trong cấp phép đầu tư cho các tỉnh thành là một số câu chuyện ví dụ dưới đây.

Tuy nhiên, sửa đổi chính sách như thế nào và với liều lượng ra sao vẫn đang là những câu hỏi khó, đặc biệt khi các thay đổi chính sách đều không tránh khỏi đụng chạm đến các cá nhân và tổ chức khác nhau với những lợi ích khác nhau.

Chuyện thứ nhất: Thanh tra dự án BT tại Hà Nội


Tròn một năm trước, giới đầu tư hạ tầng và bất động sản tại Hà Nội được một phen "sốc" khi những nội dung trong kết luận thanh tra số 215 của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ký ngày 13/1/2012, được công bố trên báo chí. Văn bản này cho rằng tại những dự án BT của Hà Nội, đã có những quyết định không hợp lý gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục triệu USD cho ngân sách nhà nước.

Sự việc nghiêm trọng tới mức ngày 28/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã phải có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát tình hình thực hiện các dự án BT trên địa bàn.

Với những nội dung được công bố, nhiều người có cảm tưởng các cơ quan chức năng sẽ "sờ gáy" một loạt chủ đầu tư các dự án BT, đồng thời phía phê duyệt các dự án này là UBND thành phố Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Trong nhiều tháng sau đó, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Hà Nội và các bộ ngành liên quan đã có nhiều cuộc họp quan trọng. Nhiều công văn cũng đã được gửi đi gửi lại để trao đổi về các nội dung mà Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập.

Hà Nội sau đó đã cho tiến hành một đợt rà soát các dự án BT trên địa bàn và cuối cùng đã có một kết luận liên quan đến các dự án BT được ban hành. Tuy nhiên, những người theo dõi sâu về lĩnh vực này đều thấy rằng khá nhiều dự án trong số 12 dự án "nghi vấn" theo danh sách của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không được "cập nhật" trong kết luận của Hà Nội. Từ đó đến nay, câu chuyện dường như bắt đầu rơi vào quên lãng và cũng không thấy có thêm kết luận mới nào liên quan đến vấn đề này được công bố chính thức.

Chuyện thứ hai: Phân loại khu kinh tế để tập trung đầu tư


Trước tình hình các khu kinh tế được thành lập nhiều nhưng quá trình triển khai không hiệu quả, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra đề xuất về việc cần thiết phải lựa chọn một số khu nhất định để tập trung đầu tư.

Ý tưởng này đã được cụ thể hóa trong đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn từ 2013”, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến vào tháng 7/2012.

Một bộ tiêu chí đánh giá các khu kinh tế ven biển cũng đã được xây dựng với 5 tiêu chí quan trọng gồm (i) có cảng biển đầu mối vận chuyển hàng hoá (250 điểm); (ii) cảng hàng không thuận lợi cho khu kinh tế (200 điểm); (iii) dự án động lực của khu kinh tế (150 điểm); (iv) kết quả thu hút đầu tư (150 điểm); (v) vị trí chiến lược khu kinh tế đối với phát triển vùng (250 điểm).

Áp theo bộ tiêu chí này, các khu kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấm điểm như sau: khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất được 1.000 điểm; Đình Vũ - Cát Hải 880 điểm; Nghi Sơn và Vũng Áng 825 điểm; Phú Quốc 805 điểm; Chân Mây - Lăng Cô và Vân Phong 775 điểm; Vân Đồn 675 điểm; Nhơn Hội 665 điểm; Đông Nam Nghệ An và Năm Căn 590 điểm; Hòn La và Nam Phú Yên 540 điểm; và Định An 500 điểm.

Trên cơ sở điểm số các khu kinh tế, đề án xác định nhóm các khu kinh tế ven biển ưu tiên đầu tư tập trung trong giai đoạn từ 2013 gồm: (i) Chu Lai, Dung Quất; (ii) Đình Vũ - Cát Hải; (iii) Nghi Sơn; (iv) Vũng Áng; và (v) Phú Quốc.

Tuy nhiên, ngay khi ý tưởng này được công bố, hàng loạt tỉnh thành có khu kinh tế nhưng không thuộc nhóm trên đã nhất loạt phản đối.

Có lẽ, nếu không được bơm vốn từ ngân sách, nhiều tỉnh rõ ràng không biết nhìn vào đâu để giải bài toán vốn cho hạ tầng, trong khi hình ảnh khu kinh tế đã gắn chặt với tham vọng phát triển của họ.

Chuyện thứ ba: Sửa đổi chính sách về cấp phép đầu tư


Một nội dung cũng được lãnh đạo các tỉnh thành nhất loạt phản đối chính là việc mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất rằng cần có sự điều chỉnh trong việc phân cấp trong cấp phép đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện phân cấp đầu tư trong thời gian qua là “chưa phù hợp với tình hình thực tế”.

Đây chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các địa phương dễ dàng chấp nhận các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, sử dụng và khai thác tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng, không tính đến chất lượng, lợi ích quốc gia.

Chính vì vậy, trong một nỗ lực nhằm hạn chế những tác động xấu của phân cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng một dự thảo nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy thu hút FDI trong thời gian tới, trong đó đề xuất việc sẽ “chủ trì, tổng hợp trình Thủ tướng chấp thuận đầu tư đối với các dự án có vốn trên 100 triệu USD; dự án thực hiện trên địa bàn hai tỉnh trở lên; dự án sử dụng trên 5 ha đất đối với đất đô thị và trên 50 ha đối với đất khác và một số loại dự án khác”.

Sau bước này, các địa phương mới được cấp phép dự án, thay vì tự quyết định toàn bộ như lâu nay.

Tuy nhiên, ngay tại hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài và cũng là thời điểm đề xuất này được công bố, hàng loạt lãnh đạo tỉnh thành đã lên tiếng phản đối đề xuất này. Trong cách nhìn của nhiều người, “giải pháp” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực chất là chuyện phân chia lại quyền lực trong vấn đề cấp phép đầu tư, và việc này đã “đụng” trực tiếp đến quyền năng của các tỉnh thành.

Theo ghi nhận của VnEconomy, ít nhất lãnh đạo của Hải Phòng, Hà Nội, Tp.HCM và Quảng Nam đã lên tiếng phản đối đề xuất này ngay tại hội nghị, khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang dự.

Chưa rõ sau đó, nội dung này có được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ lại trong dự thảo nghị quyết trình lên Chính phủ hay không, tuy nhiên có thể thấy rằng nếu đề xuất này được giữ nguyên và được thông qua, chắc chắn lãnh đạo các tỉnh thành sẽ lại có... ý kiến.